
Tiểu sử: Tên thật: Nguyễn Thị Kim Loan Sinh ngày: 17 tháng 8 năm 1966 Bút hiệu: KimLoan – Hồng Đào Là cô giáo tiểu học Vượt biên qua Thailand cuối năm 12, 1989, ở Thailand 4 năm Định cư ở Canada từ 1994 đến nay Em yêu thích đọc sách, nghe nhạc từ khi mới lớn, nên cũng …mộng mơ viễn vông một thời tuổi trẻ. Sách đã xuất bản: 1. Mùi Hương Cũ (2014), truyện và thơ 2. Buồn Vui Đời Tỵ Nạn (2017), truyện và thơ |
MÙA THU TƯƠNG TƯ Có một mùa thu tuổi dại khờ Yêu người, rạo rực những vần thơ Ngờ đâu tình chỉ là sương khói Như lá bên hiên rớt hững hờ Người đến, người đi không hẹn trước Xóm nhỏ bâng khuâng một nỗi buồn Nếu có bao giờ người quay bước Có một mùa thu đang dỗi hờn Hoa cúc nhạt nhoà phai màu nắng Lối về lặng lẽ, bước ngẩn ngơ Phố đông mà bỗng nghe hoang vắng Gió chẳng lấp đầy nỗi bơ vơ Nhưng rồi người đã không trở lại Tặng vết thương lòng, một lần thôi Mỗi khi thu về làm tê tái Lá úa rơi đầy cả hồn tôi Có một mùa thu rất xa xôi Vắng người, mây trời cũng ngừng trôi Tìm đâu gió heo may ngày cũ Một thuở tương tư, mùa thu ơi?! Edmonton, Mùa Lá Rơi 2022 KIM LOAN |
NƠI ẤY MÙA ĐÔNG Nơi ấy trời đã vào đông chưa Có nghe gió lạnh chuyển sang mùa Ở đây hoa tuyết bay cứ ngỡ Áo trắng ai về ấm chiều mưa Nơi ấy trời đã vào đông chưa Giọt nắng ngoài sân đẹp tình cờ Ở đây mặt trời chiều vắng sớm Mây xám buồn theo vào giấc mơ Nơi ấy trời đã vào đông chưa Xuống phố nhẹ sương rớt hững hờ Ở đây mùa đông như vô tận Bếp lửa hồng giăng sầu đong đưa Nơi ấy trời đã vào đông chưa Nỗi nhớ làm sao đếm cho vừa Một chốn quê nhà xa vời vợi Sưởi ấm hồn tôi những Đông xưa Nơi ấy trời đã vào đông chưa?… KIMLOAN Edmonton, Đầu đông 2022 |
MÙA TẠ ƠN Mỹ và Canada có nhiều ngày Lễ giống nhau, nào là Christmas, New Year, Halloween, Mothers Day, Fathers Day…nhưng cũng có hai ngày Lễ không trùng ngày. Đó là ngày Quốc Khánh , Canada Day hay còn gọi là Quốc Khánh vào ngày July 1st hàng năm, trong khi Independent Day của Mỹ là July 4th, cũng không cách xa là bao, chẳng lẽ Mỹ và Canada là … anh em từ kiếp trước ? Mùa Thanksgiving của Canada vào ngày thứ Hai tuần thứ hai của Tháng Mười hàng năm, trong không khí mùa Thu hiu hiu lạnh, cả đất trời là một màu vàng của lá Thu và màu cam của những trái pumpkins chuẩn bị thu hoạch cho Halloween. Còn mùa Thanksgiving bên xứ Mỹ láng giềng vào ngày Thứ Năm của tuần thứ tư của Tháng Mười Một hàng năm, rộn ràng theo sau đó là ngày Black Friday, nối tiếp cho những ngày lễ lạc cho mùa Giáng Sinh và Năm Mới . Tuy nhiên, ý nghĩa và nguồn gốc Thanksgiving của hai đất nước Bắc Mỹ này khá giống nhau, cũng như cách thức ăn mừng truyền thống với con Gà Tây, tạ ơn mùa màng tươi tốt. Hàng năm, tới mùa Thanksgiving, chúng ta, những người Việt tha phương, cũng đều có những tâm tình tạ ơn giống nhau. Cám ơn xứ sở mới đã giang rộng vòng tay đón chào chúng ta. Cám ơn những người xung quanh, cám ơn gia đình, bè bạn khắp nơi. Với tôi năm nay, xin được có vài lời tri ân đặc biệt đến thành tựu rực rỡ của nền khoa học công nghệ hiện đại, đã cống hiến cho cuộc sống nhân loại biết bao điều mới mẻ, thuận lợi, vô cùng hữu ích. Với Facebook, mạng xã hội toàn cầu đã nối kết mọi người rất mau chóng, diệu kỳ. Bạn bè cũ, hàng xóm xưa, ân nhân thất lạc, “người dưng khác họ mà thương” thuở ấy, “người thoáng qua đời nhau”… được tìm thấy nhau, cứ ngỡ như giấc mơ, vì đã từng nghĩ rằng một đi không trở lại, khó mà có ngày tái ngộ, dù là bằng phone, emails hay facebook. Người ta trao đổi thông tin, chia sẻ tin tức nóng hổi “chỉ trong vòng một nốt nhạc”. Nhiều sự thật được phơi bày mà những chính quyền độc tài (trong đó có Việt Nam) rất đau đầu, khổ sở tìm cách đối phó. Mạng Googles thì khói nói rồi he! Đó là cuốn từ điển bách khoa bao la cho nhiều người. Dù là mấy bà nội trợ, ngồi ở nhà cũng có thể tìm đọc về mọi thứ trên cõi đời này. Từ những kiến thức lớn lao thuộc lĩnh vực văn hoá, chính trị, lịch sử, địa lý, xã hội, sức khoẻ, cho đến những mẹo vặt linh tinh trong nhà ngoài phố, kể sao cho hết! Tôi vốn là “tiểu thư con nhà nghèo”. Gia đình tôi thuộc loại thường thường bậc trung, nhưng được cái… đông con, tôi lại thuộc nhóm út ít, nên mọi việc trong nhà đều có các anh chị lớn đảm đương. Từ bé cho đến lúc học xong cấp ba, rồi ra trường đi dạy học, hầu như tôi chỉ biết học và chơi, không phải động tay động chân vào các việc nhà. Vì vậy, chuyện bếp núc may vá đối với tôi là chuyện… xa vời, chỉ là con số không. Thực ra, cũng có đôi lần tôi được giao việc canh bếp củi nấu nồi cơm, nhưng hình như “chẳng nên cơm cháo gì”. Một thời gian sau, nhà có nồi cơm điện thì thỉnh thoảng tôi mới được giao lại nhiệm vụ… cắm nồi cơm. Đến khi vượt biên qua trại tỵ nạn Thailand, tôi lại may mắn (hay xui xẻo không biết nữa!) ở chung một nhóm 4 cô gái, trong đó có 2 cô thích nấu ăn, giành luôn phần cơm nước để cho tôi thoải mái đi làm thiện nguyện. Suốt bốn năm ở trại, tôi chưa hề biết khúc củi nồi cơm ra sao, chưa hề cắt thịt, mổ cá như thế nào, cùng lắm tôi chỉ được phụ hợ việc lặt rau, rửa chén, vì mấy lần phụ bếp tôi không làm rơi rớt món này thì cũng làm đổ bể thứ kia, nên tôi bị … cấm vào bếp! Bởi vậy khi qua Canada định cư rồi chuẩn bị lấy chồng, bà chị Cả bên Mỹ viết ngay cho tôi một thực đơn 7 ngày trong tuần, hướng dẫn tôi nấu những món ăn đơn giản, như kho thịt, chiên trứng, luộc rau, nấu canh. Ngày cưới tôi, nhóm bạn thân bên Việt Nam cũng vội vàng gửi tặng món quà “đầy ý nghĩa”, là hai cuốn sách dạy nấu ăn của tác giả Triệu Thị Chơi (chúng bạn rành tôi quá mà!). Tôi mừng húm mở sách ra bắt đầu áp dụng, nhưng chẳng có các món cơm canh thông thường mà toàn là những món nem công chả phượng, bánh trái dành cho tiệc tùng. Còn những món cuối tuần như cà ri, bò kho thì cách trình bày công thức sơ sài, khó hiểu, chưa kể nguyên vật liệu không phù hợp hoặc khó kiếm tìm nơi hải ngoại, nên tôi đành xếp hai cuốn sách đó vào tủ để ngắm chơi. Thế nên tôi bắt đầu học hỏi từ thực tế, từ những lần đến nhà bạn bè, người quen xung quanh, thấy món nào ngon là hỏi ngay bí kíp rồi ghi chép vào cuốn sổ tay, dần dần cũng đầy những món cần