THU TUYẾT (Melbourne)


LÊ THỊ THU TUYẾT
 
Bút danh: Thu Tuyết, Le Anh Tuyết
Ngày sinh: 20/05
Nơi sinh: Phú Yên
Hiện đang sống: Melbourne, Australia
Email: TuyetleMel@gmail.com- Điện thoại: +(61) 451467179
Facebook: https//www.facebook.com/lethutuyetmel
Website: http://thutuyet.com
 
Các tác phẩm Văn Xuôi của Thu Tuyết

1. MỘT NÉN NHANG CHO QUÁ KHỨ
2. THÁNG BA VÀ ĐOÀN NGUỜI DI TẢN
Trang thơ nhạc của tác giả Thu Tuyết
Quạnh Hiu
Cõi Mê
Hoàng Hôn

DƯỜNG NHƯ
Dường như anh ở đây
Bên góc nhà trưa vắng
Chích choè bay trong nắng
Cơn gió thoảng bên thềm
Dường như anh ở đây
Chùm hoa vàng hé nụ
Gợi chút hương ngày cũ
Em ngất ngây chơi vơi
Dường như anh ở đây
Mắt em mềm khép dại
Môi hé nở nụ cười
Không gian như ngừng lại
Dường như anh ở đây
Tiếng dương cầm thánh thót
Chiều tà Serenade
Em đắm chìm bình yên
Dường như anh ở đây
Hay chỉ là cơn mộng
Bên góc đời gió lộng
Dường như anh ở đây
ThuTuyet, 2017 (Thu Trắng 3)
NHỮNG CHIỀU KHÔNG CÓ ANH
 
Những chiều không có anh
Trời chợt mưa rồi nắng
Em nghe lòng đắng đắng
Nắng mưa có lỗi gì?
 
Những chiều thiếu vắng anh
Lối mòn sao trơ trọi
Cỏ gục đầu tạ tội
Bởi không làm em vui
 
Những chiều anh ở đâu?
Phía chân trời mây xám
Em nghe lòng u ám
Giòng sông cũng ngậm ngùi
 
Những chiều xưa có anh
Sợi nắng vàng hoá đá
Bởi lòng em rất lạ
Sợ tan vào hư vô
 
Xa xôi chiều đơn lẻ
Con chim nhạn lạc đường
Tìm hoài trong giá rét
Tự tình rớt đại dương
ThuTuyet
EM VÀ ĐÊM

Em thì thầm với đêm về bài ca dao mẹ hát từ thuở rất xa
Ầu ơ… tiếng mẹ ngọt buồn, thấm đẫm tình yêu, chắt chiu hạnh phúc
Mùi Ngọc Lan bên ngoài khung cửa len vào làm mê hoặc căn phòng mờ ánh sáng
Ngoài kia, con dế mèn đâu đó hát nỉ non

Câu hát nỉ non đưa em vào giấc ngủ hồn nhiên trong vòng tay mẹ
Và nụ cười là bình minh của mùa hạ ấu thơ
Em say giấc thiên thần nhíu đôi mày lưa thưa mượt mà như đám cỏ non uống giọt sương buổi sớm
Và đêm ôm em hôn lên đôi má loang lổ hồng mùi sữa mẹ

Mùi sữa mẹ theo đêm lặng trôi qua thời gian
Qua những góc ngõ của cuộc đời
Qua bến bờ hạnh phúc lẫn khổ đau để nuôi em khôn lớn
Em và đêm là hình với bóng
Cứ trôi đi…

Trôi đi nụ cười tinh khiết
Trôi đi giấc ngủ thiên thần
Trôi đi đôi má loang hồng mùi sữa
Và trôi đi bài ca dao…

Bài ca dao năm nào đã làm nên những câu thơ ngạt ngào hương sắc của quê hương
Của tuổi thơ dạt dào suối nguồn
Của tình yêu bất tận trong thế giới đục màu
Và của sự vươn lên thoát khỏi những tối đen

Tối đen không làm em khuất phục
Không đè bẹp ý chí và sự vươn lên
Sau tất cả
Em thoát khỏi đêm và tìm ra ánh sáng
Ánh sáng của đêm

ThuTuyet, 2019

NẮNG THU
Cái nắng Thu đẹp lạ kỳ sau những ngày mưa rả rích. Bầu trời sạch hơn, thả xuống một màu vàng nhạt trải lên muôn loài nơi trần thế làm say đắm lòng người.
Nó quyến rủ đến mê hồn bởi sắc úa dần của lá, héo hon theo ngày Thu rồi tàn tạ rụng về cội nguồn, để cho đời những tác phẩm vượt thời gian.

“Em không nghe rừng Thu. Lá thu kêu xào xạc. Con nai vàng ngơ ngác. Đạp trên lá vàng khô…” “Thu ơi về chi nới xứ lạ! Anh có còn nhớ chuyện ngày xưa? Mẹ có còn dáng thon thon nhỏ. Dắt tay tôi đi học dưới Thu mùa”

Hay nó quyện vào giai điệu ru hồn người bồng bềnh đến cõi Thu: “Em ra đi mùa thu. Mùa lá rơi ngập đường. Đếm là úa sầu lên. Bao giờ cho tôi quên…? “Ngoài hiên giọt mùa Thu thánh thoát rơi. Trời lắng u buồn mây hắt hiu ngừng trôi…” “Thu đi cho lá vàng bay. Là rơi cho đám cưới về. Ngày mai, người em nhỏ bé ngồi trong thuyền hoa tình duyên đành dứt…”

Và còn biết bao lời thơ tiếng nhạc được thoát thai từ Thu để rồi đọng lại trong Thu.

Hôm nay, nhìn nắng Thu, lòng tôi bồi hồi nhớ lại những mùa Thu đã đi qua đời tôi với bao hạnh phúc pha trộn xót xa. Mùa Thu với tôi là những nụ hồng được kết tinh từ trái đắng, nhưng đọng lại trong tôi là hương thơm toả ngát bầu trời nắng vàng trong vắt tinh khôi như bầu trời của tuổi thơ tôi ngày ấy.

Tôi muốn lang thang trong nó để quên đi những bộn bề cuộc sống, quên đi những đau thương gian đối mà loài người đã gieo rắc cho nhau, quên đi những sân si thù hận của kiếp người như quên một mảng đời tăm tối để còn lại ánh sáng phía cuối đường. Và tôi sẽ đứng đó với nụ cười viên mãn, cho dẫu chỉ là mơ, một giấc mơ tràn đầy hy vọng.
ThuTuyet, Thu 2022
CÕNG MÙA THU TRÊN LƯNG
Tôi cõng mùa thu trên lưng
Lá vàng rơi lối vắng
Hàng cây trơ, im lặng
Ngọn gió chiều ở đâu?

