VUA TRUYỆN NGẮN – Lê Mai Lĩnh

VUA TRUYỆN NGẮN
          Lê Mai Lĩnh
Kính thưa ông anh, 
Tôi, thay mặt tôi, vợ con tôi, cháu, chắt , chiu, xin cảm ơn ông.
Tôi, thay mặt, những nàng thơ, những người tình, đến rồi đi, đi rồi về lại, trong  đời tôi, xin cảm ơn ông.
Tôi, thay mặt, những bà góa phụ cô đơn, những bà, suốt đời, ở vậy, làm tình nhân thi sĩ, xin cảm ơn ông.
Tôi, thay mặt, nền văn chương lưu vong hải ngoại, mà tiềm năng, vô cùng lớn lao, vạm vỡ, hứa hẹn những đỉnh cao chói lọi, những NOBEL trong tầm tay, thời VN hậu cộng sản, xin cảm ơn ông.

Tôi, thay mặt, không loại trừ, cả văn chương thế giới, đặt vào niềm hy vọng, một Sương Biên Thùy, là tài sản của cả loài người, xin cảm ơn ông.
Vì rằng, chính ông, không ai khác, giúp tôi còn sống, tới hôm nay, bây giờ.
Ngày đó, đã lâu lắm rồi, xưa như trái đất, trong trại tù Z30B, sau khi ông và tôi, cưa xong một bi đông nước mắt quê hương “dỏm”, còn phá nước lạnh, mồi nhậu là áng chừng nửa lon đậu phụng rang, mà tôi đã “chôm chỉa”của trại. Vì rằng, ngày đó, anh em đặt cho tôi là “vua chôm chỉa,” cùng một gói thuốc hoa mai, mà ông và tôi đã phun khói, như đầu xe lửa.
Tôi đã bày tỏ với ông, rằng TÔI MUỐN TRỐN TRẠI.
Nhưng ông nói, ĐỪNG ĐỪNG 
Sắp về hết rồi. Cộng sản sắp chết hết rồi.
Nếu ngày đó, ông không ngăn và tôi làm thiệt, thì sau đó, hôm nay, tôi đã xanh cỏ, mà không đỏ ngực. Thì nay, tôi đâu còn ngấp nghé trước ngưỡng cửa thi hào, văn bá. Tôi đâu là niềm an ủi cho những nàng góa phụ cô đơn…nghĩ vậy, mà tôi ứa nước mắt, khi nghĩ tới quý bà nương, lạnh lùng, nếu khùng mai một.
Cũng tại ông, không ai khác, viết thư khuyến khích tôi “quậy “.
Ông viết trong thư cho tôi cách nay gần 25 năm,
“ bạn qua, chưa bao lâu, bạn đã “quậy “nát nửa chiếu văn chương.”
Chính vì điều ông nói, tôi xem đó như lời khuyến khich , như lời cổ võ, động viên  của đàn anh, bậc thày, trong văn giới, nên tôi, đã “quậy”tới bến, mút chỉ, đâm lút cán.