thiết. Tôi đã có những ngày cuối tuần cặm cụi làm bánh bao cho chồng con mang đi làm, đi học. Những ngày tuyết đổ tôi nổi hứng “làm siêng” nướng bánh đậu xanh để uống trà, làm món lẩu Thái ăn cho ấm bụng và những bữa cơm gia đình cũng khá đầy đủ các món căn bản của ba miền, canh rau, đồ mặn, đồ xào… Nhưng chỉ đến khi có kênh Youtube thì khả năng nấu nướng của tôi đã bắt đầu có tiến bộ vượt trội. Chỉ cần “nhấp con chuột” là có biết bao công thức các món, được tận mắt trông thấy phần hướng dẫn thực hành, rồi áp dụng làm theo là có ngay thành phẩm. Lần đầu chưa vừa ý, thì vài lần sau sẽ gần “như ý”. Chồng con tôi cũng quen dần với những lần “bị” bất ngờ khi bữa cơm chiều xuất hiện các món “mới và lạ” trên bàn ăn: Cơm Gà Hải Nam, Bún Hến, Bánh Bột Lọc, Mì Xào Lobsters, Bánh Tôm Tây Hồ, Bún Chả Obama (không phải chả làm từ… thịt ông Obama, mà là bún chả cựu Tổng Thống Mỹ đã ăn khi thăm Việt Nam). Đến mùa Thanksgiving hay Giáng Sinh, tôi cũng ngang nhiên rộn ràng làm món Roasted Turkey đúng kiểu truyền thống với đầy đủ stuffing, mashed potato, salad, cranberry sauce như mọi người bản xứ. Và chẳng nhớ đã từ bao lâu, hai cuốn sách của bà Triệu Chơi đã bị lãng quên trên tủ sách trong phòng, giờ chỉ còn là kỷ niệm của mấy đứa bạn vàng ngày xưa biết rõ khả năng… nữ công gia chánh của tôi. Dĩ nhiên, với một người vụng về, không có khiếu nấu ăn, thì dù có cây đũa thần hay đôi hia bảy dặm như trong truyện thần thoại cổ tích, tôi cũng không thể biến hoá trở thành một đầu bếp nhà nghề, đảm đang. (Những người có năng khiếu bẩm sinh thì chỉ cần phẩy tay là có ngay dĩa gỏi đẹp mắt, nồi soup thơm lừng đúng khẩu vị, hay chén nước mắm pha không chê vào đâu được). Nhưng ít ra, tôi cũng có thể tự hào, (với sự trợ giúp của Youtube), là tôi không “ngán” nấu bất cứ món gì khi chồng con yêu cầu. Có thể là chưa được xuất sắc, chưa được gọi là “tuyệt vời” nhưng bảo đảm rất “chất lượng” và so với thời “ tôi, chính tôi ngày xưa đó” khi còn trẻ và chưa có Youtube thì đã khá hơn rất nhiều. Thậm chí mới đây chồng tôi còn tuyên bố, kể từ khi tôi biết nấu Phở và Bún Bò Huế, thì anh ấy không cần ra nhà hàng ăn hai món này nữa. Như thế cũng đủ để Tạ Ơn chưa quý vị?! KIM LOAN |
NƠI ẤY MÙA ĐÔNG Nơi ấy trời đã vào đông chưa Có nghe gió lạnh chuyển sang mùa Ở đây hoa tuyết bay cứ ngỡ Áo trắng ai về ấm chiều mưa Nơi ấy trời đã vào đông chưa Giọt nắng ngoài sân đẹp tình cờ Ở đây mặt trời chiều vắng sớm Mây xám buồn theo vào giấc mơ Nơi ấy trời đã vào đông chưa Xuống phố nhẹ sương rớt hững hờ Ở đây mùa đông như vô tận Bếp lửa hồng giăng sầu đong đưa Nơi ấy trời đã vào đông chưa Nỗi nhớ làm sao đếm cho vừa Một chốn quê nhà xa vời vợi Sưởi ấm hồn tôi những Đông xưa Nơi ấy trời đã vào đông chưa?… KIMLOAN Edmonton, Đầu đông 2022 |
Người Yêu Của Lính![]() (Tự hào là con, em của các chiến sĩ VNCH) Nếu không có ngày tháng tư năm ấy Tôi sẽ lớn lên trong ao ước chiến tranh Của những người cha và những người anh Giữ gìn Miền Nam tự do hạnh phúc Tôi đến trường được trau dồi kiến thức Bài học công dân: bác ái, yêu thương Biết tự hào từng mảnh đất quê hương Ruộng đồng ngát xanh, rộn ràng phố chợ Tôi sẽ là em hậu phương bé nhỏ Viết những lá thư cánh én mùa xuân Đẹp xiết bao tình thắm thiết quân dân Gửi người chiến sỹ dãi dầu mưa nắng Và tôi sẽ là người yêu của lính Chàng hải quân lả lướt với sông hồ Viết thư tình bên hoa biển mộng mơ Tôi thấy cả trùng dương đang nổi gió Hay tôi sẽ yêu thiên thần mũ đỏ Không quân đa tình đi gió về mây Chiều Sài Gòn hò hẹn tay trong tay Bước bên chàng biệt động quân kiêu dũng Yêu áo bộ binh vương mùi thuốc súng Lính nhảy dù, hay anh địa phương quân Thuỷ quân lục chiến đượm nét phong trần Thiết giáp, pháo binh, quân y, quân vận … Nhưng mệnh nước đến một ngày u uất Lệnh tan hàng, bại tướng nuốt hờn căm Lịch sử sang trang, nước Việt tối tăm Sài Gòn đau, Huế rưng rưng nhỏ lệ Quảng Trị buồn, biển Nha Trang lặng lẽ Rừng U Minh bạc màu nước Hậu Giang Gió miền Đông đất đỏ nhớ mênh mang Dấu chân xưa trên bốn vùng chiến thuật Những người lính, nay kẻ còn người mất Tủi phận tại quê nhà hay đang lưu vong Cuối cuộc đời, cạn khao khát ước mong Thuở vẫy vùng đao binh vì Tổ Quốc Cám ơn bao lớp trai hùng bất khuất Ra sa trường chẳng ngần ngại hy sinh Để lại thiên thu những câu chuyện tình Đẹp lung linh của một thời chinh chiến Kim Loan |
MÙA ĐÔNG KHÔNG CÓ ANH Mùa đông không có anh Mây trời trôi hiu quạnh Cây khô héo trên cành Nằm im nghe gió lạnh Bước chân tôi bơ vơ Khi buổi chiều dần xuống Buồn tôi trên đường kia Nào có ai hay biết? Những ngày không có anh Mùa đông sao dài thế? Giọt sương khuya long lanh Nói giùm tôi nỗi nhớ Lòng tôi như tuyết rơi Trong những đêm đông lạnh Đi tìm anh khắp nơi Mang theo niềm hy vọng Lòng tôi như lá bay Trên hè đường khô vắng Chiếc lá khô hiếm hoi Đợi chờ anh tia nắng Để cho tôi nhớ lại Một “Đêm Thánh Vô Cùng” Ngôi giáo đường chờ đón Anh về, đi lễ chung Rồi nửa đêm tan lễ Hát “Bài Thánh Ca Buồn” Tôi cùng anh bước nhẹ Nghe hồn mình lênh đênh Có phải anh sẽ về? Tình yêu tôi còn đó Mùa đông dài lê thê Sẽ không còn vô nghĩa Và tay anh che gió Tuyết rơi khắp nẻo đường Tôi khép tà áo nhỏ Mùa Đông chợt dễ thương KIM LOAN |
Trang thơ của thi sĩ Kim Loan |
Thầy Về Trường Xưa (Cảm xúc từ một câu chuyện tình dưới mái trường Cấp III) Trở về rồi, Thầy có thấy gì không? Đôi mắt em, trên hàng cây phượng đỏ Khi đầu hè hoa trổ bông rực rỡ Sợ ngày chia tay lá khép chờ mong Cuối thu tàn, chớm lạnh trời vào đông Hành lang lớp học dài như nỗi nhớ Chiều tan trường, em bâng khuâng đứng đó Thầy đâu rồi, bước về chỉ mình em Trở về rồi, Thầy có thấy thân quen? Nơi bục giảng, tay ai run rẩy vẽ Đường tròn chẳng tròn như tim em rất trẻ Rung động đầu đời nói chẳng thành câu Giờ Toán học, em chỉ muốn thật lâu Dẫu khô khan phương trình, và ẩn số Công thức nào em rối bời chưa ngỏ Định nghĩa Tình Yêu em vẫn đi tìm Trở về rồi, Thầy có thấy chợt buồn? Chỗ em ngồi năm xưa, giờ trống vắng Còn đâu nữa nụ cười hiền toả nắng Phút ngại ngùng đôi ánh mắt gặp nhau Để đêm về em thao thức canh thâu Nắn nót viết tên Thầy trên thước kẻ Quà tặng của em đơn sơ, bé nhỏ Rất nồng nàn, say đắm một tình Thơ Trở về rồi, Thầy có thấy ngẩn ngơ? Chiều hôm ấy hồn em lạnh rét mướt Mắt em nhạt nhoà hay vì mưa ướt Ngày Tân Hôn, Thầy vui bước qua cầu Thầy vô tình, Thầy có biết gì đâu! Cô bé lang thang một mình hờn dỗi Trái tim mới lớn mong manh quá đỗi Gặm nhấm nỗi buồn, thèm khát yêu đương Trở về rồi, Thầy có thấy vấn vương? Ghế đá, hàng cây, sân trường…im lặng Mây lững lờ trôi như đang hờn trách Tuổi học trò thần thánh ai mang đi Thuyền xuôi dòng nhưng em mãi khắc ghi Sẽ quay lại, dù đôi lần em khóc Em vô duyên, chẳng nên phận tơ tóc Nghĩa Thầy Trò, mình mãi mãi nhớ nhau Kim Loan |
