Vượt Biển-Hồi Ký 30 Tháng Tư – Lê Thị Nhị Buổi sáng ngày 30 tháng 4 năm 1975, dân chúng Sài Gòn đổ ra đường để ngơ ngác và lo sợ nhìn những lá cờ của Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam bay phất phới, những chiếc xe tăng, những đoàn xe chở đầy bộ đội, ầm ầm tiến vào thành phố. Trên các con đường, các ngỏ hẻm, những bộ quần áo lính, những nón sắt vứt la liệt khắp nơi khắp chốn. Gia đình tôi di cư từ Bắc vào Nam năm 1954, tôi lại hay đọc sách báo về cộng sản và theo dõi thời cuộc nên tôi đã hiểu khá nhiều về chế độ cộng sản. Thêm nữa, bà con tôi từ miền Bắc vào, còn cho biết rất tường tận về những gì đã xảy ra ở miền Bắc trong 20 năm tôi ở miền Nam và thành thật khuyên nhủ: – Không ở với họ được đâu! Có điều kiện, nên chạy đi nước ngoài đi! Chúng tôi không bay lên trời, không lặn xuống biển được, nên phải thành… Việt Cộng đó thôi! Thực ra, dù không có những lời khuyên chân tình của những người bà con đó, thì tôi cũng đã quyết định tìm đường vượt biển cùng các con, mặc dù chồng tôi không đồng ý và nói: “Mấy chục triệu người, người ta sống được, mình cũng sống được. Nước mình, mình ở, không đi đâu hết!” Sở dĩ tôi phải chờ tới 5 năm sau ngày cộng sản chiếm miền Nam mới thực hiện được cuộc vượt biển là bởi vì tôi sinh cháu gái út vào ngày 16 tháng 5 năm 1975, rồi năm 1978 tôi lại phải giải phẫu vì bị ung thư bao tử, nên tôi ngưng tìm đường vượt biển một thời gian để chữa bệnh. Sau một năm, thấy tình hình sức khỏe tạm ổn, tôi lại vội vã tìm đường ra đi, vì ngại rằng bệnh sẽ tái phát và tôi sẽ chết trước khi mang các con đến được bến bờ tự do! Trong khi tìm đường vượt biển, tôi vẫn đi bán Chợ Trời, đi dạy học để không bị đuổi đi Kinh Tế Mới. Tôi tìm đường đi như một người điên! Đóng tiền chỗ này, họ chưa gọi đi, tôi đã lại đóng tiền chỗ khác. Tôi đi đến lần thứ 5 mới thành công, và tốn mất hơn một trăm lạng vàng! Lần cuối cùng, tôi phải đổi cả cây kiềng đám cưới ra vàng lá, mới đủ trả cho chủ tàu. Buổi sáng ngày 17 tháng 11 năm 1980, tôi cùng 3 đứa con chào bố mẹ chồng, nói dối là “xuống bà ngoại ăn giỗ”, rồi lật đật dắt các con bước ra khỏi nhà, gọi xích lô đến điểm hẹn ở Hàng Xanh gặp người dẫn đường và cậu cháu, để lấy xe đò đi Hải Sơn, gần Vũng Tàu. Chúng tôi trốn ở một căn nhà ven sông mấy ngày, và đêm 21 tháng 11 thì chạy ra ghe nhỏ để lên tàu lớn. Trong đêm tối mịt mùng, tôi và đứa con gái 10 tuổi, đứa con trai 9 tuổi cùng nắm một sơi dây cao su dài để không bị thất lạc nhau. Cậu cháu của tôi, 16 tuổi, thì cõng đứa con gái út của tôi 5 tuổi. Vì mấy ngày hôm trước, tôi còn phải vào nhà thương Bình Dân để làm hóa trị nên người còn rất mệt, nhiều lúc tôi chạy không nổi nữa, con gái tôi nói “Mẹ để con chạy trước kẻo mất dấu mọi người”. Tôi cản lại: “Không được con! Coi chừng lại lạc luôn con rồi làm sao!” Mẹ con tôi cùng một đoàn người chạy miệt mài trong đêm tối trên những con đường bùn lầy, băng qua những lùm cây, trên con đê nhỏ hẹp, chỉ đủ một người đi, trượt chân có thể ngã tòm xuông dòng sông! Rồi tôi và hai đứa con leo lên được một chiếc ghe nhỏ. Cậu cháu và con gái út của tôi không có