Vượt Qua Cơn Ác Mộng- Ngọc Cường

Vượt Qua Cơn Ác Mộng
Ngọc Cường
Lời Nói Đầu
   Một nhà văn ở Nam Cali có đề nghị chúng tôi viết về ngày 30 tháng Tư như một suy nghĩ riêng tư, cùng đóng góp với một số văn hữu khác cho một tập san của anh. Trong cuộc chiến năm xưa,tôi đã đứng  trong hàng ngũ đối nghịch với phe thắng cuộc, cho  nên không thể nào có cái nhìn khách quan được. Nếu có viết ra cũng không có gì khác lạ hầu cống hiến quý độc giả. Tuy nhiên, hôm nay sau 46 năm của ngày đen tối đó, tôi nhận thấy tâm hồn mình có phần trầm lặng đi, hận thù của thời chinh chiến cũng đã nguôi ngoai phần nào. Trong thâm tâm , tôi tự coi như mình đã vượt qua được cơn ác mộng đã ám ảnh, theo đuổi mình về cái ngày 30 tháng 4 của năm 1975 . Cho nên, tôi mạo muội xin đóng góp quý độc giả bằng bài dưới đây, coi như là một cố gắng đứng ngoài thời gian và không gian. N.C.
 
   Người Việt-Nam sẽ nhớ mãi Ba Mươi Tháng 4 năm 1975, ngày VNCH đầu hàng và chiến trường im tiếng súng,  như một biến cố vui, hay buồn tùy vào vị trí là ở phe thắng hay thua cuộc. Đối với một kẻ bàng quan, ngày đó đáng ghi nhớ vì là ngày mang lại hòa bình cho đất nước, sau một cuộc chiến tàn khốc, lâu dài. Làm sao có thể khách quan được, khi dù đã 46 năm qua, phe thắng cuộc vẫn còn diễn hành ăn mừng, như thể giết chết đồng bào là điều đáng để hãnh diện… còn bên thua cuộc như chúng tôi thì… không thể nào quên đi mối hận thù mất nước!
    Ngày 30 tháng năm 75 là một biến cố có tính cách chính trị và thuộc về lịch sử.
   Gần nửa Thế Kỷ vẫn chưa đủ lâu, để nạn nhân của cả đôi bên quên đi nỗi khổ đau và tàn nhẫn của cuộc xung đột. Ai biết suy nghĩ,  và sống qua ngày lịch sử đó , không ai,  có thể quên được, có lẽ còn nhớ rõ đến chi tiết từng giây từng phút những gì xẩy ra  trong 24 giờ của ngày ba mươi tháng tư năm 1975, như đoạn phim của đời mình được thâu vào tâm khảm, rồi chiếu lại…mặc dù, có người muốn quên đi, như kẻ viết bài này, vì quá hãi hùng và đau buồn !
   Phải chờ cho đến tất cả chứng nhân của cuộc chiến đã ra đi, khi chỉ còn lại thế hệ sinh ra và lớn lên trong thanh bình, không ai còn nhớ  mối hận thù, và khi ấy, người Việt sẽ có quan điểm khách quan hơn, và không còn ảnh hưởng bởi tình cảm căm hờn và đau đớn của nội chiến.
      Không đau đớn và oán giận sao được, khi gần như không có một người Việt nào, của cả hai phe, trong gia đình lại không có người thân là nạn nhân của cuộc chiến: nếu không mất đi người cha,  thì người anh, đứa em, con, hay cháu,  đã bỏ mạng oan uổng ( đền tội cũng như hy sinh ?). Chiến tranh xẩy ra giữa người Việt với người Việt, bởi vậy đây là một cuộc nội chiến tàn khốc và phi lý (như mọi cuộc chiến khác) ! Tôi nghe nói, nhiều nơi ở ngoài Bắc, sau năm 75, có làng quê không còn bóng một người đàn ông hay thanh niên, họ đã đi B , và sinh Bắc và tử Nam ! Để biện minh cho chiến tranh, ông Lê Duẩn đã nói :”Đánh Miền Nam, là chúng ta đánh cho Liên Xô và Trung Quốc.” Quả là oái ăm một lời nói ngu xuẩn và vô trách nhiệm. Vong linh của hàng triệu chiến sĩ và nhân dân của cả hai bên chết trong cuộc chiến sẽ không thể yên nghỉ được về lời tuyên bố của lãnh tụ CS này.