TÌNH ĐẦU TÌNH ĐAU (Cảm xúc từ một câu chuyện có thật- Tình Tỵ Nạn) Em mười tám và anh hai mươi Chúng mình đã như đũa có đôi Trại tỵ nạn khiến xui gặp gỡ Cả anh và em tình đầu đời Chợ Lào là nơi chốn hẹn hò Bên đời tỵ nạn những buồn lo Hàng cây phượng vĩ trưa bóng mát Hay buổi chiều nào chợt đổ mưa Hai đứa vẫn hồn nhiên mơ nhiều Chỉ thấy quanh mình một chữ yêu Chỉ mong mỗi ngày qua thật chậm Từng phút từng giây mình có nhau Cơm gạo cao ủy nuôi em lớn Nắng gió Thailand, anh trưởng thành Buồn vui theo tháng ngày gian khó Tưởng như không bao giờ cách ngăn Anh đậu thanh lọc nhiều mộng ước Em mịt mờ chẳng biết tương lai Vì đâu số phận lại oan nghiệt Dang dở đường tình, mộng chia hai Chiều tiễn anh đi, lệ em rơi Chỉ nhìn nhau không nói nên lời Vẫy tay chào, mà như níu lại Nhưng em không giữ được anh rồi Đường ra phi trường anh chơi vơi Nặng trĩu hành trang nhớ một người Chuyến bay nửa đêm, anh thao thức Biết em cũng chưa ngủ, em ơi… Máy bay dừng ở Đức nghỉ chân Xứ lạ lạnh lùng, anh bâng khuâng Lang thang tìm mua tấm postcard Gửi về em nỗi nhớ trào dâng Đến Toronto mùa đông lạnh Tuyết trắng rơi ngập cả hồn anh Trại tỵ nạn vẫn còn hơi ấm Anh mang theo suốt cuộc hành trình Những lá thư đầu nhiều nhung nhớ Đong đầy tình anh từ phương xa Kỷ vật anh trao, em cất giữ Theo em hồi hương về quê nhà Hai cuốn album (anh nhớ chưa?) Mua ở Chợ Lào (hình đôi ta…) Và thêm những tấm hình anh gửi Có Ngũ Đại Hồ, thác Niagara… Anh đứng đó, bên trời gió nổi Bơ vơ giữa đường phố thênh thang Sao gió không là cây cầu nối… Sao gió không đưa em bên anh?! Rồi càng ngày anh càng vắng thư Chẳng thấy hồi âm, em vẫn chờ Xa mặt cách lòng, đời là thế Anh chẳng khác gì thiên hạ kia! Lời yêu anh viết vẫn còn đây Bao năm màu mực vẫn chưa phai Tờ thư em giữ làm kỷ niệm Dù lời anh hứa theo gió bay Thời gian trôi qua, em đã quen Quên một bóng hình, một cái tên (Dẫu đôi lúc có người nhắc đến… Giận hờn, em khóc…một mình em) Chuyện tình xưa đã là quá khứ Anh và em sông chảy ngược dòng Ngàn lời xin lỗi còn chưa đủ Khoả lấp trong em vết thương lòng Thôi thế là mình đã mất nhau Bóng chim tăm cá biết ở đâu Nếu anh nhớ đến thời tị nạn Anh có nhớ em, một tình đau ?! KIM LOAN (Edmonton, Canada) |
MÙA XUÂN TUỔI THƠ Tôi đã có một thời tuổi nhỏ Đếm từng ngày khao khát đợi mùa Xuân Tờ lịch trên tường dường như chậm quá Sao chẳng rơi như chiếc lá ngoài sân? Tôi thích ngắm mỗi lần trời nổi gió Cây soan trước nhà lá rụng lan man Để ao ước thời gian đi nhanh nữa (Chưa biết buồn theo chiếc lá thời gian!) Là mỗi độ Xuân về tôi vẫn biết Lá sẽ khô theo cơn gió cuối năm Chợ sẽ vui những sắc màu ngày Tết Người rộn ràng mua sắm, phố thêm đông Rồi mẹ sẽ may cho tôi áo mới Nồi bánh chưng như cổ tích ngày xưa Tôi hớn hở nhận đồng tiền mừng tuổi Thảnh thơi ăn kẹo mứt, cắn hạt dưa Tôi đã ước mình đừng bao giờ lớn Để suốt đời tôi được đếm thời gian Được tung tăng chạy vui đùa trong xóm Với bạn bè khi thấy gió Xuân sang Để tôi mãi có ông bà, cha mẹ Anh chị em sum vầy, chẳng rời xa Bên mâm cỗ, mùi khói nhang ngào ngạt Đêm giao thừa nao nức chờ pháo hoa Bao năm qua, bây giờ tôi đã lớn Giấc mộng trẻ thơ như quả bóng bay Những cái Tết không đợi chờ vẫn đến (Tôi vô tình khi mộng khỏi tầm tay!) Nhưng xóm nhỏ của tôi vẫn còn đó Tôi đã đi phiêu bạt mấy phương trời Lá vẫn rơi, lại có bao đứa trẻ Ước ao và chờ đợi Tết như tôi?? Edmonton, Xuân Nhâm Dần 2022 KIM LOAN |
SÀI GÒN CÓ MƯA Sài Gòn có mưa! Sài Gòn có mưa Hỏi người nơi ấy đã quên chưa Chiều hẹn hò bâng khuâng lá đổ Hàng cây xanh rét mướt đợi chờ Quán nhỏ nơi con đường thân quen Quen như chiều thành phố lên đèn Bước chân người tìm nhau gặp gỡ Ngày cuối tuần rộn rã nên thơ Hai ly cà phê đá đậm màu Tiếng nhạc vàng “Đường về canh thâu …” Dịu dàng như niềm thương nỗi nhớ Của những ngày qua không gặp nhau Tuổi trẻ tương lai nhiều mộng ước Chuyện ngày mai tươi đẹp lung linh Chưa biết buồn vì đời xa cách Chưa biết đau sỏi đá gập ghềnh Từng giọt mưa êm như tiếng ca Quán vắng thưa người, còn đôi ta Sài Gòn dù mưa hay nắng cháy Vẫn là tình yêu quá thiết tha Chiều dần tàn, cơn mưa chưa dứt Hai người, chỉ một áo mưa che Nhường qua nhường lại, thôi cùng ướt (Đêm về tôi cảm, người biết chưa?!) Chia tay, hẹn gặp nhau tuần tới Sài Gòn đỏng đảnh thật dễ thương (Cũng giống như tôi- người thường nói) Chỉ một cơn mưa làm vấn vương!! Edmonton, tháng 5/2022 Kim Loan |
Tình Đau (Cảm hứng theo bài hát Tình Hờ của Phạm Duy: Tôi đang lừa dối em/Mà sao em không biết Những lời nói tình duyên/Với tôi, không cần thiết…) Anh đến với một tình hờ Và tôi cũng thế, chỉ vờ yêu thôi Chúng mình cút bắt trò chơi Lả lơi ánh mắt, nụ cười dối gian Tình vui chóng vánh vội vàng Đầu môi chót lưỡi …nhẹ nhàng gió bay Một mình tìm đến cơn say Anh nghe phảng phất ngất ngây giọt buồn Còn tôi, cũng chẳng vui hơn Đêm khuya thao thức giận hờn bâng quơ Hình như tôi vẫn mong chờ? Hình như anh vẫn bơ vơ bên trời? Phải chăng tôi đã yêu người? Phải chăng anh đã bồi hồi nhớ tôi? Hiểu ra thì quá muộn rồi Trái tim kiêu hãnh chưa nguôi nỗi sầu Nếu còn có một kiếp sau Xin đừng đùa giỡn-Tình đau một đời! Edmonton 19.7.2020 Kim Loan |
