
Tác phẩm Văn Xuôi: 1. HUYNH ĐỆ CHI BINH-AET Lê Tuấn 2. Yêu Lính- Nguyễn Thị Thanh Dương |
CHÀO MỪNG NGÀY QUÂN LỰC – CAO MỴ NHÂN (Thân kính tặng HQ Đại Tá Bùi Cửu Viên và Hiền thê) Từ nơi đây, bên một khung cửa sổ Thấy bình minh hướng đó đang trở về Chờ nắng gắt xem chân mây phai đỏ Tay trên môi chưa nhạt sắc đam mê Nên rạng đông mới vàng mầu áo cũ Dù hôm nay thực sự hết mùa xuân Vạt áo bào chứa chan năm tháng nhớ Tiếng chim quyên tha thiết gọi toàn quân Bức tranh thơ vẽ NGÀY QUÂN LỰC đẹp Khắp muôn nơi vui khúc nhạc diễn hành Trên vai anh rỡ ràng ngàn hoa thép Sắc Cộng Hoà sáng lạn dưới trời xanh Lý tưởng Quốc Gia trong lòng dân tộc Hơn nhiều lần tay nới rộng vòng tay Nối tây đông ngọn cờ vàng Độc lập Sinh nhật anh : tháng sáu mười chín đây… CAO MỴ NHÂN |
![]() NGƯỜI CHIẾN SĨ TRẬN VONG khói lửa chiến tranh tắt đã từ lâu. Đất nước trải qua bao cuộc biển dâu Súng còn đây, mũ sắt cũng còn đây Người chiến sĩ chết bên bờ lao sậy Hồn bây giờ phảng phất ở nơi đâu, Bình Long, Đồng Tháp, hay cầu Hiền Lương? Người mất rồi yên vui miền an lạc Chiến hữu sống còn phiêu bạt bốn phương. Ôm mối hận lòng của người chiến bại Rời bỏ quê nhà sống kiếp tha hương. Trần Công/Lão Mã Sơn |
Tâm Sự Chồng Tôi (Viết tặng chồng Ngày QLVNCH) Hơi sương rơi nhẹ nhấp rượu nồng Tâm tư người lính chuyện núi sông Bao năm chiến đấu đời phiêu bạt Nhắc lại ngày xưa thấy chạnh lòng Việt Nam vời vợi Bắc Bán Cầu Mưa chiều Tháng Sáu chợt qua mau Nhớ thương sâu lắng tình non nước Còn mất bao nhiêu mãi lo âu Bôn ba đi khắp bốn phương trời Đấu tranh rong ruổi nửa cuộc đời Ngày về đất mẹ dù chưa tới Áo nhà binh giữ chẳng buông rơi Mong như làn sóng của đại dương Hậu sinh luôn tiếp nối con đường Cha ông ngang dọc vì tổ quốc Tinh thần trách nhiệm đó làm gương Mai này ca khúc hát hồi hương Nắng mới reo vui khắp nẻo đường Giữ vững niềm tin nuôi hy vọng Khải hoàn sẽ đến nhé người thương Dương Việt-Chỉnh 12 Tháng 6, 2022 |
Chào Mừng Ngày Quân Lực (Thân kính tặng HQ Đại Tá Bùi Cửu Viên và Hiền thê) Từ nơi đây, bên một khung cửa sổ Thấy bình minh hướng đó đang trở về Chờ nắng gắt xem chân mây phai đỏ Tay trên môi chưa nhạt sắc đam mê Nên rạng đông mới vàng mầu áo cũ Dù hôm nay thực sự hết mùa xuân Vạt áo bào chứa chan năm tháng nhớ Tiếng chim quyên tha thiết gọi toàn quân Bức tranh thơ vẽ NGÀY QUÂN LỰC đẹp Khắp muôn nơi vui khúc nhạc diễn hành Trên vai anh rỡ ràng ngàn hoa thép Sắc Cộng Hoà sáng lạn dưới trời xanh Lý tưởng Quốc Gia trong lòng dân tộc Hơn nhiều lần tay nới rộng vòng tay Nối tây đông ngọn cờ vàng Độc lập Sinh nhật anh: tháng sáu mười chín đây… Cao Mỵ Nhân |
Quân lực Việt Nam Cộng Hòa ( 6 mẫu tự đầu của chữ đầu trong một câu cũng là mẫu tự đầu của 6 chữ ” quân lực Việt Nam cộng hòa ” ) Qua bao nỗi thăng trầm cùng sông núi Làm anh hùng ngăn giặc giữ quê hương vạn thây phơi, vạn hào khí ngất trời Non sông Việt mãi ngàn đời ghi nhớ Công ơn lớn của người lính cộng hòa Hoa đua nở đường anh đi muôn thuở Hồng Vân |
Vài hình ảnh: Kỷ niệm Chào Mừng Ngày Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa 19.6.2022 |
San Jose |
Hoa Thịnh Đốn |



Mừng Ngày Quân Lực VNCH Cơn đau che giấu tiếng thời gian Tiếng động âm vang những bạo tàn Trời tháng tư chuyển dời chiến sử Nỗi đau buồn đổ vỡ chen ngang. Còn đâu nữa những hẹn hò xưa Nỗi nhớ thương thân phận đẩy đưa Em có về vấn vương luyến tiếc Tháng tư buồn lất phất cơn mưa. Tần ngần lòng dạ bỗng bâng khuâng Thấy bóng quê hương đến thật gần Hoa sứ trổ bông trời tháng sáu Nhớ ngày Quân Lực bước phong trần. Hùng binh dồn dập bước qua nhanh Rợp bóng cờ vàng trời nắng hanh Dòng máu anh hùng vang chiến sử Mừng ngày Quân Lực bước quân hành. AET Lê Tuấn Ngày Quân Lực 19 tháng 6, 2022 |
HÀNG TRAI NĂM XƯA. ( Kính gởi hương hồn anh NĐX August 31,2020) Anh bây giờ ông già hơn tám mươi tuổi trên giường bệnh, Thân thể gầy gò yếu ớt Đôi mắt lạc hồn Anh đã đi qua bao chặng đời vui buồn. Chàng trai năm xua Bắt đầu từ tuổi hai mươi Anh sinh viên con nhà nghèo Mẹ tảo tần nuôi anh ăn học. Đất nước chiến tranh Dang dở chuyện học hành Anh vào quân ngũ Người lính từng đóng quân Củ Chi, Hậu Nghĩa Đến Quảng Trị, Khe Sanh… Mẹ nhớ thương anh. Bao giờ con về thăm? 30 tháng Tư 1975 Anh đi tù Từ nam ra bắc Mẹ lại nhớ thương anh Mỏi mòn chờ mong Bao giờ con trở lại? Anh đến Mỹ ở lứa tuổi trung niên Cuộc sống bình yên Bên mái gia đình nhỏ Người lính trẻ dọc ngang năm xưa giờ đây già nua tàn tạ Nay ốm mai đau Và lặng lẽ từ giã cỏi đời không một lời trăng trối. Nhưng tôi hiểu Người lính trong anh chưa bao giờ chết Mộng sông hồ chưa bao giờ khô cạn Tình yêu quê hương vẫn còn đầy Vĩnh biệt kiếp này. Nếu có kiếp sau Anh vẫn là chàng sinh viên con nhà nghèo Lại bắt đầu từ tuổi hai mươi… Nguyễn Thị Thanh Dương ( June. 06- 2022) |
