Thủa Giao MùaTT-Thái An

Thủa Giao Mùa
TT-Thái An
Năm mười bốn tuổi, tôi đã cao hơn mẹ gần cả tấc.  Thỉnh thoảng có khách của mẹ đến chơi, ai cũng bảo: “Gớm! Mới có vài tháng không gặp mà nó đã cao lớn hẳn ra.  Đi với mẹ ra đường không khéo người ta tưởng là hai chị em cũng nên!”  Mẹ nghe thì vui lắm, vì mẹ có con gái lớn mà trông mẹ vẫn trẻ.  Còn tôi vui vì mình mau lớn, đã cao hơn mẹ rồi.
Cũng năm này, tôi đang học đệ ngũ (lớp 8 bây giờ).  Tôi và mấy đứa bạn cùng lớp hãy còn chơi u.  Lớp của tôi ở lầu hai, vào giờ ra chơi chúng tôi chạy ra hành lang ở bên hông lớp học chia ra làm hai phe để chơi.  Tôi và cái Hạnh vào một phe, bốn đứa kia gồm cái Châu, cái Bình, cái Hoa, cái Cẩm vào một phe.  Chúng nó lấy cớ tôi và Hạnh cao lớn hơn chúng nó nhiều nên phải cho phe chúng nó được bốn đứa, vì nếu chia ra mỗi phe ba đứa thì không công bình nếu phe chúng nó chỉ có ba đứa “ốc tiêu”, tôi với Hạnh chơi thân với nhau nên không muốn hai đứa ở về hai phe đối nghịch nhau.   Thế là tôi và Hạnh cũng bằng lòng như thế.  Mặc áo dài chơi u hơi vướng, nên có lúc chúng tôi phải buộc hai vạt áo lại với nhau cho dễ chạy, và để tránh không bị phe kia kéo rách áo.  Thế mà cũng có khi bị rách áo như thường.  Vì thế cho nên tuy không còn học môn nhiệm ý thêu may nữa, nhưng lúc nào tôi cũng đem theo hộp kim chỉ để tiện việc may vá khi cần.  Nếu áo tôi bị phe kia kéo rách ngay phía trên của tà, bên hông áo, thì cái Hạnh may lại cho tôi.  Còn nếu áo cái Hạnh bị kéo rách thì tôi may cho nó.  Kể ra chúng tôi may cũng khéo, ít thấy vết khâu lộ liễu trên chỗ nối nên về nhà chả bị mẹ để ý.  
Nhưng lạ quá, hai năm học trước chẳng thấy đứa nào để ý đến thầy giáo trẻ.  Năm nay trong lớp có ông thầy dạy đại số tên T. N. Hải dạy hay quá, nói năng cũng hay, giọng nói của thầy quá lôi cuốn, và nhất là đứa nào cũng khen thầy đẹp trai.  Mỗi tuần thầy chỉ dạy có 2 buổi, mỗi buổi hai giờ. Hình như đứa nào cũng mong cho đến giờ của thầy.  Chúng nó hay nói chuyện về thầy, có đứa thắc mắc không biết thầy có vợ chưa.  Có đứa trả lời: “Tao thấy thầy có đeo nhẫn rồi”.  Thế là buồn vài phút!  Chúng lại còn chấm điểm thầy đẹp trai nhất trường này.  Chúng nó liệt kê ra những thầy còn trẻ xem mỗi ông có ưu khuyết điểm gì rồi xếp hạng.  Cuối cùng rồi cũng xếp thầy Hải là hạng nhất:  Dạy hay nhất, nói chuyện hay nhất, giọng nói hay nhất, cười tươi nhất, đẹp trai nhất, sang nhất!  Nghĩa là chúng nó cho thầy Hải là “Number One”.  Tôi để ý hôm nào có giờ của thầy Hải thì chúng nó diện lên một tí.  Cái Dung thì lo đánh chút son bóng trên môi, cái Lan thì nhỏ thuốc xanh belle vào mắt cho long lanh ra, cái Hoa thì bôi nước hoa cho thơm ngát, cái Ngọ thì kẹp thêm cái nơ trên đầu.  Không biết thầy có nhìn thấy chúng nó diện cho thầy ngắm đấy không?  