Tháng Chín Thu Sang Mùa Thu năm ấy, người quên chưa? Heo may gió thổi khúc giao mùa Hồn tôi thiếu nữ cũng xao xác Thương chiếc lá rụng bên song thưa Những giọt mưa thu rơi hiu hắt Cô học trò chớm biết vu vơ Đêm nằm nghe nhịp mưa tí tách Dạt dào tôi chép những vần thơ Người đã cho tôi tình êm ái Lãng mạn sân trường lúc vào thu Bồng bềnh mây giăng ngoài cửa lớp Thấp thoáng hàng cây trong sương mù Tôi và người không cùng chung lớp Kẻ sáng người chiều, (sao quá xa!) Người đến sớm, đợi chờ quanh quẩn Để nhìn tôi, (ánh mắt thiết tha…) Rồi gửi câu thơ dưới bàn học “Anh theo Ngọ về”, tôi bâng khuâng (Dù người nhỏ hơn tôi một tuổi) “Nức nở lòng anh”, ngại bước chân? Tôi thích đôi mắt người, yếu đuối Rất gần và cũng rất xa xôi Người nhìn tôi ngập ngừng, bối rối Tôi bước về, nắng chiều chơi vơi Nhưng tình mới lớn là mây khói Buổi học cuối cùng, hết tương tư Bài thơ người gửi còn dang dở Chẳng dám trao tay phút giã từ Đã bao Thu qua rồi người Lá úa bao lần rơi lối xưa? Nơi đây Thu sang, tôi lại nhớ Có một Mùa Thu trong giấc mơ Kim Loan Edmonton, Tháng 9/2022 |
TRỞ VỀ NHÀ NGÀY 30 TẾT Tôi khởi hành từ thành phố mùa đông Bầu trời thấp, quê người giăng tuyết trắng Bay về Việt Nam ngày ba mươi Tết Căn nhà xưa ấm áp đợi tôi về Tôi biết mẹ cũng thấp thỏm đợi chờ Đứa con xa đã lâu chưa gặp mặt Tôi bận rộn giữa vòng đời quay quắt Kỷ niệm có khi là một giấc mơ Mẹ đã chuẩn bị nấu bánh chưng chưa Đợi tôi về đêm Ba Mươi nhóm lửa? Góc bếp năm nào ngày tôi còn bé Mắt long lanh như bếp lửa bập bùng Đêm ba mươi Tết huyền diệu vô cùng Nồi bánh sôi như lòng tôi rạo rực Chợt tiếng pháo giao thừa về là lúc Tôi thấy mình vừa mới lớn khôn hơn Mẹ đã mua chưa những chậu hoa thơm? Cành mai vàng trong căn phòng khách nhỏ Tôi vẫn thấy mình đứng bên cửa sổ Nhìn ra ngoài mơ mộng một trời Xuân Chuyến bay miệt mài đi giữa màn đêm Vượt đại dương mang theo hồn lữ thứ Tạm biệt tuyết rơi, gió lạnh viễn xứ Đứa con thân yêu đang trở về nhà Nỗi vui mừng, vội vàng phố tôi qua Hàng cây cũ nhìn tôi như chào đón Những khuôn mặt quen bạn bè, lối xóm Tất cả là ba mươi Tết trong tôi Đêm nay tôi sẽ thức, sẽ rong chơi Về quá khứ tìm mùa Xuân đã mất Xin chào quê hương ngày Ba Mươi Tết Đêm nay giao thừa tôi trẻ lại như xưa KIM LOAN |
ĐỊNH NGHĨA ĐÀN BÀ (Viết giùm mấy ông …ngại ngùng hổng dám nói) Cho tui hỏi đờn bà là gì vậy ? Là dịu dàng, là êm ái, nết na Là ngọt ngào xâm chiếm trái tim ta Là trăng gió khiến hồn ta xao động Là thủ thỉ bên tai đầy thơ mộng Là yêu anh với tất cả trái tim Là cho ta những thao thức khó quên Là xao xuyến những phút giây lãng mạn Là rước nàng về bắt đầu … đổi khác Là sư tử rừng già vẫn …kém xa Là chanh chua là gắt gỏng kêu la Là sai bảo, là…lên cơn, là…dễ sợ !!! Là đi shopping giỏi hơn…đi chợ Là bảo rằng để giảm stress anh ơi Là bill về mỗi tháng phải kêu trời Là ta phải ngậm ngùi đi “cày” tiếp! Là tính tình đổi thay như… thời tiết Là sáng mưa, chiều nắng, tối… âm u Là đang vui bỗng cái mặt chù vù Là sưng sỉa, hỏi gì không thèm nói! Là ghen tương, là nghi ngờ vô lối Là đụng nia đá thúng( nhìn thấy …ghê!) Là nửa đêm ôm gối ngủ ngoài kia Là sáng dậy ta phải đành nhịn đói! Là tiền lương ta, đòi cho bằng được Là suốt ngày lải nhải chuyện tiền nong Là cãi nhau ta phải nhịn cho xong Là nàng phải luôn là người… chiến thắng! Là lúc”hoà bình” cho ta êm ấm Là cơm ngon canh ngọt là bánh thơm Là áo quần ta nàng ủi tinh tươm Là chợ búa là chăm lo con cái… Là tối ngủ sợ… ma ôm ta mãi Là thẹn thùng nhắc nhở…”trả bài” chưa?? Là nồng nàn ấm áp giữa đêm khuya Là tình nghĩa vợ chồng ôi thắm thiết! …. Ôi đàn bà! Biết nói sao cho hết? Từ ngàn đời muôn kiếp đã se duyên Dù nàng là…sư tử hay cừu non Đối với ta, đàn bà luôn cần thiết!!! Edmonton 8/3 KIM LOAN |
MỒNG 8 THÁNG 3 AI CẦN HOA? Mồng tám tháng ba, ai cần hoa? Phận đàn bà như hạt mưa sa Vất vả vì miếng cơm manh áo Xây đắp gia đình từng ngày qua Mồng tám tháng ba, ai cần hoa? Kìa em bán thân cho “đại gia” Quay cuồng đêm thâu đêm kiếm sống Nơi bóng mờ vũ trường, quán bar Mồng tám tháng ba, ai cần hoa? Những chị em lưu lạc xứ xa Làm vợ Tàu, Đài Loan, Hàn Quốc Bao năm chưa được về thăm nhà Mồng tám tháng ba, ai cần hoa? Có thấy không những bà mẹ già Lau khô nước mắt trong tuyệt vọng Lạy van cho con tù được tha Mồng tám tháng ba, ai cần hoa? Những người phụ nữ quê hương ta Còn đang bị giam cầm, bắt bớ Chỉ vì yêu tự do thiết tha Mồng tám tháng ba, ai cần hoa?! KIM LOAN |
Bốn Mùa Tạ Ơn Sáng nay thức giấc nhìn lá rơi Mùa hạ ngày hôm qua đâu rồi? Có phải thu vàng xao xuyến tới Rồi đông về mang tuyết trắng tươi?! Cảm tạ Thiên Chúa trên trời cao Tình miên man như suối dạt dào Bốn mùa nối tiếp nhau tha thiết Gian trần chiêm ngắm ngỡ chiêm bao Vì có tay Ngài vẫn chở che Buổi sáng bình minh hay đêm khuya Núi đồi chập chùng bên ghềnh thác Mây trôi biêng biếc, biển xanh lơ Để con biết yêu đời nồng thắm Nắng sớm mưa chiều đẹp ý thơ Hoa nở cười trong sương lấp lánh Hư ảo màn đêm bóng trăng mờ Để con nhớ phận mình nhỏ bé Ngày từng ngày với những buồn, vui Khi hồn yếu đuối hay mạnh mẽ Phó thác một lòng nơi Chúa thôi Xuân Hạ Thu Đông, quà Chúa ban Say sưa con đón nhận hồng ân Phút giao mùa bồi hồi xao xuyến Ơn Ngài, tim con biết bâng khuâng! Edmonton, First day of Autumn 23/9/2019 Kim Loan |
Mùa Hạ Cuối![]() Yêu người, yêu phượng, yêu mùa hè Buổi học cuối cùng, sầu tiếng ve Sân trường nắng quái làm lưu luyến Nặng trĩu bước chân em đi về Ngẩn ngơ Thầy đứng trên bục giảng Bàn ghế im lìm nhớ dáng ai Từ nay sẽ không còn thấy nữa Suối tóc dịu dàng, đôi mắt nai … Cổng trường khép lại, em bâng khuâng Ngàn lời muốn nói bỗng ngại ngần Rộn rã những giờ Thầy lên lớp Đâu ngờ ngày vui trôi qua nhanh Bóng em xa khuất cuối con đường Hành lang lớp học, Thầy vấn vương Vì cô bé có chiếc răng khểnh Áo trắng ngây thơ buổi tan trường Ép đôi cánh phượng vào lưu bút Nâng niu kỷ niệm một mùa hè (Em viết tên Thầy vào trang cuối Với một bài thơ …dẫu vụng về) Bên bài giáo án, Thầy thao thức Ngọn đèn khuya, điếu thuốc trên môi Dòng nhật ký em ghi dang dở Nhìn ánh sao đêm nhớ một người Thế là ngày mai ta xa nhau Mùa Hạ cuối cùng, tim em đau… Edmonton July 7/2021 Kim Loan |