THƠ TẠ LỖI VỚI CHA GIÀ Thời gian như bóng ngựa qua cửa sổ Bảy mươi Năm Cha ra người thiên cổ Ngày Từ Phụ, nhớ Cha quá Cha ơi! Để tìm Cha, Con nhìn cuối chân trời. Có nhiều đêm gặp Cha trong giấc mộng. Nhớ thuở sanh tiền Cha đã dày công Làm việc cực nhọc, nuôi con ăn học Ngày con thành đạt, Cha về với đất. Con, Lính đồn xa, ngày Cha sắp mất Không vuốt mắt Cha lúc bỏ cõi trần Suốt đời con, con vô cùng ân hận Con là đứa con bất hiếu, vong ân. Bức thơ nầy con viết bằng nước mắt Kính dâng Cha đang ở cõi trời xa Mong được Cha già mở lượng hải hà Thương con trẻ mà rộng lòng tha thứ. Hoa Đô, Ngày Từ Phụ Trần Công/Lão Mã Sơn |
Tình Anh Lính Chiến![]() Nghe anh nhắc một thời phố Vĩnh Chuyện hành quân tận chốn Rạch Bàng Mỗi lần đò di chuyến quân sang Tin mới rộn ràng thôn u tịch Anh đến lá hoa đâm chồi biếc Chẳng giấu lòng dâng tiết xuân vui Đàn trẻ đùa rộn rã tiếng cười Ngàn sao sáng mắt ngời lóng lánh Vườn nhà sau sắc thắm muôn màu Bình minh rộ mắt chạm mắt trao Bỡ ngỡ má hồng đào e thẹn Bởi người đâu lén lén trộm nhìn Từ dạo đó bóng hình người lính Giao động lòng thiếu nữ sông Tiền Ước mơ tình chớm nở hương duyên Thầm cầu xin lời nguyền được toại Bước anh đi lòng luôn bước dõi Đến rừng sâu tận cõi sình lầy Nơi biên thùy anh có biết đây Đêm đêm mãi em xây hạnh phúc Nhưng trời buồn cơn mưa đổ trút Phủ lên đời chẳng lúc nào vơi Em ra đi vào chốn trùng khơi Quê người chơi vơi trong vô vọng Anh ở lại sóng cuộn bão giông Ngày với tháng long đong trôi nổi Rong ruỗi đưa hai phương vời vợi Hết một thời tóc ngã màu phai Tình thật gần xa vuột tầm tay Ngăn với cách trời đày biệt xứ Bốn mươi năm nghiệm lòng hỏi thử Vẫn trong tâm khắc chữ “ khó quên” Người lính chiến lội thác lên ghềnh Em sông Tiền vẫn mênh mang nhớ Thương yêu gửi người hùng muôn thuở Trang thơ tình luôn nở hoa thơm. Kim Oanh 3/10/2013 |
Tâm Sự Chồng Tôi (Viết tặng chồng Ngày QLVNCH) Hơi sương rơi nhẹ nhấp rượu nồng Tâm tư người lính chuyện núi sông Bao năm chiến đấu đời phiêu bạt Nhắc lại ngày xưa thấy chạnh lòng Việt Nam vời vợi Bắc Bán Cầu Mưa chiều Tháng Sáu chợt qua mau Nhớ thương sâu lắng tình non nước Còn mất bao nhiêu mãi lo âu Bôn ba đi khắp bốn phương trời Đấu tranh rong ruổi nửa cuộc đời Ngày về đất mẹ dù chưa tới Áo nhà binh giữ chẳng buông rơi Mong như làn sóng của đại dương Hậu sinh luôn tiếp nối con đường Cha ông ngang dọc vì tổ quốc Tinh thần trách nhiệm đó làm gương Mai này ca khúc hát hồi hương Nắng mới reo vui khắp nẻo đường Giữ vững niềm tin nuôi hy vọng Khải hoàn sẽ đến nhé người thương Dương Việt-Chỉnh 12 Tháng 6, 2022 |
Người Yêu Của Lính![]() (Tự hào là con, em của các chiến sĩ VNCH) Nếu không có ngày tháng tư năm ấy Tôi sẽ lớn lên trong ao ước chiến tranh Của những người cha và những người anh Giữ gìn Miền Nam tự do hạnh phúc Tôi đến trường được trau dồi kiến thức Bài học công dân: bác ái, yêu thương Biết tự hào từng mảnh đất quê hương Ruộng đồng ngát xanh, rộn ràng phố chợ Tôi sẽ là em hậu phương bé nhỏ Viết những lá thư cánh én mùa xuân Đẹp xiết bao tình thắm thiết quân dân Gửi người chiến sỹ dãi dầu mưa nắng Và tôi sẽ là người yêu của lính Chàng hải quân lả lướt với sông hồ Viết thư tình bên hoa biển mộng mơ Tôi thấy cả trùng dương đang nổi gió Hay tôi sẽ yêu thiên thần mũ đỏ Không quân đa tình đi gió về mây Chiều Sài Gòn hò hẹn tay trong tay Bước bên chàng biệt động quân kiêu dũng Yêu áo bộ binh vương mùi thuốc súng Lính nhảy dù, hay anh địa phương quân Thuỷ quân lục chiến đượm nét phong trần Thiết giáp, pháo binh, quân y, quân vận … Nhưng mệnh nước đến một ngày u uất Lệnh tan hàng, bại tướng nuốt hờn căm Lịch sử sang trang, nước Việt tối tăm Sài Gòn đau, Huế rưng rưng nhỏ lệ Quảng Trị buồn, biển Nha Trang lặng lẽ Rừng U Minh bạc màu nước Hậu Giang Gió miền Đông đất đỏ nhớ mênh mang Dấu chân xưa trên bốn vùng chiến thuật Những người lính, nay kẻ còn người mất Tủi phận tại quê nhà hay đang lưu vong Cuối cuộc đời, cạn khao khát ước mong Thuở vẫy vùng đao binh vì Tổ Quốc Cám ơn bao lớp trai hùng bất khuất Ra sa trường chẳng ngần ngại hy sinh Để lại thiên thu những câu chuyện tình Đẹp lung linh của một thời chinh chiến Kim Loan |
VỊ CỨU TINH Trinh đi bách bộ quanh hồ tắm sau nhà ngắm mấy chậu kiểng mới mua vừa quan sát hệ thống lọc nước mới thay.Nước hồ trong vắt soi thấu đáy.Góc hồ bên kia Hên con trai Trinh cùng vài đứa bạn đang bì bõm lội dưới nước.Chúng đùa giởn vô tư lự. Hôm nay ngày nghĩ học của con.Theo thông lệ Trinh biết một số bạn hữu của con mình đến nhà chơi với Hên và cùng nhau xuống hồ bơi lội.Trinh đã lo dọn hồ sạch sẽ và trang trí thêm vài chậu kiểng bên cạnh băng đá đặt trên bờ hồ cho có vẻ nên thơ.Chợt một bàn tay ấm áp đặt lên vai Trinh và nghe giọng nói âu yếm: “Mình đến ngồi ở băng đá xem con và bạn nó đang đùa giởn dưới nước đi em”.Trinh giựt mình quay lại thì ra Tuấn,chồng Trinh đã ra hồ lúc nào Trinh không hay.Hai người nắm tay tới ngồi trên băng đá cùng ngắm lũ trẻ vui đùa hồn nhiên nhìn nhau mỉm cười yên lặng,nhưng trong ánh mắt tràn ngập tình