Tôi thấy chúng nó ái mộ thầy Hải cũng phải.  Những điểm nhất chúng nó chấm cho thầy  chẳng sai, tôi cũng đồng ý như thế.  Nhưng tôi không muốn góp ý với chúng nó vì không muốn chúng biết những gì tôi đang nghĩ, đang mơ.
Sau khi dạy xong một giờ đầu, trong giờ ra chơi, các thầy giáo hay xuống phòng của giáo sư để uống nước, hút thuốc hay đàm đạo với nhau.                                          
Nhưng thầy Hải hay ngồi lại trong lớp, vì thế mấy đứa ái mộ thầy lại có dịp bu chung quanh bàn của thầy để hỏi thăm thầy đủ điều.   Thế nên, giờ ra chơi của lớp thầy Hải chẳng đứa nào thèm ra hành lang chơi u nữa.  Cái Hoa dạn nhất, nó dám hỏi thầy Hải: “Thầy có vợ chưa hả thầy?”  Thầy trả lời: “Có rồi”.  Thầy lại còn đưa cái tay có đeo nhẫn ra cho chúng nó xem.  Có đứa lại hỏi: “Thầy có con chưa?”  Thầy trả lời: “Chưa, nhưng cô có nuôi một con chó con cho vui nhà”.  Cái Dung hay cầm cái kính râm của thầy để trên bàn mà đeo lên thử.  Cái kính của đàn ông, đeo lên khuôn mặt nhỏ bé của nó chỉ còn thấy có cái cặp kính là chính.  Thế mà nó đeo lên còn dám hỏi thầy Hải nhìn xem có hợp với mặt nó không.  Nó thích cầm hết cái này đến cái kia của thầy lên ngắm nghía, từ cây bút máy đến xâu chìa khóa xe và hỏi đủ thứ cho thầy phải trả lời.  Tôi nể chúng nó lắm, vì chúng nó bạo quá, dám đứng gần thầy và nói chuyện với thầy tự nhiên như bạn bè.  Trong lòng tôi, tôi ao ước phải chi tôi bạo dạn như chúng nó thì tôi cũng bước lên bàn thầy mà nói chuyện.
Tôi không hiểu tại sao tôi không được bạo dạn tự nhiên như thế!  Tuy không lên bàn thầy, chỉ ngồi dưới bàn thôi tôi cũng để ý nghe hết những câu đàm thoại giữa thầy và chúng nó.
Thầy Hải dạy giỏi, dễ hiểu nên thầy cũng khó tánh với học trò.  Thầy tuyên bố rằng thầy sẽ chấm điểm lên bảng: “Cô nào mà bị dưới 8 điểm sẽ bị thầy đánh vào tay ba roi!”  Hôm gọi lên bảng trả bài, thầy có đem theo cái thước gỗ dài 1 thước để đánh đòn. 
Thế là đứa nào cũng nơm nớp lo, phải học bài cho kỹ.   Tôi không phải là đứa giỏi toán nhưng đối với tôi, môn đại số không khó lắm, nhưng nghe đến “bị đòn” là tôi không chịu được.  Tôi không chịu được cảnh bị đòn trước cả lớp, xấu hổ lắm!  Vì thế tôi luôn luôn chuẩn bị, bất cứ lúc nào thầy gọi lên bảng tôi cũng làm xong bài thầy cho, dù khi nghe thầy gọi đến tên tôi rất hồi hộp, run nữa là khác! 
Tôi hồi hộp không phải vì sợ không làm bài nổi, nhưng là vì nghe thấy tên mình được thầy gọi đến.