trên ghe đó! Có người nói: – Em thấy thằng bé cõng con nhỏ lên ghe khác rồi! Ghe chạy xình xịch một hồi lâu, bỗng có tiếng kêu dưới dòng nước: – Ghe kia bị đắm rồi! Chết hết! Người tài công quăng một sợi dây thừng xuống cho người ở dưới nước nắm lấy và leo lên ghe. Thì ra đó là người tài công của chiếc ghe bị đắm! Tôi lo sợ cho con, cho cháu nhưng vẫn hy vọng: “Chắc hai đứa không có ở trên chiếc ghe đó!” Lên đến “tàu lớn”, tôi la hét, hỏi trên hỏi dưới, không thấy cháu trả lời. Người tôi mềm nhũn ra như một sợi bún! Kinh hoàng và đau khổ tột cùng! Nếu không có hai đứa con nhỏ ở bên cạnh, có thể lúc đó tôi đã nhảy ùm xuống biển để trôi đi nỗi ân hận đã mang con mang cháu vào con đường chết. Sự đau khổ quá sức khiến tôi trơ ra như tượng đá, không còn khóc được nữa. Tôi nhắm nghiền mắt, nắm chặt hai bàn tay nhỏ bé của hai đứa con, thầm cầu Trời Phật ban cho tôi sức mạnh để chăm lo cho hai đứa con còn lại này. Chiếc tàu như chiếc lá trôi đi, trôi đi giữa vùng biển mênh mông… Sau ba ngày ba đêm, con tàu đã tìm được bến đỗ trên đảo KuKu của Indonesia. Lảo đảo bước xuống đất liền, tôi thất thểu đi như một người mộng du. Hai đứa con tôi cũng biết lo sợ trước sự vắng mặt của em và người anh họ. Tôi nói để hai đứa yên tâm: – Anh và em không sao đâu, chắc chạy chậm nên không lên ghe nhỏ được đấy mà! Giờ này có thể đã về lại Sài Gòn rồi! Trong lòng tôi, như đứt từng khúc ruột, nhưng bên ngoài vẫn phải bình tĩnh vì biết rằng trách nhiệm của tôi với hai đứa con vô cùng nặng nề trong những ngày sắp tới. Một tháng tôi sống trong sự kinh hoàng trên đảo Ku Ku với nỗi ám ảnh về cái chết của con, của cháu. Một hôm, có con tàu của Đức ghé đảo tiếp tế lương thực, tôi nhờ ông thuyền trưởng về Singapore điện tín về cho gia đình tôi hỏi thăm tin tức của con và cháu. Đúng ngày Giáng Sinh năm ấy, ông thuyền trưởng trở lại với môt bức điện tín: – Tôi có quà cho bà, nhưng không biết là tin vui hay tin buồn đây! Đọc bức điện tín, tôi muốn hét lên vì sung sướng: Con và cháu tôi đã về lại nhà an toàn! Nhưng một lúc sau, niềm vui của tôi lại biến mất! Tôi nghĩ: “Biết đâu nhà nói dối để cho mình yên tâm?” Tôi sống trong khắc khoải cho đến một tháng sau mới nhận được thư của anh tôi từ Úc chuyển cho lá thư từ Sài Gòn với hình ảnh của con và cháu. Sau 6 tháng sống trên đảo KuKu và Galang, ba mẹ con chúng tôi đặt chân đến Los Angeles vào đúng ngày 30 tháng Tư năm 1981. Niềm vui của tôi đưa hai con đến được miền đất Tự Do không trọn vẹn. Tôi nhớ thương con gái út bé bỏng của tôi từng giờ từng phút và khóc thầm vì không biết bao giờ mới được gặp lại? Rồi cuộc sống mới trên xứ Mỹ quay tít tôi như con bông vụ! Đi học, đi làm, chăm sóc hai con… và rồi căn bệnh ung thư lại tái phát. Cuộc sống của ba mẹ con tôi thật vất vả, và thời gian vẫn lặng lẽ trôi… Bằng một phép lạ, tôi đã khỏi bệnh và đón được con gái út sang đoàn tụ sau bảy năm xa cách. Xin cảm ơn Trời Phật! Ngày nay, các con tôi đã khôn lớn, học hành đến nơi đến chốn và có một cuộc sống tự do, hạnh phúc. Xin cảm ơn nước Mỹ đã cưu mang gia đình tôi và những người tỵ nạn Việt Nam. Lê thị Nhị
|