
Tiểu Sử HỒNG THỦY Văn thi sĩ Hồng Thuỷ viết văn từ 1958, bút hiệu MỘNG HUYỀN (Viết cho trang Học Sinh, Phụ Nữ – Báo NGÔN LUẬN. Mục Mỗi Ngày Một Truyện Ngắn của báo TIẾNG CHUÔNG). Trong VĂN ĐOÀN TRẺ VIỆT do Nhà văn PHẠM CAO CỦNG PHỤ TRÁCH (1958-1960) Ngừng viết khi lập gia đình (rất sớm 19 Tuổi)1960 Viết lại tại Hoa Kỳ năm 1986 Phụ trách mục CÁNH NHẠN MIỀN ĐÔNG nguyệt san PHỤ NỮ VIỆT CALI 10 NĂM (1991-2001) ĐÃ XUẤT BẢN: NHỮNG CÁNH HOA DẠI MẦU VÀNG 2010, Tái Bản 2016 HOA TƯƠNG TƯ 2017, Tái Bản 2018 GÓP MẶT TRONG CÁC TẬP TRUYỆN: Truyện ngắn Báo PHỤ NỮ VIỆT (CALI) 1994 Tuyển tập PHỤ NỮ VIỆT 2006, 2008 HƯƠNG ĐỜI KỲ DIỆU 2007 DU TỬ LÊ TÁC GIẢ VÀ TÁC PHẨM TUYỂN TẬP THƠ CỎ THƠM TUYỂN TẬP VĂN CHƯƠNG PHỤ NỮ, 2013 HỒI TƯỞNG DẤU YÊU 2015 NGUYỄN NGỌC BÍCH TẤM LÒNG CHO QUÊ HƯƠNG, 2016 Tuyển Tập Văn Thơ CÒN MỘT CHÚT GÌ ĐỂ NHỚ 2019 Tuyển Tập CÔ GÁI VIỆT 2016, 2017, 2018, 2019, 2020 Chủ biên Đặc san TRƯNG VƯƠNG vùng Hoa Thịnh Đốn Chủ biên Đặc San và Tuyển Tập VĂN BÚT VÙNG ĐÔNG BẮC HOA KỲ (VBVĐBHK) Phụ Trách Diễn Đàn VBVĐBHK Chủ bút nguyệt san KỶ NGUYÊN MỚI và phụ trách mục CHỊ EM TÂM TÌNH. Trong Ban Biên Tập Tam cá nguyệt san CỎ THƠM. Thành Viên CÂU LẠC BỘ VĂN HỌC NGHỆ THUẬT vùng Hoa Thịnh Đốn và NHÀ VIỆT NAM Thành viên CÁC DIỄN ĐÀN: CÔ GÁI VIỆT, MINH CHÂU TRỜI ĐÔNG, THI VĂN NGÀN THÔNG, NHÂN VĂN NGHỆ THUẬT VÀ TIẾNG THỜI GIAN, VĂN THƠ LẠC VIỆT Phó Chủ Tịch Nội Vụ VĂN BÚT VN HẢI NGOẠI VÙNG ĐÔNG BẮC HOA KỲ( 2014-2018) Chủ Tịch VĂN BÚT VN HẢI NGOẠI VÙNG ĐÔNG BẮC HOA KỲ (2018-2023) |


LỜI ƯỚC NGÀY 30 THÁNG 4 Ước mong người Việt chúng mình Ấm no , đoàn kết, an bình bên nhau Ước mong cộng sản tàn mau Lũ Tầu cướp nước chôn sâu dưới mồ Ước mong bè lũ cộng nô Không còn phá nát cơ đồ Việt Nam Mai đây phất phới cờ vàng Với ba sọc đỏ huy hoàng hồi hương. Hồng Thủy |
CÁM ƠN ANH Có người hỏi em sao hay mơ mộng quá ? Sao lúc nào cũng như đóa hoa tươi? Có người hỏi em sao luôn mỉm miệng cười? Và mắt như sao trời trong những ngày thật đẹp. Biết trả lời sao trên trang thơ hạn hẹp? Vì tình yêu anh cho em là vũ trụ bao la Là trăng thanh, là gió mát, là nắng ấm chan hòa Là những lời dịu dàng khi em vừa thức giấc Là những lời ân cần sau một ngày mệt nhọc Là tất cả nồng nàn trong tiếng gọi…” Mình ơi!” Xin cảm ơn anh, đã đến trong đời Để cho em biết “Tình Yêu tuyệt vời…” Hồng Thủy |
EM VÀ NỖI NHỚ KHÔN NGUÔI Mỗi buổi chiều, em thường đi qua đó Nơi mình vẫn hẹn hò mà chả thấy anh đâu Em nhớ ngày xưa anh cứ mãi lo âu Sơ tình mình chẳng bền lâu mãi mãi Em khờ dại chẳng băn khuăn nghĩ ngợi Cứ lững lờ như gió thoảng mây bay Để tình anh vuột ra khỏi tầm tay Rồi từ đó đời cách chia đôi ngả Chiều hôm nay trời trong xanh xanh quá Nắng Cali vẫn làm má em hồng Trời mùa Xuân mà em ngỡ mùa Đông Sao em thấy lòng tràn đầy băng giá Gió vờn tóc em bay, mà sao nghe rất lạ Tưởng môi anh đang ghé xuống thật gần Đôi mắt nhìn em vẫn say đắm âm thầm Của một thuở xa xưa tình đắm đuối Em đã lỡ để anh đi quá vội Nay đành thôi vì quá đỗi muộn màng Còn lại bên em chỉ những giọt nắng vàng Đang rơi nhẹ trên hàng cây im vắng Chung quanh em chiều nay sao quá lặng Chỉ mình em và nỗi nhớ khôn nguôi… Hồng Thuỷ |
Tác phẩm Văn Xuôi: 1. Thưở Hàn Vi 2. Mụ Điên 3.HẠ BUỒN 5. Lạ Thật 6. Hồng nhan tri kỷ ở đâu? |
Mùa Thu Và Những Chiếc Khăn Quàng Của Mẹ Tùy bút của Hồng Thủy Sáng nay ra trước nhà lấy báo, cái không khí mát lạnh của buổi bình minh làm tôi chợt nhớ ra mùa thu đã đến. Tôi yêu mùa thu từ những ngày thơ ấu ở Thanh Hóa.Lý do rất giản dị là khi mùa thu đến, mỗi sáng Chủ Nhật đi nhà thờ, tôi được mẹ quàng cho những chiếc khăn dủ mầu thật đẹp. Mẹ có một hộp khăn quàng để trên nóc tủ áo. Những chiếc khăn quàng mỏng nhẹ như tơ. Mẹ bảo đó là quà của bố mua cho mẹ mỗi chuyến đi Hà Nội. Mẹ rất thích quàng khăn, mỗi chiếc áo dài, mẹ chọn màu khăn hòa hợp với màu áo, rất lịch sự trang nhã. Mẹ hay mặc áo dài màu lá úa. Mẹ nói đó là màu bố thích nhất.. Cho dù bố không còn nữa mẹ cũng vẫn làm theo ý thích của bố. Tôi không được biết cảm giác của một đứa trẻ có đủ bố mẹ ra sao, vì tôi mất bố năm tôi mới có 18 tháng ! Tôi lớn lên trong sự nuông chiều và thương yêu tràn ngập của mẹ, nên không hề thắc mắc nếu có bố thì mình được thêm những gì.. Chiến tranh bùng nổ, gia đình tôi phải bỏ thành phố tản cư về nhà quê. Chúng tôi sống trong một trang trại nhỏ của ông bà ngoại ở làng Sơn Lương, một làng có địa thế khá thơ mộng, gần những đồi sim tím và những dẫy núi xanh lam. Tôi bắt đầu làm quen với những thảm lá vàng khi mùa thu đến. Thú vui của hai anh em tôi là gom những chiếc lá vàng vào đầy hai bàn tay rồi tung lên cao để cho lá bay theo gió.. Mùa thu luôn đi kèm với những chậu cúc vàng rực rỡ. Vì yêu mùa thu nên tôi yêu tất cả những cánh hoa vàng. Những ngày ở nhà quê, mẹ tôi không có