Tôi cõng trời thu nghiêng nắng đổ
Loang lổ bóng hoàng hôn
Về đây phai tóc nhuộm
Mắt thẫn thờ xa xăm 

Tôi cõng vạt nắng mềm, hắt bóng
Trải dài trên cỏ rêu
Đi hoài sao không tới
Chạm bóng tôi trong chiều

Tôi cõng chiếc lá rơi vàng úa 
Nhẹ tênh như khói mây
Không gian ngày xưa ấy… 
Cũng chiều thu êm đềm

Tôi cõng đời trên lưng
Qua bao mùa giông tố
Màu thời gian hoen ố 
Tôi cõng mình trên lưng

ThuTuyet, Thu 2022
HIU HẮT THU
 
Nghe những tàn phai khi thu đến
Con nắng phơi buồn trên lối xưa
Có người ngồi đếm thời gian bước
Trong cõi ngậm ngùi lúc tiễn đưa…
 
Lê gót chân trần trên lối cỏ
Ngập ngừng cúi xuống nhặt nắng rơi
Nhưng chiều đã tắt, tay chới với
Giọt nắng sau cùng cũng bốc hơi
 
Ngồi ôm bóng tối tìm quá khứ
Chớp nhoáng mười năm tóc bạc mau
Thu hỡi về chi trên xứ lạ!
Bâng khuâng gom lại chút tình nhàu
 
Thu hỡi về chi nơi xứ lạ!
Vẫn nắng buồn hiu lá vàng hoe
Vẫn đêm ngồi đếm mùa thu héo
Hiu hắt đời chiều, hiu hắt nhau
 
ThuTuyet
Melbourne – Một chớm thu, 3/ 2021
ĐỐI THOẠI VỚI DÒNG SÔNG 

Khi nói đến Dòng Sông, có lẽ trong chúng ta ai cũng đã từng được nghe hoặc đọc qua tác phẩm nổi tiếng “Câu Chuyện Dòng Sông” của Hermann Hesse, người được giải thưởng Nobel Văn học và giải Goethe năm 1946. Mai cũng không là ngoại lệ, cô đã gặm nhắm từng câu từng chữ và thả hồn theo dòng tư tưởng của tác giả. Cô như bị mê hoặc, bị dẫn dắt vào cõi thiền định, một cảm nhận sâu sắc và thú vị chưa từng có bao giờ.

Lúc còn là một cô gái hồn nhiên với cuộc đời, với tình yêu cho và nhận; Mai đã đọc nhưng chỉ đón nhận nó như cơn gió thoảng trưa hè, đem lại một chút dịu mát cho tâm hồn còn non nớt. Năm tháng trôi qua, Mai nếm trải đủ mùi vị: hạnh phúc, khổ đau, có lúc bế tắc và chìm sâu trong cô đơn. “Câu chuyện Dòng Sông” như một bóng mát giữa sa mạc mênh mông cho tâm hồn Mai trú ngụ để đợi chờ một đồng hành trong tư tưởng và trong yêu thương.

Thế rồi một Dòng Sông đã đến với cuộc đời Mai như một kết nối với “Câu Chuyện Dòng Sông” của ngày nào.

***
Đã bao mùa xuân đi qua bên Dòng Sông Maribyrnong với những buồn vui mà Mai đã trải lòng cùng nó. Mỗi sáng kéo rèm cửa ra, cô và Sông hân hoan đón ánh bình minh, ngắm đàn Hải âu là đà trên mặt nước. Hoàng hôn xuống, Mai lang thang dọc bờ Sông để ngắm mặt trời chui dần vào bóng tối và lắng nghe câu chuyện của nó. Tối đến, những đêm không ngủ, trong lặng lẽ, cô đã hàn huyên cùng Sông những trăn trở cuộc đời. Biết bao đêm như thế. Lâu dần Sông trở thành người bạn đồng hành tư tưởng mà cô hằng mong đợi.

Sáng nay Mai hỏi nó: “Sông nghĩ gì trong thời gian qua với bao biến cố xảy ra cho loài người như: dịch bệnh, thiên tai, chiến tranh… đặc biệt là nỗi khổ của người dân nghèo?”

Sông ngước nhìn bầu trời và nói: “Dịch bệnh ư? Từ đâu và vì đâu? Một nước đông dân nhất hành tinh đã sản sinh ra con Virus khuyết tật rồi che dấu nó, làm đảo điên thế giới, giết hàng triệu người dân, để lại hàng loạt mồ côi: mồ côi cha, mẹ, ông, bà, chồng, vợ…Hậu quả, làm điêu đứng nền kinh tế toàn cầu dẫn đến người lao động thất nghiệp, đời sống thiếu thốn, bệnh tật, đói nghèo, gia đình tan vỡ…

Chính trị gia của một nước hùng mạnh nhất thế giới thì tận dụng cơ hội này xem nó như một loại vũ khí hiện đại nhất để hãm hại đối thủ, tranh giành quyền lực, bất chấp những tang thương đổ xuống người dân vô tội. Nhóm quyền lợi vì lợi ích cá nhân cũng đồng tình gây nên tội ác.

Thiên tai đến từ đâu? Từ trời! Đúng rồi! Ông Trời là nơi loài người có thể nói bất cứ điều gì mà không sợ phản bác, chống đối hay thù hận. Lúc đắm chìm trong hạnh phúc mấy khi loài người nhớ đến Ông, nhưng luôn gọi tên Ông khi đau khổ tột cùng! Và bất cứ lúc nào cần, con người đem một thứ gì đó ra để thương lượng trao đổi với Ông. Khi tuổi xế chiều thì bằng mọi giá phải mua một mảnh đất trên miền cực lạc. Có cầu thì phải có cung, nên ngày càng có nhiều hơn những nhóm người mua bán bất động sản “vô hình, vô minh” nhằm đáp ứng nhu cầu người mua!

Loài người quên rằng; Thiên tai ngày càng dữ dội, một phần cũng do con người gây nên qua nạn phá rừng, diệt thú, phá hoại môi sinh… Lũ lụt ập về gieo rắc tang thương, dân lành đói khổ. “Lá lành đùm lá rách” cũng chỉ giúp trong lúc ngặt nghèo, làm sao xoá được cái nghèo triền miên đeo bám người dân chơn chất!”