Tôi làm sao có thể quên, đêm ông cầm dao, mổ thịt con heo quay, sau sâan nhà nhà thơ NGÔ MINH HẰNG, trong lúc, tôi, TRẦN TRUNG ĐẠO, HỒ CÔNG TÂM, TRẦN HOÀI THƯ, XUÂN THIÊN VỊ, VIỆT HÙNG, NGUYỄN MẠNH CƯỜNG, HOA VĂN, đang chờ nâng ly, trăm phần trăm.
Thế nhưng, không phải người nào cũng thương yêu ông, mà có đứa ghét ông.
Đó là những đứa ghét tôi, ghen với hào quang văn chương tôi, sáng chói như mặt trời đêm 30.
Chúng nói, nếu ông không ngăn, mà đẻ tôi trốn trại, thì giờ đây, chúng không ngứa mắt, về những chiêu “quậy”của khùng thi sĩ.
Chúng nói, vì ông khen tôi, ngợi  ca tôi, mà tôi lên mặt, dựa vào hào quang của VUA TRUYỆN NGẮN, nên tôi, không coi chúng ra gì..
Chúng nói, ngày đó tôi chết, thì nay, tôi đâu là HIỆN TƯỢNG VĂN HỌC HẢI NGOẠI, là nhà thơ ĐẶC DỊ, HIẾM HOI, TÀI HOA, ĐẸP TRAI, mắt sâu, râu rậm, làm mồi nhậu cho quý cô, quý bà, xinh dẹp, cô đơn, thơm như mít hay sầu riêng.
Chúng nói, vì ông, tôi mới có, ĐỨNG NGỒI KHÔNG YÊN, CHÂN DUNG NGƯỜI LÍNH THI SĨ MIỀN NAM, đưa tôi lên đỉnh cao văn chương Hải ngoại 
Chúng nói, vì ông, tôi dựa hơi ông, tôi là đàn em, học trò ông, nên tôi mới nảy sinh ra, cái gọi là  tác phẩm văn học mang tầm thời dại.
Đó là TỰ ĐIỂN VĂN HỌC, dày 1.000 trang, gồm 100 nhà thơ, nhà văn, nhạc sĩ, nức tiếng thế giới, mà tạm thời tôi không nói tên. Tôi sợ những thế lực ghét khùng, bắt cóc, phá bĩnh, cái công trình văn học, làm chúng ngứa mắt.
Chỉ tạm thời, vài bà nữ, mà chúng không dám đụng tới. Đụng tới là biết lẽ đó ngay…
Viết thêm,nói nhiều, không hẳn là hay,là tốt, 
Em xin dừng lại ngang đây nghe ông anh, người thày.
Nhưng chỉ xin nói thêm chút chút
Là bậc đàn anh của em, ông thầy của em, nếu là công dân nước đại cường, 
Thì cái NOBEL, ông đã “lụm”  từ lâu.
LÒ CỪ,  ĐOẠN DƯỜNG HỐT TẤT LIỆT của thầy tui, đâu thua gì , CHÙM NHO UẤT HẬN, CHUÔNG GỌI HỒN AI, 24 GIỜ TRONG ĐỜI NGƯỜI ĐÀN BÀ, 
Vua truyện ngắn LÂM CHƯƠNG, là nhà văn ngang tầm thế giới, thời đại.
Kẹt một nỗi không thay đổi, là ông, công dân nước việt đại cồ việtanh tui, bậc thày tui.
Rất sung sướng ông cho tui là bạn ông.
               Lê Mai Linh
On May 14, 2023, at 7:06 AM, Linh Le <lemailinh103@gmail.com> wrote:

Từ Sương Biên Thùy đến Lê Mai Lĩnh


                                   Phạm Tín An Ninh    May 13, 2023    
Năm đang học lớp Đệ Nhị C trường Trung học Võ Tánh Nha Trang, bọn tôi nghe bạn bè xầm xì có một “ông” học trò mới chuyển từ trường Nguyễn Hoàng, Quảng Trị vào học lớp Tam C. Thời ấy đặc biệt ở các lớp Ban C có nhiều giai nhân, nên đám nam sinh ngấm nghé hơi nhiều. Nghe nói gã từ miền giới tuyến Đông Hà hay Gio Linh mới trôi dạt vào đây. Không biết tên là gì, nhưng thấy gã lúc nào cũng ăn mặc “à la mode”, choàng áo vest, mang giày da bóng loáng có cái đế kêu cộp cộp, trong lúc hầu hết bọn tôi chỉ mang sandal hay dép Nhật. Đã vậy gã lại thường vào lớp trễ, nên học trò trong lớp ngồi chờ giáo sư, đều nhổm đứng lên chào, bởi nghe tiếng đế giày thong thả nện xuống nền ciment ngoài hành lang, cứ tưởng là thầy giáo đến! Chắc có nhiều tiếng rủa thầm trong miệng. Đã vậy gã ta lúc nào cũng ngước mặt nhìn trời, xem mấy lớp đàn anh cứ như cỏ rác.
Cùng năm ấy, còn có một “ông” khác, không biết vì sao bỏ “sào huyệt” cố đô Huế vào học lớp Tam A, chuyên “xách động” bãi khóa biểu tình chống chế độ TT Ngô Đình Diệm, kéo theo một cô cùng lớp Tam C của ông Quảng Trị,  để rồi sau đó cô nàng nổi tiếng với cái tên “Nữ Hoàng Xuống Đường”.  Ông gốc Huế này, mới nghe cái tên, ai cũng biết. Đó là ông Trần Mậu Tý (sau này bị chính ông đồng chí Nguyễn Đắc Xuân bắn chết trong biến cố Mậu Thân 1968). Nhưng ông thần Mậu Tý này là đồ bỏ, chỉ “quậy” một năm chẳng tới đâu, rồi biến, trở về Huế. Nên chỉ có ông học trò gốc Quảng Trị là nổi đình nổi đám.
Bọn tôi đang ghét, chưa kịp hỏi thăm sức khỏe, thì bất ngờ gã được thầy hiệu trưởng Lê Nguyên Diệm “mời” thuyết trình trước toàn trường đề tài “ Giới Hạn Tự Do Của Học Sinh Ở Trường Học”.  Ghê gớm hơn, chỉ vài tháng sau đó, gã lại được tuyển chọn để thuyết trình một đề tài “đẵng cấp hơn” mang tính văn học xã hội : “Thân Phận Người Đàn Bà Qua Ca Dao Việt Nam”
Mọi người bắt đầu nhìn gã với con mắt khác, và dường như gã cũng biết chọn thời cơ để làm cho thiên hạ thấy mình “dễ thương” hơn. Sau này chính gã tự thú: không biết vì sao mà lúc ấy  không bị ăn đòn..mới lạ!
Đùng một cái, mới vào đầu niên học mới, không những chỉ trường Võ Tánh mà gần như cả thành phố Nha Trang “dậy sóng”: một tập thơ mới toanh của một ông nhà thơ cũng mới toanh được ra mắt trình làng. Tập thơ với cái tựa“Nỗi Buồn Nhược Tiểu” nghe  đầy tính nhân sinh quan và triết lý trước thời cuộc, với cái tên tác giả Sương Biên Thùy đượm mùi chinh chiến, làm nhiều người nghĩ tác giả phải là một kẻ gió sương, từng trải, giờ gác kiếm dừng bước giang hồ, theo cụ Nguyễn Bá Trạc “vỗ tay mà hát, nghiêng bầu mà hỏi, trời đất mang mang, ai là tri kỷ, lại đây cùng ta cạn một hồ trường.” Nhưng không, cà thiên hạ ngạc nhiên khi nhận ra thi nhân Sương Biên Thùy này chính là ông học trò lớp đệ Nhị C mà năm trước cả trường đều gai con mắt khi hắn ta từ Quảng Trị nhập gia nhưng không thèm tùy tục.  Cũng từ ấy chẳng ai thèm nhớ cái tên người học trò Lê Văn Chính mà tất cả đều gọi hắn là Sương Biên Thùy. (có tiếng xầm xì: cái tên nghe cải lương bỏ mẹ!)
Tập thơ tuy rất “đẳng cấp” từng vang tiếng một thời ở thành phố biển, vì quá lâu (nhưng không quá xưa) này nên hiếm ai còn nhớ sau thời gian dài với những thăng trầm biến đổi, bao nhiêu rong rêu sông nước đã chảy qua cầu. Giờ chỉ xin ghi lại một vài bài tiêu biểu:


CHÂN DUNG TỰ HỌA
Cha tôi còn, nhưng người theo kháng chiến
Phung phí một đời cho ảo tưởng hôm qua
Sống, chết đến nay, tôi không còn biết 
Dư ảnh lu mờ, kỷ niệm phôi pha.
Từ cha tôi lên đường kháng chiến
Mẹ tôi về lo việc bán buôn
Mang tuổi thơ, tôi đã biết buồn
Không lúc cười, dù hoạt kê trước mặt