thương,hạnh phúc.Trinh tựa người vào ngực chồng nhìn những hạt nước trong hồ tung tóe.Trong vòng tay ấm áp của chồng Trinh lim dim đôi mắt thả nồn vào dĩ vãng… Mười bốn năm trước Trinh cùng gia đình vượt biển đi tìm tự do. Cũng như bao sự bất hạnh khác. Gia đình Trinh không may đã không đến bến bờ tự do toàn vẹn mà chỉ còn Trinh sống sót nhờ mang bào thai trong bụng.Tụi cướp Thái Lan tham lam độc ác tài trời nhưng cũng biết sợ sự may rủi hên xui. Sau khi lục soát để gom góp nữ trang tiền bạc xong,chúng bắt đầu dở thủ đoạn.Trinh ngồi im đứng tim nhìn thấy chúng bắt hai đứa em gái qua tàu của chúng mặc tiếng khóc la cầu khẩn. Đến lượt Trinh chúng nhìn thấy bụng bự sự vì bào thai đã hơn 7 tháng nên chúng để qua một bên rồi tiếp tục tóm từng người một quăng xuống biển,trong đó có cha mẹ, anh trai và chồng của Trinh cùng một số người tháp tùng theo chỉ trừ Trinh và hai đứa em gái bị bắt đi.Người trong tàu thấy tụi cướp tàn nhãn quá nên liều chết nhào xô xát với chúng để rồi kết cuộc làm sao thắng được kẻ mạnh thế vừa đông vừa có khí giới.Trinh chết điếng trong lòng thấy người thân trồi hụp dưới mặt biển đang cuồn cuộn sóng. Bọn chúng xô người cuối cùng xuống biển là chồng Trinh bị thương tích khá nặng vì liều chết chóng cự. Cuối cùng chúng đặt Trinh trên một cái phao khá lớn với một vài món ăn và thức uống rồi xô ra biển.Sau khi chúng kéo hết lên tàu lớn thì chúng nhận chìm tàu của gia đình Trinh.Ngồi trên phao được chúng ràng rịt cẩn thận để khỏi bị lật xuống biển.Trinh đau đớn thấy người thân lần lượt chìm hẳn xuống biển.Trên phao mỏng manh giữa trời nước bao la Trinh thấy mình quá bé bỏng cô đơn nên không còn thiết sống nữa cũng muốn chết theo người thân cho lòng nhẹ nhàng…Một phút suy tư nghĩ lại giọt máu của người chồng xấu số mà tụi hải tặc cũng còn biết kiêng dè sợ xui xẻo khi giết phải đàn bà có thai nhi.Trinh chỉ còn biết chấp tay cầu khẩn ơn trên Trời,Phật phò hộ cho có quới nhân xuất hiện cứu vớt… Qua một đêm, ngày lênh đênh giữa biển,vừa đau buồn,vừa sợ hãi Trinh không còn thiết ăn uống mặc dầu chúng cũng có bố thí cho chút ít lương thực.Trinh mệt lã và ngất đi lúc nào không biết,.Khi tỉnh dậy thấy chung quanh toàn là người ngoại quốc,cũng may trong số người đó có một người Việt Nam ăn mặc theo kiểu Y tá khi thấy Trinh tỉnh dậy vui mừng reo lên:”chúc mừng cô đã thoát nạn”Trinh ngơ ngác bàng hoàng không hiểu đã xảy ra chuyện gì !Cô Y tá giải thích tiếp:”cô rất là đại phước.Trong lúc cô mệt và bất tỉnh trên cái phao bồng bềnh trên biển cả.May sao có tàu tuần của Liên hiêp Quốc phát hiện ra từ xa qua ống viễn vọng kính nên đã kịp thời tới vớt cô lên tàu cấp cứu ngay..Hiện tại cô đã tỉnh lại nhưng thai nhi quá yếu.Hội Hồng Thập Tự Quốc.Tế đang làm thủ tục để chuyển cô vào bịnh viện ngay khi tàu cập bến”…Trải qua một cơn kinh hoàng,đau khổ lại bị đói lạnh trên biển cả,mấy hôm sau khi được cứu thì Trinh đã sinh non.Mẹ con cô được Uỷ Hội QuốcTế tận tình giúp đỡ mọi phương tiện và được “Mẹ tròn con vuông”.Trinh đặt tên đứa con trai là Hên vì nhờ có cậu bé trong bụng mới được an toàn tánh mạng và cậu bé Hên lắm mới được chào đời mặc dầu phải sinh thiếu tháng.Niềm an ủi của Trinh bây giờ chỉ còn đứa con.Cô được mọi cơ quan từ thiện giúp đỡ và an ủi. Những lúc quá buồn khổ ,cô đơn Trinh bồng con đến các chùa nghe giảng pháp và làm quen với các bạn đạo để được hướng dẫn những khó khăn trong cuộc sống còn ngỡ ngàng lúc ban đầu.Dần dần Hên lớn lên đi học.Trinh cũng có việc làm.Mỗi cuối tuần Trinh đưa con đến chùa học tiếng Việt.Thầy giáo của con Trinh là một người đàn ông lịch sự,tuấn tú,nhưng lúc nào cũng có một nỗi buồn u ẩn trên nét mặt. Có hôm Trinh đón con trễ nhất thì Thầy giáo phải ngồi lại chăm sóc Hên để chờ người nhà đến lãnh con Trinh có dịp trò chuyện với Tuấn (thầy của Hên) và được biết gia đình Tuấn cũng bị nạn khi vượt biển tìm tự do.Theo lời Tuấn kể hôm đó trời giông,biển động,vợ con Tuấn yếu sức hay bị ói và mệt nên được nằm trên mũi tàu cho thoáng. Sợ lạnh không đủ sức chịu đựng nên vợ Tuán đã trải cái mền ra dưới sàn tàu 2 mẹ con nằm 1nửa đắp một nửa cho đở lạnh.chẳng dè tàu lúc lương thực cạn,đáy tàu nhẹ dễ chòng chành nên khi một con sóng to đập tới tàu bị lắc mạnh rồi một cơn lốc hốt qua cuôn cái mền trong đó có vợ conTuấn quăng xuống biển không cách nào níu kéo lại được. Nghe tiếng kêu la Tuấn chạy lên thành tàu đứng chết trân nhìn cảnh tượng cái mền trong đó có vợ con chìm dần vào lòng biển đen ngòm trong đêm tối. Nỗi buồn khổ quá đột ngột Tuấn cũng không còn thiết sống nhưng anh chi em trong tàu an ủi, khuyên lơn,Tuấn là người hiểu đạo nên hiểu được vận số của mỗi người bỏ ý định chết theo vợ con mà tìm ra một lý tưởng phải làm việc hữu ích cho xã hội, đồng hương…. Trong những ngày đầu ở đảo được anh chi em chăm sóc,an ủi,Tuấn nén buồn khổ tình nguyện làm mọi công tác trong trại giúp ích cho đồng