Sông trầm ngâm một lúc rồi tiếp: “Quê hương Mai, sự phân hoá giàu nghèo ngày mỗi lớn hơn. Những từ đẹp nhất luôn được lập đi lập lại quanh năm để động viên họ, nhưng sau cùng chúng cũng chỉ là những danh từ! Đã từng một thời, người dân tự hào về những mảnh giấy khen, giấy chứng nhận thành tích… Nhưng “Vật chất có trước ý thức có sau” mà, nên dần dà mọi thứ dường như thay đổi. Một sự dung hoà giữa hai thái cực: Vật chất và ý thức phải tồn tại song hành. 
Mai hỏi tiếp: “Điều gì xảy ra khi tinh thần được định giá bằng vật chất ?”
Sông đáp: “Vật chất làm tăng năng suất cho tinh thần, là động lực cho sự phát triển của từng cá thể, của gia đình và sau cùng là xã hội.
Hermann Hesse đã từng viết: “Tất cả mọi hình dáng trong cuộc đời luôn biến đổi không ngừng, nhưng nó vẫn nằm trong một thực thể nhất định. Đó là sự sáng tạo và huỷ diệt: Trong sơ sinh có tiềm ẩn tuổi già, trong sự sống tiềm ẩn cái chết. Đó là hạnh phúc và khổ đau của luật vô thường; là sự biến hoá, tái sinh để tạo ra cái mới. Chỉ có thời gian là đứng giữa hai thái cực” (Wikipidea: Siddhartha).

Và hôm nay, cuộc chiến giữa Ukraine và Nga đang là một “tiếp sức” cho SARS-CoV-2 làm đảo điên loài người trên bình diện toàn cầu. Thế lực nào ở đằng sau cuộc chiến này? Bao lâu nữa sẽ kết thúc trả lại đời sống bình thường cho con người như trước nạn dịch CoV? Cuộc sống người dân ngày càng khó khăn, đặc biệt là giới nghèo điêu đứng hơn; bởi lạm phát, nhiên liệu thiếu hụt, vật giá leo thang… Mùa đông người dân xứ lạnh sẽ ra sao khi không đủ (và không có) nhiên liệu để sười ấm? Chiến tranh vẫn tiếp diễn… 

Vậy thì, Dịch bệnh, thiên tai, chiến tranh, đói nghèo… và gần hơn là tính cách tốt, xấu của từng con người trong mỗi dân tộc; tất cả nằm trong qui luật sáng tạo và huỷ diệt của luật vô thường. Rồi sẽ thay đổi thôi. Mai tin vậy, nhưng lòng cô rất bất an khi mỗi ngày nghe, nhìn và đọc những tin tức tiêu cực hơn cho tình hình kinh tế thế giới nói chung.  

Từ Thế chiến thứ nhất (1914-1918), Thế chiến thứ hai (1939-1945), Đại dịch cúm Tây Ban Nha (1918), những cuộc chiến giữa các quốc gia và rất nhiều dịch bệnh thiên tai khác nữa, đã cướp đi bao nhiêu sinh mạng; nhưng có vẻ như chưa có loại dịch bệnh nào tinh vi, làm cho loài người đảo điên như SARS-CoV-2 hôm nay. Có phải luật biến hoá của vô thường ngày một tăng độ nguy hiểm, tang thương hơn và thiệt hại nhiều hơn. Giá như Hermann Hesse sống lại và viết tiếp Câu Chuyện Dòng Sông 2 thì Mai đã có câu trả lời cho những biến cố này.

Mai buồn bã hỏi Dòng Sông: “Nếu như loài người được giáo dục kỹ và tuân thủ nghiêm ngặt những lý thuyết của tôn giáo, những học thuyết, tư tưởng, kiến thức uyên thâm… thì thế giới này có bình yên?”

Sông đăm chiêu một lúc rồi trả lời: “Qua nhân vật Siddhartha (được dịch là Tất Đạt) trong “Câu Chuyện Dòng Sông”, Herman Hesse đã nhắn nhủ đến chúng ta rằng: Tất cả những giáo lý, tư tưởng, kiến thức uyên thâm… cũng chỉ là những danh từ. Bởi sẽ không ai có thể truyền đạt được những điều bí ẩn bằng ngôn ngữ mà phải qua sự nếm trải từ kinh nghiệm của bản thân”.

Mai hỏi tiếp: “Có nghĩa hãy cứ để loài người nếm trải những điều tồi tệ nhất; gặm nhắm những nỗi đau từ mất mát và tổn thương cho đến khi có đủ những trải nghiệm thì thế giới sẽ sống trong yên bình?”

Sông sôi nổi: “Có những ngày Sông phải hứng chịu những cơn mưa như thác đổ, rồi những ngày cuồn cuộn gió giông và cũng có những ngày mưa lăn tăn từng hạt nhỏ hay những ngày nắng chảy bốc hơi… Cứ thế trải qua hàng nghìn năm nên nó không còn là những cơn cuồng nộ của thiên nhiên mà là sự sáng tạo cho đời Sông phong phú. Cũng từ đó Sông thấy được cái hay và cần thiết trong mỗi biến cố, nên Sông yêu thương tất cả; từ những cơn giận dữ của thiên nhiên đến những chiều tà yên ả với vũ điệu của bầy thiên nga đã làm nên sắc màu cho cuộc sống. An bình là đây, nó đến từ sâu thẳm của tâm hồn và khát khao yêu thương”.

Ngừng một chút, Sông tiếp lời: “Vì thế giới là những mắt xích được gắn liền nhau bởi luật vô thường như sự sống và cái chết, sinh thành và huỷ diệt; nên mọi điều trong cuộc sống luôn là phiến diện, không hoàn hảo. Trong một con người không thể chỉ tồn tại thánh thiện hoặc tội lỗi, mà là một sự kết hợp cả hai”

Bao nhiêu hình ảnh méo tròn, bao nhiêu khuôn mặt người trắng đen thật giả lướt qua tâm trí Mai, với những buồn vui hờn trách cùng những tổn thương đau đớn mà họ vô tình hay cố ý đã gây ra cho Mai. Tất cả nằm trong phạm trù phiến diện mà chúng ta là những hình hài luôn đi giữa hai vùng tốt xấu, trắng đen, thánh thiện tội lỗi; để đấu tranh vươn tới cái tận cùng của miền an lạc.