Mắt không vui, dù dời  không buộc chặt 
Tôi ngủ nhoài vào vùng lớn suy tư
Mang niềm đau nhược tiểu ưu tư
Tôi chối từ mọi tơ vương vị ngã

Đi vào đời bằng Tân nhân bản
Xin kéo cờ các ngõ hồn nhân dân 
Tung hô tình thương, suy tôn thánh thần
Danh sáng yêu thương, khai hoa nở nhuy

Cho cuộc đời tròn thêm nghĩa lý
Cho bom đạn xâm lăng, bi kịch kéo màn
Bắc lại nhip cầu, san bằng lòng huyệt
Cho người người yêu nhau da diết 

Đến khi chết
Xin làm cây cổ thụ
Đứng giữa đất trời
Cười với thiên nhiên.
BẢN CÁO TRẠNG
Tuổi trẻ hậu chiến
Loài ác điểu cướp mất
Chừ lớn lên
Mất bản tính con người .
Chúng tôi lớn lên
Ngôn ngữ phát âm 
Là tiếng kêu kim khí
Con chim họa mi không hót lời thanh xưa
Con chim đại bàng không lời oang oắc.
Rừng cây danh từ bạc màu biến sắc
Khuynh hướng nhân bản lệch lạc từ đầu 
Tầm tay chúng tôi, chừ nay yếu đuối
Trước lưởi lê quân thù
Chúng nó tiến hậu tả hữu
Phi lý chúng ta đơn côi kéo dài
Hởi thợ thuyền, lao động, sinh viên
Những bàn tay xây nền mới
Hãy kết lên, Vạn lý thành 
Vẽ vang phải trở lại
Lịch sử đất nước này
Bất khuất dòng Lệ Lợi
Việt nam, muôn năm đây
Anh hùng Nguyễn thái Học
Tạ thu Thâu, Trần Cao Vân 
Các anh là thần thánh
Thành tự do muôn năm
Việt nam muôn năm
Việt nam muôn  năm
Sương Biên Thùy 
(1961)
Khi Sương Biên Thùy đang “làm mưa làm gió” ở trường Võ Tánh thì tôi đã bỏ thành phố biển vào Sài gòn, rồi cũng chẳng thuộc dòng hào kiệt gì đâu tôi cũng phải “xếp bút nghiên theo việc kiếm cung”. Được bổ nhậm về một đơn vị tác chiến lưu động tận vùng núi rừng Hoàng Triều Cương Thổ, năm tháng cùng đồng đội miệt mài với chiến trường, súng đạn. Mãi bốn năm sau bản doanh (hậu cứ) chuyển xuống Sông Mao, nơi có ông nhà thơ Nguyễn Bắc Sơn dám “qua mặt” bọn tôi hô hào: “Mai ta đụng trận ta còn sống/ Về ghé Sông Mao phá phách chơi/ Chia sớt nỗi cùng gái điếm/ Vung tiền mua vội một ngày vui“.
Tôi từng dẫn quân dẫm nát Mật Khu Lê Hồng Phong, từng bị thương và cũng từng: “Đêm nằm ngủ võng trên đồi cát /Nghe súng rừng xa nổ cắc cù /Chợt thấy trong lòng mình bát ngát/ Nỗi buồn sương khói của mùa thu”, nhưng không có cơ hội nào tao ngộ với ông thiếu úy CTCT Lê Văn Chính, để nhìn mặt Sương Biên Thùy bấy giờ dễ ghét đến đâu. Bởi vì sau khi toàn bộ đại đơn vị tôi di chuyển lên Kontum vào Mùa Hè Đỏ Lửa, chặn Cộng quân từ Dakto tràn xuống, ông quan một CTCT  Lê Văn Chính mới về trình diện và làm mưa làm gió ở vùng Ma Lâm, Tà Dôn, Bình Thuân này. Chàng ta cũng không kịp gặp ông bạn nhà văn Y Uyên bị VC phục kích bắn bị thương rồi đâm chết dưới chân căn cứ Nora? Nơi chính tôi có nhiều kỹ niệm, khi chỉ huy đại đội bảo vệ cho đơn vị Công Binh Chiến Đấu xây dựng căn cứ này để kịp cho một pháo đội Pháo Binh đến đồn trú,  yểm trợ trực tiếp cho đơn vị tôi hành quân giải tỏa Mật khu Lê Hồng Phong (tháng 9/1966). Sau này khi nghe ông thiếu úy Lê Văn Chính dám đơn thân độc mã ra ứng cử dân biểu tại đơn vị Bình Thuận này, tôi còn sợ ông hơn cái thời ông dẹp sang một bên mấy nhà thơ đàn anh đàn chị ở Nha Trang:  Duy Năng, Sao Trân Rừng, Thanh Nhung…ra mắt tập thơ “Nỗi Buồn Nhược Tiểu”. Mới là quan một mà ông dám “giỡn mặt” với ông đại tá tỉnh trưởng, từng là trưởng Phòng Nhi nổi tiếng của Quân Đoàn! Tôi ngã nón bái phục!
Rồi gãy súng, tan hàng, rồi tù đày, vượt biển… Hơn ba chục năm sau, trôi dạt xứ người, bỗng đọc được những bài viết, bài thơ của ông Lê Mai Lĩnh nào đó. Những bài thơ khẩu khí, ngang tàng nhưng cũng đầy lãng mạn, nhân bản. Tôi buột miệng:  Lại thêm một ông Quảng Trị! Bởi Mai Lĩnh, cùng với Triệu Phong, Gio Linh, Đông Hà..luôn làm tôi nhớ tới những địa danh đẫm máu của vùng giới tuyến Quảng Trị ngày nào.
Một lần nữa tôi lại ngán ông nhà thơ Quảng Trị. Ưa triết lý, tự nhận mình là “khùng thi sĩ” mà yêu nước (và yêu giai nhân) nồng nàn chẳng kém thua ai:
Ký tên dưới đây là tôi
Lê Mai Lĩnh