dịp mặc áo dài và hai mẹ con cũng chẳng còn cơ hội quàng khăn đi lễ ngày Chủ Nhật. Những chiếc khăn quàng mỏng manh điệu đà được mẹ tôi trân quý, cất tận đáy rương với những viên long não thơm nức mũi. Trang trại của ông bà ngoại tôi gần trạm dừng của những chuyến xe lửa tốc hành và rất tiện đường đón khách công tác ngang qua. Tôi còn nhớ có một lần cậu Loan em họ của mẹ ghé chơi.Tên cậu như tên con gái nhưng dáng dấp cậu cao lớn, đẹp trai. Cậu lại cỡi ngựa nên trông oai vô cùng. Trên đường đi công tác cậu ghé thăm gia đình tôi mấy bữa. Một buổi tối, mọi người ngồi chơi ngoài hàng hiên, ăn bánh uống trà, cậu hỏi mẹ tôi có biết tên bài hát cậu rất thích mà chỉ thuộc vài câu. Hỏi rồi cậu cất tiếng hát,giọng thật ấm Lá vàng bay theo gió Hoa tàn rụng bên song. Ôi một chiều thu buồn Ôi một chiều nhớ mong…… Mẹ nói ngay đó là bài Trào Lòng và khe khẽ hát tiếp theo. Con bé lỏi tì của mẹ ngồi ngây người ra nghe và mê ngay bài hát đó. Mẹ ngạc nhiên khi tôi đòi mẹ dậy cho tôi hát bài Trào lòng. Tôi nhớ mẹ âu yếm vuốt tóc tôi, mắt mẹ buồn xa vắng, mẹ thở dài nói “Sao con còn nhỏ mà đã thích những bài hát buồn, khổ thôi con ạ” Tôi không hiểu sao mẹ lại nói vậy.Cho tới bây giờ , tôi cũng không biết tại sao, từ nhỏ tới lớn cho đến khi đã bước vào tuổi già tôi vẫn thích những bài hát, bài thơ hay tiểu thuyết viết về những cuộc tình dang dở.Ngay cả phim ảnh tôi cũng thích những phim có cốt truyện lãng mạn, đẹp và buồn. Có lẽ tôi thừa hưởng máu văn nghệ từ họ nội. Bố tôi, chú tôi,cô tôi các ông anh họ của tôi đều thích viết văn làm thơ. Còn cái máu lãng mạn, thích chuyện tình buồn có thể do ảnh hưởng của mẹ. Cuộc đời mẹ chẳng là một chuyện tình buồn và đẹp hay sao ? Mẹ tôi có giọng hát rất truyền cảm và bà chỉ thích những bài ca buồn. Bà hay hát bài Biệt ly của Dzoãn Mẫn và Tristesse của Chopin lời Việt của Phạm Duy. Mẹ tôi rất thích đọc truyện, bà có nguyên một tủ sách Tự Lực Văn Đoàn. Còn bé , tôi đã đọc Nửa chừng xuân, Hồn bướm mơ tiên và đã khóc thút thít. Nhiều người khen mẹ tôi đẹp. Riêng tôi, tôi thấy bà rất có duyên và có đôi mắt thật buồn. Có lẽ vì vậy mà cuộc đời tình cảm của bà cũng phải buồn theo. Bà lên xe hoa năm 22 tuổi, 26 tuổi đã bước theo xe tang tiễn biệt người chồng yêu quý. Bà ở vậy nuôi hai anh em tôi khôn lớn, không hề nghĩ đến chuyện tái giá dù chung quanh bà không biết bao người xứng đáng muốn chắp nối cùng bà. Mỗi lần nhắc đến mẹ là ngòi bút tôi lan man không ngừng được. Bây giờ xin trở lại những ngày lưu lạc giang hồ của gia đình tôi. Sống với Việt cộng không được, gia đình tôi tìm cách dinh tê ( tiếng lóng ý nói tìm cách vào thành).Hành trình thật khó khăn vất vả.Thanh Hóa là vùng Việt cộng kiểm soát, Hà Nội là vùng Quốc Gia. Biết bao nhiêu trạm kiểm soát canh gác cẩn mật của Việt Cộng ở vùng biên giới. Đi tới đâu chúng tôi cũng phải giả vờ là dân địa phương, do đó không thể mang theo hành lý. Ra đi, mẹ tôi đau khổ nhất là phải rời xa ngôi mộ của bố tôi và để lại những chiếc khăn quàng đầy kỷ niệm. Đến Hà Nội, trời cũng mới vào thu, tôi được ông anh họ dẫn đi chơi xem Hồ Hoàn Kiếm. Tôi đứng ngây người ngắm mấy cô gái mặc áo dài nhung với khăn quàng cổ, những chiếc khăn mỏng bay nhẹ nhàng phất phơ trong gió. Tôi chợt nhớ đến những chiếc khăn quàng của mẹ và thấy thương mẹ vô cùng. Ở Hà Nội được hai năm thì Hiệp Định Geneve chia đôi đất nước. Gia đình tôi lại phải rời Hà Nội xuống Hải Phòng rồi di chuyển vào Saigon. Ở Saigon mùa thu của tôi biến mất. Miền Nam chỉ có mưa nắng hai mùa. Tôi nhớ mùa thu vô cùng. Cũng may tôi đã lớn để biết tìm hình ảnh mùa thu qua những tập truyện, những bài thơ, những bài hát. Tôi thuộc lòng và rất thich bốn câu thơ của Lưu Trọng Lư Em không nghe mùa thu Lá thu rơi xào xạc Con nai vàng ngơ ngác Đạp trên lá vàng khô…. Tuy có giọng hát ống bơ rỉ, tôi cũng thuộc lòng khá nhiều bài hát về mùa thu của các nhạc sĩ nổi tiếng. Vì thích mùa thu, nên có bài hát nào về thu là tôi nghe tới nghe lui, nghe đi nghe lại,nghe hoài không chán. Cuối cùng, theo vận nước nổi trôi, gia đình tôi lại lưu lạc sang đất Mỹ. Tôi may mắn được định cư ở vùng Hoa Thịnh Đốn, nơi có thời tiết bốn mùa, nên lại được tái ngộ với mùa thu của tôi. Ngôi nhà tôi ở, có rừng cây ở phía sau, nên các chú nai thường rủ nhau đến rong chơi. Tôi trót yêu “ con nai vàng ngơ ngác” của Lưu Trọng Lư,và “con nai vàng hát khúc yêu đương” của Ngô thụy Miên, nên đành ngậm đắng nuốt cay khi mấy con nai đêm đêm cứ mò ra ăn sạch bách hết những cây hoa quý của tôi.Cuối cùng, tôi đành phải trồng hoa trong chậu trên cái deck cao sau nhà, mới không bị nai chiếu cố. Những con nai đã hư đốn như vậy.