“Đúng vậy”, Mai nhận ra rằng: “Chúng ta không nên kỳ vọng vào tính tuyệt đối của bất cứ sự vật nào trong vũ trụ. Vậy sao ta không yêu thương để nâng tâm hồn lên, ngay cả sự điên dại của thế giới này. Từng ngày như thế, chúng ta sẽ đạt được cái tiệm cận của sự hoàn hảo”.

Một cơn gió đi qua, mặt Sông lăn tăn chút sóng gợn. Năm mới đã gần kề, đang ngấp nghé ngoài hiên chờ tiếng pháo giao thừa với những bông hoa rực rỡ trên nền trời đêm. Mai quay về góc nhỏ của tâm hồn, nhìn Sông, thầm nói: “Cám ơn Sông, người bạn tuyệt vời đã dạy cho Mai biết lắng nghe với tâm tĩnh lặng, mở rộng lòng để vị tha. Dạy Mai sống thật đẹp cho hôm nay vì nó chính là quá khứ của ngày mai, là bức tranh phong phú sắc màu của con đường phía trước”.

Cám ơn Dòng Sông và câu chuyện đẹp của ngày cuối năm!

Thu Tuyết
Melbourne, Xuân 2022
HÃY NÓI LỜI YÊU THƯƠNG NGAY KHI CÓ THỂ
Chưa bao giờ tôi thấy thời gian vội vã trôi hơn lúc này, và cũng chưa bao giờ tôi sợ những lời yêu
thương chưa kịp nói để lại những tiếc nuối khôn nguôi. Có phải vì mỗi ngày đi qua khi chung
quanh bạn bè người thân lần lượt ra đi, ta lại thấy cuộc đời ngắn lại. Facebook hầu như ngày nào
cũng có tin buồn. Nếu không là những mảnh đời bất hạnh thì cũng là những người mang căn bệnh
không chữa được đang chờ ngày từ giã cõi đời.
Tôi đã từng nghe lời tâm sự của một người bạn. Anh yêu Mẹ vô cùng, nhất là những ngày sau
cuối bà nằm trên giường bệnh. Anh muốn nói một lần thôi, rằng: “Con yêu Mẹ lắm”, nhưng đã
không làm được! Bởi anh không thể vượt qua tính cách không quen thể hiện tình cảm bằng ngôn
ngữ, để rồi ân hận theo suốt cuộc đời anh.
Lời tâm sự thứ hai: Một người đàn ông nói với tôi rằng, sau tất cả, cho đến hôm nay anh vẫn còn
yêu người ấy, một tình yêu thuần khiết trong thế giới đục màu. Nhưng anh đã để cô ấy vụt khỏi
tầm tay, đã mất một cơ hội hạnh phúc chỉ vì không dám ngỏ lời yêu thương.
Ngày còn là sinh viên, hai tâm hồn trẻ yêu nhau thắm thiết. Họ đã gắn bó với nhau qua 4 năm đại
học, đã chia sẻ với nhau niềm vui nỗi buồn… Nhưng văn hoá Á đông, thường là người đàn ông
chủ động tỏ tình. Anh như con nai “nhút nhát” trước một tình yêu quá lớn nên cứ lặng lẽ âm thầm
bên cuộc đời người ấy. Cho đến một ngày khi chuẩn bị từ biệt giảng đường thì cũng là lúc cô ấy
sắp sang ngang!
Tâm sự buồn thứ ba: Sống với nhau hơn 30 năm, nhưng chị nghĩ không có tình yêu với chồng,
đơn giản họ cưới nhau vì một lý do khác. Mặc dầu vậy, anh yêu chị biết bao, luôn bên cạnh đời
chị, chăm sóc, chia sẻ buồn vui. Trải qua bao sóng gió, từ lúc nào chị đã yêu anh, một tình yêu
sâu đậm. Nhiều lần chị muốn nói lời yêu thương, nhưng cứ chờ cơ hội. Cho đến một ngày, căn
bệnh nan y ập xuống đời anh. Chị âm thầm đau đớn và âm thầm chịu đựng sự dày vò, nhưng vẫn
không thoát khỏi thói quen nén tình yêu ấy trong trái tim. Khi nắm đất cuối cùng lấp lại, chị gục
xuống bên mô đất còn tươi và trong tận cùng nỗi đau chị thổn thức: “Em yêu anh”. Tất cả muộn
màng! Anh đã rời xa mà chưa một lần được nghe chị nói điều này!
Tôi có những người thân, những mối quan hệ trong gia đình nhỏ. Ngoài con cái là những anh chị
sui của tôi. Tôi yêu quí họ vô cùng, bởi họ đã chăm sóc cháu tôi, đã cho tôi dâu hiền và rể quí.
Chưa bao giờ họ phiền trách cho dẫu đôi lúc bận rộn tôi quên cả lễ nghi như một qui luật đã được
định hình. Họ cho tôi cảm giác ấm áp. Trong tôi luôn lưu giữ những hình ảnh đẹp của nhau. Vậy
mà tôi cũng chưa một lần nói, rằng tôi yêu quí họ lắm!
Những ngày sau cuối của Mẹ tôi trong Viện Dưỡng Lão rất buồn! Tôi vẫn đến thăm Bà ngay khi
có thể nhưng tôi cũng chưa bao giờ nói với Bà lời yêu thương. Bởi tôi là một phụ nữ thuần chất Á
Đông, thường nén nỗi lòng vào trong. Bây giờ mỗi khi đốt nén nhang, nhìn vào tấm hình trên bàn
thờ, tôi thì thầm: “Con nhớ Mẹ lắm”. Không biết Bà có nghe? Giá như ngày ấy tôi làm được điều
này!
Còn biết bao câu chuyện lòng được giữ kín. Biết bao cơ hội bị bỏ lỡ vì không kịp nói được lời
yêu thương để rồi ray rức khôn nguôi. Chúng ta có muôn vàn lý do để nguỵ biện, rằng: “Hành
động cũng nói lên tình yêu”. Điều ấy không sai, nhưng lời nói xuất phát từ trái tim, từ tấm chân
tình sẽ êm ái biết bao!
 
Chúng ta rất yêu người thân, quí bạn bè và còn hơn thế nữa, nhưng thường chúng ta chỉ thể hiện
bằng hành động. Điều này rất đúng. Tuy nhiên, nếu như: “Lời nói đi đôi với việc làm” thì còn gì
quí giá hơn. Vậy sao ta không nói lời yêu thương ngay khi có thể?
Melbourne, 25/9/2020
Thu Tuyết
CHIẾC HỘP NHỎ VÀ BÀI HỌC NGÀN VÀNG


Một chiếc xe chạy qua để lại tiếng ồn trong không gian, xa dần rồi mất hút trả lại sự yên bình cho con đường, hàng cây, và sóng nước… Nhưng một lời vu khống hay kết án oan một người ngay lành để lại hậu quả khôn lường.

