
Tiểu sử: Nguyễn Thị Thanh Dương 12 tháng 9 năm 1951 Kim Bảng, Hà Nam Bắc Việt Di cư vào Nam 1954 Định cư ở Mỹ 1991 Hiện nay sống ở thành phố Arlington tiểu bang Texas. |

Nguyễn Thị Thanh Dương và Văn hữu |



Truyện ngắn của Văn thi sĩ Nguyễn Thị Thanh Dương 1. VIỆT KIỀU VỀ QUÊ CƯỚI VỢ 2. NÉT ĐẸP THỜI GIAN 3. BÓ HOA KHÔNG NGƯỜI GỞI 4. NHỮNG ÂN NHÂN DỄ THƯƠNG 5. VỢ CHỒNG NHƯ KHÁCH KHỨA 6. NGƯỜI MẸ KHÔNG QUEN BIẾT 7. Kỷ NIỆM HỌC TRÒ 8. HẠT BỤI VÔ TÌNH 9. Ngã Tư Thân Yêu 10.GÀ TÂY 3 MÓN 11.Ngày 30 Tết 12. MÙA XUÂN NÀY SẼ VUI 13.CHỈ LÀ HÀNG XÓM 14. Số Sát Phu 15. ĐI BỆNH VIỆN PARKLAND 16.CHÀNG TRAI NĂM XƯA… 17. Yêu Lính 18.NHÀ CON MỘT 19. XỚN XÁC TUỔI GIÀ 20.NÓNG BỎNG NHỮNG NGÀY HÈ 21. Nho Chua Đầu Mùa 22.HÀNH LÝ TRỞ VỀ 23. CHIẾC VÁY NGÀY TẾT 24. BAO GIỜ CHÁU TÔI LẤY CHỒNG? 25. Anh Yêu Ai? 26.TỔ HỢP MÌ SỢI 27. NẾU TÌNH CỜ GẶP LẠI 28. MẤT TÍCH 29. Mẹ Mãi Là Tổ Ấm 30.BETSY RA TRƯỜNG |