Đám lá vàng cũng làm tôi mệt phờ người luôn. Năm nào cuối thu, tôi cũng phải hốt lá vàng mệt nghỉ. Ưóc gì tôi được trở lại cái thuở thích nằm trên những thảm lá vàng, và thích tung lá vàng thả bay theo gió. Tuổi thơ thật thần tiên. Bây giờ nhìn thảm lá vàng là nghĩ ngay tới cái lưng già sắp còng thêm một tí vì phải lom khom hốt lá, và xương cốt sắp sửa rêm rêm. Chao ơi, ngán ngẩm làm sao cái tuổi già. Nai thì phá như vậy, lá vàng cũng làm mình mệt nhoài. Vậy mà tôi vẫn yêu mùa thu, vẫn thương mấy chú nai và vẫn ngẩn ngơ nhìn những rừng lá vàng, lá đỏ. Có phải vì duyên nợ với mùa thu ? Mùa thu ở vùng Hoa Thịnh Đốn của tôi đẹp lắm, đẹp đến não lòng người. Có người bảo mùa thu Paris đẹp Nhưng sao bằng mùa thu ở DC Mùa thu Paris thường không có nắng Mùa thu DC lá đỏ thắm dưới nắng vàng Trời thật trong với gió mát dịu dàng Ai cũng phải ngỡ ngàng vì mùa thu quá đẹp Đầu thu 2013 Hồng Thủy |
ĐOẢN KHÚC MÙA HÈ Tùy bút Hồng Thủy Ngày xưa ,thời Trung học ,mùa Hè đối với tôi là những ngày tháng tuyệt vời nhất .Hai chữ tuyệt vời nghe “sáo”quá , nhưng tôi không thể kiếm chữ nào diễn tả cho đủ nghĩa mùa Hè đối với tôi ngày ấy thú vị đến chừng nào . Đối với một con nhỏ học trò trung học , học ban A như tôi .Ngoài những bài vở bình thường, lại còn phải học thuộc lòng cả những bài vạn vật chán phèo .Thỉnh thoảng lại thêm những bài thi lục cá nguyệt khiến tôi lúc nào cũng mệt mỏi , phờ phạc cả người .Chưa kể ,tôi lại có máu văn nghệ văn gừng và lại hay bận rộn hoạt động trong trường ,nên đầu óc lúc nào cũng như “đi mây về gió” .Do đó khi phải cố gắng ngồi chăm chú gạo bài nó khổ vô cùng .Bởi vậy được nghỉ học , không phải lo bài vở thì nhất rồi còn gì nữa mà chả thấy quá tuyệt vời ? Tôi thích văn chương nhưng phải học ban Vạn vật vì ông ngoại tôi muốn tôi sau này học Dược.Tuy nhiên thay vì học pha chế thuốc , tôi lại đi học pha sữa cho con vì tôi trốn học lên xe bông rất sớm . Bố tôi chết khi mẹ tôi còn rất trẻ , mới 26 tuổi .Ba mẹ con tôi về ở với ông bà ngoại .Mẹ tôi được bà ngoại cưng chiều, không cho làm việc trong nhà hay bếp núc gì cả .Tất cả thì giờ rảnh rỗi mẹ dành cả cho hai anh em tôi .Mẹ như một người chị lớn , một người bạn đối với chúng tôi .Mẹ trẻ trung , gần gũi , và đi đâu cũng theo tôi sát nút , khiến tôi không được đi chơi nhiều hay tự do đàn đúm với bạn bè. Bù lại mẹ thích du lịch ,nên mùa hè là anh em tôi được đi nghỉ mát ở Vũng Tầu hay Đà lạt. Tôi mê biển , mê hoa phượng , mê những cây bàng của Vũng Tầu , và mê hoa bất tử , hoa Mimosa của núi đồi Đà Lạt từ thuở ấy. Dù tuổi học trò đã xa lắc xa lơ .Tôi đã là bà nội bà ngoại từ lâu lắm và trên đầu đã hai thứ tóc , nhưng mùa Hè đến là những kỷ niệm với mẹ ,với anh trong những tháng Hè lại trở về . Mùa Hè cuối cùng ba mẹ con đi chơi Vũng Tàu là Hè 1958 . Tôi mê nhất món canh súng ở quán Hồng Phượng Bãi Sau .Cũng là một loại canh chua cá nhưng họ nấu rất đặc biệt và thật ngon .Anh tôi thì thích ăn cua hấp ở tiệm cơm Tây Le Favori .Chả biết họ có chích bột ngọt vào con cua không mà cua ở tiệm này lúc nào cũng ngon ngọt .Vũng Tàu thuở ấy còn xe ngựa , tôi thích ngồi xe ngựa đi dạo quanh những con đường vòng quanh biển , dưới chân núi thật nên thơ .Buổi chiều , ba mẹ con hay thuê ghế nằm ngoài bờ biển ở Bãi Trước ngắm cảnh hoàng hôn xuống . Lần nào đi Vũng Tàu về , mẹ tôi cũng mua thật nhiều nhãn và mắm ruốc Bà Gíao Thảo ngon có tiếng của Vũng Tầu về làm quà . Sau khi lập gia đình với một chàng Hải Quân , tôi lại có dịp sống ở Vũng Tầu thêm bốn năm nữa .Chúng tôi may mắn được ở căn biệt thự của Hải Quân ngay Bãi Trước ,để đêm về được làm quen với tiếng sóng vỗ rì rào . Khi rời xa Vũng Tàu tôi đã lưu luyến đến chảy nước mắt và mang theo rất nhiều kỷ niệm khó quên . Những kỷ niệm ở Vũng Tàu đã là nỗi nhớ khôn nguôi suốt hơn 40 năm tôi sống trên đất Mỹ. Anh tôi sang bên kia thế giới đã 10 năm . Mẹ tôi thì đang ở trong Nursing Home ,bị lú lẫn nhiều nên chắc chẳng còn nhớ gì được nữa . Chỉ mình tôi hay nhớ quay quắt những mùa Hè đầy ắp kỷ niệm êm đềm của ba mẹ con . Nơi tôi ở không có hoa phượng ,nhưng có những chú ve sầu luôn rền rỉ trong những buổi trưa Hè . Mỗi lần nghe tiếng ve kêu , lòng tôi lại thoáng ngậm ngùi nghĩ đến kỷ niệm xưa . Nhớ anh tôi và thương mẹ đến xót xa . Hôm nay lúc tôi đang ở Nursing Home với mẹ thì trên màn ảnh TV chiếu phong cảnh một bãi biển thật đẹp .Thật bất ngờ , mẹ tôi lấy tay chỉ vào TV và nói như reo <cấp cấp>.Tôi ngạc nhiên không hiểu mẹ tôi nói gì .Một lúc sau bà bảo tôi lấy quần áo rồi mình đi . Bà chỉ vào khoảng không trước mặt và nói < xe đang chờ kia kìa , đi , đi >.Tôi hỏi <đi đâu ?> Bà trả lời <đi Cấp >.Bấy giờ tôi mới đoán , chắc bà đang nhớ những ngày Hè ở bãi biển Cap St Jacques của mẹ con tôi ngày xưa .Cap St Jacques thời đó ,sau này mới đổi tên là Vũng Tàu . Thì ra người lú lẫn bất chợt cũng có lúc biết buồn , biết nhớ ,chứ không phải luôn luôn vô cảm như tôi nghĩ . Mẹ tôi lẫn thật , nhưng cám ơn Chúa ,chắc bà cũng còn thấp thoáng nhớ được chút kỷ niệm đẹp của mùa Hè năm xưa ở Vũng Tàu . Tôi thật sự vui mừng khi biết mình không đến nỗi cô đơn… Lúc chia tay mẹ đi về , tôi đã hôn vào má mẹ và nói thật to cho mẹ nghe thấy Mẹ ngủ ngon nhé , mai mình dậy sớm đi Cấp. Mẹ nhìn tôi gật đầu, gương mặt rạng rỡ ,nụ cười trẻ thơ trông ngu ngơ đến tội nghiệp. Tôi bước nhanh ra cửa ,nước mắt ngập bờ mi . Hồng Thủy |
