“Yêu tôi với! Tôi làm thơ ân ái” Tâm Minh Ngô Tằng Giao Pierre de Ronsard là một trong những “nhà thơ lớn” của nước Pháp. Chàng sinh năm 1524 và mất năm 1585. Thọ 61 tuổi. Ronsard làm thơ nhiều thể loại nhưng nổi tiếng nhất là những bài thơ tình viết về những người đẹp. Chính những tập thơ tình này mang lại vinh quang cho ông thời đó và vẫn rất nổi tiếng đến ngày nay. Trong thơ của Ronsard có rất nhiều phụ nữ nhưng những năm tháng ở tuổi trung niên nhà thơ lại choáng váng vì một mối tình với người đẹp tên là Hélène, một cô gái qúi tộc trẻ hơn nhà thơ 30 tuổi. Ngoài đời thực Hélène là một cô gái xinh đẹp, kiêu kỳ và đỏng đảnh. Ronsard là người thổi một luồng gió mới vào thơ ca Pháp. Ông là người đầu tiên đưa thiên nhiên và tình yêu vào thơ ca, đồng thời là người đổi mới hình thức lẫn ngôn ngữ thơ. Các nhà phê bình gọi Ronsard là ông tổ của thơ trữ tình Pháp. Là thi sĩ nên chàng đương nhiên phải “tán gái” bằng thơ. Mà nghĩ cho cùng thì thi sĩ nào chẳng vậy, “nghề của chàng” mà! Sau đây là bài thơ “Quand vous serez bien vieille…”, một “đoản thi” (sonnet) của Ronsard, “đầy những “lời ong bướm” gửi tới cho người yêu là nàng Hélène: QUAND VOUS SEREZ BIEN VIEILLE… Quand vous serez bien vieille, au soir, à la chandelle, Assise auprès du feu, dévidant et filant, Direz, chantant mes vers, en vous émerveillant: “Ronsard me célébrait du temps que j’étais belle.” Lors vous n’aurez servante oyant telle nouvelle, Déjà sous le labeur à demi sommeillant, Qui au bruit de mon nom ne s’aille reveillant, Bénissant votre nom de louange immortelle. Je serai sous la terre, et fantôme sans os Par les ombres myrteux je prendrai mon repos: Vous serez au foyer une vieille accroupie, Regrettant mon amour et votre fier dédain. Vivez, si m’en croyez, n’attendez à demain: Cueillez dès aujourd’hui les roses de la vie! (Pierre de Ronsard) Nếu chuyển ngữ sang thơ “lục bát” ta có bài sau: KHI NÀNG TUỔI HẠC Khi nàng tuổi hạc, chiều tàn Chong đèn, ngồi sưởi, tháo đan ngậm ngùi Ngâm thơ ta, giọng bồi hồi: “Ronsard tán tụng mình thời xuân xanh” Nữ tì chợp giấc bên mành Chợt nghe choàng tỉnh, vinh danh hết lời Tình thơ lai láng tuyệt vời Tên nàng bất tử, người đời ngợi ca. Mai kia lòng đất đón ta Nghỉ yên bóng mát, thân ma chập chờn Nàng già, bên lửa, tiếc thương Tình ta thủa trước bẽ bàng vì ai. Sống vui chớ đợi ngày mai: Hái ngay hồng thắm chưa phai vườn đời! (Tâm Minh chuyển ngữ) * Một vài chục năm sau, người yêu thơ lại đọc được ý thơ này trong bài “To the Virgins, to Make Much of Time” của thi sĩ Anh ở thế kỷ thứ 17 là Robert Herrick (1591-1674). Thọ 83 tuổi. Nhà thơ ca ngợi tuổi trẻ, mùa xuân và khuyên các cô gái hãy quên thói khiêm nhường hoặc xấu hổ để mau mau đi lấy chồng, vì rằng thời tuổi trẻ qua mau, tất cả vội đi về “buổi chiều bóng xế”. Chỉ xin trích đoạn đầu bài thơ như sau: Gather ye rose-buds while ye may, Old Time is still a-flying; And this same flower that smiles today, Tomorrow will be dying.” Tạm dịch là: Nụ hồng thắm hái ngay em nhé! Vì thời gian chợt ghé rồi đi Hoa tươi mơn mởn xuân thì Mai này héo uá còn gì nữa đâu! (Tâm Minh chuyển ngữ) * Khoảng ba trăm năm sau một nhà thơ khác, là William Butler Yeats cũng có ý thơ tương tự. Yeats là một nhà thơ, nhà soạn kịch người người Ái Nhĩ Lan, thọ 64 tuổi, (1865-1939), từng được giải Nobel về Văn Chương vào năm 1923. Bài thơ của Yeats có tiêu đề là “When you are old”. Lời thơ cũng rất “bay bướm”: WHEN YOU ARE OLD When you are old and gray and full of sleep. And nodding by the fire, take down this book, And slowly read, and dream of the soft look Your eyes had once, and of their shadows deep; How many