Vườn Địa Đàng Tỏa Hương Đượm Sắc Vì đam mê thưởng lãm kiệt tác văn thi sử luận, tôi quý trọng các kỳ phẩm ngoại ngữ, Việt ngữ được tác giả thả bút dụng vựng kết từ để diễn tả phong cảnh, tình tự một cách cầu kỳ với lối hành văn tỉ mỉ song song với cốt chuyện đặc sắc qua nhiều chuyển tiết ly kỳ đa dạng. Và tôi thật sự đã đi từ ngạc nhiên đến cảm phục vì đón gặp cả hai yếu tố này hòa luyện với nhau vô cùng độc đáo và xuất sắc trong tác phẩm Vườn Địa Đàng. “Năm tháng qua đi, những trận mưa đổ xuống tạo thành những suối nước soi mòn dần mặt đất khiến mảnh vườn đã chằng chịt hằn lên những rãnh sâu hoắm như màng lưới nhện phủ khắp nơi. Từ bờ rãnh sâu những lớp cỏ chờn vờn trên mảnh đất khô đang cố tỏa ra những rể non hòng mong tìm được vùng đất mới để bấu víu tìm sự sống. Chúng lênh đênh, chơi vơi, nghiêng ngả dù chỉ trước một cơn gió thoảng thật nhẹ.” (tr.133-4) Ai có cơ hội quan sát những khu đất đầy vết hằn vì nước xẻ xói qua nhiều năm tháng có lẽ dễ dàng hình dung ra khung cảnh mà tác giả đã minh họa ra vô cùng chi tiết bằng từ ngữ thật sống động để nhận thấy “những lớp cỏ chờn vờn .. lênh đênh, chơi vơi, nghiêng ngả .. bấu víu tìm sự sống”. Ai có dịp ghé Toronto trà tửu với tôi ở Dương Dragon Ranch sẽ thấy các dấu vết nứt với cỏ non lất lơ này trên mạch đất bao la để cảm nhận được khả năng tinh tế sử dụng mỹ từ nhằm diễn tả trọn vẹn hình thái thiên nhiên của tác giả. Và chính lối hành văn đặc sắc của tác giả đã thu hút sự chú ý của độc giả và hướng dẫn độc giả thả tâm lưu lạc theo những nẻo quanh co của các mẫu chuyện nhiều ẩn ý sâu xa. Nội dung của tác phẩm Vườn Địa Đàng chứa đựng hằng hà bố cục khai phóng với nhiều ẩn dụ giá trị hướng thượng đượm tình người dào dạt. Về phương diện hình thức thì tác phẩm bao gồm năm (5) truyện ngắn trải trên 298 trang giấy được in công phu tuyệt đẹp: Tháo Cũi Xổ Lồng, Ánh Mắt Ngày Xuân, Vườn Địa Đàng, Hương Hoa Bèo Bọt, và Cánh Đồng Chẩy. Qua Tháo Cũi Xổ Lồng, người đọc gần gũi với gia cảnh tị nạn Việt Nam dễ nhận dạng sự bở ngở ban đầu trong cuộc sống mới và ý chí tiến thân bất chấp khó khăn. Ông Hoan trốn chạy khỏi thiên đàn cộng sản vì quá “sợ hãi hận thù” khi chứng kiến “những hình ảnh hận thù chà đạp trên lý trí con người”. Đến xứ người, ông phải cưu mang hy sinh cho một thằng bé mồ côi cha mẹ trên đường vượt biên. Ông không dám ăn ngon, không dám mặc đẹp vì cần dành dụm đồng lương ba cọc cho ngày thằng bé vào đại học. Thằng Hoạt, bây giờ là Howard, lớn lên ở xứ người lại bị kỳ thị vì vóc dáng Á châu thiếu thể lực cho nên mặc cảm yếu kém; chính ông Hoan đã khuyến khích và chỉ cho nó thấy ưu điểm hầu tiến thân: “đường đi còn dài. Thắng trong trận đấu banh chỉ là cảm tưởng chốc lác thôi con ạ!” Với diễm phúc và sự hy sinh cao cả của dưỡng phụ, Hoạt hay Howard trưởng thành như thế nào trong xã hội Bắc Mỹ quý mến nâng đỡ ý chí cá nhân? Truyện Ánh Mắt Ngày Xuân đưa người đọc đến một khung trời khác lạ với không khí nhộn nhịp của làng xã Việt Nam trong những ngày trước Tết “(k)hi những khóm tre đầu ngõ bắt đầu đổi thành mầu hươm hươm vàng và