TAN MƠ- Hồng Thuỷ Bước vào phi trường VŨ khựng lại vì cảnh tượng quá đông đúc.Người ta xếp hàng dài dằng dặc nối đuôi nhau chờ “check in” trước quầy vé của hãng American Airline. Vũ không thể tưởng tượng được phi trường lại có thể bận rộn như vậy.Vũ ít khi đi du lịch hay đi đâu xa nên cứ tưởng sau vụ khủng bố 11 tháng 9 phi trường sẽ vắng hơn vì mọi người sợ đi máy bay. Không ngờ thiên hạ “điếc không sợ súng”, họ vẫn đi như trẩy hội. Nhìn đồng hồ Vũ lo sợ nhủ thầm “điệu này mình dám bị trễ máy bay lắm”. Hồi nẫy trên xa lộ, Vũ đã điên đầu vì nạn kẹt xe, bây giờ lại kẹt người. Vũ ngao ngán đứng xếp hàng nối vào cái đuôi của đoàn người dài như một con rắn khổng lồ. VŨ lẩm bẩm “mẹ kiếp,đúng là xuất hành vào thứ 6-13 có khác. Thiên hạ đi đâu mà đi lắm thế không biết” Vũ đi FLORIDA để ăn cưới con người bạn rất thân. Huy học cùng với Vũ từ thời trung học. Lên đại học, hai người lại chọn cùng ngành nên thân nhau như hình với bóng. Rồi chính Huy lại rủ Vũ vào binh chủng nhẩy dù khi Vũ đang thất tình. Huy sang Mỹ được 10 năm theo diện HO, Vũ bảo trợ cho gia đình Huy khi mới sang. Sau đó vì việc làm, Huy dọn đi Cali, rồi lại dọn đi Florida. Huy nói Huy thích Florida vì Florida có khí hậu và nhiều loại cây giống VN nên đỡ nhớ quê hương. Từ ngày Huy dọn đi, đôi bạn chưa có dịp gặp lại nhau. Trong lá thư kèm theo thiệp cưới, Huy nhấn mạnh “Tao chỉ có thằng con trai độc nhất, mày không đi ăn cưới nó là tao từ mày luôn đó. Bẩy năm rồi chúng mình chưa có dịp gặp nhau. Tao có nhiều chuyện nói với mày lắm. Cố gắng đi nhé.” Check in xong Vũ nhìn đồng hồ, còn 30 phút nữa là máy bay cất cánh. Vũ đi như chạy cho kịp giờ. Qua trạm kiểm soát an ninh, mọi người được đi thong thả trong khi Vũ bị giữ lại, phải dơ tay dạng chân để nhân viên an ninh rà soát khắp người. Xong xuôi Vũ chạy như bay tìm gate số 9. Hớt hơ hớt hải đến nơi Vũ mới biết máy bay trễ 1 tiếng. Vũ buột miệng chửi thề “sh…vậy mà mình chạy muốn tắt thở luôn, tụi làm quầy vé ngoài kia lờ mờ quá, chả cho mình biết gì cả” Ngồi thở dốc một lúc cho hoàn hồn, Vũ đứng dậy đi tìm mua ly cà phê rồi gọi điện thoại báo cho Huy biết máy bay bị trễ. Huy hỏi Vũ một câu thật lạ: – Tóc tai quần áo mày hôm nay có chỉnh tề không vậy? Vũ ngạc nhiên – Đám cưới con mày chứ có phải đám cưới ông đâu mà mày hỏi kỹ thế? – Gặp lại cố nhân thì trông phải ngon lành một chút chứ? Vũ hơi bực – Thằng này hôm nay ăn nói gì lạ thế, cố nhân nào mới được chứ Huy vẫn tưng tửng – Cù lần như mày thì chỉ có một cố nhân thôi chứ còn ai khác nữa. Vũ khựng lại, giọng thảng thốt – Mày nói sao, Trâm của tao ấy à? – Bố khỉ, giờ này mà còn mơ mộng Trâm của tao. Tưởng mày lấy vợ lâu năm, con cái đầy đàn thì thay đổi rồi chứ, ai dè vẫn không khá được. Vũ thật thà thú nhận – Bao nhiêu năm rồi tao vẫn không quên được Trâm, mà mày gặp Trâm ở đâu vậy? – Cách đây 2 tháng ở một trại bán cây. Tao đang chọn mua mấy cây hoa thì nàng đi tới. Nàng nhận ra tao, chứ tao không nhận ra nàng. Nhà nàng ở cách nhà tao có 15 phút thôi, đúng là quả đất tròn. – Lúc này trông Trâm ra sao? – Đẹp não nùng.Chồng chết 3 năm rồi.Cancer phổi. Có 2 thằng con trai. – Chết tao rồi, như vậy làm sao tao cầm lòng cho đậu – Đừng quên vợ mày dữ như bà chằng, nó cho một đường dao phay là xong đời con ạ. Thế bây giờ mày có muốn tao nhờ nàng ra phi trường đón mày không ? Vũ vội vàng nói ngay – Chớ, chớ, mày đón tao để tao về nhà mày sửa soạn bộ vó cho đàng hoàng mới ra mắt nàng được chứ. Tự nhiên tim Vũ đập thật nhanh trong lồng ngực khiến giọng chàng như muốn hụt hơi: Trâm có biết tao đến hôm nay không vậy? – Biết chứ,nàng hỏi thăm tao hoài. Hôm đầu tiên gặp tao nàng đã hỏi ngay: Anh có tin tức gì của anh Vũ không ? – Tệ thật, vậy mà mày không phone cho tao biết ngay để hôm nay mới nói. – Tại hôm gặp Trâm có cả vợ tao. Về nhà vợ tao nói liền: để cho gia đình mày yên ổn, không được cho mày biết, nhỡ mày khăn gói quả mướp đi theo cố nhân thì gia đình tan nát hết. – Sao vợ mày lại biết chuyện tao với Trâm? – Tao kể lâu rồi. – Thằng chó chết, ngủ với vợ là cái gì cũng khai ra hết. – Vợ tao biết chuyện nên lo lắm. Bà ấy bảo mày thì tối ngày lủng củng với vợ. Trâm thì available, gặp lại nhau như cá gặp nước, khó lòng giữ lắm. Bà ấy cứ lèm bèm đề nghị là đừng mời mày đi ăn cưới nữa. Tao bực