    Chiến tranh,  theo nghĩa thông thường là xung đột vũ lực giữa các phe nhóm, hay quốc gia để đạt đến mục đích xâm chiếm, thống trị đối phương, áp đặt ý nguyện của mình. Nhưng, thật là trớ trêu, vì lịch sử đã chứng minh bạo lực không bao giờ giải quyết được xung đột lâu dài của con người, vậy mà,  từ ngàn xưa cho đến nay, chiến tranh vẫn còn xẩy ra trên quả đất, và là nguồn gốc lớn nhất của chết chóc, đau khổ và thù hận.
   Trong một bài nghị luận, chúng tôi có lần đề nghị: chiến tranh xảy ra giản dị bởi lòng tự cao, tự cho mình hơn kẻ khác của con người. Chính cái ngã mạn đã đưa đến say mê quyền hành và từ quyền lực đưa đến chiến tranh. Người Đức tự cho mình hơn dân Do Thái…người da trắng thông minh hơn bọn da màu… nên mới có Thế Chiến Thứ Hai và chiến tranh thuộc địa.v.v…
   Chiến tranh VN đặc biệt ở chỗ là một cuộc tranh chấp toàn diện, khôi hài và mỉa mai:
Toàn diện vì bắt nguồn từ một xung đột về  ý thức hệ , xong qua đến lý thuyết đô-mi-nô, rồi lan đến mọi hình thức, từ vũ khí tối tân cho đến thô sơ , từ dạng du kích, khủng bố cho đến chính quy, bao gồm cả ngoại giao lẫn tuyên truyền. Vì là một cuộc chiến vừa du-kích, vừa chính quy, nên không có ranh giới rõ ràng, kẻ thù, địch quân trông y hệt quân ta, dễ dàng len lỏi, nằm vùng trong hãng ngũ VNCH !
Khôi hài vì, dù  mang danh là nội chiến , chiến trường là mảnh đất, quê hương Việt-Nam, quân ta và kẻ thù đều là người Việt, nạn nhân đa số là nhân dân ta thế nhưng, là cuộc xâm lăng của nước VNDCCH đánh vào VNCH, còn vũ khí đạn dược lại do các cường quốc cung cấp, AK 47 bắn với M-16.…nhưng  người Việt không có chủ động, cả hai bên như con cờ của thế lực bên ngoài : chiến lược, chiến thuật đều do ngoại bang bầy vẽ ra… và kết thúc cũng được quyết định ở Paris. Thắng hay thua không còn quyết định được ở chiến trường , mà ở ngoài đường phố Washington DC hay Paris, New York…
   Quê hương chúng ta là bãi chiến trường, còn việc chỉ đạo từ Ngũ Giác Đài, hay trong cuộc họp của Bộ Chính Trị đảng CS Liên Xô và Trung Cộng…
   Mỉa mai vì Bắc Quân đánh miền Nam là thế cho Cộng Sản Quốc Tế, nhưng lại mang danh là giải phóng Miền Nam, tranh đấu cho Dân Tộc ( thật ra là cho quyền hành của Đảng CS ) , và trong suốt một thời chinh chiến, và dù đang vào thời điểm ác liệt nhất, ở Sài-Gòn cuộc sống bình thản, ăn chơi diễn ra như thời bình thịnh trị ( trừ một thời gian ngắn vào dịp Tết Mậu Thân năm 1968)… những kẻ đầu cơ, thương gia, chạy áp-phe…vẫn phè phỡn như thời bình, mặc kệ cho thôn quê bị bom đạn, con nhà giàu,  có quyền thế, vẫn du học hay trốn lính…
Một Ngày Tương Phản và Phân Cực Nhất Của Thế Kỷ
   Vào lúc 8 giờ sáng, TT Dương Văn Minh đơn phương ra lệnh các đơn vị QLVNCH buông súng và tuyên bố cầu mong đối phương cũng ngưng bắn để tránh đổ máu, và mong chờ gặp đại diện của Chính Phủ CMLTGPMN để bàn thảo bàn giao chính quyền. Nhưng ,  lời kêu gọi của ông không hiệu nghiệm, vì nhiều đơn vị QLVNCH vẫn còn chiến đấu lẻ tẻ khắp Sài-Gòn và các vùng…
    Vào lúc 11 giờ 30 sáng ngày 30 tháng 4 năm 1975, có đơn vị của quân BV vào được Dinh Độc Lập và ép buộc Đại Tướng Dương Văn Minh tới Đài Phát Thanh Sài-Gòn để đọc lời kêu gọi lần thứ nhì, ra lệnh cho QLVNCH (bài viết được sĩ quan BV soạn sẵn)  đầu hàng vô điều kiện, và bàn giao đơn vị cho phía BV và VC.