Thi sĩ

Yêu quê hương như yêu chính bản thân mình
Và Tổ quốc, trong trái tim tôi hằng đêm thao thức
Bụi và lãng mạn
Thêm một chút khùng
Khi trái trời đổi gió biến thành điên
Có máu hiệp sĩ
Thích trừ gian diệt bạo
(Bản cáo trạng…)
Ở trong tù mà dám viết thư chất vấn Tổng Bí Thư Đảng, chửi cả Hồ Chí Minh và lên án chế độ:
Cha tôi là Lê Văn Thông,
Từ người kháng chiến yêu nước trước năm 75
Biết nói tiếng Pháp như gió
Sau trở thành đảng viên CS, chỉ biết cầm súng cắc –bụp-xòe
Giờ đã 80 nằm một chỗ chửi ông
và tập đoàn lãnh đạo đảng cộng sản Việt nam
Bởi theo các ông mà thân tàn ma dại

Thêm một điều tôi muốn nói với ông
Là, hiện nay nhân dân đang nguyền rủa ông quá đỗi.
Họ nguyền rủa ông làm tay sai cho CS Quốc Tế
Đem chủ nghĩa phi nhân, ngoại lai về giết hại dân lành
Họ nguyền rủa ông đã bần cùng hóa nhân dân
Đưa dân tộc vào tận cùng rách nát.
(Bản cáo trạng…)
Trông lên thấy cờ đỏ chói chang
Biểu ngữ, huy chương nghĩa chữ mập mờ
Ngó xuống, thấy dân đời điêu đứng
Máu đỏ, thây phơi hàng nối hàng
(Thời đại Hồ Chí Minh)
Và Lê Mai Lĩnh cũng lãng mạn không ai bằng:
Nửa trái tim tôi em cất giữ từ lâu
Nhớ cẩn thận đừng để rơi để rớt
Tôi sống được, nhờ nửa trái tim đó
Em để mất tiêu, là đời tôi mất tiêu.