mình quạt cho một trận bà ấy mới thôi đấy. – Vợ mày lạ thật, bà ấy đâu có thân với vợ tao mà lo canh chừng tao dữ vậy. Nếu bà ấy thân chắc tao chết quá. – Đàn bà kỳ lắm mày ơi, không thân nhưng vẫn cứ ghen dùm. Họ lo bảo vệ cho địa vị người vợ chứ không riêng cho cá nhân nào hết. Bà ấy bảo để một ông chồng hư là các ông bắt chước nhau, nguy hiểm lắm. – Phiền nhỉ, chưa gì đã gặp một con kỳ đà to tổ bố thế này thì còn làm ăn gì được nữa. – Bộ mày tính chuyện gì à? Tao nghĩ chỉ nhẹ nhàng một tí cho đời lên hương thôi. Gìa rồi, rắc rối chi cho khổ. Vũ gắt – Thằng này lạ nhỉ, ăn phải đũa của vợ mày rồi. Chưa gặp mà đã bà canh ông cản thì sống thế chó nào được. Biết Vũ bực, Huy nói lảng – Thôi, cứ chờ tới nơi rồi hạ hồi phân giải. Ngồi trên máy bay, Vũ mơ màng nghĩ đến Trâm. Cuộc tình tan vỡ với bao nhiêu đắng cay lại trở về. Ngày đó Vũ là một sinh viên nghèo đang kiếm việc làm thêm. Bà cô Vũ quen biết lớn, bà giới thiệu cho Vũ đến nhà một ông Luật sư nổi tiếng để kèm cho cô con gái cưng của ông học thi trung học. Ngày đầu tiên đứng trước căn biệt thự nguy nga rộng lớn Vũ đã ngại ngùng. Con gái nhà giầu chắc sẽ kiêu kỳ khó chịu lắm. Chàng không ngờ cô học trò của chàng lại thật đơn giản dễ thương. Đôi mắt nai tơ nhìn chàng e lệ bẽn lẽn, và cái miệng cười, chao ơi! có cái răng khểnh có duyên quá chừng chừng. Chàng bị tiếng sét ái tình đập trúng đầu ngay tức khắc. Nàng cũng bị ánh mắt tha thiết của ông thầy làm xao xuyến tâm hồn. Tình yêu đến nhẹ nhàng như hương hoa theo gió. Vũ đang say sưa với mối tình đầu thì giông bão sẩy đến. Một hôm, không cầm lòng đậu, trước khi ra về Vũ đã ôm Trâm hôn say đắm. Hai người đang trong vòng tay nhau thì cửa xịch mở, ông Luật sư hiện ra như một hung thần. Ông nhìn cả hai bằng con mắt nẩy lửa và quát lên ra lệnh cho con gái vào nhà trong. Sau đó ông lấy tay chỉ ra cửa, nói với Vũ bằng một giọng thật lạnh: yêu cầu cậu bước ra khỏi nhà tôi ngay tức khắc. Từ nay tôi cấm cậu héo lánh tới đây. Tiền lương tôi sẽ đưa cho bà cô cậu sau. Tôi tưởng cậu là con nhà tử tế, tôi mới tin tưởng nhờ cậu kèm cho con gái tôi học. Ai ngờ cậu lại lợi dụng dụ dỗ nó. Vũ vừa sợ vừa tức run cả người, chàng đỏ mặt lắp bắp – Thưa bác cháu yêu Trâm thành thật chứ có dụ dỗ gì đâu mà bác nặng lời như vậy Ông luật sư nhìn chàng mặt hầm hầm – Hừ, yêu đương gì, cậu không biết nhìn lại mình sao,” đũa mốc mà chòi mâm son”. Nói xong ông quay ngoắt vào nhà, để Vũ đứng với cảm giác ai vừa hắt vào mặt chàng một thau nước đá lạnh. Vũ bước ra khỏi căn biệt thự với nỗi đau đớn bẽ bàng. Sau đó Trâm có đến nhà bà cô Vũ khóc lóc, xin cô tìm Vũ cho Trâm gặp mặt. Hai người mới gặp nhau được vài lần thì Bố Trâm biết, ông nổi trận lôi đình đòi đưa Vũ ra toà về tội dụ dỗ gái vị thành niên. Bà cô sợ hãi, khuyên Vũ nên chấm dứt với Trâm. Tuy đau khổ nhưng vì tự ái Vũ nghe lời cô, tránh không liên lạc với Trâm nữa, dù sau đó Trâm cố đi tìm Vũ. Tình cờ Huy rất mê binh chủng nhẩy dù, nên rủ Vũ cùng ghi tên gia nhập. Vũ mừng rỡ bằng lòng ngay. Bước chân vào binh nghiệp, Vũ luôn tình nguyện đổi đi xa để Trâm không tìm cách liên lạc được nữa. Thế là chấm dứt mối tình đầu. Nhân một lần nghỉ phép, Vũ đi chơi ĐÀ LẠT. Tình cờ gặp Loan trong một vũ trường. Nàng là chiêu đãi viên xinh đẹp nhất ở đó. Trong ánh đèn mờ ảo, thoáng thấy Loan cười, nụ cười với chiếc răng khểnh thật có duyên, Vũ như bị mê hoặc, choáng váng cả người. Chàng tưởng như gặp lại người xưa. Vũ say mê Loan qua hình bóng Trâm và cố chinh phục nàng cho bằng được. Vất vả lắm Vũ mới đánh bạt được một ông lớn quyền hành tiền bạc đầy mình, lén vợ, đang o bế cố gắng theo đuổi nàng. Nghe tin Vũ định cưới Loan, bạn bè ai cũng bảo Vũ điên. Vũ còn nhớ rõ, khuyên nhủ hoài không được, Huy đã hét lên với chàng – Mày có điên không, mang cả cuộc đời ra chỉ để đổi lấy nụ cười của cố nhân. Làm sao mày hợp được với một người như Loan mà đòi cưới làm vợ? Tuổi trẻ điên cuồng, mặc cho gia đình, bạn bè ngăn cản. Vũ vẫn lấy Loan. Tình yêu bồng bột của Vũ tàn mau như đống lửa rơm. Loan không có căn bản học vấn, hoàn cảnh gia đình cũng hoàn toàn khác với gia đình Vũ, nên hai người không có được sự thông cảm hoà hợp. Ngoài tình chăn gối, hai người là hai ốc đảo riêng tư. Những đứa con lần lượt ra đời là những sợi dây ràng buộc khiến Vũ không nỡ rời xa. May cho Vũ là lần này Loan lại không chịu đi ăn cưới, viện cớ muốn để dành ngày phép về VN thăm gia đình. Thật ra vì Loan không ưa vợ Huy. Loan luôn có ý nghĩ vợ Huy phách lối, lúc nào cũng ta đây có học, là cô giáo, và coi thường Loan. Vũ biết Loan quá nhiều mặc cảm nên nghĩ như vậy, thật ra hai người tính nết khác nhau, nên khó thân thiết với nhau thôi. Vả lại đôi khi Loan ăn nói bậm trợn quá, nên vợ Huy không thích. Chỉ vì hai bà vợ, mà hai ông