Tôi thích ăn vặt trong giờ học nên chuẩn bị rất cẩn thận.  Tôi có một cái hộp đựng bút bằng plastic, nắp đậy có nam châm nên mở ra đóng lại rất nhanh, rất tiện cho việc ăn vụng của tôi.  Tôi không dùng hộp này đựng bút, tôi dùng nó để bỏ đậu phọng da cá, ô mai me hoặc một vài thứ kẹo trái cây vào đó.  Tôi luôn để cái hộp phía sau lưng của đứa ngồi phía trên. thỉnh thoảng mở hộp ra lấy đậu phọng hay kẹo ra ăn thầy chẳng bao giờ thấy.  Các thầy có đi ngang bàn của tôi cũng chẳng thấy những thứ bên trong hộp.  Tôi đã làm như thế từ năm đệ thất đến bây giờ rất an toàn.  Nhưng một hôm, thầy giám thị đến bên cửa sổ chỗ bàn tôi ngồi ra dấu gọi tôi ra ngoài.  Cả bàn đứa nào cũng ngơ ngác nhìn thầy giám thị rồi nhìn tôi.  Tôi bước ra khỏi lớp để nghe thầy nói chuyện.  Thầy bảo bắt gặp tôi ăn vụng trong lớp khi thầy đứng ở dãy lầu bên kia trông sang.  Thầy bắt tôi chép phạt 50 lần câu “Tôi không ăn vụng trong lớp nữa”. 
Tôi lí nhí vâng dạ để mau trở vào lớp học mà mặt đỏ bừng lên.  Tôi nghĩ thầm trông thầy giám thị hiền thế mà khó chịu quá.  Tôi chỉ ăn chút xíu thôi, có nhiều đâu; miễn là tôi vẫn nghe giảng và học hành đàng hoàng là được rồi chứ, tôi có phá ai đâu!  Tôi tự lý luận như thế rồi trách mình sao vô ý để thầy bắt gặp.  Từ hôm đó tôi phải cẩn thận hơn, chứ không chịu bỏ tánh ăn vụng trong lớp đâu. 
Một hôm cái Hạnh kể cho cả đám nghe: “Hôm qua tao đang chạy trên đường Trương Minh Giảng, tao thấy Cha Phó Giám Thị đang lái xe Honda đi đâu mà diện đáo để, đầu bôi bi ăn tin láng bóng; Cha không mặc áo dòng mà mặc sơ mi trắng thôi. Tao nghi chàng đi gặp nàng nào quá!”  Thế là cả đám có dịp cười vang lên thật lâu phát đau cả bụng.  Biết là cái Hạnh nói đùa nhưng cả đám vẫn thấy vui vì tánh hay pha trò của nó.  Tôi cao hứng lấy giấy ra viết thư cho Cha để ghẹo tiếp, đại khái có mấy câu “Thưa Cha, hôm qua con thấy cha chạy xe Honda trên đường Trương Minh Giảng, mặc áo sơ mi trắng, đầu bôi bi ăng tin láng cóong, con ruồi đậu lên cũng trượt, trông Cha giống như Người về từ Hố Nai …” (Tôi nhái theo tựa phim “Người Về Từ Đỉnh Núi”)
Viết xong bức thư chỉ dài một trang giấy học trò không ký tên, tôi đưa cho cả đám đọc, chúng nó lại có dịp cười lên hô hố.  Một đứa hỏi:
-Đứa nào tình nguyện đem thư này xuống văn phòng cho Cha?
Cái Hạnh đưa tay lên xung phong ngay.  Đứa nào cũng dặn nó:
-Mày không được cho ai thấy mày đem cái thư vào văn phòng của Cha nghe không!  Nếu có ai thấy được thì bắt mày khai ra là chết cái An.
Hạnh nhanh nhẩu đáp ngay:
-Đừng lo, tao không cho ai thấy đâu!
Khi Hạnh đi đưa thư xong nó chạy về bá cáo ngay, thế là cả đám lại cười vang khoái chí.  Tôi biết nhờ có Hạnh “hộ tống” nên tôi mới dám phá như thế.  Nhiều người bảo tôi với nó là cặp bài trùng.  Tôi và cái Hạnh không hiểu “cặp bài trùng” là gì nhưng nghe cũng thấy hay.