(Hãy giữ giùm nửa trái tim khú đế)
Hơn 60 năm tìm lại được cô láng giềng
Mừng khắp khởi, hạnh phúc đếm từng giây từng phút
Đêm đêm ôm nỗi nhớ cô với lòng trai chết điếng
Cô láng giềng nằm bên ngoan như con mèo con

Ngăn tim tôi cũng là lâu đài tình ái
Những gì cô muốn không thiếu một chi
Tôi, thi sĩ, nào đâu dám để cô thiếu thốn
Hễ thấy cô buồn, là tim tôi héo hon.
(Buồn cô láng giềng)
Mỗi sáng mai, lời chào gởi em như thường lệ
Là một bài thơ tỏ tình như thuở mới đôi mươi
Thuở cùng nhau đến trường ngày hai buổi
Em bên kia, anh lẽo đẽo bên này
(Mỗi sáng mai)
70 tuổi thấy mình còn sung độ
Cơm ba bữa, quà vợ tháng ba lần
Gạo lức, muối mè, thiền và thơ
Cứ tàn tàn, có tháng vượt chỉ tiêu.
(Khai bút đầu năm)
Dù hết lòng yêu nước, thủy chung với đồng đội bạn bè cùng“những người con gái”, nhưng cuộc đời Lê Mai Lĩnh cũng đã có lúc không tránh khỏi phong ba dông bão:
Một mùa dông bão đã đi qua
Dông bão ngoài trời, dông bão trong lòng
Ta đi trong tả tơi rách nát
Rách nát gia đình, rách nát tình yêu
Tả tơi cuộc đời, tả tơi nhân thế
(Bão ngoài trời, bão trong lòng)
Thôi thì, phải có tơi tả thì cuộc đời mới có đủ ý nghĩa, thi vị, để thi nhân còn khóc gió thương mây, viết nên những vần thơ tuyệt tác bằng những gió mưa được thổi ra từ chính trái tim mình.
Tôi là người may mắn được đọc thơ Sương Biên Thùy khi anh còn là người bạn đồng môn ở tuổi 16, 17 và sau này lại được đọc thơ Lê Mai Lĩnh với tuổi 80, Nếu thơ là tiếng lòng, thì Lê Mai Lĩnh đã thực sự trang trải hết lòng mình với quê hương đất nước và bè bạn, tha nhân.Từ dáng dấp, bản tính ngay thẳng bộc trực có chút ngang tàng cùng những vần thơ khí phách, lãng mạn, đa tình của anh đã để lại trong tôi lòng quí mến thương yêu và ngưỡng mộ.
Viết mấy dòng này, ngoài tình bạn đồng môn, còn với tinh thần“tầm trả nghĩa dâu”, ghi lại chút thanh khí, niềm đồng cảm  giữa người yêu thơ và thi nhân đất Quảng (Trị), vùng địa đầu từng một thời mịt mờ lửa đạn.
Tháng 5/ 2023
Phạm Tín An Ninh Sent from my iPad

