VĂN DUY TÙNG

Văn Duy Tùng
Sinh tại Huế- Sang Hoa Kỳ năm 1981
Hiện sống với gia đình tại vùng thủ đô Hoa Thịnh Đốn (Washington D.C.)
Văn Học:
-Sách đầu tay: Trong Sân Giáo Đường – Phát hành năm 2023
-Cộng tác và đóng góp bài vở cho các báo Người Việt, Trẻ, Đời Nay, Cỏ Thơm, Thương Mãi Miền Đông, Hoa Thịnh Đốn, Thời Mới Phụ Nữ Mới
-Cộng tác và đóng góp bài vở cho các trang web: Vietcatholic.net, Conggiaovietnam.net, Thanhlinh.net
Bài Viết:
– Tác Phẩm, Tác Giả và Người Dịch Thơ 
– Con Sẽ Trở Về.
– Tản Mạn Đầu Năm
Âm Nhạc:
-Theo ngành âm nhạc từ Việt Nam và tiếp tục khi sang Hoa Kỳ (Sáng tác, Lý luận và Chỉ huy)
-Giảng dạy Âm Nhạc & Chỉ Huy tại Hà Nội & Huế từ năm 2007-2018
-Chủ Tịch Hội Nhạc Sĩ Công Giáo Việt Nam Hải Ngoại từ năm 2013 – Hiện tại
-Music Director & Conductor LA Religious Education Congress tại California
-Music Director & Conductor Ban Hợp Xướng Journey of Grace
-Ca Trưởng Ca Đoàn Thánh Linh và Ca Đoàn JP II tại Virginia
-Sáng tác trên 600 bài Thánh Ca, 300 bài về Quê Hương, Hiếu Ca và Tình Yêu
Phát hành Sách Nhạc:
– Muôn Đời Tạ Ơn
Phát hành CD Nhạc Thánh Ca
-CD. Con Sẽ Trở Về, CD. Muôn Đời Tạ Ơn, CD. Tung Hô Danh Ngài, CD. Magnificat, CD. Lời   Kinh Kinh Nguyện, CD. Hãy Ca Ngợi Chúa
-Phát hành CD Nhạc Đời
-CD. Tình Quê Hương, CD. Xa Cách, CD. Mẹ Và Lời Ru
Phát hành DVD
-DVD. Đến Với Lòng Thương Xót Chúa ( Trình tấu: Sàigòn Symphony Orchestra – Chỉ huy Nhạc Trưởng Văn Duy Tùng – Năm 2016)
Các bài hát tiêu biểu của Tùng (PDF music sheet trong zip folder)
Quê Hương:
– Ngàn Năm Tiếng Nước Tôi
– Việt Nam Mãi Trong Tôi
– Tình Quê Hương
– Xuân Mẹ Và Em
Hiếu ca:
– Mẹ Đã Ra Đi
– Ơn Cha Mẹ
– Mẹ Và Lời Ru
– Tạ Ơn Cha
Tình Ca:
– Tình Phôi Pha
– Xa Cách
– Dòng Sông Tương Tư
Thánh ca:
– Điệp Khúc Magnificat 
– Muôn Đời Tạ Ơn
– Hợp Lời Tạ Ơn
– Tung Hô Danh Ngài
– Xin Khắc Trong Con

Nhạc trưởng Văn Duy Tùng

Nhạc trưởng Văn Duy Tùng

Nhạc trưởng Văn Duy Tùng và Orchestra

MUÔN ĐỜI TẠ ƠNSáng tác: VĂN DUY TÙNG -Trình bày: BAN HỢP XƯỚNG LẠC VIỆT
HỢP LỜI TẠ ƠN – Sáng tác: VĂN DUY TÙNG -Trình bày: BAN HỢP XƯỚNG LẠC VIỆT
TẠ ƠN CHA-Nhạc và lời : Văn Duy Tùng Trình bày : Thụy Long Diễn ảnh : Trúc Tiên
TIẾNG LÒNG
Thơ : Trúc Tiên Nhạc : Văn Duy Tùng Diễn ảnh & Karaoké : Trúc Tiên
NHỮNG MÙA THU
Thơ : Lê Thị Nhị Nhạc : Văn Duy Tùng Ca sĩ : Anh Dũng Diễn ảnh: Trúc Tiên
ALBUM THÁNH CA – MUÔN ĐỜI TẠ ƠN |
Nhạc sĩ: VĂN DUY TÙNG
 AI NGHẸN NGÀO
Sáng tác nhạc sĩ: VĂN DUY TÙNG-Trình bày: BAN HỢP XƯỚNG LẠC VIỆT || CÁC THÁNH TỬ ĐẠO

YOU RAISE ME UP – Ngài nâng tôi lên_Văn Duy Tùng
Brendan Graham & Rolf Lovland Lời Việt : Văn Duy Tùng Coda : Văn Duy Tùng Diễn ảnh & Karaoké : Trúc Tiên
FATHER’S DAY – TẠ ƠN CHA !