Bằng hai lời tuyên bố đó, ông đã chính thức chấm dứt chiến tranh Việt-Nam.
   Trong 24 tiếng đồng hồ của một ngày, có một không hai trong lích sử nước ta, đất nước phân cực ra hai tương phản rõ rệt : từ đó,  chiến tranh chuyển sang hòa bình… trong nhân dân, có cả triệu người vui, cũng có cả triệu người buồn ( Võ Văn Kiệt)… bỗng nhiên xã hội xuất hiện hai giai cấp: kẻ thắng cuộc và bên người thua (không đánh thua nơi chiến trường,  nhưng chịu danh nghĩa thua do hành vi đầu hàng của người lãnh đạo)…cùng một lúc, từ trên Trời giáng xuống cả địa ngục cho chúng tôi, và cũng ban cho chút hy vọng có thiên đàng, bao trùm lên quê hương cho kẻ người CS…và cả triệu quân nhân VNCH bị đổi thành những kẻ phản quốc, còn anh hùng hy sinh thành ra bọn đền tội.
Lịch Sử Sẽ Đánh Giá Biến Cố 30 tháng Tư ra sao ? 
  Lịch sử thường được coi như khách quan và công bằng,…nhưng , có chắc chắn như vậy chăng ?
Để nêu lên mối hoài nghi, chúng tôi xin đơn cử một thí dụ nhỏ để trình quý độc giả:
“Đó là sự kiện 3 sĩ quan Bắc Việt , một ông họ Phạm và hai ông họ Bùi : trong ngày 30 tháng 4 năm 1975, đơn vị Lữ Đoàn thiết giáp 203 của Trung Tá Bùi Văn Tùng và đơn vị bộ binh Trung Đoàn 66 của Đại Úy Phạm Xuân Thệ, là những quân BV xông vào trong Dinh Độc Lập trước nhất,; tiếp sau đó có Thượng Tá Bùi Tín, Phó Tổng Biên Tập báo Nhân Dân. Cho đến hôm nay, cả hai ông Trung Tá Tùng và Đại Úy Thệ đều nhận mình là tác giả bản viết đầu hàng đưa cho TT Minh đọc tại Đài PhátThanh Sài-Gòn. Riêng ông Bùi Tín cho là chính ông nhận bàn giao chính quyền VNCH (sau khi ông Minh đọc bản đầu hàng và trở về Dinh Độc Lập)”
   Nếu một sự kiện nhỏ, nhiều nhân chứng còn sống sót, vậy mà chính quyền VN không dám nói lên sự thật, nay đã 46 năm, thì có lẽ dù sau này, khi cả mấy ông Tín, Tùng, và Thệ đã qua đời, lịch sử ( do họ viết ra ) cũng không thể khách quan và công minh, đúng với sự thật được. Tóm gọn : lịch sử là những gì người viết sử sáng tác ra, không chắc là đầy đủ và công bằng.