 THI SĨ LÊ MAI LĨNH, LẠ LẮM!
* Tâm bút của Phương Tấn
.
Trên 50 Văn Nghệ sĩ miền Nam Việt Nam đã viết ngợi khen Lê Mai Lĩnh – một người lính tiêu biểu cũng là một nhà thơ tài hoa của miền Nam – với những việc làm cho quê hương cùng những bài thơ của ông mà thi sĩ Phan Xuân Sinh trong tuyển tập “CHÂN DUNG NGƯỜI LÍNH  – Thi sĩ Miền Nam Lê Mai Lĩnh” đã viết: “Dù trong gông cùm, xiềng xích, trước những họng súng lưỡi lê, thi sĩ Lê Mai Lĩnh vẫn lên tiếng và thơ đã có mặt.”
.
Riêng tôi trước năm 1975 đã đọc thơ, văn cả những bài bút chiến của Lê Mai Lĩnh với nhà văn Mặc Đỗ, nhà văn Uyên Thao, đặc biệt ông đã nhân danh một thi sĩ Việt Nam, đề nghị một “Giải Pháp Hòa Bình Cho Chiến Tranh Việt Nam” đăng trên trên báo chí miền Nam. Sau năm 1975, ông vẫn giữ lòng trung kiên là một người lính VNCH qua những việc làm vì quê hương. Trong đó tôi nhớ mãi năm 2000, ông đã nhận lời mời của “Liên Minh Các Lực Lương Dân Chủ Việt Nam” sang Pháp ký vào Hiến Chương 2000 nhằm vận động cho Dân chủ và Tự do ở Việt Nam.  
.
Lê Mai Lĩnh lạ lắm! Lạ không những ở “Chân dung một người lính” mà lạ ở cả “Chân dung một thi sĩ miền Nam nước Việt.” Trên 20 tác phẩm tiêu biểu in riêng và chung từ 1963 đến nay với cả một ngàn bài thơ đủ thể loại của ông, tôi đã đọc đi đọc lại nhiều lần. Một trong các bài thơ đáng đọc mà tôi tâm đắc là bài thơ “Nguyễn Trãi” được ông ghi: “Trại tù Gia Rai 1981.” 
.
Đọc bài thơ Nguyễn Trãi, tôi chợt nhớ một đoạn được in ở bìa trước của Tuyển tập “LÊ MAI LĨNH, Thơ-Văn-Tiểu Luận” mà ông đã viết: “Tất cả chúng ta đều là những kẻ chiến bại trước sự đói nghèo của nhân dân. Trước quê hương khổ đau, chúng ta đều có tội, dẫu khoác cho nhau màu áo nào. Trái tim, máu, nước mắt tôi đây, ngày trở lại sau 3102 ngày khổ sai trong 10 trại tù của Cộng Sản Việt Nam, từ Nam ra Bắc, xin trao tặng quê hương và bằng hữu.”
.
Hãy nghe ông bày tỏ trong bài thơ Nguyễn Trãi: “Thao thức hoài cùng nỗi đau Nguyễn Trãi/ Nhiều đêm, không làm sao chớp mắt/ Trăn trở cùng núi sông trở trăn/ Nghe vọng lại, tiếng người khuất mặt/ Hơn sáu trăm năm từ Nguyễn Trãi rồi/ Mà cơn quốc biến vẫn còn thôi/ Còn đó, dân đen, đau đời quằn quại/ Căm hận bầm gan, tím cả môi/ Trăn trở hoài cùng tiếng đêm thầm thì/ Nằm ngửa, nằm nghiêng, lật trái, lật phải/ Không làm sao chớp mắt/ Nghĩ mình, chung nỗi đau Ức Trai/ Nghĩ mình, phải làm gì cùng Nguyễn Trãi/ Trắng đêm thức với những cơn mộng tỉnh/ Đôi lần, thấy Nguyễn Trãi trong mơ/ Một mình, không có nàng Thị Lộ/ Cầm trong tay một Đại Cáo Bình Ngô/ Mùa mưa kéo dài với những cơn muộn sót/ Những giọt rơi thánh thót xuống đời ta/ Như những lần Ức Trai gieo vần chọn chữ/ Bút thần dệt nên khúc Hùng Ca/ Màu trắng sữa ngoài song sắt là ánh trăng/ Hay báo hiệu bình minh/ Lòng bồn chồn, phân vân ta tự hỏi…/ Tiếng còi xa là tàu đã mấy giờ/ Chuyến cuối đêm hay đầu ngày ra khỏi/ Tiếng còi xa, tiếng còi xa, còi xa/ Đêm dần qua, đêm tối dần qua/ Trắng bao lần với hồn Nguyễn Trãi/ Đau cùng ông, nỗi đau quê nhà….”