silhouettes, father and son, sunset-1082129.jpg
Kính chúc những người Cha luôn sức khỏe khi còn sống và yên nghĩ nơi cõi vĩnh hằng khi đã qua đời.
Thưa Quí Vị và các Bạn,
Có lẽ chúng ta không thể phủ nhận nước Mỹ đã có những ngày lễ rất ý nghĩa và rất nhân bản. Ngoài các ngày lễ của các tôn giáo, tất cả các quốc gia trên thế giới, nước nào cũng có những ngày lễ truyền thống như Ngày Lễ Độc Lập, Lễ Tưởng Nhớ Các Vị Anh Hùng, Năm Mới, Noel, v,v… trong khi nước Mỹ còn có thêm những ngày lễ rất ý nghĩa mà tôi lấy làm thích thú và hết lòng ca ngợi bởi những ngày lễ này đã giúp con người có những khoảnh khắc suy nghĩ và cảm nhận về mối tương quan giữa Thượng Đế và con người, duy trì và phát huy luân lý và đạo đức, nhất là liên quan giữa con người với nhau. Tôi xác nhận những ngày lễ này có tính nhân bản rất cao mà giữa tất bật cơm áo của cuộc sống, có lẽ đôi khi chúng ta ít khi nghĩ đến.
Cứ vào Thứ Năm tuần cuối của Tháng Mười Một, nước Mỹ có ngày lễ Thanksgiving – Ngày Lễ Tạ Ơn. Ý nghĩa ngày lễ này nhắc nhở chúng ta tạ ơn Trời và biết ơn người. Ngoài ơn nghĩa của Trời Đất, quả thật, bao lâu con người còn biết “ý thức” cám ơn nhau dù trong suy nghĩ hay nói ra khi nhận một “ân huệ” dù rất nhỏ từ người khác là chính văn hóa và nhân bản đang nở hoa trong cá nhân, gia đình, trong xã hội hay quốc gia ta đang sinh sống.
Tôi cảm thấy đau lòng khi nghe những câu chuyện của bạn bè, của những người thân anh em khi đã tằn tiện, dành dụm bao năm vất vả ở Mỹ để gửi về giúp đỡ vật chất và tạo mọi điều kiện cho người thân của mình được dễ dàng sinh sống và làm ăn, rồi tốn kém tiền bạc và thời gian bảo lãnh, bảo trợ đưa người thân qua Mỹ đoàn tụ … Nhưng thú thật, mấy người bạn ấy đã chia sẻ với tôi rằng, sự biết ơn đó họ ít khi tìm thấy trên lời nói, ánh mắt, nét mặt và trong cuộc sống của những người đã thọ ơn, mặc dù lời cám ơn ấy chẳng thêm ích lợi cho người thi ơn. Trong khi Nước Mỹ và nền giáo dục đã dạy sự biết ơn và sự thành thật từ khi các cháu bắt đầu lớp tiền mẫu giáo, nghĩa là khoảng 3,4 tuổi.
Nói như vậy không có nghĩa là xác nhận truyền thống văn hóa và lễ nghi của VN xuống cấp hiện nay, nhưng tôi nghĩ do chính sự ý thức cá nhân bắt nguồn từ một cộng đồng xã hội và ảnh hưởng nền giáo dục, chỉ chú trọng nâng cao về kỹ thuật và chủ nghĩa cá nhân, nhưng xem thường luân lý và đạo đức trong mọi sinh hoạt của con người. Tôi nghĩ những chia sẻ ấy không phải là sự hồ đồ của mấy người bạn, nhưng là phản ảnh và hậu quả tiêu biểu nhãn tiền sau một thời gian không chịu …. mở mắt ! Có những chuyện đau lòng chỉ vì đồng tiền hoặc căn nhà hay miếng đất mà bán đứng tình nghĩa người thân. Biết đâu chính bạn cũng đã trải nghiệm điều này, phải không ?
Tôi xin bạn nhận xét và xem lại cái “văn hóa lễ phép, biết ơn và sự thành thật” hôm nay, nhất là thế hệ trẻ ở VN sau này, để thông cảm cho những gì tôi vừa đề cập. Tiếp nối những ngày lễ là Chúa Nhật tuần thứ Hai của tháng Năm là ngày lễ Morther Day – Ngày Mẫu Nhật – Ngày tôn vinh và cảm ơn người Mẹ, rồi sau đó là Chúa Nhật tuần thứ ba của Tháng Sáu lại có ngày Father Day – Ngày tôn vinh và ghi ơn người Cha. Ôi ý nghĩa quá ! Tôi xin miễn bàn và ghi chép hai ngày lễ này. Vì trong mỗi chúng ta ai sinh ra và được sống trên cõi đời này cũng………….
Thay cho “lời bàn và ghi chép” xin được chia sẻ bài hát và diễn ảnh TẠ ƠN CHA:

Cha vươn đôi cánh tay dài chở che mọi nẻo chông gai Cha cho con dáng hình hài giúp con nhận biết phải sai gương Cha trí dũng như sóng trào cho con nhân cách thanh cao ngời sáng như trăng sao dẫu đời sống có xôn sao ôi tình Cha luôn dạt dào Tạ ơn Cha muôn đời nuôi dưỡng con trong đời vạn vật có đổi dời dù bão tố mưa rơi thì tình Cha vẫn mãi không vơi Tạ ơn Cha những ân tình mà Cha đã quên mình đời Cha mãi hy sinh bao bọc con sống yên bình cho con an vui đẹp xinh và được phúc vinh.
Kính chúc những người Cha luôn sức khỏe khi còn sống và yên nghĩ nơi cõi vĩnh hằng khi đã qua đời. Xin mọi người cầu nguyện cho Cha của tôi là linh hồn Giuse sớm về hưởng phúc trên thiên đàng, và kính chúc mọi người có một ngày lễ ý nghĩa bên cha mẹ và gia đình của mình.
Văn Duy Tùng
TÁC GIẢ
Mẹ Tôi
Tháng Tám năm ngoái tôi về Việt Nam, về lại căn nhà cũ để làm giỗ đúng 4 năm Mẹ
tôi qua đời, nơi tôi đã cất tiếng khóc chào đời. Nhìn lại căn nhà sau bao năm xa cách, đột nhiên
ký ức và những kỷ niệm lại trở về, nhất là hình ảnh ốm yếu, gầy guộc của Mẹ.
Với tấm thân gầy guộc ấy, tưởng chừng Mẹ không thể lao động được. Thế mà thương
đàn con, Mẹ tôi đã phi thường vượt lên tất cả sự ốm yếu để gầy dựng cơ ngơi và nuôi bảy anh
chị em chúng tôi khôn lớn bằng ý chí và sự chịu khó, kiên nhẫn, tần tảo suốt cả cuộc đời cùng
với Cha tôi, vươn lên trong mọi hoàn cảnh để cho anh chị em chúng tôi có ngày hôm nay.
Sự hy sinh của Mẹ thật bao la cho đàn con giữa cuộc đời dâu bể mà không hề đắn đo
hay ngần ngại vất vả. Lưng Mẹ tôi như oằn xuống cùng năm tháng bởi gánh nặng của cuộc đời
và của đàn con, nhưng tình thương của Mẹ thì luôn êm đềm và dịu dàng mặc dù đời sống vật
chất nhà tôi lúc bấy giờ cũng khó khăn.
Mẹ nuôi con qua những đoạn trường chông gai và thiếu thốn, nhưng uốn nắn, giáo dục
dạy dỗ anh chị em chúng tôi biết thế nào là đạo làm người, biết kính trên nhường dưới, biết
nhân lễ nghĩa trí tín, tam tòng tứ đức, sống hữu ích cho gia đình, cho xã hội, cho quê hương và
đất nước. Thương con, Mẹ chăm chỉ làm việc, dang rộng đôi tay bao bọc, che chở và mang đến
cho anh chị em chúng tôi những gì tốt đẹp nhất mà Mẹ có thể, thậm chí Mẹ như loài chim bồ
nông, sẵn sàng lấy thân mình để làm mồi cho con mỗi khi mùa đông băng giá.
Mẹ lập gia đình với Cha tôi là cháu đích tôn trong một gia đình đạo Phật rất lễ nghi và
giàu có thời bấy giờ (Chú tôi là một Hòa Thượng đã để lại nhiều di tích và chùa chiền cho Giáo
hội Phật giáo VN, nhất là tại thành phố Đà Nẵng)
Dòng họ Văn chúng tôi ít người lắm. Mấy thế hệ các đời trước bị hại chỉ vì nhiều người
họ Văn đời xưa làm quan trong các triều đình vua chúa ngoài Bắc, và mỗi lần đổi ngôi thì cả vua
cũng như các quan và gia đình bị sát hại và bị diệt. Họ chúng tôi phải trốn vào Đằng Trong và vì
sự sống còn, nhiều người họ Văn ở các thế hệ trước phải thay tên đổi họ, phần nhiều là lấy họ
Nguyễn và có thể đó là một trong những lý do họ Nguyễn đông đảo trên toàn lãnh thổ Việt
Nam. Ngày nay, nhân số dòng họ Văn của chúng tôi vẫn chỉ đếm trên đầu ngón tay. (Theo gia
phả Họ Văn Tự Đường ở Huyện Quỳnh Lưu, Tỉnh Nghệ An hôm nay) Hiện nay, có nhiều bia
tưởng niệm các vị tiến sĩ họ Văn tại Văn Miếu Quốc Tử Giám Hà Nội.
(Bia tiến sĩ ở Văn Miếu Quốc Tử Giám Hà Nội là biểu tượng của nghìn năm khoa bảng nước Việt
Nam, minh chứng cho truyền thống văn hiến của dân tộc)
Sinh trưởng trong gia đình quý phái và giàu có như thế, tất nhiên Cha tôi từ buổi lọt lòng
đã được nuông chiều “cưng như cưng trứng, hứng như hứng hoa”.