những trận gió bấc đuổi nhau thổi về đem theo cái lạnh căm căm quyện quấn khắp nơi đã báo hiệu cái tàn tạ của năm cùng tháng tận gần kề” (tr.89). Qua cặp mắt quan sát vô tư của cậu bé “ngót nghét mười tuổi đầu”, người đọc được gợi nhớ từ cảnh chọn “tre vàng và nhỏ” thay vì “tre bầu” để làm cành nêu Tết đến việc chọn lá chuối ngự thay cho lá chuối tiêu để gói giò. Tác giả đã tài tình minh họa bức tranh thật tuyệt hảo của bà mẹ không “một nét giận dữ” khi lo cho bố con chả biết “tằn tiện, chắt bóp,” người cha rộng lượng “hiểu ý” con cũng như tình cảm láng giềng nương tựa giúp đỡ lẫn nhau trong lúc hoạn nạn. Tỉ mỉ và đặc sắc là đoạn văn mô tả cảnh tượng người cha mài mực viết văn tế trên chiếc chiếu hoa (tr.106); ông không những cẩn thận dùng “nước mài mực phải thanh tịnh” mà còn định tâm “tìm ý tứ trước khi bắt đầu” viết văn tế đầu năm. Truyện Hương Hoa Bèo Bọt diễn tả khung cảnh Tết của làng xã “nơi miền quê xa xôi hẻo lánh” trong thời kháng Pháp. Dân ta vẫn giữ gìn những phong tục quý báu nghìn xưa và rộn ràng chuẩn bị ăn Tết với lời nhắn chia trước phần thịt, mua “vải để may quần áo cho cháu,” chuẩn bị hoa quả cùng “bánh pháo lệnh,” cũng nhưdựng cành nêu để đón giao thừa. Chứa đựng trong câu chuyện vô cùng xúc tích là những từ ngữ, món ăn thức uống, kinh nghiệm đặc thù hình như đã biến mất hẳn trong văn chương Việt Nam như “xuống cầu ao xúc chân,” “ra cầu ao khỏa chân,” “bắt ne bắt nét,” “nước nụ vối ướp hoa nhài,” “lợn bã đậu,” “hoa bèo tháng chạp,” lông lợn dùng triết cây, v.v. Đó đây là hình ảnh khủng bố của “công an giải phóng” với “những khuôn mặt nghênh ngang và vênh váo” nhưng người dân vẫn sinh hoạt trong tinh thần tương thân tương trợ, dạt dào tình cảm láng giềng. Câu chuyện còn đưa độc giả theo chân những người vì nhu cầu sống phải đi buôn lậu. Giữa sự bắt bớ của “công an giải phóng”và sự nghi ngờ của họng súng trên chòi canh với ánh đèn pha quẹt sáng ruộng đồng là đoàn người vượt tuyến đi buôn. Họ là những người dân bình thường cố gắng kiếm cách mưu sinh, và số phận của họ sẽ ra sao khi bị đè bẹp bởi lằn đạn vô tri? Truyện Cánh Đồng Chẩy minh họa tình tự chia xẻ tương trợ đầy nhân tính của nét đẹp văn hóa dân tộc. Đứa bé sơ sinh mất mẹ được cả làng mớm sữa mặc dầu gia đình có người mắc hủi trầm kha, vốn là căn bệnh mà ai cũng tránh xa. Dân làng thường xuyên đem bầu, bí, mướp, rau giúp đỡ kẻ lâm vào cảnh khó khăn. “Những cảm tình nồng ấm của người xóm làng biểu hiện tất cả những tấm lòng cưu mang trong một ngôi làng nhỏ. Họ đã sống tại đây đời này qua đời khác. Họ đã biết nhau tường tận nếu không nói từng li từng tí về nếp sinh hoạt và đời sống của mỗi gia đình. Cũng vì vậy họ quí mến và thành thật với nhau. Không tị hiềm hay ganh ghét.” (tr.248) Nhưng khung trời êm dịu của làng xã bị đảo lộn vào lúc giao thời khi tình cảm nương tựa láng giềng bị ngọn lửa hận thù thiêu hủy. Ân nhân bị kẻ thọ ơn đem ra tàn sát, người đàn bà nuôi sữa vì từ tâm bị chính đứa bé sơ sinh được bà ân dưỡng khi đói ăn sắp chết ngày nào đưa ra đấu tố. Đất trời đảo loạn vì mưu trá chính