Nếu Biết… Nếu biết cuộc đời này hữu hạn Danh vọng, bạc tiền là phù du Thì xin đừng bon chen, giành giật Vì chẳng cùng ta vào thiên thu Nếu biết đời này rồi sẽ qua Mang nặng lòng chi, hãy thứ tha Sống nhẹ nhàng cho hồn thanh thản Yêu thương người như gương Chúa ta Nếu biết trăm năm là ngắn ngủi Thì xin đừng phí từng phút giây Phán xét, thù hận, gây chia rẽ Đời vui còn lại như thoáng mây Nếu biết trăm năm rồi cũng hết Còn lại những gì ta mang theo? Hãy yêu nhau đi, tình tha thiết Sống mãi muôn đời là Tình Yêu Nếu biết trăm năm là cơn gió Hãy xin lỗi nhau ngày hôm nay Như lễ vật kia dâng lên Chúa Với an bình bước vào Mùa Chay Để tâm hồn sẽ hết băn khoăn Để cùng nhìn lại chính bản thân Để cảm nghiệm nỗi đau thập giá Chúa vì nhân trần chịu hy sinh Để tìm hiểu biết người xung quanh Để lòng thống hối và ăn năn Và để mừng vui trong hạnh phúc Đón ngày Ngài sống lại, quang vinh Edmonton, Vào Mùa Chay 2016Kim Loan |
CHỜ NGƯỜI Em mơ ngày hè nắng xôn xao Thẹn thùng em đón tình anh trao Tình yêu đẹp sẽ nhẹ nhàng đến Bắt đầu nhe anh, mình yêu nhau Rồi đến mùa thu mắt em sầu Lời tỏ tình ơi, anh ở đâu? Lá vàng rơi lòng em khô héo Sương lạnh hồn em, anh biết không? Đừng để em chờ qua mùa đông Tuyết rơi trắng lắm, buồn mênh mông Hãy đến sưởi lòng em ấm áp Đêm đông dài không còn bâng khuâng Hay anh sẽ đến vào mùa xuân Hoa hồng đỏ nở rộ ngoài sân Em sẽ hái hoa chờ anh đến Mộng nào đẹp hơn mộng ái ân? Bốn mùa thương nhớ biết bao nhiêu Xuân hạ thu đông trôi quạnh hiu Còn lại bài Thơ em dang dở Đợi anh về viết tiếp vần yêu ! Edmonton, May/2022 KIMLOAN |
CHIỀU, Ở MỘT NGÃ TƯ Có những lần tôi lái xe vội vã Trên con đường đông xe cộ ngược xuôi Có thể tôi vô tình (phút giây thôi) Làm chen lấn, kẹt đường (tôi xin lỗi) Không thấy mặt nhau, không cần lời nói Người nhường tôi đi trước, để đi sau Lời thứ tha nhẹ nhàng (có gì đâu!) Xin cám ơn chiều nay, một người lạ Cuộc sống như những con đường, muôn ngả Có khi đường đông, có lúc vắng tênh Ngã tư buồn rồi đến ngã tư vui Lại quẩn quanh những điều rất quen thuộc Hãy nối lại gần hơn những cách biệt Nếu có gì sơ suất, mất lòng nhau Nụ cười là món quà đẹp nhớ lâu Ánh mắt vui tươi xoá tan băng giá Tôi nhủ lòng là dòng sông (không sỏi đá) Đừng cạn khô dù nắng cháy trưa hè Mang yên vui ra biển cả đợi chờ Đừng dâng lũ khi mưa nguồn, gió núi Tôi nhủ lòng, bình minh hay đêm tối Mang những giọt sương tươi mát cỏ cây Là mặt hồ soi bóng ánh trăng đầy Thanh thản khép mình bên suối réo rắt Nếu hạt bụi tình cờ bay vào mắt Tôi cũng dặn lòng mình, có sá chi Gửi hờn ghen theo cơn gió mang đi Trả giận dữ vào thênh thang phố xá Những con đường thân quen, (yên bình quá) Tôi bâng khuâng, lòng không nắng không mưa Trên đỉnh trời, làn mây trắng đong đưa Xao xuyến dậy chút mộng mơ thi sỹ Ngã tư dẫn về đâu hồn tri kỷ? Những khuôn mặt người qua lại lao xao Tôi lạc tôi rồi (chẳng biết nơi nao!) Trong ráng chiều, kìa đèn xanh lấp lánh! Edmonton, sau những ngày mưa rơi July/2022 KIMLOAN |
MÙA ĐÔNG ĐẦU TIÊN (Cho Ottawa thân yêu..) Ngày đầu tiên tôi đến Ottawa Thủ đô Canada hoàn toàn xa lạ Một căn chung cư, một hồn bé nhỏ Ở ngoài kia mùa Đông mới bắt đầu Tôi đã chờ mong điều này từ lâu Rời trại tị nạn đến miền đất lạ Những người vượt biên cuối mùa nghiệt ngã Khắc khoải chờ đậu thanh lọc, định cư Vừa đặt chân lên đất nước tự do Tôi đã khóc mừng vui như đứa trẻ Nhưng bất chợt lạnh vì một cơn gió Lòng tôi đau se sắt nỗi nhớ nhà Những cơn gió mang hơi lạnh đầu mùa Làm cho những người đang yêu xao xuyến Khung cửa sổ còn đợi nhau, chưa khép Ai sẽ qua làm ấm một buổi chiều? Tôi đến đây không có một tình yêu Không người thân, không bạn bè. Bỡ ngỡ… Mùa Đông theo tôi vào nơi phòng trọ Lại nhớ nhà thao thức lạnh suốt đêm Tôi làm quen với mùa Đông đầu tiên Áo khoác trên vai, ngại ngùng ra phố Thành phố lạ, những tên đường không nhớ Và mùa Đông thì dài đến vô cùng Tuyết trắng xóa cả trời đất mênh mông Món qùa tặng dành cho người mới đến Suốt mùa Đông tôi như con mèo ốm Nằm co mình chờ nắng ấm mùa Xuân Thời gian trôi, mùa Đông qua bao lần Thành phố thân thương quen tên quen lối Nhưng căn chung cư Ottawa ngày ấy Mùa Đông đầu tiên vẫn nhớ trong đời! KIM LOAN |
TRỞ VỀ NHÀ NGÀY 30 TẾT Tôi khởi hành từ thành phố mùa đông Bầu trời thấp, quê người giăng tuyết trắng Bay về Việt Nam ngày ba mươi Tết Căn nhà xưa ấm áp đợi tôi về Tôi biết mẹ cũng thấp thỏm đợi chờ Đứa con xa đã lâu chưa gặp mặt Tôi bận rộn giữa vòng đời quay quắt Kỷ niệm có khi là một giấc mơ Mẹ đã chuẩn bị nấu bánh chưng chưa Đợi tôi về đêm Ba Mươi nhóm lửa? Góc bếp năm nào ngày tôi còn bé Mắt long lanh như bếp lửa bập bùng Đêm ba mươi Tết huyền diệu vô cùng Nồi bánh sôi như lòng tôi rạo rực Chợt tiếng pháo giao thừa về là lúc Tôi thấy mình vừa mới lớn khôn hơn Mẹ đã mua chưa những chậu hoa thơm? Cành mai vàng trong căn phòng khách nhỏ Tôi vẫn thấy mình đứng bên cửa sổ Nhìn ra ngoài mơ mộng một trời Xuân Chuyến bay miệt mài đi giữa màn đêm Vượt đại dương mang theo hồn lữ thứ Tạm biệt tuyết rơi, gió lạnh viễn xứ Đứa con thân yêu đang trở về nhà Nỗi vui mừng, vội vàng phố tôi qua Hàng cây cũ nhìn tôi như chào đón Những khuôn mặt quen bạn bè, lối xóm Tất cả là ba mươi Tết trong tôi Đêm nay tôi sẽ thức, sẽ rong chơi Về quá khứ tìm mùa Xuân đã mất Xin chào quê hương ngày Ba Mươi Tết Đêm nay giao thừa tôi trẻ lại như xưa KIMLOAN |
Trăng Ơi![]() Mười sáu tuổi em trăng trònĐến trăng 18 em còn ngây thơ Trăng 20 vẫn dại khờ Yêu người chẳng nói, chỉ chờ đợi thôi Trăng về sau …trăng đơn côi Tha phương viễn xứ người người cách xa Trăng bao nhiêu tuổi trăng già * Người bao nhiêu cũ gọi là …NGƯỜI XƯA ?? Kim Loan * Trăng Bao nhiêu tuổi trăng già Núi bao nhiêu tuổi gọi là núi non (Ca Dao) |
Nhớ Trăng Xưa Có một mùa Trăng rất xa xôi Thuở bé thơ lên chín lên mười Trăng về để lòng tôi nao nức Phá cỗ trăng rằm thật là vui Mẹ làm bánh nướng, bánh dẻo thơm Ba mua cho tôi chiếc lồng đèn Xanh xanh đỏ đỏ màu rực rỡ Ngọn nến lung linh đẹp tuyệt vời Hội đêm rằm bóng Trăng chơi vơi Chú Cuội chị Hằng đang mỉm cười Tôi và lũ bạn đi khắp xóm Ô kìa, Trăng vẫn ở trên trời!! Tôi đã ngắm Trăng với mộng mơ Ước như trong chuyện cổ tích xưa Được lên Cung Trăng chơi thỏa thích Giấc ngủ đêm Thu với sao khuya Ngày Trăng năm ấy đã lụi tàn Quê hương tan tác cảnh ly tan Ba tôi, mẹ tôi …không còn nữa Nhìn Trăng, tôi khóc …nhớ mênh mang … KimLoan |