Là cháu đích tôn nên Cha tôi được ông cố tôi thuê đến 2 thầy dạy về ở trong nhà năm
này qua tháng nọ từ khi còn rất bé cho đến khi khôn lớn. Một thầy dạy chữ Nho và một thầy
dạy về văn hóa nhất là về Khổng Học. Vì thế, Cha tôi sau này đúng là một nhà Hiền Nho hơn là
người xông xáo, xoay xở, bươn chải vật chất ngoài đời bởi đã ảnh hưởng nề nếp giáo dục trong
một gia phong như thế.
Cuộc đời Cha tôi chưa bao giờ sát sanh dù một con kiến đang bò trên chân huống chi là
lấy huyết con gà con vịt. Vì thế đến khi vào lứa tuổi trưởng thành, ông cố đã nhờ nhiều người
mai mối đi thăm dò mục đích là tìm người thiếu nữ nề nếp, đảm đang về làm vợ cho Cha tôi.
Ông cố lo xa vì hơn ai hết, ông biết rõ cháu trai đích tôn của ông lành quá, lối sống, cách nghĩ
như một vị chân tu thì sẽ không bao giờ tranh giành trong đời sống nên phải cần một người vợ
giỏi giang, nhanh nhẹn, biết chịu thương chịu khó để cùng với chồng gánh vác gia đình và nuôi
nấng con cái sau này. Hơn nữa ông cố cũng cần một người cháu dâu đích tôn biết hiếu đạo, biết
phụng dưỡng và tin tưởng để ông bà cố để lại cơ ngơi và sự nghiệp, đất đai, ruộng vườn, nhất
là biết lo hương khói, cúng, kỵ, chạp giỗ khi ông và bà đã nằm xuống.
Các cô gái cùng trang lứa với Cha tôi được giới thiệu liên tục. Cuối cùng cũng chọn được
một cô gái mà ông cố tôi ưng ý sau khi tìm hiểu tông tích và “lý lịch” cặn kẽ. Thiếu nữ đó chính
là Mẹ tôi. Ông cố tôi rất hài lòng tuy không môn đăng họ đối, và mặc dù Mẹ tôi là người khác
đạo và ở một làng cũng rất xa xôi. Sau khi tìm hiểu về tôn giáo nhất là tình yêu, ông cố cho phép
Cha tôi trở lại đạo Công Giáo để được làm lễ hôn phối trong nhà thờ.
Tôi nghe kể lại rằng đám cưới cha mẹ tôi được tổ chức rất trọng thể. Vì là cháu đích tôn,
lại danh gia vọng tộc nên ông cố cho hạ rất nhiều trâu bò thết đãi quan viên hai họ lẫn bà con
làng xóm no say những ba ngày.
Sau khi dựng vợ gã chồng cho Cha tôi xong thì tiếp đó lại có những năm biến động kinh
hoàng của đất nước: nào là cải cách ruộng đất, nào là thù trong, giặc ngoài, rồi nạn đói hoành
hành… Với tuổi già sống trong lo lắng và sợ hãi, ông cố tôi qua đời và họa vô đơn chí chưa đầy
một năm sau đó, thì ông nội tôi vội nối gót khi chỉ mới ngoài 40 tuổi. Bà nội tôi quá đau khổ bởi
hai cái chết vội vàng nên bà buông xuôi tất cả và trong lúc này, bà sống như người mất trí. Gia
sản của ông cố tôi cũng bắt đầu xuống và dần dần cũng mất hết vì những cuộc biến động nêu
trên. Cha Mẹ tôi bắt đầu sống trong lo sợ và bắt đầu chạm trán với cơ cực.
Quả thật, Mẹ tôi là người phụ nữ rất đảm đang và biết chịu khó trong mọi hoàn cảnh.
Tình cảm vợ chồng của Cha Mẹ tôi vẫn đầy ăm ắp dù lúc bấy giờ sống trong thiếu thốn vất vả
trăm bề. Cha tôi bắt đầu biết khổ và phải làm việc cực nhọc cùng với Mẹ. Cũng may khi đương
sống, ông cố đã để dành một miếng đất 5 sào cho Cha Mẹ tôi làm của hồi môn. Nhờ miếng đất
đó mà Mẹ canh tác. Đúng mùa thì cấy lúa, trồng rau, trái mùa thì dậu sắn, vồng khoai… Ngoài
những đức tính siêng năng và bền bỉ đó, Mẹ tôi lại còn có lòng thương người vô hạn.
Tôi còn nhớ rất rõ là Mẹ tôi đã cứu sống biết bao nhiêu người từ các em bé sơ sinh đến
những người lớn tuổi. Mẹ tôi không phải là một bác sĩ y khoa với bằng cấp đỗ đạt. Dụng cụ “y
khoa” của Mẹ tôi rất đơn giản, đó chỉ là một cây kim băng hoặc nhiều khi cấp cứu, Mẹ chỉ xin
một mảnh chai hoặc một mảnh kính vỡ, rồi chọn mảnh nào có đầu sắc nhọn mang khử trùng
bằng lửa và dầu Nhị Thiên đường. Tất cả những bệnh nhân nhờ đến Mẹ tôi chữa trị thường là
được mách miệng khi thiên hạ thấy con bệnh gần chết, mắt trợn ngược, sủi bọt mép, bị khóa
khẩu, giật kinh phong, diện mạo đã bạc nhược. Nhiều khi khuya khoắt không có xe và con bệnh
không thể di chuyển, thân nhân của bệnh nhân lấy võng để cõng Mẹ tôi đến chữa trị cho kịp. Và
mỗi khi như vậy, Mẹ tôi không bao giờ từ chối dù giữa đêm khuya hay trời đang mưa bão bởi vì
tính thương người luôn có trong tim của Mẹ. Mẹ tôi thường nói rằng : “Cứu một mạng người là
giúp gia đình người ta tránh được khổ đau, cứu người để làm phúc, để cái hậu tốt đẹp lại cho
con cho cháu sau này”. Nhơn cách và triết lý sống trong cuộc đời của Mẹ tôi đơn giản chỉ là thế!
