XÓM LÒ GẠCH NGÀY ĐÓ ! Ngày xưa khi con “kinh Lò Gạch” còn gánh gồng thuyền ghe xuôi ngược, khi ngày còn hai buổi bìm bịp gọi nước lớn- nước ròng. Khi con còng gió còn nghinh cặp càng dọa chị cá bóng sao, khi còn đám trẻ nhỏ đùa giỡn tắm sông tranh nhau phóng chúi, lộn mèo từ trên chiếc “cầu số 4” xuống dòng nước chở đầy phù sa, đục mò chảy xiết. Lúc đó làm sao quên được cây me già trước nhà của ông “hương hào Dầy” trĩu đầy bông trái… Lúc đó lối xóm cũng thường nghe tiếng “cũ Suỗng” la đám trẻ đang leo trèo bẻ trộm me. Ôi! Biết bao hình ảnh êm đềm, thân thương của quê hương tôi bỗng trở về trong ký ức từ dăm ba chữ “Xứ Bạc ngày đó!”… xứ Bạc ngày đó có một xóm nghèo mang tên “Lò Gạch”. Nơi đó có tiếng chú tư Bụng la inh ỏi:”tránh dô – tránh dô” thay vì phải “tránh ra- tránh ra” cứ mỗi buổi chiều tà, trên chiếc xe đạp chở đầy ấp hai thùng nước cơm heo, đang di chuyển khó khăn trên con đường đất nhỏ chạy ngoằn ngoèo quanh trong xóm. Lúc đó đám trẻ con chúng tôi rất sợ ông tư, một phần vì tiếng la inh ỏi của ông tưởng chừng có thể làm điếc cả tai, một phần vì tiếng kêu lét két của chiếc xe đạp quá cũ kĩ phải thắng bằng đôi chân rà xuống mặt đường. Vậy mà chiếc xe đạp già nua đó còn phải đèo thêm hai thùng nước cơm heo cồng kềnh đằng sau nữa chứ…thiệt là đáng sợ! Cho nên đã làm cho bọn tôi phải tránh thật xa mỗi lần nhìn thấy ông ta xuất hiện. Ấy vậy mà không biết tại sao giờ đây tôi lại mơ màng, kiếm tìm những thứ ấy mới là lạ. Những hình ảnh tầm thường, nghèo nàn của quê hương làng nước Bạc Liêu, ở một xóm nghèo mang tên Lò Gạch… Nơi đó có cái miếu “Ông Lò”, có cái miễu “Ông Tà” nho nhỏ, có một lũy tre gai già đằng sau lẩm lúa ở nhà cậu hai Lũy, có tiếng kinh kệ ê a vọng vang theo gió trong mỗi ngày rằm, ngày 30… từ ngôi tịnh xá mang cái tên dễ thương: “Ngọc Lợi”. Và còn có nhiều cái dễ thương khác nữa ở cái tuổi thơ của tôi nơi “Xóm Lò Gạch, Bạc Liêu“ thuở đó mà hôm nay không tài nào tôi tìm lại được. Vì “chiếc cầu số 4” với dòng nước đục mò quanh năm chở đầy phù sa, để bồi đắp thêm màu xanh cho mảnh vườn, thửa ruộng thì giờ đây đã trở thành một khu phố bán buôn nhộn nhịp, tấp nập. Nên cái thời mà hai hàng me già còn che rợp bóng mát cho con đại lộ Độc Lập giờ đã thành quá khứ… (thuở đó đại lộ chỉ có một khoảng dài bắt đầu từ ngã tư “Quốc Tế” chạy đến chiếc “Cầu Quay“, con đường đại lộ này chỉ cần hơn một cái nín thở mà mỗi buổi tối lúc vắng xe, bọn trẻ chúng tôi thường rủ thi nhau chạy đua để xem ai thắng sẽ được đứa thua cổng trở lại điểm khởi đầu). Cái quê nghèo của tôi ở tuổi ấu thơ chỉ vậy thôi nhưng thiệt là đẹp, thiệt là vui. Không thể nào quên được những lần sũng ướt mồ hôi, mệt đừ người sau mỗi khi chia phe nhau chơi rượt- bắt, nhảy dây. Xóm Lò Gạch ngày đó!… Nơi mà tuổi thơ của tôi đã lớn lên dần theo từng củ khoai lang luộc, được mẹ gói cẩn thận để vào trong cặp cho tôi mang theo mỗi buổi sáng khi đi học. Nhớ thuở mà cái tím môi vì quên lạnh, cùng lũ bạn đùa giỡn dầm tàn hết đám mưa… cộng thêm vị muối mặn của cái ngoe, cái càng con “ba khía” trộn, ngon đến đổi ăn hết nồi cơm nguội vẫn chưa hay…Bởi cái hương vị hấp dẫn mặn mặn của càng ngoe thấm đầy muối của con Ba-khía, cái vị chua chua của chanh, cái ngọt ngào của đường và cái cay cay của ớt… tất cả đã hoà quyện nên món ăn dân gian khoái khẩu ở vùng đất quê hương cuối Việt này. “Xóm Lò Gạch, Bạc Liêu” nơi chôn nhao, cắt rốn của tôi là đậm đà như vậy đó và luôn lưu luyến mãi trong lòng tôi là như vậy đó!… Nên cho dù ở chân trời góc bể nào, cho dù vạn sự đã đổi trắng thay đen, ruộng dâu biến thành biển xanh đi nữa thì: “XÓM LÒ GẠCH với CÂY CẦU SỐ 4… NGÀY ĐÓ!” vẫn luôn mãi sống trong lòng tôi… Một đứa con xóm nghèo, đất Bạc. LÝ BỬU LỘC |