Biết bao câu chuyện oan khiên trong cuộc đời. Vụ án Nguyễn Đức Đô, họ giết em rồi đem xác treo lên cây Keo tạo hiện trường giả rằng em tự tử. Hồ Duy Hải vẫn chốn lao tù với án lệnh tử hình kéo dài từ 2008 đến hôm nay! Có những vụ án xử oan, “phạm nhân” phải sống trong ngục tù cho đến ngày được tự do thì đã cuối đời mang theo tàn phế với chút tiền gọi là bồi thường danh dự (Vụ án oan Huỳnh Văn Nén -17 năm tù. Nguyễn Thanh Chấn -12 năm tù và Hàn Đức Long – 11 năm tù). Điều đáng sợ nhất, một hình thức giết người gián tiếp cho cá nhân và gia đình nạn nhân, là chịu đựng điều tiếng thị phi của tha nhân.

Bên cạnh những vụ án oan giết chết những cuộc đời còn có những loại NGỢM lang thang đây đó, túm tụm bầy đàn gieo rắc khổ đau cho người lành đang bình yên với cuộc sống. Chúng chế biến những tin đồn hôi hám về những đối tượng mà chúng đố kỵ ghét ghen nhằm vùi dập uy tín của họ để chúng làm cái rốn của vũ trụ.

Chúng phô trương ầm ĩ những danh ảo được tạo ra, sơn phết thành những sản phẩm có cái vỏ sắc màu; triển lãm trên sân khấu về đêm dưới ánh đèn màu nhấp nháy và sự đồng loã của bóng đêm. “Thùng rỗng kêu to” mà!

Tôi nhớ chuyện một con ễnh ương nằm bên bờ sông Maribyrnong, ngày đêm la hét. Một khách qua đường dừng lại hỏi: “Sao chú mày la to thế, phá tan sự yên bình của một không gian đang đẹp thế kia?”. Ễnh ương trả lời: “Thượng đế cho tui một thân hình quá nhỏ, mà phải tồn tại trong môi trường quá lớn, nếu tui im lặng thì ai biết đến! Vì vậy để bù lại, Ngài nặn cho tui một cái mồm thật to và bộ phận phát thanh vĩ đại, tạm gọi là TO MỒM, mới lôi kéo được sự chú ý của chung quanh cũng như dễ dàng vu khống bôi nhọ thiên hạ. Tui thích đem những cái xấu tui đã làm chụp lên đầu người ngay lành. Có vậy mới “nổi danh” được chứ!”

Khách qua đường kể cho chú ễnh ương nghe câu chuyện cổ tích: “Bài học ngàn vàng”* được tóm tắt như sau:

Ngày xưa, tại nước Nhục Chi (ở vùng Tân Cương thuộc Trung Á), trong một buổi chợ phiên; có một ông lão bày bán một cái hộp nhỏ với giá 1000 lượng vàng, không ai mua nổi. Nhân lúc vua Đột Quyết cùng đám tuỳ tùng đi qua thấy lạ, Vua ghé vào và mua nó. Sau đó đem về triều đình cùng với quan Đề Đốc Thanh Phong, một vị quan thân cận, mở ra. Bên trong chỉ vỏn vẹn một tờ giấy nhỏ với giòng chữ rất đẹp: “Làm việc gì, trước hết phải xét kỹ đến hậu quả của nó”. Nhà vua tức quá nghĩ mình bị lừa, nên sai vị quan ấy đem lính truy tìm lão già kia về xử trảm.

Đi tìm mãi nhưng lão già vẫn biệt vô âm tín nên vị quan ấy quay về và ông bị kết án tử hình với tội danh “phản nghịch” .

Sau khi nghe tin cha bị giết, người con trai là Thạnh Bảo (một viên tướng trẻ tuổi tài cao, đang trấn giữ biên thuỳ) uất ức; đem binh lính về hỏi nhà Vua cho ra lẽ. Trên đường về bị quân địch lợi dụng xúi giục, nên người con đánh chiếm ngai Vàng. Nhà Vua trốn thoát. Cuộc chiến này giết chết rất nhiều binh sĩ và dân lành.

Không lâu sau, Tướng Hoàng Cái khôi phục lại ngôi vua. Thành Bảo bị đem ra xử trảm. Trước khi hạ đao, nhà Vua nhớ câu nói trong chiếc hộp nên lệnh cho đao phủ dừng lại và tha kẻ “phản nghịch”, rồi phục chức cho người thanh niên này. Anh trở thành một vị tướng tài giúp Vua giữ gìn đất nước bình yên, dân lành no ấm.

Sau đó, Vua cho viết câu “thần chú” ấy dán khắp nơi trên các vật dụng: Từ phòng ngủ, bên giường Vua cho đến các nơi làm việc và phổ biến ngoài dân chúng. Mục đích giáo dục mọi người phải nghĩ đến hậu quả trước khi làm bất cứ điều gì.

Một hôm, Vua bệnh nặng, Quan ngự y Thái Hoà chữa bệnh cho Vua. Ông ta bị kẻ thù mua chuộc, bỏ thuốc độc để hạ sát Vua. Trong lúc đưa cái khay đựng chén thuốc có độc tố cho Vua uống, thì tay ông run lên vì thấy câu “thần chú” ấy được chạm trên khay và trên thành bát thuốc. Ông giữ chén thuốc lại, thú nhận với Vua tất cả và xin được tha mạng.
***
Với người cầm cán cân công lý, kết án nhầm là kết liễu một cuộc đời cùng những hậu quả thương tâm. Với kẻ có tâm địa gian ác tiểu nhân, cứ “TO MỒM” như con ễnh ương, bịa đặt vu khống chụp mũ hãm hại người lành; họ phải đối mặt với luật pháp, với lương tâm và xa hơn là luật nhân quả!