Khi đến bên con bệnh, Mẹ tôi rất bình tĩnh, xem xét cẩn thận rồi định bệnh, và thường
sau đó lấy cái kim cất giấu trong bị trầu cau mà Mẹ luôn chuẩn bị và có sẵn cùng với lọ dầu Nhị
Thiên đường. Sau khi khử trùng cái kim chích bằng lửa trên tim đèn của cây bạch lạp và nếu
bệnh nhân đã cấm khẩu, nói không được, Mẹ chích vào các huyệt hai bên khóe miệng để mở
khẩu, tiếp sau đó Mẹ chích các huyệt ở trên thái dương và 2 bên dái tai, Mẹ tiếp tục chích trên
10 đầu ngón tay và nặng máu ra. Như một phép lạ nhiệm mầu, con bệnh mặt mày tái nhợt
bỗng dần dần ửng hồng, miệng bắt đầu ú ớ rồi nói thành lời, tay chân hết co giựt và sự sống
đang dần hồi sinh.
Tôi đã chứng kiến biết bao người mà Mẹ đã cứu sống bằng cách chữa trị đơn giản này chỉ với
một cây kim băng.
Sau này tôi khôn lớn và tìm hiểu, những người thường hay bị như thế đó là bị tai biến
(stroke) mà ta hay gọi là trúng gió hay giật kinh phong… và nếu không kịp chữa trị, thường nặng
sẽ bị chết hoặc bán thân bất toại hay chỉ ngồi xe lăn mà thôi.
Công việc cứu người đó là do ông ngoại tôi đã truyền lại cho Mẹ. Ông bảo rằng, trong tất
cả những người con của ông, Mẹ là người thông minh và sáng dạ nhất. Vì thế, ông ngoại đã
truyền và dạy lại cho Mẹ tôi tất cả những công thức chữa trị, những huyệt đạo trên cơ thể con
người, và nhờ thế mà cả cuộc đời của Mẹ đã cứu biết bao nhiêu người tưởng như đã chết.
Điều đặc biệt nơi Mẹ tôi là mỗi khi cứu sống một người nào đó và gia đình họ thường
đưa của lễ hay phong bì để trả công ơn, nhưng lạ thay, Mẹ tôi không bao giờ nhận mặc dù họ
cố nài nỉ và dù rằng nhà tôi lúc đó cũng nghèo rớt mồng tơi. Mẹ tinh tế, thân mật và ân cần hỏi
thăm gia đình, dặn dò vài điều chăm sóc người bệnh trong khi Mẹ ăn một miếng trầu, uống
chén trà ấm để họ vui lòng rồi rửa tay ra về.
Mỗi khi tết đến, họ thường mang lễ vật để biếu quà tết, và những lúc này thì Mẹ khó
lòng từ chối dẫu thật lòng Mẹ không bao giờ muốn nhận, bởi vì trong số những người đấy, họ
cũng nghèo nàn và thiếu thốn như gia đình mình. Mẹ tôi nói thế.
Nhiều mẫu chuyện Mẹ kể cho chúng tôi nghe: mỗi khi cứu được một người và ra về
trong đêm khuya, Mẹ thường có linh ứng đám ma quỷ bám theo Mẹ để hù dọa vì cho rằng, Mẹ
đã giành lại người đã thuộc của “thế giới bên kia”, của âm phủ.
Mẹ tôi có lòng thương người khôn vơi. Tôi ghi nhận trong tâm của Mẹ luôn có lòng
thương xót của Chúa và từ bi của Phật.