NHỮNG MÙA XUÂN PHAI (Tặng ĐXL-12A1 NTT) Ai vừa nhắc tới một thời Xuân trẻ Mười tám, đôi mươi xanh lắm cuộc đời Đường vào yêu như một cuộc dạo chơi Tôi vụng dại mất người từ dạo đó Khi còn trẻ, hồn ta là nắng gió Mong manh như nắng sớm với mưa chiều Nên khi người chưa kịp ngỏ tiếng yêu Tôi đã vội đi tìm tình yêu khác Tôi đâu biết đã vô tình dẫm nát Nụ hoa tình hé nở một đêm xuân Người đã vì tôi thương nhớ bao lần Tình trong trắng tuổi học trò hoa bướm Ôi ngắn ngủi những mùa xuân mới lớn Đã tàn phai, tôi lạc mấy nẻo đườngvb Chợt bàng hoàng nhớ lại một người thương Êm ái quá mùa xuân trong ánh mắt Nhưng mà thôi, tình đầu không có thật Như khói sương tan biến tự bao giờ Cám ơn người cho một mối tình thơ Làm kỷ niệm, dù bụi mờ năm tháng Rồi hôm nay, Xuân về, buồn man mác Lòng bâng khuâng tiếc nuối môt tình si Những mùa xuân đời vẫn đến, rồi đi Nhưng Xuân Mộng không bao giờ đến nữa ! KIM LOAN |
EM VỀ XÓM CŨ Hôm nay em về thăm xóm cũ Cho chị gửi theo chút kỷ niệm thôi Dù biết hành lý em đã nặng rồi (Thâm tình, ân nghĩa với người thân, bè bạn) Chùa Vĩnh Quang nằm ở đầu ngõ hẹp Sư cô Huyền giờ cũng đã già hơn? Cây hoa Ngọc Lan còn toả mùi thơm Như những chiều xưa chị dừng chân bước? Còn đêm giao thừa vườn Chùa náo nức? Nhộn nhịp khói nhang, người hái lộc đầu năm? Tuổi đôi mươi, chị đứng đó bâng khuâng Nghe xao xuyến cả trời xuân rực rỡ Giáo xứ Đức Tin, ngôi giáo đường bé nhỏ Xóm đạo hiền hoà ghi dấu tuổi mộng mơ Thánh lễ cuối tuần, tiếng chuông nhà thờ Bài thánh ca rót vào hồn êm ái Giờ tan lễ, áo dài khoe sắc mới Xóm mình có bao nhiêu chị đẹp xinh! Là bấy nhiêu gã trai trẻ …vô tình “Phố vắng em rồi” mới ngẩn ngơ, tiếc nuối Căn nhà của chị, đã thay mấy chủ mới? Hàng rào trước sân, giàn hoa giấy còn không? Thuở nao bốn mùa xuân hạ thu đông Là mái ấm gia đình, là một thời tuổi trẻ! Nắng có vàng trên con đường Đất Đỏ Dẫn đến Mộng Thành, Xóm Thuốc, Xóm Mô? Nơi ấy chị có một lũ học trò Giờ chúng đã là những chàng trai, thiếu nữ! Chợ Đồng Tâm còn rộn ràng khắp ngõ Bánh cuốn, bún riêu, (và nhiều món chị đã quen) Nếu mưa có rơi, (bong bóng bập bềnh) Em hãy ra hẻm, chờ tiếng rao bánh mì quen thuộc Chị nhớ lắm, xóm lên đèn, chiều vào tối Là một ngày bận rộn vừa đi qua Chị ngôi bên cửa số trước hiên nhà Tìm những vần thơ viễn vông, lãng mạn Cho chàng sinh viên miền Trung siêng học Vào Sài Gòn tìm tươi sáng ngày sau Trang giáo án chị dở dang (vì câu thơ đến mau!) Đêm yên bình, vấn vương nụ cười răng khểnh Còn nhiều em ơi, nhưng chị không nhắc nữa Dòng đời bể dâu, cảnh vật cũng đổi thay “Người muôn năm cũ” phiêu bạt đó đây Kỷ niệm xưa chỉ còn là quá khứ Chị em mình trôi theo dòng viễn xứ Một chốn quê nhà vẫn giữ trong tim Dẫu không về, chị cũng vẫn đi tìm Trong giấc mộng, Xóm Cũ một đời yêu dấu! Edmonton Mar/2022 KIM LOAN |
ANH HẬU (Cám ơn Thi Sĩ Cung Trầm Tưởng đã nhắc Hỡi anh, người xóm học. Sương thấm hè phố đêm Trên con đường anh đi. Lệ em buồn vương vấn … khiến em tưởng nhớ tới người anh rất thân mến) Anh là bạn học của anh tôi Chung trường Đại Học thuở xa xôi Quê anh nơi miền Trung nắng gió Vào Sài Gòn, anh ở nhà tôi Anh tên Hậu, khuôn mặt rất hiền Nụ cười với chiếc răng khểnh duyên Tôi học lớp chín, còn bé lắm Mải học mê chơi, niềm vui riêng Anh như người thân ở trong nhà Bữa cơm đạm bạc, từng ngày qua Căn nhà tôi, mười người chật chội Thương yêu anh chất phác, thật thà Nhiều khi anh dạy tôi học bài Tìm ẩn số phương trình bậc hai Từ đó môn Toán tôi rất giỏi (Hỏi sao tôi không mến trai tài!?) Bạn bè anh tôi, thường đến chơi Cuối tuần ăn uống, họp mặt vui Tôi đứng phía sau nhà… hóng chuyện Thấy anh ít nói, chỉ mỉm cười Mùa hè, anh về quê thăm nhà Tôi buồn, nghe lòng nhớ thương xa Phan Rang là ở nơi đâu nhỉ? Mong anh lên, anh sẽ mang quà Bốn năm Đại Học cũng qua đi Anh ra trường là mùa biệt ly Nhận công tác xa, miền Duyên Hải Sài Gòn tôi đến tuổi dậy thì Có thể chẳng phải là tình yêu Dù tim tôi bâng khuâng sớm chiều Anh ghé thăm nhà tôi, ngắn ngủi Rồi vội đi, để lại quạnh hiu Tình cảm đơn sơ ngày mới lớn (Rộn ràng vì anh khen tôi xinh) Theo dòng thời gian, vào quên lãng Nửa quả địa cầu, mình cách ngăn Giờ đây nghe tin anh đã mất Vì bệnh hiểm nghèo ở quê hương Xót xa tôi nghe cay khoé mắt Sống lại trong lòng một trời thương Anh có mang theo kỷ niệm xưa Xóm học năm nào, đẹp nên thơ Căn nhà có giàn hoa giấy đỏ Và cô em gái nhỏ mộng mơ ?! Edmonton, July/2022 KIM LOAN |
Thank You Canada- Kim Loan Tôi đến thủ đô Ottawa của Canada vào một tối mùa đông lạnh lẽo sau gần hai mươi tiếng dài ngồi trên máy bay từ Bangkok(Thailand), có dừng nghỉ tại Frankfurt(Đức Quốc). Nhóm chúng tôi 6 người được nhân viên chính phủ đón tại sân bay rồi đưa về Reception House trên đường King Edward gần Byward Market. Đây là một chung cư nhỏ, gồm một tầng trệt và một tầng lầu, tổng cộng khoảng hơn chục phòng, mỗi phòng chứa được 3-4 người. Tôi là phụ nữ duy nhất trong nhóm nên được đưa vào chung phòng có hai cô người Miến Điện cũng mới đến trước đó vài ngày. Mệt mỏi rã rời, tâm trí còn vương vấn trại tỵ nạn Panatnikhom, giờ này chắc mọi người đang đi dạo chơi trong trại, có ai… nhớ tôi không?. Sau khi nhận phòng trời cũng tối thui, họ dẫn chúng tôi xuống nhà bếp ăn tối với một món macaroni&cheese! Lần đầu tiên trong đời nhìn thấy món nui với pho-mai tan chảy, tôi chỉ thấy một mùi khó chịu vì đã quen ăn món này từ Việt Nam phải là nui xào thịt ăn với nước tương dằm ớt mới …đúng điệu! Tôi lắc đầu, chả thiết ăn uống, chỉ muốn đi tắm rồi ngủ, giấc ngủ đầu tiên trên xứ Canada khi bên ngoài tuyết đang rơi để xem cảm giác ra sao. Cô gái người Miến dẫn tôi vào phòng tắm, chỉ dẫn cho tôi hai vòi nước nóng, nước lạnh trong bathtub, rồi đi ra ngoài. Tôi lớ ngớ, không hề biết rằng có thể vặn cả hai vòi cùng lúc rồi điều chỉnh cho vừa độ ấm rồi ấn nút shower. Tôi mở nước nóng thì nóng quá, mở nước lạnh thì lạnh như nước đá, chả biết phải làm sao! (Lỡ …cởi đồ rồi, sao dám chạy ra hỏi!). May quá, có cái thau nhỏ trong bồn tắm, tôi mở nước nóng nửa thau, rồi mở nước lạnh nửa thau hoà chung cho đủ ấm, và ngồi xối nước tắm như khi ở trại. Trên bathtub có để chai shampoo hiệu “head&shoulders”, tôi biết đó nghĩa là “đầu và vai”. Tôi nhìn quanh tìm thêm soap nhưng không có, rồi tự hỏi : “Chai shampoo ghi head&shoulders, là dành cho đầu và …vai, vậy còn các …bộ phận khác thì sao?”