Một hôm tan trường gặp trời mưa, Hạnh kéo tôi đứng lại trú mưa, tôi định theo nó vào trú dưới một mái hiên.  Nhưng thấy đã có nhiều người đứng ở đó rồi, có đứng ghé vào cũng vẫn bị mưa hắt đến.  Tôi chợt nghĩ ra một điều là lúc bé mình không được mẹ cho ra đường tắm mưa, tại sao bây giờ không đi luôn về nhà để được tắm mưa chứ?  Thế là tôi rủ Hạnh:
-Thôi, đi luôn đi!                                                                                                                                                               
Hạnh tròn mắt nhìn tôi rồi hỏi:
            -Đi luôn để bị ướt hay sao?
Tôi trả lời:
-Thì đi tắm mưa luôn!
Hạnh há hốc mồm nhìn tôi rồi cười toáng lên, nói ngay:
-Đi thì đi!
Thế là hai đứa cùng đi về dưới mưa, vừa đi vừa cười nói thích thú.  Mưa đầy trời, mưa phía trước, phía sau, bên phải, bên trái.  Thỉnh thoảng có tiếng sấm vang ầm làm giật mình, nhưng chúng tôi vẫn cứ đi, cái cặp thì cầm che trước ngực, mái tóc dài thì che hết nửa phần lưng, quần áo có ướt cũng chẳng sao.  Đoạn đường Nguyễn Minh Chiếu gần đến nhà thì bị ngập nước, có chỗ qua khỏi mắt cá chân nên khó bước, phải lội lõm bõm.  Lội nước cũng thấy vui như thường!  Tôi và Hạnh cười nói mãi cho đến khi về đến nhà thì chia tay.  Nhà tôi và nhà Hạnh cách nhau vài căn mà thôi.  Nhà Hạnh quay mặt ra đường, nhà tôi ở đầu hẽm.
Bước vào nhà, mẹ nhìn thấy tôi ướt sũng từ đầu đến chân đã hoảng hốt la lên:
-Chết chưa!  Sao không đứng lại trú mưa mà về làm gì cho ướt như chuột lột thế này?  Coi chừng bị cảm lạnh, đi tắm rửa thay quần áo mau lên!
Tôi nói trấn an mẹ:
-Không sao đâu!  Mưa mát quá chừng, không cảm lạnh được đâu.
Quả đúng như tôi nói, tôi và Hạnh đi mưa như thế suốt mấy năm liền mà có đứa nào bị cảm lạnh đâu.  Mẹ hay nhắc tôi phải đem theo áo mưa.  Tôi lại hay “bỏ quên” áo mưa ở nhà.  Bố cũng mua cho tôi một cái áo mưa kiểu mới có vải lót phía trong, rất hợp thời trang lúc đó.  Tôi thích áo mới thì mặc vài lần rồi chán, tôi vẫn thích đi mưa hơn.  Ngày xưa còn bé, tôi xin mẹ cho ra tắm mưa với mấy đứa trẻ con trong xóm, mẹ không bao giờ cho.  Tôi phải đứng trong nhà nhìn ra xem chúng nó tắm mưa, chen nhau đưa đầu vào mấy cái máng xối mà ao ước được như chúng nó.  Bây giờ, lớn hơn, tôi đi tắm mưa trên con đường từ trường về nhà dài hơn ba cây số; nhưng mẹ không còn cấm tôi được nữa, mẹ chỉ la lên thôi.  Mẹ mắng la vài lần, thấy tôi chẳng nghe lời nên chẳng còn la nữa.  Mẹ chỉ còn biết nhắc nhở tắm xong phải sấy tóc cho khô, coi chừng bị cảm lạnh. 
Cũng may tôi có cái Hạnh cùng đồng hành nên mới dám đi mưa vài năm như thế.  Nếu không có nó, tôi chẳng dám đi một mình.