Sau khi sinh ra mấy anh chị đầu và mặc dù nhà tôi lúc đó cũng khó khăn về kinh tế, thậm
chí Mẹ phải lo chạy bữa từng ngày. Lúc đó là năm Ất Dậu 1945 (Năm Ất Dậu là năm đói khủng
khiếp và đã có nhiều người, nhiều gia đình mà theo thống kê có đến gần hai triệu người chết đói
nhất là ở tỉnh Thái Bình, Bắc Việt)
Một buổi chiều mùa đông âm u rét mướt, Mẹ thấy một bé gái khoảng 4-5 tuổi đang nằm
bên vệ đường, con bé không thể đứng dậy, thậm chí cất tiếng khóc vì đã quá đói. Con bé đã đi
lạc nhiều ngày qua (đây là trường hợp thường xảy ra vào năm đói Ất Dậu). Đã có biết bao nhiêu
người qua lại thấy em bé lạc lõng, nhưng họ không thể lo cho con cái họ được no đủ thì làm sao
rước “của nợ” này về? Nhưng với lòng thương người, Mẹ tôi đã bồng con bé đó về nhà, tắm
rửa, săn sóc, cho ăn uống. Sau một thời gian dài không ai đến nhận, thay vì đưa con bé vào các
viện mồ côi, Mẹ quyết định giữ lại và cho ăn ở, sinh hoạt như là một thành viên trong gia đình,
rồi đặt tên và nuôi nấng, cho học hành, thương yêu như con ruột cho đến ngày khôn lớn,
trưởng thành rồi dựng vợ gã chồng.
Chị cả – chị ruột của tôi – hơn con bé đó chỉ một tuổi, tên là Ngân, và Mẹ cũng đã đặt tên
cho bé gái đi lạc này là Hà.”Ngân – Hà” Ôi, hai tên ghép lại thật đẹp và ý nghĩa quá! Tôi thấy cái
khéo léo, thâm thúy của Mẹ. Như vậy kể từ đây tôi có thêm một người chị, và gia đình tôi từ
nay đã có “dải Ngân Hà” trong nhà. Suy nghĩ qua cách đặt tên thì hiểu được sự yêu thương
không phân biệt con ruột hoặc con nuôi nơi lòng nhân từ của Mẹ.
Vâng, con bé đi lạc năm đói Ất Dậu đó chính là chị Hà hôm nay. Với nét mặt hiền hoà,
tính tình điềm đạm, chị Hà cũng đã giúp Mẹ tôi lo công việc nhà, bếp núc và chăm sóc anh em
chúng tôi khi còn nhỏ. Sau này, chị quen và kết hôn với người chồng rất tốt lành và có với nhau
tám đứa con. Gia đình anh chị rất hạnh phúc và những con cái của anh chị sau này đều thành
công rất lớn và giàu có hiện đang sống ở Việt Nam và Hoa Kỳ.
Anh chị và các cháu luôn biết ơn Mẹ tôi và thường lui tới thăm viếng, lo lắng, chăm sóc …
nhất là vào những dịp tết hoặc kỵ, giỗ… Mỗi khi gặp các người con của chị Hà, mặc dù các cháu
ấy lớn tuổi hơn tôi nhưng luôn xưng “Cậu – Cháu” rất tình cảm và thân tình. Các cháu rất lễ
phép và hiểu biết vì các cháu có được ngày hôm nay là công ơn của Mẹ tôi không nhỏ, điều mà
chị Hà luôn ghi tạc suốt đời trong lòng.
Qua bao năm tháng với tình thương bao la và sự chịu khó cùng ý chí phi thường. Tình
thương của Mẹ trải dài qua nắng, gió và sương…, để rồi Mẹ dẫn con cái qua những nẻo đường,
những nẻo đường chông gai của chiến tranh, của ly loạn. Vì sự an nguy, có khi Mẹ đã dẫn con
vượt qua sông, băng qua rừng để tránh bom, tránh đạn, tránh mùi thuốc súng và màu máu đổ,
tránh cái chết vô duyên của những mảnh bom viên đạn lạc hướng lỗi đường của chính những
người anh em mang một cùng dòng máu sinh ra bởi một mẹ trăm con đang gầm gừ hăm hở bắn
ra để loại bỏ nhau từng ngày.
Tôi vẫn còn nhớ rất rõ mặc dù lúc đó tôi chỉ mới có tám tuổi. Vào một buổi sáng hôm đó
rất đỗi lạ kỳ và khác thường, tự dưng có một chiếc máy bay, bay thật thấp nơi khu phố tôi đang
cư trú (máy bay này người dân địa phương gọi là “máy bay dò”. Chắc có lẽ từ chữ “dò thám”
mà ra?) Khi bay ngang qua, máy bay dò này nhả ra một làn khói đỏ kết thành vết dài trên không
và sau đó chưa tới một phút, tôi nghe tiếng phản lực cơ của Mỹ gầm hú từ trên cao và rồi tiếng
bom chát chúa như xé toạc không gian, nổ rền ở những khu phố gần đó và tiếp tục trải bom
đến khu phố của tôi. Lúc bấy giờ anh Đạo, người anh thứ ba kéo tôi lao xuống hầm trú ẩn mà
Cha tôi đã làm trước để tránh bom đạn thời chiến tranh. Trong khi hai anh em đang chạy đến
hầm thì nghe tiếng hớt ha hớt hải của Mẹ tôi cũng kêu la và thúc dục anh em tôi: “xuống hầm lẹ
lên con ơi” từ ngoài đường vọng vào, vì lúc đó Mẹ cũng vừa mới đi chợ sáng về. Thế rồi cả ba
mẹ con đều chui xuống hầm để tránh bom đạn. Hầm thì nhỏ và nông, chỉ chứa được 2 đến 4
người. Mẹ đẩy ép hai anh em tôi vào trong, còn Mẹ thì ngồi co rúm ngay phía ngoài, lấy thân để
che chắn ngay ở giữa cửa miệng hầm. Sau khi im ắng tiếng bom, ba mẹ con ra khỏi hầm và nhìn
thấy nguyên khu phố đang bốc cháy đến kinh hoàng, người người hỗn loạn. Nhà bà Điều bên
cạnh đổ nát, nhà Dì Quế trước mặt thì đang cháy, còn nhà tôi thì hư hại nặng và gian phía trước
bị sập đổ. Lửa khói bốc lên đen nghịt trời, tiếng gào thét gọi tìm nhau ơi ới hòa với tiếng rên rỉ
của những người bị thương và tiếng khóc lóc thảm thiết của con nít vì có thể ba mẹ của các
cháu vừa mới bị trúng bom. Cảnh hỗn loạn hôm đó đã để lại mãi trong ký ức và sau này khi lớn
lên, tôi mới thấm thía thế nào là sống trong cảnh chiến tranh, bom đạn và chết chóc.