! Hỏi thì hỏi chớ đâu có câu trả lời, thế là tôi dùng nó để gội đầu (vì là shampoo), xong tôi còn lấy thêm chút shampoo để chà trên hai vai của tôi (vì chữ …head&shoulders rành rành đó!), và chỉ dùng đúng cho đầu và …vai thôi nhé, dứt khoát không xài cho …khúc dưới!! Sáng hôm sau ngủ dậy tại Reception House, bụng đói meo vì tối qua bỏ bữa, tôi xuống phòng ăn thì lại càng không ăn được món oatmeal chan sữa tươi. Cái xứ gì mà ăn uống kỳ cục! Tôi bỗng thèm dĩa bánh cuốn, ổ bánh mì thịt, hoặc chí ít cũng là gói xôi bắp để trong lá chuối thơm mùi hành phi và đậu xanh hấp. Cũng may là còn có bình cà phê ngay góc phòng, tôi làm liền một ly, cho thật nhiều đường và cream để…cứu đói! Lát sau có một người từ Nhà Thờ Công Giáo Việt Nam tại Ottawa đến thăm chúng tôi. Anh tên Thành, đại diện giáo xứ đến tặng phong bì, tem thư, giấy viết, và hỏi chúng tôi dù có đạo hay không, nếu muốn đi lễ thì thứ bảy anh sẽ đến đón. Nghe xong, chú lớn tuổi nhất trong nhóm lên tiếng, chả liên quan gì đến việc …đi lễ: – Nói cậu đừng cười, giờ chúng tôi …đói lắm vì chưa quen ăn đồ Tây, nếu nhà thờ cho chúng tôi ít mì gói thì tốt quá! Anh Thành mỉm cười sốt sắng: – Dạ, cháu cũng đang tính hỏi chuyện đó, cháu sẽ phone cho người bạn mang đến. Thấy anh Thành dễ dãi, chú ấy …làm tới, được voi đòi…Hai Bà Trưng: – Mà cậu ráng hỏi họ tìm đúng mì Mama của Thailand nha, vì mấy năm qua chúng tôi chỉ quen ăn loại đó ở trại thôi à… (Tôi cản chú ấy không kịp, trời ơi, chú tưởng mình là ai chớ!!) Nhưng anh Thành lại tiếp tục mỉm cười thân thiện, và quả thật, nửa tiếng sau có người mang đến, không phải vài gói, mà là một thùng mì gói Mama. Cả ngày hôm đó tôi túc trực dưới Văn Phòng của Reception House vì đợi phone của bố, các anh chị em, họ hàng chú bác bên Mỹ gọi qua để chúc mừng và nói chuyện cho tôi đỡ tủi thân. Vừa ngắm tuyết rơi bên ngoài, vừa xem các cuốn tạp chí, vừa uống café, tôi nói chuyện với người trực ban (để thực tập English), vì ông ta bắt chuyện với tôi khi thấy tôi nói phone với người thân mà lúc khóc nức nở lúc lại cười vui vẻ: – Ủa, sao gia đình cô bên Mỹ mà cô lại lạc loài qua đây, mà nãy giờ tôi thấy cả chục cú phone rồi đó, chắc gia đình cô ở bển đông lắm hả!? Ông này chắc cũng cỡ …ông Tám quá! Tôi đáp: – Thôi, ông đừng nhắc đến vết thương lòng của tôi nghen, mà chuyện dài lắm, ông chả hiểu được đâu! Nghe vậy, ông chuyển qua đề tài khác, chuyện thời tiết, chuyện thủ đô Ottawa có gì lạ, chuyện dân nhập cư, tỵ nạn, rồi cuối cùng là chuyện …ăn uống. Như được rà trúng đài, tôi than thở: – Thú thật với ông, từ tối qua đến giờ tôi chưa có gì trong bụng ngoài ly café và chút mì gói. – Thế à? Cô chưa quen với thức ăn bên đây sao? – Dĩ nhiên là chưa, chúng tôi mới đến đây chưa đầy 24 giờ đồng hồ, ông quên rồi sao? – Ừ nhỉ… Tôi chống cằm, mơ màng nhìn ra cửa sổ ngắm tuyết cho… đỡ đói, rồi nói bâng quơ với ông ấy: – Ước gì bữa ăn tối nay có một nồi cơm! (Lúc ấy tôi nghĩ đến món cơm trộn với canh mì gói, là món “ngon” ở trại tỵ nạn) Ông ấy nhìn tôi, thương cảm: – Ở dưới bếp có gạo, mà cô ăn cơm với gì, để tôi cố gắng nhắn với nhà bếp xem sao, dù rằng tôi không dám hứa. Thấy tôi xịu mặt mất hứng, ông vội vàng xua tay: – Ý tôi là không dám hứa vụ thức ăn kìa, còn nồi cơm thì bảo đảm là có, cô cứ yên tâm. Giờ nói cho tôi nghe cô muốn ăn cơm với gì nào? Được khuyến khích, cộng thêm cái bao tử đang réo gọi, tôi thoải mái ước mơ: – Người Việt chúng tôi ăn cơm với rau, và với thịt heo, bò, cá, gà, vịt …nói chung là luộc, nướng, kho, xào, hấp, quay, khìa …đủ kiểu hết á! Chẳng biết ông ấy có hiểu tôi nói gì không, nhưng vẫn chăm chú, gật gù theo trí tưởng tượng của tôi với các món ăn nóng sốt đang làm tôi …nuốt nước miếng. Đến giờ dinner, bà bếp trưởng da đen gọi nhóm Việt Nam đến. Trong khi các nhóm Somalia, Miến Điện rộn ràng bên bàn ăn với những dĩa spaghetti phủ đầy tomato sauce đang bốc khói thì nhóm chúng tôi, còn hơn cả mong đợi, có một nồi cơm trắng và chảo bắp cải xào thịt bò hộp. Tôi hỏi thịt gì mà ngon thế, bà đưa cái lon đồ hộp cho chúng tôi xem, ghi là corned-beef, không phải có “bắp”, không phải thịt xay, vì các xớ thịt nhỏ xíu vẫn còn, nêm nếm thật đậm đà, thịt bò mềm rục quyện với chất ngọt của bắp cải. Chúng tôi hồ hởi ăn hết sạch cả cơm lẫn thức ăn trong ánh mắt vui sướng của bà đầu bếp người Jamaica. Có lẽ Canada (và các nước Mỹ, Úc, Châu Âu …) mắc nợ người Việt tỵ nạn từ …kiếp trước, nên kiếp này họ phải rước chúng ta qua, đón tiếp nồng hậu đám người chân ướt chân ráo mới đến còn ngơ ngơ ngáo ngáo chính hiệu “con nai vàng”, chưa đóng góp được gì cho đất nước người ta, mà chỉ biết đòi hỏi toàn …đồ ăn! Thương cái xứ “tư bản giãy hoài chưa chết” này quá thôi!!! Edmonton, Thanksgiving 2020 Kim Loan |
CANADA …CHUYỆN LẠ Lạ ở đây là …lạ thiệt, chớ không phải như ở xứ bên kia bờ đại dương, hễ lải nhải “tàu lạ”, “người lạ”, “nước lạ” là nhân dân ai cũng biết là… “rất gần và rất quen”. Hôm nay, tôi xin kể về hai chuyện lạ, vừa mới xảy ra tại quê hương tôi, xứ lạnh tình nồng. Chuyện lạ thứ nhất, là chuyện …lạ buồn. Mà tại sao gọi là “lạ”, bởi cái xứ này xưa nay nổi tiếng là hiền hoà, dễ thương, vui vẻ, khác hẳn với các nước tự do khác, hễ động tí là biểu tình, chuyện nhỏ cũng biểu tình, chuyện lớn thì vừa biểu tình vừa …quậy phá. Vậy mà chuyện đó đã xảy ra tại Canada đấy quý vị ạ, hỏi sao hổng lạ! Số là, cũng tại cái lũ dịch vật. Suốt hai năm nay, chính phủ Canada luôn khuyến khích người dân mau chóng chích vaccine, kêu mỏi cả miệng cũng chưa đông người chịu chích, chính phủ bèn răn đe, ngoài chuyện cấm chợ ngăn sông, còn ra luật, khi vào nhà hàng, đến chỗ đông người, và đặc biệt là đi du lịch trong nước hoặc qua nước khác, khi bay về không những cần giấy chích ngừa mà còn phải làm PCR test mới được vào lại Canada. Tuy