Câu chuyện đơn giản nhưng nhắc chúng ta: “Làm việc gì, trước hết phải xét kỹ hậu quả của nó”!
ThuTuyet – Một ngày đông bị cách ly, 2021
TIỄN MỘT LINH HỒN TRONG ĐÊM XUÂN
(Xin một lời nguyện cầu cho linh hồn người bạn trẻ vừa ra đi)
Chiều xuống, bước chân tôi nặng nề như từ vũng tối trở về. Một người thân quen đã ra đi tối qua, chỉ
trong chớp nhoáng. Một sự ra đi đột ngột như một giấc chiêm bao bỏ lại người vợ trẻ với ba đứa con thơ
bơ vơ, tương lai nặng trĩu! Và bây giờ tôi như còn đang trong cơn mê ngủ.
Hụt hẫng này làm tôi liên tưởng đến hàng triệu người đã ra đi vì Covid, trong số đó có bao nhiêu đứa trẻ
mồ côi, bao nhiêu người vợ, người chồng còn lại đơn côi; và bao nhiêu cụ ông cụ bà cô đơn trong tuổi xế
chiều? Giòng đời vẫn cứ trôi, không dừng lại đợi ai và ta vẫn phải tiếp bước cho dẫu có đi trong xiêu vẹo.
Sự xiêu vẹo ngã nghiêng ấy là một cách để rèn luyện tinh thần và ý chí, bởi không ai sống thay cho cuộc
đời mình!
Nỗi niềm chiều nay nhắc tôi nhớ đến sự vô thường của cuộc sống. Nhắc tôi trở về với hiện tại như một
thiền định. Quá khứ đã qua, tương lai chưa tới. Sao ta cứ mãi tìm kiếm cái gì đó xa xôi và hoài niệm về
một quá khứ đã rêu phong khi nghe ngọn gió thu mang hơi hướm của nỗi sầu hay một bản nhạc tình buồn
của thời mới lớn!
Có biết bao điều chung quanh đang cần ta, một lời an ủi cho người đang đau khổ, một chia sẻ mất mát của
ai đó, một động viên cho người cần củng cố niềm tin và ngay cả một lời nguyện cầu. Tôi không phải một
nữ tu sĩ để nhân ái với cuộc đời, nhưng tôi cố nhìn đời bằng những nhân ái chung quanh để biết mình vẫn
còn phần Người đang ẩn sâu trong nội tại, và để có thể đi qua những gian dối rất đời một cách nhẹ nhàng
như cuộc dạo chơi bên bờ sông Maribyrnong vào một chiều mùa hạ.
Nắng chiều nay thả xuống bãi cỏ những giọt thật buồn như những giọt sầu đang nặng trĩu tâm hồn tôi. Đôi
mắt người thiếu phụ trẻ thất thần xa xăm trong cõi nào đó… ôm con hờ hững ám ảnh tôi! Đứa trẻ ngơ
ngác nhìn quanh như cố hiểu sự khác thường mà cuộc đời đã ném vào nó. Căn nhà như còn giữ lại chút
hơi ấm hạnh phúc của chiều qua để sưởi cái lạnh giá cô liêu trong lòng người thiếu phụ.
Nàng thì thầm: “Anh hứa tuần này sẽ đưa con lên đỉnh Dadenong để ngắm mùa xuân nơi phố thị, ngắm
bình minh với những tia nắng tinh khiết không vướng mùi nhân gian và níu giữ hoàng hôn để còn vạt
nắng vàng cho con nô đùa đuổi bóng lúc chiều tan. Anh hứa, hạ về sẽ cùng nhau đón gió ngàn đại dương
trên bờ biển St Kilda để tránh cái oi nồng gay gắt của một Melbourne khắc nghiệt. Và mùa thu sau, anh
hứa sẽ đưa mẹ con em đi trên con đường ngập lá vàng khô cho con đuổi bắt những con bướm màu rực rỡ
của Thu. Đông về, trong căn nhà rực hồng ngọn lửa, anh hứa sẽ cùng em nuôi dạy những nụ tình yêu còn
mong manh chưa đủ cứng để hội nhập môi trường gió bụi.
Vậy mà…! Anh đã quên!”
Nàng tiếp tục thì thầm: “Anh hứa sẽ đưa mẹ con em về lại quê hương thăm cánh đồng chè còn lá non
chưa tới vụ mùa thu hoạch. Hình ảnh Mẹ già lom khom bên bờ dậu mỗi chiều ngóng đứa con trai ra đi
biền biệt mà lâu rồi chỉ một lần về thăm. Anh hẹn Mẹ già tết nay sẽ về khi đã có Vaccine ngăn ngừa dịch
bệnh. Anh đã mua chiếc khăn quàng mùa đông cho Mẹ khi trời Bảo Lộc chớm Thu.
Vậy mà …! Anh đã quên!
Anh hẹn chúng ta sẽ quay lại khu trường Tasmania ẩn mình bên dãy núi xanh lam vào mùa giá rét thăm
giảng đường chiều xuống, nơi một thời có bước chân tình yêu đi qua và những con đường vàng lá thu
ngập gót chân em. Đông về xám ngắt khi mặt trời dần khuất đằng tây, chúng ta đã sưởi ấm nhau qua
những tháng ngày viễn xứ. Nơi ấy tình yêu lớn dần và kết thúc bằng một đám cưới hân hoan để bắt đầu
một chặng đường mới với ba nụ tình yêu xinh xắn.
Vậy mà…! Anh đã bỏ lại phía sau tất cả, bỏ tình yêu của em, bỏ những nụ hồng còn non trước gió…
Một con bướm (có phải linh hồn anh?) sà xuống cành cây ngập hoa trắng tím mà anh đã trồng, tượng
trưng cho tình yêu của chúng ta. Màu trắng là sự tinh khiết của tình yêu, nhưng màu tím là điềm báo trước
 