hương bằng cách thông dịch cho mọi người khi gặp giấy tờ trở ngại khó khăn. Việc gì trong trại Tuấn đều tình nguyện gánh làm. Ai cũng quí mến và rơi nước mắt khi biết Tuấn được phái đoàn Mỹ cho đi định cư . Đến Mỹ sau khi ổn định với một công việc làm tạm đủ sóng,Tuấn đến trường học thêm và cuối tuần tình nguyện đến Chùa dạy tiếng Việt cho con em đồng hương tị nạn. Tuấn rất thương mến Hêh vì phảng phất giống đứa con xấu số đã thác oan dưới lòng biển. Gặp gỡ lâu ngày qua tình cảm của đứa con,Tuấn và Trinh tìm hiểu hoàn cảnh của nhau vì đồng hoàn cảnh dễ thông cảm,hơn nữaTuấn lớn hơn Trinh 2 tuổi nên tình cảm 2 người dễ gắn bó.Sau hai năm qua lại thân thiết rồi một ngày đẹp trời 2 người quyềt định mời các thân hửu ,bà con cùng những người sống chết có nhau trong chuyến vượt biên đến tham dự lễ ra mắt sống chung của hai người.Ai nấy đều mừng thấy hai tâm hồn đau khổ đã đến với nhau sống rất có ý nghĩa.Một cuộc sống mới, một gia đình mới bắt đầu với tương lai tươi sáng rộng mở. Tuấn vì muốn có cuộc sống vững chắc hơn ở đất Mỹ nên đã cố gắng đạt được bằng kỷ sư điện tử qua sự săn sóc và tình yêu thương của Trinh.Thêm nữaTrinh cũng cố gắng học xong bằng Y tá và đang phục vụ tại một bịnh viện.Lúc nào Trinh cũng là một Y tá nhân từ,tận tâm với mọi người. Thấm thoát Hên đã 14 tuổi và Tuấn,Trinh đã sống chung được 6 năm.Năm nào đến mùa Vu Lan Tuấn+Trinh đều đi dự lễ độ vong ngoài biển do chùa tổ chức để mong cầu nguyện cho các oan hồn còn đắm chìm trong lòng biển được siêu thoát,trong đó có thân nhân của hai người. Chợt Trinh trở về thưc tại với giọng nói ấm áp của chồng: “Em à!Năm nay lu bu nhiều việc mình chưa ghi tên đi tàu ra biển với phái đoàn của chùa để cầu nguyện độ vong ngoài biển đi em.” À hà ! Anh không nhắc em quên mất; để tụi nhỏ tắm xong lên ăn trưa dọn dẹp rồi mình đi,chưa trễ đâu anh.Cuộc tìnhTuấn+Trinh tuy chấp nối nhưng vì hai người cùng trong hoàn cảnh đau khổ đến với nhau.Họ hết lòng lo lắng săn sóc cho nhau để bù đắp những bất hạnh mà họ đã trải qua. Có lúc có điều gì bất đồng ý kiến tranh cãi nhau,rốt cuộc ai cũng giành phần lỗi về mình. Cuộc sống họ thật êm đềm hạnh phúc và cùng một lý tưởng luôn giúp đỡ hỗ trợ kẻ khác bằng mọi hình thức, khi vật chất, khi tinh thần.Vì vậy họ luôn luôn bận rộn bởi bạn bè quá quí mến đến tìm,ngay cả đám trẻ bạn của Hên cũng thích đến chơi và xem Tuấn+Trinh như cha mẹ mình Tuấn áp má mình vào má Trinh và kề tai nói khẽ: “Mình đã có một hoàng tử rồi, năm nay đi chùa chẳng những cầu siêu cho người quá vãng mà còn phải cầu cho mình có thêm một nàng Công chúa nữa đó em! Trinh tát yêu Tuấn và nũng nịu: EM cám ơn anh đã thương con em như con đẻ và em cũng nhận thấy ở con em nó đối với anh không khác gì cha ruột.Một tình cảm ruột thịt như hòa nhập ở hai người,điều làm em rất hạnh phúc,thỏa lòng. Bao năm nay em cũng muốn tặng cho anh một cô công chúa mà sao mình dỡ quá hè?!” Hai người cùng cười và an ủi cho nhau.Thôi Trời cho sao hưởng vậy.Mình như vầy là quá phước rồi. Sứt càng gãy gọng mà hợp lại cũng nên nhà nên cửa hạnh phúc ra rít còn đòi nỏi gì nữa.Một mụn con biết hiếu thảo thương cha thương mẹ như con mình đó còn hơn có nhtều mà chẳng răn dạy được càng thêm nặng gánh lo âu.Tiếc rằng cả hai đứa mình đều mất cha mẹ không còn được diễm phúc hầu hạ,chăm sóc các cụ trong lúc tuổi già sức yếu để đền đáp lại trong muôn một công ơn dưỡng dục. Có tiếng ồn ào của tụi trẻ lên bờ làm cắt đứt dòng tư tưởng của hai người. Thưa hai bác tụi con đã xin phép cha mẹ hôm nay là ngày nghỉ học hai bác cho tụi con ở lại đây chơi với anh Hên và cùng ôn bài vở luôn.Trinh nhanh nhẩu:”các cháucứ ở lại đây ăn cơm,bác làm đồ ăn nhiều lắm,đừng ngại. Hai bác đi chùa bây giờ..Có tiếng chuông ngoài cổng. Các bạn của Tuấn+trinh đến chào đon đả: Sao? hai ông bà hôm nay chương trình đi đâu cho tụi nầy tháp tùng được không? Ở nhà buồn chán quá!_Được chứ.Tuần nầy không đi thăm viên dưỡng lão,khôngđi giúp người Homeless mà đi tới chùa.Trong mùa Vu Lan cũng là mùa báo hiếu. Qua sự tích Đức Mục Kiền Liên thấy Mẹ bị khổ hình nơi địa ngục nên nhờ oai lực chư tăng lập đàn tràng cầu nguyện cho các vong linh và cứu mẹ thoát cảnh khổ hình (nói vắn tắt, tới chùa sẽ giảng rõ) Mùa Vu Lan như nhắc nhở cho chúng ta phải có hiếu thảo với cha mẹ hiện tiền và cầu nguyện cho cửu huyền thất tổ đã quá vãng được siêu thoát. Ô hay quá! Vậy thì cả đoàn anh chi em mình cùng trực chỉ đến chùa cầu nguyện đi .! TrangNgocKimLang (Kỷ niệm những chuyến vượt biển tìm Tự Do để thoát vòng tay kèm kẹp của C.Sản vào những ngày tháng 4đen/75.Hoàn cảnh thât đau thương kẻ mất người còn, gia đình tan nát. Nhưngngười Việt ly hương lúc nào cũng kiên cường,cố ngoi lênđể thành những người tài giỏi,hữu dụng để mong ngày trở về Cố hương xây dựng đất nước !) |