chồng tuy rất thân nhau cũng ít có cơ hội gặp gỡ. Florida đón Vũ bằng một ngày nắng đẹp. Huy ôm bạn mừng rỡ, ngắm bạn từ đầu đến chân rồi gật gù: – Trông mày còn phong độ lắm, đủ sức làm cho tim ai kia phải thổn thức. Ngồi trên xe từ phi trường về nhà, Vũ hỏi thăm về Trâm tới tấp khiến Huy phải kêu lên – Tao tưởng hơn sáu bó rồi thì ái tình không còn sôi nổi nữa, ai dè mày vẫn quýnh quáng như xưa. – Tao cũng tưởng trái tim già nua của mình không còn rung động được nữa. Không ngờ từ lúc nghe mày nói về Trâm, tim tao cứ hồi hộp thế nào ấy, có chết không chứ. – Bỏ mẹ, gặp lại người xưa, ông lại đứng tim thì khổ lắm đấy. Vũ chợt nhìn ra cửa xe reo lên: – Này, cái dây hoa leo hồng hồng kia kìa, có phải là hoa ti gôn không? – Đúng rồi, ở đây nhiều hoa ti gôn lắm. Có cả hoa phượng và hoa mẫu đơn nữa. – Giống ở Việt Nam quá nhỉ. Nhìn hoa Ti Gôn tao lại nhớ ngày xưa Trâm mê bài thơ “Hai sắc hoa Ti Gôn” của TTKH lắm. Mê quá, nên nó vận vào người. Vũ chợt nổi hứng ngâm nga nho nhỏ “Bảo rằng hoa giống như tim vỡ Anh sợ tình ta cũng vỡ thôi”. Huy cười phá lên, giọng diễu cợt: – Vỡ bét bè be ra rồi, chứ còn anh sợ gì nữa. Mẹ kiếp! lại bị ái tình vật nữa rồi. Tự nhiên ngồi ngâm thơ ông ổng, mặt cứ thộn ra thế kia thì chó nó cũng biết. Thay quần áo xong, Vũ cứ đứng trước gương nắn đi nắn lại cái nút cà vạt mãi làm Huy sốt ruột: – Lẹ lên không thôi trễ rồi đó.Trâm dặn phải đưa mày lại sớm, để cậu mợ còn kịp ra ngoài biển ngắm mặt trời lặn. Tình đến thế thì thôi. Vũ quay lại đưa ngón tay trỏ ngang miệng ra hiệu cho Huy ngừng nói: – Coi chừng vợ mày nghe được, lại giảng luân lý cho tao bây giờ là khổ tao lắm đấy. Huy ngừng xe trước nhà Trâm, Vũ bước xuống đưa tay chặn lên ngực nói với bạn bằng một giọng thành khẩn: – Sao tự nhiên tim tao đập mạnh quá Huy lắc đầu nhìn bạn cười, nói” Good luck’ rồi lái xe đi Đứng trước căn nhà xinh xắn có dàn hoa giấy mầu xác pháo, và cây hoa trúc đào đang lả lơi theo gió, Vũ thấy hồi hộp lạ thường, bao nhiêu năm chưa gặp lại Trâm, không biết giây phút đầu tái ngộ nó sẽ ra sao? Vũ đưa tay run run bấm chuông và bồn chồn đứng đợi. Cảm giác y hệt chàng trai mới lớn đi gặp đào lần đầu tiên. Cánh cửa vừa mở, tim Vũ như muốn nhẩy ra khỏi lồng ngực. Người đàn bà đẹp lộng lẫy diêm dúa kia, có phải là Trâm ngày xưa của chàng không? Đâu rồi cái miệng cười có chiếc răng khểnh mà chàng đã mê mệt điên cuồng, liều lĩnh mang cả cuộc đời mình ra đánh đổi, để cố tìm lại chút hương xưa. Miệng cười của người đàn bà trước mặt, đang khoe với chàng hàm răng trắng đều đặn như bắp, thật xa lạ. Đâu rồi cái mũi xinh xắn hơi cong cong một chút trông thật đáng yêu, mà chàng vẫn say sưa ngắm mỗi khi Trâm cúi xuống làm bài tập. Cái mũi cao thẳng tắp, tạo cho nàng vẻ đẹp quá sắc sảo tây phương. Chỉ còn tiếng nói vừa cất lên, cho chàng tìm thấy một chút thân quen: – Trời ơi! anh Vũ, em tưởng không bao giờ còn được gặp anh nữa. Trâm nhìn chàng với ánh mắt xúc động mừng rỡ, dáng điệu nàng như muốn lao đến phía trước để ôm chầm lấy chàng, trong khi Vũ vẫn đứng chết lặng một chỗ, nhìn Trâm với cảm nghĩ đau đớn âm thầm: “sao em nỡ lấy đi mất của anh tất cả những hình ảnh thân yêu, mà anh hằng ấp ủ từ bấy lâu nay?” Thấy Vũ đứng im lặng như trời trồng, Trâm lại tưởng Vũ ngỡ ngàng trước sắc đẹp của mình. Nàng vui vẻ hỏi: – Anh thấy em thế nào? Bao nhiêu cảm giác bồi hồi xúc động của Vũ biến đi đâu hết.Vũ ngạc nhiên thấy lòng mình bình thản lạ lùng.Tiếng nói bật ra như không phải của chàng, giọng nghe hơi lạnh, có pha chút gì chua chát – Trâm khác nhiều quá, nếu gặp ở ngoài đường chắc anh không nhận ra được. – Tại em già đi phải không? – Không, vẫn trẻ, nhưng bây giờ em đẹp quá, trông khác hẳn, không phải là cô Trâm ngày xưa của anh nữa. – Anh không thích em đẹp hơn à. Tự nhiên Vũ thấy mình trở lại linh hoạt, miệng lưỡi dẻo quẹo của mấy ông hay tán phó mát với các bà – Đàn ông nào lại chả thích đàn bà đẹp. Thích lắm chứ. Tiếc thật, đã lỡ hết rồi, anh đã vợ con đầy đàn làm sao dám mơ tưởng đến người đẹp như em được nữa. Buổi gặp gỡ tưởng sẽ là một buổi “lòng cuồng điên vì nhớ”* long trời lở đất. Ai ngờ nó lặng trang, lặng như trái tim già nua của Vũ lúc này. Không còn những phập phồng loạn nhịp, không còn những hồi hộp ước mơ, không cả một ánh tình nồng nào vương nhẹ trong khoé mắt của kẻ tình si, mà trước giây phút được hội ngộ cố nhân, Vũ đã tưởng như có thể bỏ tất cả thật dễ dàng, để được trở về bầu trời dĩ vãng. Ngồi bên Trâm suốt cả một buổi chiều, ngắm hoàng hôn trên bờ biển thơ mộng. Nghe Trâm nhắc lại những kỷ niệm xưa… Vũ chỉ thấy lòng nhẹ nhàng êm ả, tưởng như ngồi bên một người bạn cũ rất thân từ thời trung học, và đang nghe nàng tâm sự mối tình đầu của nàng với ai đó… của thuở học trò đã xa thật là xa. HỒNG THUỶ *1 câu trong bài hát HOÀI CẢM của NS CUNG TIẾN. |