Một hôm chị Hà của cái Hạnh đọc báo thấy rao vặt, nhận dạy kèm toán và lý hóa tại gia.  Chị nó đề nghị mẹ tôi và mẹ nó mời ông thầy này về dạy kèm tôi và Hạnh.  Hai bà mẹ hưởng ứng ngay.  Tôi chẳng biết tại sao phải học thêm nhưng thấy chị Hà bảo nên có thầy dạy kèm thêm toán và lý hóa cho giỏi hơn.  Hơn nữa, cái Hạnh có vẻ thích lắm nên tôi cũng bằng lòng học chung với nó.  Bạn thân mà, bạn mình muốn học thêm thì mình cũng học, cho vui vẻ cả làng!
Ngày đầu tiên gặp thầy Sỹ, nom thầy gầy gò quá, thầy đeo cặp kính cận, lại ít cười, ít nói, nét mặt thầy có vẻ nghiêm nghị, không thân thiện tí nào.  Tự nhiên tôi và Hạnh so sánh thầy Sỹ với thầy Hải.  Tôi thấy thầy Sỹ thua thầy Hải xa.  Cái Hạnh cũng nhận thấy như thế.  Nhưng mẹ cái Hạnh bảo: “Chúng mày lo học thôi, đừng để ý đến tướng mạo của thầy làm gì!” 
Thế là chúng tôi lo học thôi.  Mỗi tuần thầy Sỹ đến kèm ba buổi, mỗi buổi hai giờ; có khi ở nhà tôi, có khi bên nhà Hạnh.  Khi nào thầy đến thì tôi đem bài tập của trường ra làm, làm xong đưa thầy xem lại.  Sau đó thầy Sỹ dạy kèm thêm bài mới trong sách giáo khoa.  Dạy xong phần lý thuyết, thầy bảo tôi lật trang bài tập ra làm.  Riêng Hạnh, nó không hiểu phần lý thuyết ngay nên thầy Sỹ cứ phải lập đi lập lại mãi.  Đến lần thứ ba hay thứ tư là thầy có vẻ cáu lắm rồi.  Có một lần thầy gắt lên: “Trời ơi!  Sao mà … quá dzậy!” làm cái Hạnh đỏ mặt, rơm rớm nước mắt.  Tôi thấy thầy Sỹ có vẻ mất kiên nhẫn rồi.  Tôi ái ngại nhìn  Hạnh vì tôi chẳng muốn thấy nó khóc.  Nhất là một người có bản tánh cứng cỏi như nó mà khóc là chuyện không vừa.  Tôi mừng thầm vì nó không khóc òa lên, và nó cũng mau quên.   Nhiều lúc tôi đã làm xong phần bài tập mà thầy còn phải tiếp tục dạy nó phần lý thuyết nên thầy lại cho tôi làm thêm bài tập khác.  Cứ thế làm hết bài này sang bài kia cho đến khi không còn bài nào nữa thì thầy cho tôi tạm nghỉ giải lao.  
Khi nào Hạnh hiểu được phần lý thuyết thì bắt đầu làm bài tập, lúc đó thầy Sỹ rảnh đôi chút nên đem báo ra đọc.  Thầy hay đọc thời sự, thỉnh thoảng thầy hỏi tôi xem có đọc qua chưa rồi lại nói chuyện thời sự với tôi vì lúc này tôi đã làm xong hết bài tập rồi.  Kể ra thầy Sỹ cũng biết nói chuyện chứ không lầm lì như tôi tưởng. 
 Có lần bạn của mẹ tôi kể chuyện vào nhà thương nuôi chồng, đang ngủ lúc ban đêm thì có người thanh niên mặt mày tái nhợt đến đánh thức bà ấy dậy đòi lại giường.  Bà biết ngay là ma nên hoảng quá nhẩy chồm qua bên giường của ông chồng đang đau đớn vì mới mổ xong.  Tôi chợt nhớ ra là thầy Sỹ đang thực tập trong bệnh viện Chợ Rẫy vì thầy đang học y khoa năm cuối, không chừng thầy cũng gặp ma rồi.  Tôi hỏi thầy:
-Thầy làm trong bệnh viện có thấy ma bao giờ không?  Em nghe người ta nói ngủ ở nhà thương hay bị ma nhát lắm.