loved your moments of glad grace, And loved your beauty with love false or true, But one man loved the pilgrim soul in you, And loved the sorrows of your changing face; And bending down beside the glowing bars, Murmur, a little sadly, how love fled And paced upon the mountains overhead And hid his face amid the crowd of stars. (William Butler Yeats) Nếu chuyển ngữ sang thơ “song thất lục bát” ta có bài sau: KHI NÀNG BÓNG XẾ Khi nàng tuổi xế chiều, tóc bạc Bên lửa ngồi vóc hạc mơ màng, Sách này lần giở từng trang Gật gù nhẩm đọc những hàng ngày nao Mơ về cặp mắt nào đăm đắm Từng soi vào thăm thẳm tâm can; Bao người yêu sắc đẹp nàng Vui tươi dáng dấp, kiêu sang nụ cười Kẻ giả dối, kẻ thời chân thật, Nhưng một người chất ngất yêu thương Yêu nàng hồn đạo hành hương, Khuôn trăng dù đổi, dù vương nét sầu; Tựa song vắng cúi đầu buồn bã Người nhủ lòng tình đã bay xa Dạo theo đồi núi bao la Thẫn thờ giấu mặt ngân hà đầy sao. (Tâm Minh chuyển ngữ) * Cả ba nhà thơ của ba nước khác nhau là Pháp, Anh và Ái Nhĩ Lan đều có cùng một ý thơ. Người Pháp nói là “Les grands esprits se rencontrent” (những tư tưởng lớn gặp nhau). Nghĩ thật chí lý! Nhưng có lẽ người ta không “khoái” cái anh chàng Ronsard vì anh chàng này có vẻ “sỗ sàng” quá. Chàng là người Pháp “chính hiệu con nai vàng” vậy chàng phải nhớ rằng tuy người Pháp tâng bốc quý bà là: “Ce que femme veut Dieu le veut” (đàn bà muốn là Trời muốn), tương tự như người Việt ta nói: “Nhất vợ, nhì Trời” nhưng điều tối kỵ là hỏi về tuổi tác và nói về cái già của quý bà. Chao ơi! “lời hay ý đẹp, hoa thơm cỏ lạ, danh ngôn” v.v… về cái khoản “tuổi già” này thì vô số kể. Chỉ xin trích dẫn một câu ý nói “rượu càng để lâu càng ngon hết xẩy, đàn bà càng già càng trở nên quạu cọ”: “Vin qui vieillit s’améliore / Femme vieille deviant revêche”. Đáng ghét nhất là cái hình ảnh “une vieille accroupie” (một bà già trầu già cúp bình thiếc, già sụm bà chè) và “fantôme sans os” (ma không xương) mà Ronsard mang ra hù dọa “đối phương”. Người yêu thơ “khoái” thơ của Robert Herrick và Yeats hơn. Còn gì tình tứ cho bằng cái ý: “Hoa tươi mơn mởn xuân thì” và câu “dù nhan sắc em có biến đổi, có sầu muộn, có nếp nhăn, dù tình yêu có vỗ cánh bay xa” anh vẫn cứ yêu em. * Nói về chuyện “ái ân” thì tại nước Việt ta cũng có nhiều thi sĩ. Nào là Xuân Diệu, nào là Đinh Hùng và lắm nhà thơ khác nữa… Xuân Diệu mất năm 69 tuổi (1916-1985). Ông cũng hối thúc người tình, cũng đòi “hút nhụy của mỗi giờ tình tự”, cũng đòi “hái hoa”, cũng đề cập xa gần đến “cái già” nhưng lời lẽ sao vẫn thanh tao, lịch sự như trong bài thơ “Giục giã”: …“Mau với chứ vội vàng lên với chứ! Em, em ơi, tình non đã già rồi, Con chim hồng, trái tim nhỏ của tôi, Mau với chứ! Thời gian không đứng đợi” …“Hái một mùa hoa lá thuở măng tơ, Đốt muôn nến sánh mặt trời chói lọi” Còn trong bài thơ “Xin hãy yêu tôi” của thi sĩ Đinh Hùng người đọc có thể trích ra được vô số lời “tỏ tình” bằng cách “van xin tình ái” rất chi là thắm thiết: …“Xin hãy yêu tôi, những lòng thiếu nữ!” …“Yêu tôi nhé, tôi vốn người mê đắm! Xin hãy yêu tôi, những lòng hoa thắm!” …“Hãy yêu tôi vì tôi biết em xinh,” …“Hãy yêu tôi vì tôi làm nên mộng, Hãy yêu tôi vì tôi dệt nên trời” Rồi ngay chính cái đầu đề của bài biết này cũng là một câu thơ mùi mẫn của Đinh Hùng: …“Yêu tôi với! Tôi làm thơ ân ái” Sau nhiều câu thơ tỏ lời van xin ân ái, tình tự Đinh Hùng kết luận bằng câu sau đây mà người yêu thơ tin rằng nhà thơ nước Việt ta chắc chắn phải thành công trên con đường tình ái hơn anh chàng Ronsard của nước Pháp: “Tôi khổ rồi, em có thấy yêu không?” (Virginia Oct-2020) ______________________________________ |