Ngày cho Mẹ Tháng năm là tháng khí hậu đẹp và dễ chịu nhất của mùa Xuân. Cây hoa Dogwood trước nhà tôi nở đầy hoa mầu hồng tươi thắm. Thời tiết đẹp, phong cảnh đẹp mà sao lòng tôi lại buồn tê tái. Bởi vì ngày LỄ CHO MẸ gần kề, mà tôi lại không còn mẹ nữa. Mẹ tôi bỏ tôi đi đúng 4 tháng rồi. Tôi vẫn biết có ngày tôi phải xa lìa mẹ vì mẹ tôi đã quá thọ, mẹ đã một trăm tuổi, lúc sau này mẹ rất yếu và không còn nhớ gì nhiều nữa.Tuy nhiên mỗi ngày tôi vào thăm mẹ, mẹ vẫn tỏ ra vui mừng và vẫn ôm hôn tôi. Tôi vẫn biết mất mẹ tôi sẽ buồn lắm, nhưng tôi không ngờ nỗi buồn lại quá lớn và đau đớn đến như thế này. Tinh thần tôi suy sụp hẳn đi, trong vòng 1 tháng tôi xuống 7 pounds, tôi như người không còn sức sống. Có lẽ tại tôi quá gần gũi với mẹ, săn sóc mẹ mỗi ngày. Hai mẹ con tôi quấn quýt nhau. Mẹ tôi thật tội nghiệp, cả một đời đơn độc. Bố tôi chết năm mẹ có 26 tuổi, mẹ hy sinh cả tuổi xuân, quên hạnh phúc của cá nhân mình, ở vậy nuôi 2 đứa con. Anh tôi chả may chết sớm, mẹ chỉ còn tôi. Mỗi lần đi qua con đường Montrose, nơi có Nursing Home mẹ ở, tôi lại ngậm ngùi ứa nước mắt. Tôi thấy cuộc đời vô lý quá, có gì tha thiết hơn tình mẫu tử. Mẹ mang mình trong bụng 9 tháng 10 ngày, mẹ nuôi mình bằng máu thịt của mẹ. Mẹ mang nặng đẻ đau, nuôi cho mình khôn lớn, dậy dỗ săn sóc từng ly từng tí. Dựng vợ gả chồng cho con rồi, mẹ vẫn chưa yên tâm. Mẹ theo dõi cuộc sống của các con. Vui khi thấy con mình hạnh phúc, buồn khổ khi thấy con mình không may mắn trên đường đời. Nỗi lo của mẹ cứ trải dài theo từng diễn tiến trong cuộc sống của các con. Chắc chắn trong cuộc đời không ai thương chúng ta bằng mẹ. Dù bất cứ hoàn cảnh nào, tình huống nào, tệ hại tới đâu, mẹ cũng không bao giờ bỏ chúng ta. Tình mẫu tử gắn bó như vậy, bỗng dưng một ngày mẹ biến mất trên cõi đời, không bao giờ mình còn được nhìn thấy mẹ nữa .Tình mẹ con chấm dứt, là thôi, là hết. Sự chia lìa đó quá đau đớn. Viết đến đây nước mắt tôi lại chảy. MẸ ơi, con nhớ mẹ vô cùng. Ngày LỄ CHO MẸ năm ngoái, tôi còn mua áo mới cho mẹ, mẹ mặc hoài không chịu thay. Ai nói “già bát cơm bát canh, trẻ manh áo mới” là sai. Gìa cũng vẫn thích áo mới. Mẹ ơi, ngày LỄ CHO MẸ sắp tới, năm nay mẹ bỏ con đi rồi, con biết mua áo mới cho ai? Xin các bạn, những ai còn mẹ, nên dành nhiều thì giờ gần gũi, săn sóc mẹ, bởi vì một ngày nào đó, mẹ sẽ phải bỏ chúng ta ra đi, lúc đó bạn ơi, đau đớn và tiếc nuối vô cùng… Hồng Thủy |
Xuân Viễn Xứ Bây giờ là Tết Nguyên Đán. Tết của quê hương Việt Nam thân yêu. Đối với tôi, ngày đó mới thật sự được gọi là ngày tết. Tôi quả là bạc bẽo với nước Mỹ, một quốc gia đã mở rộng vòng tay đón tiếp gia đình tôi trong lúc bơ vơ, không cửa, không nhà. Nước Mỹ đã giúp chúng tôi làm lại cuộc đời mới, đầy đủ, vững vàng, thoải mái. Vậy mà tôi chưa bao giờ có cảm tưởng đây là quê hương của tôi, chưa bao giờ tôi coi Tết của họ là tết của mình . Với tôi, đó chỉ là ngày đầu năm dương lịch. Lẽ ra tôi phải nhận nước Mỹ là quê hương thứ 2 của tôi mới phải, vì thời gian tôi sống ở Mỹ còn dài hơn thời gian tôi sống ở Việt Nam. Bốn mươi năm dài đằng đẵng với bao nhiêu vật đổi, sao rời mà vẫn không làm tôi quên được những kỷ niệm ở Việt Nam, nhất là mỗi lần Tết đến . Cái không khí rộn ràng đón tết từ ngoài chợ, ngoài đường phố như lan vào mỗi gia đình. Già trẻ, lớn bé ai cũng náo nức sửa soạn đón tết. Bà ngoại tôi bắt chị người làm lau chùi tranh ảnh, vật dụng trang trí trong nhà cho sạch bóng. Bộ đồ trà cổ xưa quí giá bầy trong tủ kính cũng được mang ra rửa thật sạch để sẵn cho ông bà pha trà, đối ẩm đêm giao thừa. Mỗi năm bộ đồ trà chỉ được dùng một lần vào dịp tết. Bà ngoại tôi nói bộ đồ trà này là đồ cổ vô cùng hiếm quí, bà không dám dùng thường ngày nhỡ lỡ tay làm vỡ phí đi. Tết đến nhà tôi lúc nào cũng có một chậu mai tứ quí, hoa nở đầy từ gốc đến ngọn. Bởi vậy mỗi lần đón xuân ở đây, dù hoa đào có đẹp rực rỡ tới đâu, mẹ tôi vẫn ngậm ngùi nhớ tới những bông mai vàng của những ngày tết ở quê nhà. Chưa kể bà ngoại tôi còn cầu kỳ gọt những củ thủy tiên thật công phu. Bà tính toán làm sao mà hoa của bà bao giờ cũng nở đúng giao thừa . Trước tết mấy tuần, bà ngoại tôi đã ngồi cặm cụi cắt củ cải, xu hào, cà rốt, tỉa thành hình hoa rất đẹp để làm dưa món . Bánh chưng mà ăn kèm với dưa món kiểu Huế của bà là tuyệt cú mèo. Cơm tết của bà không bao giờ thiếu món thịt đông, dưa hành, cá thu kho. Bà còn nấu bóng nữa .Bóng của bà là bóng cá thứ thiệt chứ không phải “bóng bì dởm” họ giả làm bóng cá như bây giờ. Súp vây cá của bà cũng vậy, phải là thứ vây cá hảo hạng. Tôi mê nhất là món mực khô xào với xu hào, cà rốt, món này bà làm rất công phu. Bà chọn những con khô mực thật ngon, rửa thật kỹ với nước gừng, ngâm cho mực mềm, lấy