Không do dự, thầy Sỹ trả lời:
-Có vài lần, nhưng mới đây lại gặp lần nữa.
Tôi hồi hộp hỏi tiếp:
-Ma trông ra làm sao hả thầy?
Thầy Sỹ kể:
-Hôm đó tôi đang trực trong phòng của bệnh nhân thì nghe tiếng gõ cửa, tôi bước ra mở thì không thấy ai hết.  Tôi đóng cửa rồi trở vào.  Vài phút sau lại nghe thấy tiếng gõ cửa, tôi lại ra mở cửa, nhưng chẳng có ai bên ngoài.  Đêm hôm đó nó cứ trở lại gõ cửa thêm vài lần nữa nhưng tôi không bước ra thì nó không gõ nữa.
Tôi nói ngay:
-Ghê quá!  Nhưng thầy có nhìn xem lỡ có ai phá rồi bỏ chạy không?
Thầy Sỹ nói:
-Tôi đã nhìn hết hai bên cửa rồi.  Cái hành lang đó dài lắm, có bỏ chạy cũng không kịp tới cầu thang.  Tôi nghĩ có lẽ chiều hôm đó có một bệnh nhân vừa chết ở phòng đó, xác vừa đem vào nhà xác nên ông ta trở lại kiếm phòng cũ.
Tôi hỏi ngay:
-Thầy có sợ ma không?
Thầy nói thật:
-Ai mà không sợ ma!  Vì nó không giống người còn sống nữa nên cũng thấy ớn.  Nhưng nếu mình đừng để ý đến nó thì thôi.  
Tôi nói ngay:
-Ghê quá!  Trực ở nhà thương vào ban đêm thấy sợ quá. 
Thầy Sỹ cười bảo:
-Lâu ngày sẽ quen thôi, rồi hết sợ.
Tôi nói:
-Không sợ thì cũng thấy ớn.  Chẳng thà đừng gặp!
Thầy Sỹ chỉ cười tỏ vẻ đồng ý.  Kể ra khi thầy cười, trông thầy cũng vui vẻ dễ chịu.  Nhưng tôi và Hạnh vẫn thích thầy Hải hơn thầy Sỹ, vì cả lớp chúng nó đều khen thầy Hải nức nở mà.  Chúng nó còn bảo vợ thầy Hải chắc là đẹp lắm nên mới lấy được thầy. 
Chúng tôi vẫn còn chơi u mỗi khi ra chơi.  Có hôm cái Hạnh không cứu được tôi thoát khỏi mấy đứa phe bên kia.  Tôi bị dằng co giữa hai bên nên cố bám vào thành lan can mà chạy về phía bên mình.  Kết quả là cánh tay tôi bị kéo xát vào góc thành làm rách toạc một đường da, lòi cả phần da phía dưới trắng toát, đau thấu trời!  Một lúc sau máu mới rỉ ra.  Tuy có xuống văn phòng xin băng để dán vết thương, nhưng chẳng giúp giảm đau tí nào.  Về nhà chẳng dám cho bố mẹ xem.   Mẹ có nhìn thấy cái băng trên tay thì tôi bảo chỉ trầy da tí thôi.  Khi đi tắm phải dơ tay lên cao để nước không chảy vào vết thương, xót chết được.  Thế mà hôm ngồi học với thầy Sỹ, vừa nhìn thấy cái băng dán trên tay tôi, thầy hỏi ngay:
-Tay An bị sao vậy?
Tôi trả lời:
-Em chơi u, bị mấy đứa phe bên kia kéo xước tay.
Thầy Sỹ lập lại như một câu hỏi:
-Chơi u?
Tôi hỏi lại thầy:
-Thầy không biết chơi u à?  Chơi u vui lắm cơ!  Nhiều lần em với cái Hạnh được thắng.  Hôm qua hơi xui một chút vì cái Hạnh không cứu bồ nổi.  Mà không biết sao hôm qua chúng nó khỏe như thế!