nhiên, các điều kiện đó không áp dụng cho các tài xế xe trucks đường dài, khi họ chạy qua chạy lại vùng biên giới chỉ cần làm Covid test mà thôi. Nhưng hồi giữa tháng Môt, thủ tướng đẹp trai Trudeau ra quyết định buộc các tài xế xe trucks phải chích ngừa. Ôi, thế là mấy anh truckers phản đối, rủ nhau chạy trên các xa lộ, bóp còi inh ỏi, giương cờ biểu tình, chống lại chuyện bắt chích ngừa. Lúc đầu chỉ có mấy truckers, rồi một nhóm người chẳng phải truckers cũng gia nhập vì họ cũng hổng ưa chích vaccine, và kéo theo đám đông đang mệt mỏi chán nản vì những tháng ngày ngăn sông cấm chợ (đám đông này có chích vaccine đầy đủ), hoá ra cuộc biểu tình trở thành thập cẩm lý do. Truckers thừa thắng xông lên, làm một cuộc diễu hành quy mô lớn, “truck convoy”, rầm rộ kéo đến thủ đô Ottawa …ăn vạ chính phủ. Họ làm kẹt xe, kẹt đường, ăn nằm dầm dề một vùng thủ đô. Có kẻ còn ngứa tay chân xúc phạm bức tượng Terry Fox, đi tiểu trên Đài tưởng niệm Chiến tranh và nhảy múa trên Lăng mộ của Chiến sĩ vô danh, thậm chí còn có cờ Trump bay phất phới trong đám biểu tình, khiến gia đình thủ tướng Trudeau được bí mật chuyển đến chỗ khác để tránh chuyện không hay xảy ra. Từ mục đích tạm gọi là chấp nhận được lúc ban đầu, nay truck convoy đã thành một cuộc hỗn loạn, mà theo khảo sát thì 2/3 dân số Canada đều không đồng tình. Ngoài thủ đô Ottawa, truckers còn làm tê liệt một số đường biên giới giữa Mỹ và Canada, như highway Emerson của Manitoba, Coutts của Alberta, nghiêm trọng nhất là cây cầu biên giới Ambassador nối liền Detroit (Michigan) và Windsor (Ontario) ảnh hưởng đến những nhà máy sản xuất xe hơi vì thiếu nguyên liệu. Chính quyền Biden cũng đã …ra lệnh, í lộn, nhắc nhở Canada hãy mau “dẹp loạn”. Nhưng Trudeau và nội các vẫn kiên quyết không chịu thua những yêu cầu của truckers, và ngày 11 tháng 2, thẩm phán Canada ra quyết định giải tán cuộc biểu tình, theo đó, cảnh sát có thể dùng các biện pháp nghiệp vụ nếu cần thiết. Các truckers còn cứng đầu hơn cả Trudeau, tuyên bố không nhượng bộ, thậm chí có những truckers tháo các bánh xe trucks để cảnh sát khó động vào, kéo đi. Ai bảo dân Cà Na Điên “hiền” nữa không nà ! Nhưng đến hôm nay thì mọi sự đã yên ắng, có lẽ vì chuyện Ukraina đang là tâm điểm của cả thế giới, ai còn quan tâm đến …truckers rảnh rỗi nữa đâu! Bên cạnh đó, cũng có tin vui nho nhỏ, là tỉnh bang Alberta của tôi, chính quyền vừa tuyên bố xoá bỏ giãn cách từ đầu tháng 3, không buộc đeo khẩu trang, cho tụ tập đông người, và nhất là Canada bãi bỏ “vaccine ID”. Cô nàng da đỏ trong chỗ làm của tôi, là người phản đối vaccine từ những ngày đầu, mới đây vì phải bay qua Toronto ăn cưới gia đình nên đành phải chích vaccine, nay nghe lệnh “mở toang” liền chửi đổng: – Không fair không fair! Vậy mấy người không chích thì sao, what the heck! Nếu là con cháu trong nhà, tôi sẽ nổi đoá, nhưng đành dịu giọng với …con nhỏ này: – Nè cưng, ai không chích kệ họ, chúng ta chích thì khả năng lây bệnh sẽ thấp cũng như khả năng khỏi bệnh sẽ rất cao. Mà nhờ số đông những người đã chích nên tình hình mới được sáng sủa hơn, nên mới có lệnh “mở toang” đó cưng! Chuyện lạ này xin được tạm dừng ở đây. Giờ tới chuyện …lạ dzui, đó là chuyện đội tuyển bóng đá (soccer) của Canada. Xứ này “quanh năm mùa đông” có 4 tháng lạnh, các môn thể thao được đông đảo dân chúng yêu thích là hockey, skating, skiing luôn được điểm cao trong các Olympic Mùa Đông, và soccer chưa bao giờ được quan tâm, hay gọi là bị…ghẻ lạnh cũng chẳng sai. Vậy mà hiện nay, trong vòng tranh chiếc vé Worldcup Qatar 2022, trong bảng Concacaf gồm 8 đội: Mỹ, Mexico, Canada, Hondurus, Costa Rica, Panama, Jamaica, El Savado …thì Canada đang đứng đầu bảng với 25 điểm với thanh tích …chưa thua trận nào, đặc biệt đã thắng cả Mexico và Mỹ, ghê chưa, lạ chưa? Dù còn phải đấu 3 trận nữa cho đủ 16 trận vòng bảng, nhưng chắc chắn Canada sẽ nằm trong 3 đội đầu bảng Cancacaf vào Worldcup năm nay, nhưng đại diện đội bóng Canada còn tuyên bố rất…chảnh, rằng Canada sẽ cố giữ ngôi đầu bảng. Tôi là một Fan của bóng đá, nhưng là fan “chảnh” vì chỉ xem các giải lớn như Worldcup và Euro, còn các giải nhỏ tôi hổng “care” (Canada có nhiều người …chảnh thiệt). Bao nhiêu năm nay, tôi xem Worldcup nhưng chưa bao giờ được cổ vũ cho đội nhà, vì lần mới nhất Canada vào giải là năm… 1986, còn sau đó đều “rớt từ vòng gửi xe”, hỏi sao năm nay hổng lạ, hổng dzui? Tại sao Canada lại có sự đầu tư và tiến bộ về soccer như thế, có lẽ ai cũng trả lời được, bởi vì Worldcup năm 2026 sẽ do ba nước Bắc Mỹ là Mỹ, Canada, Mexico đồng tổ chức, chẳng lẽ để đội bóng yếu kém, thua tả tơi như trước đây, coi sao đặng, mất mặt chủ nhà! Ông xã tôi còn vui hơn, hớn hở: -Worldcup 2026 nhất định tụi mình phải bay qua Mỹ mua vé vào xem trận chung kết! – Ủa, anh nghĩ đội Canada sẽ vào chung cuộc sao? – Em nằm mơ à, Canada đâu có cây đũa thần thông, mà ngày một ngày hai từ con vịt xấu xí bỗng trở thành thiên nga đẹp xinh? -Vậy đi xem làm gì cho tốn tiền, giá vé cỡ đó không rẻ đâu nhe, thà ngồi ở nhà xem tivi chiếu cận cảnh các cú ghi bàn, nhất là phạt đền, vừa run vừa la vừa nhảy tưng tưng …mới đã. – Cảm giác xem tại sân mới tuyệt vời em ơi! Vả lại, bốn năm mới có một lần, mà tại Bắc Mỹ nữa, giá nào cũng phải xem! -Vậy anh lo tiết kiệm đi là vừa, nhịn bớt các khoản hobbies của anh, bớt các golf trips xa gần, các buổi ski…để dành tiền mua vé. Nói vậy chớ tôi biết khó mà bắt chồng nhịn các niềm vui ấy, chả lẽ tôi phải nhịn sao, mà các hobbies của tôi lại rất …rẻ tiền, thậm chí là không tốn tiền. Này nhé, tôi không thích hột xoàn kim cương, không đam mê hàng hiệu đắt đỏ, tôi chỉ mê viết văn làm thơ (chỉ tốn chút xíu tiền café khi ngồi trên computer gõ máy sáng tác), còn về thể thao thì tôi chỉ mê …đi bộ (chả tốn đồng nào, chỉ thỉnh thoảng thay đôi giày), dù có nhịn cả chục năm vẫn chẳng đủ mua nửa tấm vé chung kết Worldcup! Mà thôi, chồng tôi nói đúng, bốn năm mới có một Worldcup, và sẽ lâu lắm mới quay trở về Bắc Mỹ đăng cai, nên thích thì cứ đi! Tiền nhiều để làm gì ?? Edmonton, Feb 15/2022 KIM LOAN |