dao thật sắc thái chỉ những con mực khô cùng với xu hào, cà rốt, sau đó xào lên, rắc chút ngò vào, thơm phức. Món măng khô hầm giò heo của bà cũng rất đặc biệt. Măng khô bà luộc tới 3 lần nước. Măng của bà ăn ngon như miếng thịt gà, giò heo bà luộc sơ lên với nước muối trước, sau đó bà mới nấu, thành miếng giò heo của bà ăn rất thơm ngon. Tất cả thức ăn ngày tết tự tay bà nấu nướng, bà không sai người làm. Mỗi lần bà nấu, tôi với chị người làm phải đứng bên cạnh. Chị người làm để bà sai vặt , còn tôi bà nói “muốn học nấu ăn phải đứng nhìn tận mắt mới nấu đúng cách được.” Bà ngoại tôi quê ở Bắc Giang. Bà rất thông minh, đảm đang, làm ăn giầu có. Bà là người quyền lực nhất của đại gia đình. Mẹ tôi thì ngược lại, bà là con cưng, ngay từ bé mẹ tôi đã hay đau ốm, cứ xuống bếp là mẹ tôi ho nên bà ngoại hết sức cưng chiều, không cho mẹ tôi làm gì hết. Do đó mẹ tôi không biết nấu nướng, cỗ bàn gì cả. Tất cả bí quyết nấu ăn bà ngoại truyền hết cho tôi, nhưng tôi lại hơi lười “hồi ở Việt Nam thôi , chứ từ ngày sang Mỹ , tôi làm việc như trâu mà không biết mệt” nên “ học” thì nhiều , mà “hành” thì ít. Bởi vậy nghệ thuật nấu nướng những món ăn cổ truyền ngày tết của người Bắc tôi cũng chả nhớ được bao nhiêu. Bà còn dậy tôi têm trầu cánh phượng và gọt thủy tiên, cách hãm thủy tiên sao cho hoa đừng nở sớm quá. Cái mục này đối với tôi công phu và cầu kỳ quá, tôi nghĩ mình sẽ chẳng bao giờ làm, nên tôi chỉ giả vờ chăm chú nghe cho khỏi bị la. Tội nghiệp bà ngoại, hết hơi dặn dò dậy bảo, trong khi “con cháu lười” của bà tuy vâng vâng, dạ dạ, làm bộ hiểu, nhưng thực ra đầu óc nó đang để tận đâu đâu. Sau khi lập gia đình, bao nhiêu lần Tết đến ở Việt Nam, tôi đều cố gắng giữ truyền thống làm cơm ngày Tết kiểu của bà ngoại. Nhưng dĩ nhiên không được đặc biệt và đầy đủ lệ bộ như của bà. Nhưng cái không khí Tết thì gia đình nhỏ bé của tôi cũng rộn ràng, tưng bừng lắm. Những ngày gần Tết tôi lo đi mua cây mai trước tiên. Tôi không khó tính phải là mai tứ quí, miễn là hoa và nụ thật nhiều là tôi rinh về. Thay vì cầu kỳ đi chọn mua những củ Thủy tiên rồi về nhà ngồi kiên nhẫn gọt tỉa như bà ngoại. Tôi chọn mua mấy chậu hoa thược dược đủ màu và mấy chậu cúc đại đóa xếp thành hàng dài ở hành lang trước nhà. Dĩ nhiên không thể thiếu hai chậu quất trĩu quả vàng au. Tôi hài lòng khi thấy ngôi nhà rực rỡ hẳn lên. Mua hoa xong là đến mục đi mua quần áo mới cho các con. Dĩ nhiên tôi cũng mua ké cho mình một bộ. Mùng 1 Tết trẻ con phải mặc quần áo mới đi chúc tuổi ông bà Cố và bà ngoại để được tiền lì xì. Các món ăn ngày Tết bà ngoại dậy, tôi quên trước quên sau nên trước khi nấu thế nào tôi cũng phải hỏi lại bà cho chắc ăn, riêng cái khoản kiêng cữ ngày Tết tôi nhớ không sót một chi tiết nào. Bà dặn cả nhà ,ngày mùng 1 Tết ai cũng phải vui cười, dù có điều gì phật ý cũng phải bỏ qua, nếu buồn bực là suốt năm sẽ phải buồn bực. Không ai được quét nhà hay đổ rác vì như vậy là quét và đổ hết tiền bạc đi. Những năm đầu đón Tết trên đất Mỹ tôi đã không còn kiêng cữ được như lời bà ngoại dặn. Ngày mùng 1 Tết tôi cũng vẫn đi làm, vào giờ nghỉ ăn Lunch tôi vừa ăn vừa nhớ những ngày Tết ở quê nhà, nhớ ông bà ngoại tôi đã qua đời, nhớ mẹ tôi lúc đó còn kẹt lại Việt Nam và nước mắt cứ mặc sức tuôn ra không sao ngăn lại được. Không biết có phải vì tôi cứ khóc vào ngày mùng 1 Tết hoài mà những năm đầu sống trên đất Mỹ chả có lúc nào tôi không thấy buồn, thấy tủi đến rơi nước mắt và thấy nhớ quê hương. Ngày Tết vui nhất của tôi là đúng 10 năm sau ngày rời bỏ Việt Nam thân yêu, năm đó mẹ tôi mới qua được Mỹ xum họp với gia đình. Tết đầu tiên căn nhà tôi ở có được cái không khí vui vẻ của ngày Tết và từ tết đó tôi lại bắt đầu “nói theo giọng chế riễu của ông chồng tôi” dở cái trò kiêng cữ ngày mùng 1 Tết Thấm thoát 40 lần đón Tết trên đất Mỹ rồi. Mẹ tôi năm nay đã 97 tuổi , mẹ đã hơi lẫn nên chẳng còn tỉnh táo để hỏi tôi như mẹ vẫn thường hỏi mỗi lần Tết đến “Bao giờ mẹ con mình mới được trở về sống ở Việt Nam ?” Tôi vẫn trả lời cho mẹ vui và hy vọng “có thể vài năm nữa thôi mẹ”. Trả lời mẹ xong tôi quay vội đi để tránh ánh mắt thật buồn của mẹ và câu nói nghe thật nát lòng “biết mẹ còn sống được tới ngày đó không?” Mẹ ơi con thật có lỗi, con đã nói dối mẹ. Tối hôm đó tôi đã xúc động làm bài thơ “Mỗi độ Xuân về”, có những câu thơ như sau: …Tối ngày mẹ cứ thở ngắn , thở dài Hỏi mãi hỏi hoài Bao giờ mình mới được về sống ở Việt Nam? Biết trả lời sao mẹ yêu dấu của con Khi con biết ngày về còn xa lắc Có một điều con biết là chắc chắn Mẹ sẽ phải gửi nắm xương tàn trên đất của người ta. Nhìn mắt mẹ buồn con cảm thấy xót xa Con biết mẹ đang nhớ quê nhà nhiều lắm Mẹ vẫn nói mẹ nhớ nhất cây hoa mai vàng thắm Trước ngõ nhà ta mỗi độ xuân về … Hồng Thủy |