sự chia ly? Chia ly mùa xuân!
Vậy mà anh đã ra đi. Anh ra đi vào xuân khi hoa trắng tím ngập sân nhà. Con bướm nâu vẫn quẩn quanh
bên cửa sổ như linh hồn anh chưa muốn rời xa mẹ con em. Mới hôm qua thôi căn nhà còn rộn rã tiếng
cười tràn đầy hạnh phúc. Mới hôm qua thôi anh còn là nơi nương náu cho mẹ con em, là bến bờ bình yên
cho em và cho những nụ hồng của chúng ta; và cũng mới hôm qua thôi… anh đã vĩnh viễn rời xa em, rời
xa căn nhà với khu vườn đang vào xuân ngập hoa trắng tím.
Vĩnh biệt anh, nơi bắt đầu một tình yêu và cũng là nơi kết thúc một đoạn đường êm ái, ngọt bùi. Còn lại
em với những nụ hồng giữa đêm xuân lạnh của một Melbourne đã từng có anh!”
Tiếng reo của chiếc điện thoại vang lên đưa người thiếu phụ trẻ quay về với không gian hiện hữu bộn bề
công việc cho lễ mai táng. Bệnh viện trả thân xác anh cho nhà quàng và dàn hoả thiêu đang đợi… “Trong
sâu thẳm tâm hồn và trái tim em, anh vẫn còn đó, tiếp sức cho em dắt dìu những nụ tình yêu của chúng ta
đi qua cuộc trần này.
Cám ơn anh, người chồng tận tuỵ và người bố tuyệt vời của con em”.
Tôi thẫn thờ nặng bước trên lối nhỏ ven sông trong cái lạnh sót lại của mùa đông Melbourne để nghe tim
mình nhức buốt, để thấy phù du đi qua bốn mùa và để tiễn đưa một linh hồn đã ra đi vào một đêm Xuân,
một đêm xuân có hoa trắng tím ngập sân nhà người thiếu phụ trẻ với vành khăn tang!
Thu Tuyết
Melbourne, 29/9/2020
THÁNG BA VÀ ĐOÀN NGƯỜI DI TẢN- Thu Tuyết

 
Quá khứ là một phần không thể tách rời của Tôi hôm nay. Chúng nằm sâu trong ký ức, ở đó có những ngày của tháng ba xa lắc, nhưng nó hiện lên mỗi khi tháng ba về. Và cũng một ngày của tháng ba sau đó là sự ra đi đột ngột kinh hoàng của ba tôi. Tất cả như một cuốn film đã được dấu kỹ dưới lớp bụi thời gian. Hôm nay, tháng ba về, tôi phủi lớp bụi dày để ôn lại ký ức bằng một cái nhìn mới sau 46 năm trôi qua.
 
Gia đình tôi dọn về quê trước ngày 30/4/1975 vài tháng. Có lẽ như biết trước điều gì, ba tôi quyết định vậy. Tôi về sau, với suy nghĩ nghỉ cuối tuần rồi quay lại trường, nhưng không, tưởng chừng như một thế kỷ! Ngày trở lại, tất cả đều mới, chỉ có không gian và bạn bè là cũ nhưng thiếu vắng những người bạn sôi nổi của tôi. Họ đi về đâu nào ai biết? Chỉ có hàng cây trong sân trường cúi đầu buồn bã nhìn tôi như muốn nói điều gì từ những người bạn đột ngột rời bỏ chúng tôi, bỏ lại phía sau những tháng ngày hồn nhiên tin yêu và hy vọng.
 
Tôi về với gia đình và bị dính vào một cuộc tương tàn sau cuối của dân tộc. Những nét mặt tương phản nhau của dân làng, người thảng thốt trong âu lo, kẻ hân hoan chào đón một cuộc đời mới. Sau này tôi mới hiểu, kẻ chiến thắng ngập hồn trong hạnh phúc, người chiến bại thấp thỏm trong khổ đau.
 
Tiếng súng vẫn nổ râm ran đâu đó, nhưng lòng người dường như vỡ nát, vỡ nát trong xót xa và cũng lòng người vỡ oà trong hạnh phúc! Qui luật của cuộc sống mà, nó luôn tồn tại hai mặt đối lập. Tôi hoang mang bởi chung quanh tôi là những mâu thuẫn: Rộn ràng trong giả dối và rộn ràng trong niềm vui. Những khuôn mặt đầy sắc màu được nguỵ trang thật khéo. Làm sao một cô gái chớm tuổi trăng tròn còn hồn nhiên với những câu chuyện tuổi học trò có thể hiểu được những nhiễu nhương của cuộc đời!
 
Ba tôi dọn dẹp lại căn phòng thờ, thay đổi nhiều thứ. Tôi còn ngơ ngác thì ông trả lời, con chưa hiểu đâu! Tôi lặng lẽ thu về một góc nhỏ để suy tư. Rồi cũng phải hoà mình vào cuộc sống mới. Gia đình tôi có hai người anh là lính của VNCH. Chỉ có một anh về nhà vào một đêm tối, còn người anh kia thì biệt tin. Chị tôi khóc đến khô nước mắt!
 
Vài ngày sau đó, họ mời anh tôi đến một cuộc họp và nói sáng đi chiều về thôi. Nhưng đó là chuyến đi dài ngày lên rừng thiêng nước độc, nhiều lần tưởng vĩnh viễn gởi thân xác lại khu Kỳ Lộ, nơi được gọi là “Trại cải tạo học tập cho nguỵ quân nguỵ quyền”. Nhưng rồi Thần chết chưa mở cửa nên sau những tháng năm “cải tạo” anh về lại nhà trong thân xác héo hon với một cuộc sống nửa Người nửa Ngợm.
 
Tôi còn nhớ rõ cái ngày chị dâu và tôi tiễn anh “đi họp” một đoạn đường, tôi nhìn những giọt nước mắt của chị khi chia tay anh như báo trước điều gì, rồi anh biền biệt. Một sáng nọ, mẹ tôi hay tin hàng loạt người trong đoàn tham gia “cuộc họp” đó bị bắn ở Sơn Thành (một địa danh miền núi của tỉnh Phú Yên). Bà tức tốc trong hoảng hốt đón xe đến chỗ ấy để tìm xác anh. Đến nơi, một cảnh tượng hãi hùng trước mặt. Hàng loạt xác người nằm la liệt không sao đếm xuể, đã bắt đầu bốc mùi dưới cái nắng chói chang của một vùng hoang sơ rừng núi.
 
Trong tuyệt vọng, bà đi lật từng cái xác người để tìm con, chỉ có người Mẹ mới đủ can đảm làm điều này! Thời gian trôi qua thật nhanh mà xác con chưa thấy. Bà vẫn tiếp tục việc làm mà chỉ có trong film, một việc không tưởng. Trong đau đớn bà lâm râm cầu nguyện với một chút hy vọng mong manh. Đến cái xác cuối cùng vẫn chưa tìm được con. Lúc bấy giờ bà mới bật khóc. Khóc vì mừng là con đã thoát khỏi chỗ này, nhưng còn chỗ khác nữa. Nó ở đâu? Thế mới biết hạnh phúc và khổ đau có chung một người bạn, đó là nước mắt.
 
Bà thẫn thờ quay về. Sau đó là những ngày chờ đợi. Nó dài lê thê trong sự im lặng đến tê người!
 