Giờ đây tôi đã lớn khôn và nghĩ tình yêu của Mẹ quá thiêng liêng và cao cả. Mẹ tôi ở
ngoài miệng hầm không phải là sự vô thức, nhưng Mẹ muốn lấy thân của mình để chắn để ngăn
các mảnh bom đạn, để con cái của mẹ được an toàn. Nếu lúc đó có một mảnh bom bắn vào
miệng hầm, chắc chắn mảnh bom đó đà ghim vào thân Mẹ tôi rồi phải không?
Vâng! Đã hơn nửa thế kỷ, căn nhà đó vẫn còn đấy, vẫn còn dấu tích của chiến tranh và
bom đạn, những mảnh sắt đó đã hằn lên và còn in trên những vách tường. Hôm đó mặc dù Mẹ
không chết bởi bom đạn, nhưng tâm trí Mẹ cũng tan tác như căn nhà đã bị bom xé nát.
Trận bom đã làm hư hại nhà cửa và mất mát tất cả, Cha tôi phải vội vàng thuê người đến
sửa để cho anh em chúng tôi tránh mưa nắng, còn Mẹ thì âm thầm ra sức và làm việc gấp đôi.
Từ buôn thúng bán bưng, chạy đôn chạy đáo để lo miếng ăn và để gầy dựng lại sau thảm hoạ
này trong khi sức khỏe của Mẹ thì giới hạn và quá mỏng manh.
Mặc dù gia đình vẫn khó khăn nhưng tình thương người và sự giúp đỡ những ai gặp hoạn
nạn thì Mẹ không bao giờ từ nan. Biến cố năm 1972 tức Mùa Hè Đỏ Lửa. Tôi còn nhớ rất rõ là
có rất nhiều đoàn người từ lớn chí bé, từ các vùng Đồng Hới, Quảng Trị, Đông Hà dắt dìu nhau
vào thành phố Huế lánh nạn. Cả thành phố góc xó nào cũng thấy người di tản. Họ nhóm bếp để
nấu ăn ngay trên vỉa hè, trong các sân trường. Từ ga xe lửa đến các nhà thờ, đình miếu luôn
đầy những người đang chạy trốn. Các học sinh phải nghỉ học trong thời gian này vì nhà trường
cần chỗ trú ngụ cho đoàn người di tản này.
Với lòng trắc ẩn và thương người, Mẹ đã cho bốn, năm gia đình đến ở lại trong nhà và
cung cấp thức ăn cho họ suốt một quãng thời gian dài đến khi chiến tranh yên lắng đôi chút mà
họ quay về quê cũ.
Ngày đám cưới anh Đạo (người anh thứ ba của tôi) Các gia đình này đã tình nguyện nấu
tiệc cưới đãi khách để tỏ lòng biết ơn Mẹ tôi.
Tôi còn nhớ họ là những người rất khéo tay và chịu khó thức suốt đêm để lo chế biến các
món ăn… Mấy người đàn ông thì ồn ào mổ heo từ sáng sớm, còn mấy bà thì nào người hon
(hình thức như hấp) xôi vò, người quết thịt heo làm chả, người thì chiên, xào, và nấu đủ mọi thứ
vì Mẹ tôi muốn đám cưới này phải đãi tiệc lớn bởi ông anh thứ ba này lấy được người vợ mà
mọi người kháo là “con ông cháu cha”. Mà chị dâu của tôi là con ông ông cháu cha thiệt! Chị
vừa đẹp, vừa duyên dáng, nét vẻ quý phái, vừa hiếu thảo mà lại đạo đức nữa. Phước ba đời cho
ông anh thứ ba của tôi. Vì thế nhà đã nghèo giờ phải gặp cái eo mà Mẹ tôi phải gồng mình để
làm đám cưới này cho đẹp, cho nở mặt nở mày với gia đình thông gia và với mọi người cũng chỉ
vì tấm lòng thương con. Sau đám cưới này, nhà tôi lại càng khó khăn thêm trong khi anh Quang,
ông anh thứ tư – anh kế tôi đang cần nộp tiền học mỗi tháng. Nội tiền học cho ông anh này mà
tôi biết Mẹ hết sức vất vả. Mẹ đã hy sinh, chắt chiu và chịu ăn uống kham khổ để có đủ tiền lo
học phí cho ông anh thứ tư tuổi đang lớn này. Mẹ sợ anh ấy tới tuổi bắt đi lính nên bắt phải
học, hoặc đi tu cho khỏi đi quân dịch. Mẹ bị ám ảnh vì chứng kiến rất nhiều lần trong xóm của
tôi cứ vài ba ngày lại có một quan tài của người lính phủ lá cờ quốc gia đưa về; khi thì con của
ông bà kia, lúc thì con của ông bà nọ, tử trận ở các chiến trường Khe Sanh, Bạch Mã, Quảng Trị,


Đông Hà… Mẹ luôn bắt anh em chúng tôi phải học hành đến nơi đến chốn dù Mẹ phải cực khổ
trăm bề.