Cái Hạnh cũng nói vào:
-Tao đã cố gắng cứu mày rồi, nhưng mà mấy đứa kia hôm qua khỏe thật.
Thầy Sỹ nghe xong chỉ buồn cười rồi bảo tôi đưa tay cho thầy xem.  Thầy mở băng ra xem thấy vết thương hơi sâu nên hỏi Hạnh nhà có hộp thuốc không thì đem ra cho thầy.  Thế là thầy rửa vết thương cho tôi, làm thuốc xong rồi băng lại.  Thầy dặn đừng chơi u nữa cho đến khi vết thương lành hẳn, vì nếu bị cọ sát vào vết thương lần nữa thì lâu lắm mới khỏi, còn bị thẹo nữa chứ.  Tôi cám ơn thầy và vâng dạ ngay.  Thật ra thầy không cần dặn, tay tôi còn đau thì tôi không dám dằng co với chúng nó nữa đâu.
Bữa hôm đó sau khi học xong và thầy Sỹ đã ra về, cái Hạnh phê ngay một câu:
-Thầy Sỹ đúng là méo mó nghề nghiệp!  Thấy mày đứt tay chút xíu là lo băng bó ngay.
Tôi thấy cái Hạnh nói có vẻ đúng nên cười vang lên.  Thế là hai đứa cùng cười rộ lên thật vô tư.  Thuở đó, chuyện gì chúng tôi cũng có thể cười được dễ dàng. 
Học với thầy Sỹ hơn nửa năm, một hôm tôi hơi bị nhức đầu nên vịn cớ bỏ học một ngày.  Tôi bảo Hạnh học một mình và nhờ nó nhắn lại với thầy rằng tôi bị nhức đầu xin phép nghỉ một hôm.  
Không thấy tôi, thầy Sỹ hỏi ngay:
-An đâu?  Sao bữa nay không đến học?
Hạnh trả lời y như tôi dặn:
-Nó bị nhức đầu xin thầy cho nghỉ một hôm. 
Thầy Sỹ nói với nó:
-Không có An hôm nay buồn quá!
Hạnh hỏi lại ngay:
-Tại sao không có An thì thầy buồn?
Thầy Sỹ trả lời:
-Tự vì tôi thương An.
Hạnh hỏi lại:
-Tại sao học trò mà thầy thương nó thôi, còn em thì thầy không thương?
Thầy Sỹ phân trần:
-Học trò thì đứa nào cũng thương, nhưng tôi thương An khác!
Hạnh hỏi ngay:
-Khác là khác thế nào?
Thầy Sỹ đáp:
-Khác vì An thông minh.  Tôi thích nói chuyện với An, thiếu An để nói chuyện nên tôi thấy buồn.
Sau buổi học, Hạnh chạy ngay qua nhà tôi báo cáo đầy đủ.  Nghe xong, tôi bủn rủn chân tay tuy có phần cảm động. 
Từ xưa đến giờ chẳng có ai khen tôi thông minh, bây giờ thầy là người đầu tiên khen tôi, làm sao tôi không cảm động chứ?  Thầy bảo thích nói chuyện với tôi, thì tôi cũng thích nói chuyện với thầy mà!  Có lẽ ngoài gia đình ra, thầy là người lớn duy nhất mà tôi nói chuyện và nói rất thoải mái, không sợ sệt gì cả. 
Tôi đang tập nghe, tập nói chuyện với người lớn, mà thầy lại hiểu biết nhiều, nên nói chuyện với thầy rất vui.  Nhưng bây giờ nghe thầy bảo thương tôi khác với Hạnh làm tôi thấy kỳ quá, nghe mắc cỡ lắm. 
Tôi lo quá, chắc không dám gặp lại thầy.  Nghĩ đến gặp lại thầy không biết tôi còn dám nói chuyện với thầy tự nhiên như trước nữa không.  Tôi thẫn thờ suy nghĩ.  Phải chi thầy đừng nói với Hạnh rằng thầy thương tôi thì tôi đâu lâm vào cảnh bối rối như thế này! 