Anh chị tôi từ xa cũng quay về ngôi làng mà cho đến bây giờ tôi vẫn cho là nơi đẹp nhất. Bởi ở đó, tuổi thơ tôi đã từng một thời được tắm gội trong yêu thương với ông bà, cô bác và họ hàng… Bây giờ hoàn toàn thay đổi. Những cuộc họp tổ dân phố để đấu tố nhau, những tiếng kẻng đánh thức người dân ra đồng làm việc, những khẩu hiệu mới, cách sinh hoạt mới. Với tôi, tất cả đều lạ lẫm.
 
Trường học vẫn chưa mở cửa, nên tôi phải ở lại và sinh hoạt với thanh niên địa phương. Hầu như đêm nào cũng phải đến 10 giờ mới về tới nhà. Mỗi buổi chiều, nếu có chút thời gian rảnh, tôi thường chở người bạn đi dọc theo đường quốc lộ 1 một đoạn không xa, chỉ muốn nguôi ngoai nỗi buồn và vì tò mò muốn biết chuyện gì đang xảy ra chung quanh. Tại sao Mẹ và chị tôi cứ khóc mỗi khi họp tổ dân phố về. Nhờ vậy, tôi chứng kiến bao cảnh tượng thật lạ kỳ.
 
Tôi thấy đoàn xe dài không dứt đủ các loại chở người di tản từ miền Trung vào Nam, và từ các tỉnh thuộc Cao Nguyên Trung Phần Việt Nam (Kon Tum, Dak Lak, Gia Lai…) đổ dồn về theo tỉnh lộ 7 (bây giờ là quốc lộ 25). Họ bị chặn lại, phụ nữ trẻ con lục đục xuống xe, trên gương mặt đầy nỗi sợ hãi và hoảng loạn. Sau khi được khám xét, những ai không bị nghi ngờ thì cho lên xe, nhưng của cải quí giá thì phải bỏ lại cho nhóm người địa phương sung vào cái quĩ gọi là “Chiến lợi phẩm”. Còn những ai bị cho là “nguỵ quân nguỵ quyền”, tức là những người thua cuộc, bị bắt cởi hết áo quần chỉ được mặc cái “quần đùi” duy nhất trên người, hai tay bị trói phía sau. Rồi họ “được lùa” đi bởi một số người, có thể là cán bộ trong làng, mỗi người cầm theo một cái cây. Bỗng nhiên tôi liên tưởng đến một đàn bò được lùa về chuồng khi trời tối! Còn đi đâu và làm gì, tôi nghĩ, chỉ những người cầm cái cây đó là biết rõ!
 
Cứ thế mỗi ngày “Chiến lợi phẩm” của họ mỗi đầy lên, đặc biệt là những thùng vàng kim cương và những đồ trang sức quí giá khác được đưa vào quĩ “Chiến lợi phẩm đặc biệt” mà chỉ có những “cán bộ nòng cốt” và những người trong cuộc “quản lý” nó. Sau này, nhóm lợi ích đó giàu lên, ngược lại những người biết chuyện và chống đối bị trù dập hoặc bị thủ tiêu.
 
Đấy là trên bờ, còn dưới các con kênh lớn chạy dọc theo tỉnh lộ 7, nhìn từ xa đầy dẫy những khúc cây như cây chuối trôi lềnh bềnh. Đến những đoạn con kênh chui qua đường lộ bằng những cái ống dẫn nước thì những vật ấy bị chặn lại, ngổn ngang… Tôi tò mò đến gần, thật hãi hùng! Đấy là những xác người đã sình to cùng với mùi hôi bốc lên. Tôi thảng thốt rồi thờ thẫn! Họ là ai? Người thân họ đang ở đâu trong lúc hỗn loạn này? Tôi không cần biết họ là Cộng sản hay Quốc gia, tôi chỉ biết họ là con Người, giống như chúng ta, họ cũng có gia đình người yêu… Và tôi đã khóc!
 
Trời tối dần, nhìn những cái xác cô đơn, lòng đau đớn, tôi rời đi! Sau đó tôi nghe những câu chuyện kể rằng: Trên đường xác trôi, dân làng hai bên lội xuống lấy nhẫn, dây chuyền, ngay cả những cái răng vàng… lấy tất cả những vật giá trị còn trong xác nạn nhân. Nhẫn thì phải dùng kềm cắt ra vì ngón tay đã phù lên! Ôi! Có thể đây là chiếc nhẫn đính hôn của một anh lính trẻ mang theo tình yêu nồng cháy của người vợ hiền đang chờ ngày sum họp, cũng có thể là chiếc nhẫn gói ghém tình nghĩa vợ chồng mà họ không muốn rời xa ngay cả khi một mình cô đơn trong lạnh lẽo!
 
Ở cái tuổi rất đẹp của cuộc đời với bao hoài bão và ước mơ, tất cả bị tan biến trong tôi bởi những cảnh tượng này. Tôi thấy cuộc đời như bọt nước và mang nỗi ám ảnh khôn nguôi! Rồi tôi vẫn phải quay lại cuộc sống đời thường với những vết thương lòng sau đó. Nhưng tôi phải bước cho dẫu đó là những bước chân nặng nề lê thê…
 
Vài tháng sau tôi trở lại trường học. Bài học đầu tiên chúng tôi được dạy: “Lao động là vinh quang”. Và nơi đầu tiên chúng tôi đến để thực hành lý thuyết ấy là Qui Hoà, một vùng đất khô cằn sỏi đá nằm bên triền núi, tôi nhớ loáng thoáng như vậy! Chúng tôi biết cuốc đất…, biết nghe và chịu đựng “phê bình rồi tự phê bình”, vì khi có ai đó đố kỵ cá nhân thì đây là cơ hội họ tưới tẩm chất độc vào đối thủ! Bài học thật hay bởi sau này tôi thấy nó dọc theo suốt chiều dài cuộc sống ở khắp mọi lúc mọi nơi!
 
Bên ngoài mặt trời rớt sớm. Cái lạnh đầu thu tràn về. Tôi lặng lẽ bên chiều hồi tưởng về quá khứ, về những ngày của tháng ba mà nghe lòng trĩu nặng. Cũng tháng ba năm trước tôi chuẩn bị về lại quê hương thăm mộ ba tôi, nhưng bắt đầu mùa dịch. Cho đến năm nay, lại một tháng ba buồn khi thế giới vẫn chưa yên bình vì còn quá nhiều người ra đi như một tháng ba của năm nào xa lắc: “Tháng ba và đoàn người di tản”.
 Thu Tuyết
Melbourne, Tháng 3/2021