trị, tình nghĩa láng giềng đổi thay vì ngọn lửa ý thức hệ tàn bạo. May mắn cho hy vọng hướng thượng là có người dám từ chối hòa theo cơn sốt điên rồ và đã can đảm chọn thế đứng sừng sững giữa đất trời như những thí dụ hùng hồ về nét văn hóa làng xã đầy nhân tính bám rễ sâu nghìn năm của cây đại thụ vạn niên tình tự dân tộc: anh Ích có con làm bí thư huyện ủy nhưng từ chối bổng lộc để trú ngụ trong gian nhà cũ tồi tàn rồi còn yêu cầu khi chết phải được vùi thân ở “bãi tha ma dành cho những ngôi mộ hoang” không bia không vía; cô Sơ can đảm cầm gậy đánh chánh án đấu tố và dõng dạc nguyền rủa: “Tụi bay là những người vô nhân bất nghĩa.. Nếu không có bà (Lý) thì liệu mày còn sống đến hôm nay hay không!” Vườn Địa Đàng là một trong năm câu truyện ngắn trong sách và tên truyện cũng là tựa đề của tác phẩm. Truyện Vườn Địa Đàng minh họa sống động bức tranh tương tư của một chàng bắt rắn lấy mật về giai nhân được ấp ủ trong khung trời đài các hoàn toàn khác biệt. Thay vì tiếng sáo Trương Chi khiến Mỵ Nương lâm bệnh thì sắc đẹp thanh tao của cô bé Thảo trong vườn địa đàng hút hồn anh thợ săn rắn tên Sàm. Chính sự cao cả rộng lượng của Thảo trong thái độ đối xử tốt đẹp từ lần tiếp xúc đầu tiên đã tạo nên ấn tượng cao quý trong tâm tư của Sàm, người bị dân làng xem thường. Sàm đam mê trong tương tư nhưng Thảo chỉ nhìn Sàm như một người xấu tướng lại tốt dạ. Sau khi Thảo bước lên xe hoa lộng lẫy về nhà chồng, khu vườn địa đàng thỉnh thoảng vẫn thấy bóng Sàm thẩn thờ “nhấp nhô ẩn hiện trong khung cảnh hoang dã nhưng nhạt nhòa dần.” Vườn Địa Đàng là câu chuyện thứ ba trong văn phẩm đặc sắc này nhưng được dành để giới thiệu trong phần cuối chỉ vì lúc nghiền ngẫm lại thì tôi thấy sự trùng hợp với tình trạng hiểu lầm phổ cập trong nhiều tổ chức bởi vì lý do rất đơn giản là các giao hữu cư ngụ cách xa nhau, ít khi gặp gỡ, không có dịp trao đổi thường xuyên cho nên dễ bị rơi vào tình trạng thiếu xót sự thông cảm cần thiết. Điển hình như khu vườn nhà cô Lương Thanh Thảo vì chỉ nằm ngoài bìa làng và ba cô hay đi làm xa ở Phủ Toàn Quyền cho nên “(n)gười làng cho đây là một khu vườn hầu như bỏ hoang vì thiếu sự chăm sóc thường nhật!” cho nên “khoác mặc tất cả cái huyền hoặc, bí ẩn” (tr.134) trở nên “(m)ột nơi như cấm địa với mọi người” (tr.157). Sự thật lại hoàn toàn trái ngược với những suy đoán như trên. Lũ nhóc trong làng biết rõ là “người làng đồn đại vườn ông Thảo là một vườn hoang không đúng một tí nào cả” (tr.155). Và chúng đã có dịp “mải mê ngắm cảnh” .. “nhao nhao trầm trồ khen cái vẻ đẹp mà chúng chưa hề thấy có nơi những nhà cửa khác trong làng” (tr.149). Rồi còn việc hiểu lầm về danh từ khi lũ trẻ làng xin trứng chim nhưng cô Thảo chỉ thấy vỏ trứng vỡ tan chứ cô “chưa bao giờ trông thấy hình dáng thực của trứng quạ cả!” (tr.154). Đến khi đem kẹo đỗ lạc to tròn phát cho lũ trẻ thì cô Thảo mới ngỡ ra các viên kẹo này “là trứng chim..Hôm nay là quả trứng chim thứ hai! Em để dành! Em không ăn đâu! Trứng chim quí lắm, cô ơi!” (tr.157) Không những chỉ riêng cô Thảo mà độc giả cũng khó ngờ là lũ nhóc trong làng gọi các viên kẹo đỗ lạc của gia đình Thảo ban phát là trứng chim. Sự hiểu lầm có thể xảy ra trong bất cứ trường hợp nào, đặc biệt là khi có kẻ vì lý do cá nhân vươn tay tung hỏa mù gây ra sự xáo loạn cho thịnh tình chung. Ngay cả “mỗi khi vào làng gặp ai ông (ba cô Thảo) cũng chào hỏi trước, không bao giờ chờ đợi được chào hỏi đáp lại. Ông luôn trịnh trọng thưa bẩm và cười tươi.” (tr.156), nhưng vườn nhà ông vẫn bị hiểu lầm để trở nên “(m)ột nơi như cấm địa với mọi người”. Thật ra có lẽ chỉ vì xa mặt cách lòng “nếp sống khác biệt .. đã khiến một số người không ưa hoặc đưa điều ong tiếng nheo cho hả cái bực tức” (tr.155). Tình trạng xa mặt không hẳn sẽ dẫn đến sự cách lòng, đặc biệt khi quan sát khách quan chuỗi dài thăng trầm của dân tộc bởi vì dù bị chia tay với bất cứ lý do gì nhưng ai cũng cố gắng cẩn thận giữ gìn tình cảm cao quý của gia đình, của người thân yêu. Tuy vậy, sự xa mặt có thể tạo điều kiện cho tình trạng cách lòng phát triển nếu bị yếu tố vô tình bất nghĩa chi phối. Để giảm bớt xác suất cách lòng hiểu lầm, bằng hữu xa mặt cố gắng gần gũi, trao đổi thường xuyên nhằm vun đắp thịnh tình thân giao. Trong Vườn Điạ Đàng qua năm câu truyện với bố cục đa dạng, tác giả đã diễn tả tỉ mỉ tình cảnh phức tạp của xã hội và đặc biệt giúp đưa người đọc về với khung cảnh mộc mạc của làng xã Việt Nam, về với sự khó khăn cần được khắc phục trong những năm tháng đầu của cuộc đời tị nạn với nhiều ẩn ý sâu xa: “Có lẽ trời muốn trao cho gánh nặng, bắt trải qua bách chiết thiên ma.” Nguyễn Trãi Tác giả của văn phẩm Vườn Địa Đàng đặc sắc là nhà văn Vũ Văn Tùng, nguyên Tổng Thư Ký Tập san Quân Y Quân Lực VNCH (1967-73), nguyên Chủ Nghiệm Nguyệt san Truyền Sinh của Bộ Y Tế VNCH (1970) và hiện nay là Chủ Tịch VBVNHN (2012-14, 2015-17). Tôi có dịp gặp và quen anh Vũ Văn Tùng vào tháng 12-2014 tại Đại Hội Văn Bút VNHN kỳ 10 ở California. Nhà văn Vũ Văn Tùng là bậc đàn anh so về tuổi tác nhưng, trong các dịp gặp gỡ và trao đổi với một kẻ hậu bối như tôi, anh luôn luôn biểu hiện tánh từ tốn hiền hòa khả kính. Khi chia tay, anh ký tặng tôi vài tác phẩm trong đó có sách Vườn Địa Đàng. Tôi có thói quen cố hữu không bỏ được là bắt buộc mình phải đọc sách do tác giả thân tặng để hiểu thêm về người viết chỉ bởi vì thịnh tình đặc biệt của tác giả. Tuy vậy, mãi đến tháng 3-2015 này trong dịp nghĩ hai tuần March Break với gia đình ở Cancun tôi mới có cơ hội thảnh thơi để đọc một số sách trong đó có tác phẩm Vườn Địa Đàng. Cách hành văn tỉ mỉ với từ ngữ chọn lọc đượm tình tự nhân hậu song song với bố cục chuyện đa dạng đan chéo bất ngờ của tác giả Vườn Địa Đàng thu hút đưa dẫn độc giả lạc bước vào khu vườn văn chương minh họa sống động tập quán làng xã dễ bị thời gian lãng quên với hằng hà từ ngữ mộc mạc nhưng súc tích, cầu kỳ lại đượm hương sâu sắc giúp người đọc thảnh thơi thả tâm du ngoạn từ nẻo mòn ngạc nhiên đến lối quanh cảm phục. Thật lâu lắm rồi mới thưởng lảm được một văn phẩm đặc sắc cho nên xin trân trọng cảm ơn tác giả Vũ Văn Tùng. Vịnh Thanh 15-4-15 Dương Dragon Ranch |