Thương Người Cộng Hoà anh lính thủa xa xưa Hình ảnh oai phong kể mấy vừa Chiến tích quay về ngang ruộng rẫy Hành quân ngừng nghỉ dưới cây dừa Chiều thu đã thắm tình chia sẻ Phố hạ chưa phai cảnh đón đưa Áo trận sờn vai đời gió bụi Thương người đội nắng với dầm mưa Minh Thuý Thành Nội |
YÊU LÍNH. Lớn lên trong thời buổi chiến tranh 16 tuổi mộng mơ tôi và Bích Hợp là hai đứa bạn thân cùng xóm, cùng say mê nghe nhạc lính đến nỗi yêu lính và ao ước được là người yêu của lính. Nhưng biết tìm đâu ra chàng lính chiến để mà yêu? Trong xóm có vài anh đi lính mà tôi không quen, chỉ quen anh Phượng gần nhà, anh cũng vừa đi lính, anh ấy có bao giờ để ý đến tôi đâu và mẹ anh thì khó tính quá nên tôi chỉ dám mơ thầm.. Bích Hợp hát hay, nó thường hát cho tôi nghe bài “Hành trang tạ từ” và “Một người đi”. Hai đứa cùng bồi hồi thổn thức, chỉ mong có người yêu là lính để được…chia tay tiễn anh như lời trong bài hát “Đây gói hành trang xếp lại cho tròn để anh đi nhé…”.Hay là“Tôi tiễn anh lên đường trời hôm nay mưa nhiều lắm…” Có những buổi chiều…buồn ( chẳng biết lý do buồn cái gì nữa?) tôi và Bích Hợp rủ nhau đạp xe đi…hái trộm xoài tại vườn nhà ông Trịnh Đình Thảo. Khu vườn xoài rộng lớn có ngôi biệt thự luôn kín cổng cao tường, chúng tôi biết thế mà vẫn cứ mơ có ngày vào được bên trong để hái trộm xoài. Không hái được xoài thì chúng tôi đứng ngoài cổng song sắt phóng tầm mắt vào ngắm những quả xoài xanh non treo lủng lẳng trên cành cũng thích lắm và tưởng tượng món xoài xanh chấm muối ớt. Chiều nay cũng thế, ngắm vườn xoài xong tôi rủ Bích Hợp vào…nghĩa trang chơi. Nghĩa trang quân đội Gò Vấp nằm đối diện gần vườn xoài của ông luật sư Trinh Đình Thảo. Lần đầu tiên vào nghĩa trang cả hai đứa chúng tôi đều thích vì cảnh đẹp vắng lặng êm đềm với những con đường trải sỏi giữa những dãy mộ thẳng hàng. Tôi và Bích Hợp đã đi qua từng dãy mộ, tò mò đọc tên, đọc nguyên quán, đọc ngày sinh ngày tử và nhìn hình ảnh từng tử sĩ. Hai trái tim khờ của chúng tôi đều chạnh lòng thương cảm. Bỗng Bích Hợp sáng kiến: – Chúng mình có người yêu là lính đây rồi, những anh hùng đã hi sinh vì tổ quốc, mỗi đứa chọn một anh đi, có hình ảnh, có tên tuổi để mà…thương. Thỉnh thoảng chúng mình sẽ đến đây thăm các anh. Tôi thấy cuộc chơi này cũng thú vị nên hí hửng nghe theo Bích Hợp. Hai đứa vừa mới chạnh buồn lại vui vẻ ngay, ríu rít đi tìm “người yêu” cho mình. Tôi chọn anh Nghiêm văn Hải 21 tuổi, bằng tuổi anh Phượng và có nét mặt hiền hiền giống anh Phượng. Hình ảnh bán thân của anh Hải trong quân phục trên bia mộ thật hiên ngang và đẹp trai. Bích Hợp chọn anh Nguyễn văn Tùng vì thích mái tóc bồng bềnh của anh ấy. Cả hai anh đều độc thân chưa vợ con, do cha mẹ lập mộ. Thế là nỗi buồn không tên của buổi chiều nay đã trở thành ý nghĩa, cả hai đứa đều vui và hãnh diện vì đã có người yêu là lính. Hai đứa bàn bạc từ nay nếu có dịp thì cứ khoe ra cho oai và dĩ nhiên phải nói là người yêu đang bận chiến chinh đâu đó, xa lắm, mai mốt anh mới về thăm. 16 tuổi nhưng tôi vẫn còn nhiệm vụ trông em, trông đứa em 3 tuổi cho mẹ tôi bán hàng. Tôi thương em lắm, em cũng bám theo tôi không rời nhưng thỉnh thoảng tôi vẫn…lừa nó ở nhà để đi chơi riêng với Bích Hợp. Chủ nhật tuần sau tôi và Bích Hợp sẽ đi thăm “người yêu”. Tôi dọa em tôi : – Chị đến chỗ này có nhiều ma lắm, em đừng đi theo chị . Lần này đến nghĩa trang có chủ đích, có hương hoa đàng hoàng. Đi ngang qua chợ Hạnh Thông Tây chúng tôi ghé vào mua bó hoa Vạn Thọ ( cho rẻ tiền) và một bó nhang. Đạp xe qua khỏi chợ một hồi, chúng tôi chằng màng tới vườn xoài bên kia nữa mà quẹo thẳng vào nghĩa trang quân đội, chia hoa và thắp nhang cho hai mộ anh Nghiêm Văn Hải và anh Nguyễn văn Tùng như đã thân thiết với các anh từ lâu lắm rồi. Một hôm anh Phượng về phép thăm nhà, anh đi ngang qua nhà tôi thấy tôi đứng ngoài sân liền dừng chân hỏi thăm: – Em Bông khỏe không? Thấy “thần tượng” người lính bằng xương bằng thịt mà mình thầm mơ tôi bối rối vụng về không biết nói năng chi, liền vay mượn những câu trong bài hát “Trên bốn vùng chiến thuật” của Trúc Phương để hỏi anh : – Chào anh Phượng. Anh thường đi đó đây trên bốn vùng chiến thuật, chắc anh đang đóng quân ở Pleime gió mưa mù hay Tây Ninh nắng nung người hay Đồng Tháp vắng bóng hồng phải không.? Chẳng biết anh khen hay anh mỉa mai: – Trật lất, đơn vị anh ở Phú Giáo Bình Dương. Coi bộ em thuộc nhạc lính ghê nhỉ. Anh bây giờ là người lính, tác phong người lính rắn rỏi phong sương, không là anh Phượng thư sinh nữa càng làm tôi mến mộ. Tôi vừa muốn khoe vừa muốn thử lòng anh Phượng xem anh có “đau khổ” tí nào không: – Em có người yêu là lính rồi. Anh không lộ vẻ gì buồn cả mà ngạc nhiên: – Ủa, lạ quá ta. Nãy anh gặp Bích Hợp và hỏi thăm, cô nàng cũng tự động khoe có người yêu là lính rồi. Không lẽ con gái xóm mình yêu lính dữ vậy? Rồi anh bỏ đi không ý kiến gì thêm làm tôi tức cành hông. Anh Phượng trở về đơn vị để lại lòng tôi bâng khuâng nhung nhớ. Tôi và Bích Hợp