   Trong lịch sử của nước Mỹ, vào thời kỳ lập quốc, có sự việc chính quyền Hoa Kỳ và dân da trắng đã sát hại dã man thổ dân da đỏ. Vậy mà họ có nhắc đến đâu ! Ngay cả sau này, sự kỳ thị và đàn áp người da đen cũng được lấp liếm, che đậy đi. Dữ kiện không đầy đủ không thể là sự thật.
    Chúng ta chỉ còn hy vọng là, với thời gian, tâm tính người Việt thay đổi, sẽ cởi mở và bỏ qua hết hận thù , để nhìn sự việc công minh và toàn diện hơn. Nhưng đó chỉ là hy vọng vào tương lai.
   Mọi cuộc chiến, dù kéo dài cả 100 năm, hay ngắn hạn, đều phải chấm dứt một  khi cán cân lực lượng đã nghiêng quá về một bên; gây thiệt hại nặng đến ý chí chiến đấu, và cái giá (của một phe ) nếu tiếp tục cao hơn khả năng chịu đựng; rốt cuộc,  để giảm thiểu sự thiệt hại, chỉ còn có giải pháp là đầu hàng !
   Chúng ta đổ lỗi và than trách vì Mỹ bỏ rơi, nên VNCH mới bị thua, nhưng, người Mỹ vốn  thực tế và không coi trọng sĩ diện bên ngoài, nên,  một khi tính toán việc đầu tư (vào chiến tranh Việt-Nam)  không có lời cho quyền lợi riêng, và nếu tiếp tục, cái giá họ sẽ phải trả quá cao,  nên quyết định chấm dứt càng sớm càng tốt, mặc dù đã đầu tư cả tỷ đô-la, đưa đến việc bỏ rơi VNCH. Người lính VNCH vẫn tự hào trong cuộc chiến, họ đánh ít khi thua, đúng như vậy, vì nếu so sánh thiệt hại đôi bên, Miền Bắc tổn thất cao hơn. Nhưng , tiếc thay, chiến trường không còn quyết định thắng hay thua nữa, mà là ý chí  và sực chịu đựng của bên nào bền bỉ hơn sẽ thắng !
 Tổng kết chiến tranh VN : Mỹ thiệt hại 58 ngàn ; quân Bắc Việt (và VC) hơn 1 triệu; lính VNCH khoảng ¼ triệu,  và dân VN vô tội cả hai bên 1.1 triệu người.
(Theo thiển ý chiến cuộc VN tóm gọn là một thử thách giũa hai ý chí.  Thật là trớ trêu khi có nhà nghiên cứu cho là  Bắc Việt đã nghĩ đến đầu hàng vào năm 1972, sau khi Hà-Nội bị ném bom xối xả, nhưng, tự nhiên… bỗng ngưng lại, người Mỹ đánh loại chiến tranh hạn chế, chỉ dùng một tay, còn tay kia bị buộc sau lưng !)
Một nhà văn Miền Bắc, cựu thù địch của tôi, ông Bảo Ninh đã nói ( trong một cuộc phỏng vấn truyền hình ) :” Trong cuộc chiến VN, không có người thắng hay kẻ bại…mà chỉ có nạn nhân !”. Có lẽ anh Bảo Ninh hàm ý , cuối cùng, chỉ có nhân dân Việt-Nam cả 2 Miền là nạn nhân của cuộc chiến. Tuy nhiên , chúng tôi xin thêm một ý nữa  : đó là , phe thắng cuộc đã thành nạn nhân của chính sự thành công của họ, vì sau đó, họ đã trở nên hung hăng, kiêu ngạo, và thêm một lần nữa dùng con dân hy sinh cho tham vọng phiêu lưu của họ .  Dù trong chiến tranh anh và tôi hoàn toàn trái nghịch nhau, nhưng hôm nay, tôi công nhận anh nói rất đúng !
 Ngọc Cường