Hạnh có tánh tình bạo dạn, bạo ăn bạo nói hơn tôi nhiều.  Điều này trái ngược với tôi, có lẽ vì thế mà chúng tôi thân nhau.  Đi đâu với Hạnh tôi cũng yên tâm vì lúc nào Hạnh cũng nâng đỡ tôi, đôi khi còn đối đáp với người khác thay cho tôi nữa.  Cũng vì tánh bạo dạn mà Hạnh hỏi thầy Sỹ tới nơi, tới bến như thế.
Cả đêm hôm đó tôi không ngủ được, qua hôm sau tôi nói với mẹ cho tôi nghỉ học với thầy Sỹ.  Mẹ ngạc nhiên hỏi tôi:
-Tại sao vậy?  Tại sao lại nghỉ ngang như thế?
Tôi kể lại cho mẹ nghe những gì Hạnh đã kể cho tôi.  Mẹ bảo có sao đâu, cứ làm như không nghe thấy gì thì sẽ học lại bình thường.  Cứ xem thầy Sỹ như trước thôi, đừng hỏi lại thầy những điều Hạnh kể.  Nhưng tôi đã nhất định như thế rồi, tôi không dám gặp lại thầy Sỹ nên bỏ học.  Mẹ tôi và mẹ Hạnh cùng cả nhà nó đều không vui, vì nếu tôi không học, thì Hạnh cũng không học nữa. 
Hai năm sau, nhân dịp vào nhà thương Chợ Rẫy thăm một người.  Tôi và vài đứa bạn đang đi bộ trên con đường trong bệnh viện, cái Bình, bạn hàng xóm của tôi ngửng đầu lên thì nhìn thấy thầy Sỹ đang đứng trên một lan can ở lầu hai hay lầu ba gì đó, thầy đang nói chuyện với một người đàn ông.  Nó kêu lên:
-Ông thầy Sỹ của mày kia kìa!
Tôi nhìn theo hướng nó chỉ, thấy thầy Sỹ đang mặc cái áo khoác màu trắng của bác sỹ, thầy đang nói chuyện với ông kia, có lẽ thầy đã ra trường rồi và đang làm việc ở đây. 
Tim tôi tự nhiên đập mạnh hơn.  Trông thầy vẫn như ngày nào, không có gì thay đổi.  Nhưng tôi cảm thấy mình đã già thêm hai tuổi.  Tôi lúng túng không biết có nên gọi thầy hay không. 
Tôi đứng đó nhìn thầy có đến hơn một phút, lòng nhủ thầm nếu thầy quay lại trông thấy tôi, tôi sẽ vẫy tay chào thầy.  Nhưng chờ mãi thầy không quay lại, thầy không hướng về phía tôi.  Tôi quay lưng đi theo mấy đứa bạn, lòng bâng khuâng tự hỏi tại sao tôi lại hồi hộp như thế khi gặp lại thầy?
Nhìn lại thủa đó, tôi chẳng khác gì đang đứng ở biên giới của trẻ con và người lớn.  Nhưng chỉ lớn xác thôi, cái tánh hoặc tâm trí thì chưa lớn theo kịp với cái xác. 
Nghe thầy Sỹ nói thương tôi, tôi mất hết hồn vía, phải trốn thầy. 
Đã hơn bốn mươi năm rồi, rất tiếc tôi không nhớ họ của thầy.  Nhưng còn nhớ có lần thầy kể cha thầy là người Tiều, mẹ là người Việt Nam.  Quê thầy ở đâu tôi cũng không nhớ, chỉ nhớ rằng ở một tỉnh nhỏ của miền Nam hình như là Sóc Trăng. 
Tôi vẫn còn giữ lại hình ảnh sau cùng của thầy Sỹ đang đứng trên lan can ở bệnh viện Chợ Rẫy, mắt hướng về một nơi mà nơi đó…không có tôi.
TT-Thái An
1/9/2017