.
Bên cạnh bài thơ “Nguyễn Trãi” là 2 bài thơ tôi cũng tâm đắc, mang chung tựa đề: “Mùa Hạ, Thơ Tình Làm Trong Tù” được ông ghi “Trại tù Z30A, 1982.” Bài thơ thứ nhất đắm thắm, ngậm ngùi bao nhiêu thì bài thơ thứ hai xót đau quặn thắt bấy nhiêu. Bài thơ phản ánh thân phận người tù oan khiên, cuồng điên vì chí lớn không thành, quê hương tan tác, trùng trùng uất hận…
.
Ông viết mở đầu: “Hai bài thơ, ngủ vùi trong quên lãng suốt 34 năm (1982- 2016), chợt một sáng mai thức dậy cùng nỗi nhớ về NGƯỜI VỢ CŨ đã nhiều lần tiếp tế lương thực như tiếp máu cho chồng từ Nam ra Bắc. Nhớ lại hai bài thơ cùng người vợ cũ, cũng là lúc hai hàng lệ mặn ứa trào. 
.
“Nay, nàng đã vào chùa, cắt đi mái tóc xưa, một thời tôi mê say, đắm đuối. Cầu mong em, hôm sớm, lòng thanh thản bên cạnh Phật Bà Quan Âm. Tôi vẫn còn yêu mình, TRẦN THỊ KIM HẠNH, cô hoa khôi khóa 1, biên tập viên.” 
.
Hãy nghe ông tâm tình cùng người vợ cũ trong một vài khổ thơ của 2 bài thơ buốt nhói cả tâm can.
.
Bài một: 
“Trời bây giờ, tháng 5, mùa hạ/ Anh đang những ngày, đợi em đến thăm/ Dẫu khó khăn nào, em cũng đến/ Chắt chiu tình nồng, đốt lòng nhau chút ấm/ Anh vừa ăn buổi chiều xong/ Một bát sắn lát, cũng vừa đủ no/ Một chút muối, cũng vừa đủ mặn/ Thêm nữa, điếu Hoa Mai cáu cạnh, bạn cho/ Bên song sắt, anh thả hồn theo khói…” 
.
Bài hai: 
“Nơi ta ở bây giờ, dưới chân núi Chứa Chan/ Trong một trại tù, rào, tường kiên cố/ Nhìn mũi súng, lưỡi lê, như ra điều thách đố/ Ta chỉ muốn sờ râu, cười khan/ Trong tù, sờ râu là một cái thú/ Như thú nhận thư nhà, thú xem ảnh vợ con/ Thú được thăm nuôi và nhận quà đều đặn/ Thú Chủ Nhật ở nhà, mộng lớn, mộng con/ Trong tù, sờ râu và anh thấy hết/ Thấy nước tang thương, thấy nhà tan tác/ Thấy khổ ải, oan khiên, thấy trùng trùng uất hận/ Và thấy mình bất lực, gặm nhấm nỗi buồn, đau man mác/ Trong tù, sờ râu và anh nghe biết/ Nghe nỗi oán than của trăm họ, tiếng rên xiết của muôn dân/ Và nghe thấy mình buốt nhói, đòi đoạn từng hồi/ Trong tù, sờ râu là một cái thú/ Cảm ơn râu, cảm ơn râu, cảm ơn râu/ Râu đã giúp ta qua cơn thống khổ/ Cảm ơn râu, cảm ơn râu, cảm ơn râu/ Cảm ơn Râu.”
.
Thơ ông viết rất thật. Thẳng thắn, bộc trực, giản dị, khí tiết như con người của ông. Thơ như nói. Nói như thơ. Đọc thì dễ, hiểu thì dễ nhưng làm được những bài thơ dào dạt cảm xúc từ những bài thơ tình như giỡn chơi đến những bài thơ thấm đẫm hào khí và cay đắng tột cùng trong lao tù CS cùng những tháng năm lưu vong ở hải ngoại thì không dễ. 
.
(Phương Tấn,
Tháng 4 năm 2023)