Phải! Thế hệ của tôi sinh ra lộn thế kỷ nên bị chứng kiến và phải sống qua nhiều cuộc
chiến đẫm máu, còn Mẹ tôi thì đau khổ chịu đựng qua mỗi kỳ chiến tranh. Mỗi lần gầy dựng lại
cơ ngơi thì liền sau đó lại bị bom đạn xé nát tơi bời. Những trận chiến ào qua như: Mậu Thân –
1968, Mùa Hè Đỏ Lửa – 1972 và rồi tháng Tư năm 1975. Từ Huế, gia đình tôi lại một lần nữa vứt
bỏ tất cả để lánh nạn. Cả gia đình dắt nhau bỏ lại căn nhà thân thương mà cha mẹ tôi mới tậu
được cùng tất cả cơ ngơi, của cải, rồi vội vàng xuống biển Thuận An chờ tàu há mồm chở đi vào
một vùng trời vô định nào đó vào những ngày của tuần cuối cùng tháng 4 năm 1975.
Vâng, đã trải qua hơn nửa thế kỷ từ năm Mậu Thân 1968, chúng ta đã mất hết, nhưng
mẹ của anh và mẹ của tôi, những người Mẹ Việt Nam vẫn luôn trong tim của chúng ta, hình ảnh
của mẹ vẫn nguyên vẹn qua từng thời gian và không gian. Lời ru của mẹ vẫn mãi vang vọng bên
tai để cho ta khôn lớn từng ngày, dạy cho ta biết ý thức đế làm người Việt Nam chân chính và
hữu ích cho xã hội, cho mai sau dẫu ta sống bất cứ nơi đâu trong tinh cầu này. Mẹ “mớm” cho
ta tình người, cho ta biết nhận diện máu đỏ da vàng, mẹ “đơm” cho ta tình nước tình non, để
thấy lịch sử vẻ vang, gấm vóc và kiêu hùng, mẹ “và” cho ta được no nê cội nguồn quê hương và
dân tộc…
Hôm nay là Ngày Mẫu Nhật (Mother’s Day) Nước Mỹ rất đã rất ý nghĩa dành một ngày
Chủ Nhật tuần thứ hai của tháng Năm để khắc ghi công ơn và tôn vinh người mẹ.
Nói đến mẹ có lẽ nhân loại không đủ ngôn từ để diễn đạt tình mẹ bao la và cao cả. Mẹ là
món quà cao quý nhất mà Thượng Đế ban tặng cho mỗi một con người. Với tôi, không chỉ có
hôm nay mới tôn vinh và ghi nhớ ơn mẹ, nhưng là mỗi một giây phút trôi qua trong cuộc đời
của tôi là công ơn trời biển của mẹ.
Trong cảm xúc nhớ mẹ khôn nguôi, tôi viết lên ca khúc : MẸ VÀ LỜI RU (youtube bài hát
đính kèm :
https://www.youtube.com/watch?v=YGmcqlAo5AU) để nhớ về mẹ, để nghe và hồi
tưởng lại những lời ru tha thiết cho ta khôn ra và lớn lên, để chạm được tình mẫu tử ngọt ngào
và êm dịu, để cảm nhận nỗi lo lắng ngược xuôi của mẹ khi bồng bế những đứa con lội qua suối,
băng qua rừng tránh chiến tranh và bom đạn, để thấu được sự khắc khoải lắng sâu trong lòng
của mẹ qua tiếng cầu kinh mỗi ngày, cầu xin cho con luôn được yên bình trong cuộc sống, để
hình dung dáng mẹ chiều chiều đứng trước hiên nhà ngóng trông bóng con trở về từ một chân
trời xa xôi, vô vọng nào đó.
Mẹ tôi đã ra đi, tôi chỉ biết cúi đầu cầu xin Thượng Đế đưa linh hồn mẹ tôi về nơi an nghỉ
yên lành trong cõi vĩnh phúc, để mẹ tôi không còn vất vả nữa.
Văn Duy Tùng
MẸ VÀ LỜI RU
Nhạc và Lời: VĂN DUY TÙNG Tiếng hát: Văn Duy Tùng và Tốp ca Nữ