vẫn cùng nhau nghe những bài nhạc lính và vẫn thỉnh thoảng buổi chiều đến nghĩa trang quân đội Gò Vấp thăm “người yêu” trong những buổi chiều buồn vu vơ. Không biết gia đình anh Nghiêm Văn Hải ở đâu? có khi nào ghé thăm mộ anh không? Hay chỉ có tôi với những bông hoa Vạn Thọ và vài nén nhang đến thăm anh, một “người yêu” mà anh không biết mặt, chẳng biết tên. Anh Hải ơi vì quê hương chinh chiến anh đã hi sinh và yên nghỉ nơi nghĩa trang xóm em nên em mới “có duyên” gặp gỡ anh trong cảnh ngộ này. Chiến sự càng ngày càng khốc liệt, những chuyến xe tang mang xác tử sĩ từ chiến trường về nghĩa trang quân đội Gò Vấp càng nhiều. Tôi và Bích Hợp đã một lần chứng kiến cảnh thê lương cùng với gia đình một người lính chết trận tại nhà quàn trong nghĩa trang. Hình ảnh thi thể bó gọn trong tấm poncho bốc mùi tử khí, mẹ anh và vợ anh ngất xỉu, hai đứa trẻ thơ ngơ ngác, tiếng khóc của thân nhân thảm thiết. Hai đứa tôi sợ lắm đứng co rúm vào nhau nhưng vẫn tò mò muốn xem, Chưa có buổi chiều nào u ám đến thế. Tôi và Bích Hợp ở lại nghĩa trang đến chiều dần tàn mới vội vàng đạp xe về nhà mà tưởng như những tiếng khóc từ nghĩa trang vẫn còn đuổi theo. Hôm sau tôi bị cảm sốt nặng, nằm thiêm thiếp. Chắc vì chiều qua nghĩa trang nhiều gió và vì hơi lạnh tử khí ám vào người tôi. Mẹ tôi tra hỏi Bích Hợp chiều qua hai đứa đi đâu mà về muộn, Bích Hợp khai ra hết, mẹ la mắng cả hai đứa và cấm chỉ từ giờ không được đến nghĩa trang nữa kẻo ma…bắt hồn chúng tôi. Không được “đùa cợt” với người đã khuất, hãy để linh hồn họ yên nghỉ. Sau vụ chứng kiến đám tang ấy chúng tôi đã bị ám ảnh trong nỗi sợ và nỗi buồn, khỏi cần mẹ cấm hai đứa cũng từ bỏ luôn. Cuối năm anh Phượng về thăm nhà, gặp tôi đầu ngõ anh cười cười hỏi thăm: – Sao, “người yêu của lính” khỏe không? Tôi ỉu xìu: – Em không còn là người yêu của lính nữa. – Biết rồi, mẹ em kể cho mẹ anh nghe hết rồi, chuyện em và Bích Hợp “yêu lính”, yêu người tình thiên thu tại nghĩa trang quân đội Gò Vấp đã hạ màn sau một trận ốm kịch liệt. Tôi quê quá vội bước đi, anh Phượng nói với theo: – Cô bé 17 tuổi kia ơi, có bằng lòng làm người yêu của lính với…anh không? Cho dù anh có nói đùa, cho dù anh “ trêu chọc” tôi, thì tim tôi vẫn đập loạn xạ, rộn ràng sung sướng. Nhưng tôi chợt… khựng lại không dám mừng vui nữa và tự hỏi anh Phượng có nói câu này với Bích Hợp không và giữa hai đứa chúng tôi, anh…yêu ai? Nguyễn Thị Thanh Dương ( June 09- 2022) CHÀNG TRAI NĂM XƯA. ( Kính gởi hương hồn anh NĐX August 31,2020) Anh bây giờ ông già hơn tám mươi tuổi trên giường bệnh, Thân thể gầy gò yếu ớt Đôi mắt lạc hồn Anh đã đi qua bao chặng đời vui buồn. Chàng trai năm xua Bắt đầu từ tuổi hai mươi Anh sinh viên con nhà nghèo Mẹ tảo tần nuôi anh ăn học. Đất nước chiến tranh Dang dở chuyện học hành Anh vào quân ngũ Người lính từng đóng quân Củ Chi, Hậu Nghĩa Đến Quảng Trị, Khe Sanh… Mẹ nhớ thương anh. Bao giờ con về thăm? 30 tháng Tư 1975 Anh đi tù Từ nam ra bắc Mẹ lại nhớ thương anh Mỏi mòn chờ mong Bao giờ con trở lại? Anh đến Mỹ ở lứa tuổi trung niên Cuộc sống bình yên Bên mái gia đình nhỏ Người lính trẻ dọc ngang năm xưa giờ đây già nua tàn tạ Nay ốm mai đau Và lặng lẽ từ giã cỏi đời không một lời trăng trối. Nhưng tôi hiểu Người lính trong anh chưa bao giờ chết Mộng sông hồ chưa bao giờ khô cạn Tình yêu quê hương vẫn còn đầy Vĩnh biệt kiếp này. Nếu có kiếp sau Anh vẫn là chàng sinh viên con nhà nghèo Lại bắt đầu từ tuổi hai mươi… Nguyễn Thị Thanh Dương ( June. 06- 2022) |
HUYNH ĐỆ CHI BINH AET Lê Tuấn Ngược về thời gian trước năm 1975. Khi chính quyền VNCH còn làm chủ vận mệnh đất nước dưới lá cờ vàng ba sọc đỏ còn tung bay trên bầu trời trong xanh của Miền Nam tự do. Ngoài chiến trường Quân lực VNCH vẫn làm chủ mọi tình hình chiến sự, vẫn bảo vệ từng tấc đất trước làn sóng xâm lăng của Cộng quân. Người lính chiến xa nhà với cái radio bé nhỏ mang theo, bật hết volume để nghe đài phát thanh Quân Đội, qua chương trình “Binh Méo – Cai Tròn” một chương trình phát thanh thật vui nhộn, nhưng luôn luôn đề cao tinh thần: Huynh Đệ Chi Binh. Mở đầu cho tiết mục (Binh Méo – Cai Tròn) luôn luôn là bài hát “Huynh đệ chi binh” của nhạc sĩ Anh Bằng. “Huynh đệ chi binh là gì đó anh hai?” Một câu hỏi được đặt ra, rồi nhưng câu trả lời tiếp theo. “Huynh đệ chi binh là mình cùng chung đời lính, thương nhau khác chi nhân tình. Từ người Đơ zem cùi bắp rồi thì đi lên Đại Tướng đều là huynh đệ chi binh. Lúc sướng có nhau là HĐCB “Huynh Đệ Chi Binh” Lúc khó có nhau là HĐCB.” Ý tưởng này không phải dừng lại ở mức độ sướng và khổ, mà nó còn đi xa hơn nữa cho đến tận cùng sự sống chết của người chiến sĩ đó là sự hy sinh ngoài chiến trường. Lúc sống có nhau là HĐCB Lúc chết có nhau là HĐCB. Sự sống chết luôn cận kề với người lính nơi chiến trường, tôi đã chứng kiến rất nhiều những trường hợp, những bối cảnh xảy ra trong lúc giao tranh với địch quân, những người lính gắn bó với nhau như anh em ruột thịt, họ đã thật sự hy sinh cho nhau tại mặt trận, người lính chiến đã quên đi sự nguy hiểm của chính bản thân mình, nhào người lên phòng tuyến phía trước, vượt qua những lằn đạn của địch quân để giải vây cho đồng đội. Đôi khi họ đã phải hy sinh chính xương máu của mình hay nhận lấy những thương tích trên da thịt, nhưng họ đã không màng nghĩ đến vấn đề này, bởi vì tình “Huynh Đệ Chi Binh” quá vĩ đại nó chính là động lực gắn bó những người lính cùng đơn vị liên kết với nhau như anh em ruột thịt. Có biết bao những tình huống rất cảm động rất thật, đã xảy ra trong chiến tranh, tình huynh đệ chi binh được đặt lên hàng đầu bởi vì tính thiêng liêng và sự vĩ đại, nó đã hiện diện trong đời lính bất kể ở bên chiến tuyến nào, hay thuộc quân đội của quốc gia nào. Huynh đệ chi binh chính là tinh thần của quân đội và chỉ có đời lính chiến mới thể hiện hết được tính chất của tình cảm thiêng liêng và cao thượng này. Trong chiến tranh càng khốc liệt bao nhiêu thì tình huynh đệ chi binh càng cao cả bấy nhiêu, bởi vì huynh đệ chi binh là một tình cảm tự nhiên, nó tự sinh trưởng và nảy mầm trong tâm trí của mọi người lính chiến, nó trở nên thân thiết và gắn bó với nhau, sự gắn bó này sẽ được cộng hưởng thêm lên đối với những người bạn ở cùng chung một tiểu đội hay một đơn vị. Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa là một quân đội chính quy, quân đội này đã được thành lập theo tiêu chuẩn quốc tế, bởi vì lịch sử của QLVNCH được bắt đầu bởi hai cường quốc số một thế giới đó là Nước Pháp “French” và Hoa Kỳ “USA”. Một ưu điểm mà ít ai để ý đến: QLVNCH chúng ta đã thừa hưởng một nền văn minh quá lớn của hai cường quốc Pháp và Hoa Kỳ. QLVNCH có đầy đủ các quân binh chủng “Hải – Lục – Không Quân“ ngoài ra chúng ta còn sáng tạo thêm những binh chủng đặc biệt cho phù hợp với tình huống của chiến trường như: Biệt Động Quân – Nhảy Dù – Thủy Quân Lục Chiến – Thiết Giáp Lực Lượng Đặc Biệt – Biệt Kích Dù – Lôi Hổ – Người Nhái – Địa Phương Quân , Nghĩa Quân và còn nhiều nữa…. ngoài ra chúng ta còn thành lập những đơn vị bán quân sự như: Lực Lượng Cảnh Sát Quốc Gia – Xây Dựng Nông Thôn vân vân. Hầu hết quân nhân các cấp đều được đào tạo từ những quân trường theo tiêu chuẩn quốc tế như: Trung tâm huấn luyện Quang Trung Hạ sĩ Quan Đồng Đế Sĩ Quan Thủ Đức Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt Không Quân Hải Quân Chiến Tranh Chính Trị Trung tâm huấn luyện Cảnh Sát Trường Thiếu Sinh Quân, và còn nhiều nữa. Mỗi trung tâm huấn luyện chúng ta đều trải nghiệm qua tình đồng đội đó chính là HĐCB. Mỗi binh chủng, chúng ta đều thể hiện một tinh thần đồng đội đó cũng là HĐCB. Bởi vì: Huynh đệ chi binh là mình cùng chung đời lính, thương nhau khác chi nhân tình Sau ngày mất nước 30 tháng 4 năm 1975. Anh em chúng ta những người lính QLVNCH chúng ta đã bị bức tử, bởi bàn cờ chính trị. Miền Nam VN đã rơi vào tay Cộng Sản Bắc Việt, cả một quân đội đã bị phân rã, một số lớn thành phần sĩ quan, những người lính ưu tú của quân lực đã phải vào tù, đã phải lưu đày biệt xứ. Một số ít chạy thoát ra hải ngoại. Tình HĐCB đã bị quên lãng theo thời gian, cho đến khi chúng ta bắt đầu hội tụ lại trên vùng đất tự do, điển hình nhất là tại Hoa Kỳ, chúng ta bắt đầu tổ chức lại thành hội đoàn, chúng ta bắt đầu thành lập Hội để gợi nhớ lại những binh chủng, từng vang bóng một thời, hay để gợi nhớ lại quân trường xưa nơi chúng ta đã từng thụ huấn. Cũng bắt đầu từ đó Tình Huynh Đệ Chi Binh như đang hồi sinh trở lại, tình cảm thiêng liêng này lại có dịp len lỏi vào tâm hồn chúng ta (Những người lính chưa có lệnh giải ngũ) Mỗi lần chúng ta tham dự họp mặt, gặp lại những người bạn cùng khoá, cùng lớp, cùng đơn vị và ngày nay chúng ta còn có thêm một điểm đồng thuận nữa, đó là cùng chung một trại tù, cùng ở chung với nhau trong trại tù cải tạo (đây cũng là một loại tình cảm rất đặc biệt và đôi khi rất mật thiết không thua gì tình HĐCB) Thật tình cờ tôi có đọc qua một bài viết ngắn của anh Tôn Thất Đàn, anh kể lại một sự kiện chính anh đã chứng kiến một biểu tượng của tình Huynh đệ chi binh và anh đã viết: “Thế rồi trong một lần tham dự ngày “Diễn hành văn hóa quốc tế” 2012 tại New York do “Cộng Đồng người Việt Quốc gia” tổ chức, tôi đã mục kích một cảnh rất cảm động, giữa hai người cựu TSQ gặp nhau trên Đại lộ 5 của thành phố hoa lệ Nữu Ước. Đó là một cựu TSQ già tàn phế ngồi trên chiếc xe lăn, trên ngực mang phù hiệu TSQ, đang lăn theo đoàn diễn hành. Trong lúc đó có một cựu TSQ khác cũng mang phù hiệu TSQ trường Mẹ Vũng Tàu, hai người không quen biết nhau, thế mà khi nhận ra nhau qua phù hiệu TSQ thôi, anh bạn kia đã chạy đến ôm chầm cả người lẫn xe lăn của ông ta mà khóc, trong sự vui mừng, mặc dầu hai người không cùng một lớp, không chung một đại đội, chỉ biết xuất thân từ trường mẹ TSQ/VN thì đó là anh em một nhà rồi!” Tôi cũng được nghe kể lại một câu chuyện như sau. Trong một nhóm người vượt biên bằng đường bộ đi từ Tây Ninh VN qua biên giới Miên (Kampuchia) nhóm người này dự định vượt qua biên giới Thái Lan thì không may bị lính Khơ Me Đỏ (thời Polpot) bắt giữ. Khoảng 4 người VN bị bắt, trong đó có một người Việt đeo một phù hiệu AET (trường TSQ) trên ngực áo, thật bất ngờ từ trong nhóm lính Khơ Me đỏ, có một người dường như anh ta là cấp bậc chỉ huy, tiến đến bên nhóm người Việt mới bị bắt, anh ta nhìn một cách chăm chú vào phù hiệu AET đeo trên ngực áo của tù nhân người Việt. – Anh ta chỉ vào phù hiệu đeo trên ngực áo tù nhân người Việt, rồi hỏi một cách rất cộc lốc AET. – Tù nhân Việt gật đầu. – Đi theo tôi người lính Khơ Me đỏ ra lệnh Hai người đi đến một chỗ khuất, người lính Khơ Me dừng lại, một lời nói có vẻ thân thiện hơn phát ra từ bộ mắt lạnh lùng của người lính Khơ Me đỏ. – Anh xem này, người lính Khơ Me vừa nói vừa mở ngực áo ra, trên ngực anh có xâm một biểu tượng đó là phù hiệu AET. Anh ta vỗ vai người tù Việt và nói – Anh trốn ngay đi, nếu không sẽ bị bắn chết. Người tù vượt biện người Việt Nam vội bỏ trốn trong nỗi sợ hãi mà quên cả lời cám ơn, người lính Khờ Me Đỏ. Họ là hai kẻ hoàn toàn xa lạ không hề quen biết nhau và chắc chắn chưa một lần gặp gỡ, thế nhưng điều gì đã gắn bó họ với nhau, đó chính là tình Huynh Đệ Chi Binh. Họ đã nhận ra nhau qua phù hiệu AET, một phù hiệu trường Thiếu Sinh Quân của người Pháp, nhưng nó cũng chính là phù hiệu mang một tinh thần (Quốc Tế) cho toàn thể anh em cựu TSQ trên toàn thế giới nhận ra nhau. Tôi (Lê Tuấn) viết bài này không có ý định so sánh hay đo lường mức độ tình cảm HĐCB giữa các quân binh chủng hay các quân trường, bởi vì mỗi tổ chức, mỗi quân trường đều có cái hay cái đẹp riêng biệt, tất cả đều có mặt xấu và mặt tốt, sự đối nghịch giữa cái tốt và cái xấu nó cũng như hai mặt của một đồng tiền, nếu thiếu đi hai mặt thì đồng tiền sẽ trở nên vô giá trị. Qua bài viết thật ngắn gọn này tôi nêu ra hai trường hợp tiêu biểu cho tinh thần huynh đệ chi binh, tôi thiết nghĩ trong quân lực VNCH không có một đơn vị nào hay một quân trường nào lại thể hiện tình cảm anh em “huynh đệ chi binh” một cách mạnh mẽ và thân tình như anh em cựu TSQ. Khi họ gặp nhau ở bất cứ nơi đâu, mặc dù không cùng chung một lớp, một đội hay cùng năm học với nhau, thậm chí có những anh em cựu TSQ dù đã theo học tại các trường TSQ khác nhau, nhưng khi đã nhận ra nhau là một cựu TSQ thì họ đều xem nhau như anh em một nhà. Tình cảm huynh đệ chi binh của anh em cựu TSQ/VNCH đã trở nên một truyền thống (Traditional) bất khuất, truyền thống này sẽ không bao giờ thay đổi. Trong QLVNCH chúng ta có rất nhiều những truyền thống tốt đẹp, như truyền thống của trường Võ Bị Thủ Đức – Không Quân – Hải Quân hay Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt và còn nhiều nữa. Tuy nhiên cách thể hiện tình huynh đệ chi binh của các quân trường này mang tính chất cá biệt cho từng khoá hay từng đội, anh em cùng khoá với nhau họ có thể thành lập hội ái hữu riêng để tạo một sự liên hệ trong tình HĐCB, nó không mang tính chất đồng bộ thành một khối như cách thức thể hiện tình cảm của anh em Cựu TSQ. Đối với anh em CTSQ dù là binh chủng chủ lực Nhảy Dù, Thuỷ Quân Lục Chiến, Biệt Động Quân hay binh chủng Địa Phương Quân. Dù là cấp bậc Binh Nhì hay Đại Tướng. Một khi đã xuất thân từ trường TSQ thì đều là anh em, được phân định (niên trưởng) theo năm ra trường, anh em CTSQ luôn luôn trân quý tình cảm thiêng liêng này. Đúng như lời bài hát HĐCB. -Huynh đệ chi binh là mình cùng chung đời lính, thương nhau khác chi nhân tình. -Từ người Đơ zem cùi bắp rồi thì đi lên Đại Tướng đều là huynh đệ chi binh. Tôi kết thúc bài viết này ở đây xin gửi đến toàn thể quý vị Cựu chiến sĩ QLVNCH. Mắc dù chúng ta đã trải qua trên 47 năm kể từ ngày đau thương 30/4/1975. Chúng ta đã già đi theo năm tháng, nhưng tâm hồn chúng ta vẫn còn xanh như màu lá mạ non. Tóc chúng ta đã bạc trắng như vôi, nhưng Tình Huynh Đệ Chi Binh của chúng ta sẽ không bao giờ bạc, khối tình vĩ đại này sẽ trường tồn mãi mãi trong tinh thần đoàn kết của tập thể. Cựu Chiến Sĩ Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà. Ngày Quân Lực 19 Tháng 6 năm 2022 AET Lê Tuấn Mừng Ngày Quân Lực VNCH Cơn đau che giấu tiếng thời gian Tiếng động âm vang những bạo tàn Trời tháng tư chuyển dời chiến sử Nỗi đau buồn đổ vỡ chen ngang. Còn đâu nữa những hẹn hò xưa Nỗi nhớ thương thân phận đẩy đưa Em có về vấn vương luyến tiếc Tháng tư buồn lất phất cơn mưa. Tần ngần lòng dạ bỗng bâng khuâng Thấy bóng quê hương đến thật gần Hoa sứ trổ bông trời tháng sáu Nhớ ngày Quân Lực bước phong trần. Hùng binh dồn dập bước qua nhanh Rợp bóng cờ vàng trời nắng hanh Dòng máu anh hùng vang chiến sử Mừng ngày Quân Lực bước quân hành. AET Lê Tuấn Ngày Quân Lực 19 tháng 6, 2022 |