Trang thơ của văn thi sĩ Nguyễn Thị Thanh Dương |
Khi tôi làm thơ Tôi đi khắp nơi trong cuộc sống, Là cánh buồm khát vọng, Giữa biển khơi. Tôi biết đường chân trời không bao giờ đến, Góc biển chỉ là địa chỉ hư vô. Nhưng tôi vẫn muốn đi xa. Tôi mới là hoàng hôn trong rừng vắng chiều qua, Sáng nay tôi đã nắng về thành phố, Trong bốn mùa đều có nhịp tim tôi thở, Mùa từng mùa không bao giờ cũ trong tôi. Tôi chói chang nắng Hạ, Tôi dịu dàng trăng Thu, Tôi là ngọn núi gìa mùa Đông giăng sương mù, Và rất trẻ với mùa Xuân nẩy mầm hoa lá. Khi tôi làm thơ, Tôi thấy tôi vui và đau khổ, Một hạt bụi bé nhỏ, Cũng làm tôi cay mắt, Một ngọn gío hiu hắt, Cũng làm tôi lạnh lùng. Và rộn rã an vui, Khi nhìn một khỏang trời xanh. Tôi tham lam, Một vòng tay muốn ôm cả bầu trời, Tôi đa đoan, Một trái tim muốn yêu cả cuộc đời. Khi tôi làm thơ, Tôi hư qúa ! Tôi không có hiện tại hay qúa khứ, Để mặc cảm xúc chơi vơi, Theo bóng dáng người, Tôi đã gặp tình cờ đâu đó, Tôi viết lên những bài thơ thương nhớ, Mà thực ra, Tôi chẳng nhớ thương đâu Vì cảm xúc này sẽ chẳng bền lâu.. Nguyễn Thị Thanh Dương |
EM KHÔNG LÀ GỖ QÚY Rừng không toàn gỗ qúy, Cẩm Lai, Gụ, Giáng Hương… Có nhiều loại cây thường, Rừng vẫn xanh thăm thẳm. Bao cây cao, cây thấp, Chằng chịt những dây leo, Quấn qúyt như tình yêu, Thành rừng cây gắn bó. Em không là gỗ qúy, Hiếm hoi trong rừng xanh, Em không là giai nhân, Giữa rừng đời kiêu hãnh. Như bao cây thầm lặng, Vẫn lớn lên trong rừng, Em, một người bình thường, Hòa mình vào cuộc sống. Em đến như gío lộng, Khi lòng anh bơ vơ, Anh ơi đừng ước mơ, Những chuyện đời xa xỉ. Em không là gỗ qúy, Bằng Lăng, Sưa, Hoàng Đàn… Ai ngậm ngải tìm Trầm, Giữa rừng thiêng nước độc. Vì những loại cây đẹp, Khi gỗ đã lìa rừng, Còn phảng phất mùi thơm, Từ trái tim của gỗ. Đẹp từ những vân thơ Những sắc màu đáng yêu, Em một trái tim xiêu, Vì anh là qúa đủ. Em không là gỗ qúy, Chắc gì đẹp cho đời Nhưng chỉ với anh thôi, Em vẫn là vô giá. Nguyễn Thị Thanh Dương |
MẸ NGOÀI ĐƯỜNG NGÒAI CHỢ. ( Thương yêu viết về những người mẹ này) Mẹ vất vả từ bao lâu rồi Tuổi già vẫn chưa được nghỉ ngơi, Chợ xa quang gánh mẹ dậy sớm, Sợ không kịp họp chợ đông người. Mẹ đi khi trời còn mù sương, Đường quê tất tả đôi chân không, Lưng còng vai lạnh vươn trong gío, Đường mẹ đi có bùn lấm chân Đôi chân trần chịu khó chịu thương, Đất quen chân mẹ, mẹ quen đường, Đường quê, đường chợ đi bao lượt, Mẹ giữa chợ đời giữa bán buôn. Lấy chồng từ thuở mới đôi mươi, Mẹ bước vào trong số phận nghèo Gánh hàng rong ngoài đường ngoài chợ, Cuộc sống đầy thử thách gieo neo. Mẹ ngoài đường nhiều hơn ở nhà, Đã quen với thời tiết bao mùa Góc phố này mẹ từ sáng sớm, Con đường nọ mẹ ngồi đến khuya. Ai ấm trong mái nhà yêu thương, Ai ngoài kia thân cò long đong Lặng lẽ mẹ về trong ngõ hẹp, Đường mẹ về bóng tối vây quanh. Ngày tháng vô tình nối tiếp nhau Thanh xuân của mẹ đi về đâu Còn sức lực mẹ còn bươn chải, Đường mẹ về có nắng mưa theo. Những người mẹ hiền, mẹ đảm đang, Lưng mẹ còng không vì thời gian, Mẹ gánh cả cuộc đời vất vả, Cả cuộc đời vì chồng vì con. Nguyễn Thị Thanh Dương ( August, 17, 2012) |
Nếu Anh Về Nếu anh về, Một đêm mưa gió, Em sẽ thắp lên ngọn lửa đỏ, Trong trái tim, Đón anh vào giầc mộng bình yên, Của những lời yêu lời nhớ, Hãy phủi những bụi mưa trên vai, anh nhé! Hãy mỉm cười, Cho rét mướt đứng lại ở ngoài kia. Nếu anh về, Một đêm khuya khi phố phường chập chờn giấc ngủ, Em sẽ đón anh, Bằng trái tim thao thức, Và bằng những giọt nước mắt, Mừng vui. Em sẽ khóc trong vòng tay anh còn ướt lạnh sương khuya, Khi áo anh còn thấm gió đường xa, Để nghe anh nói nhỏ, Lời nồng nàn tao ngộ. Nói thật khẽ hở anh phố phường đang ngủ, Để hạnh phúc này, Em gói trọn vòng tay. Nếu anh về, Một đêm khuya trăng tàn bóng xế, Vườn khuya lặng lẽ, Hãy ngồi đây cùng em, Mặc cho ngoài kia cuộc đời dâu bể. Anh sẽ nhìn em bằng đôi mắt dịu êm, Đôi mắt ấy, Em đã từng mơ thấy, Trong những ngày chờ mong, Hãy ngồi thật lâu, Dù đêm xuống mênh mông, Như tình không bờ bến. Và như ngọn lửa trong thần thoại không bao giờ tắt, Cho dù một mai, Em hoặc anh sẽ chết, Nhưng tình yêu này, Tình yêu này còn sống mãi anh ơi ! Nguyễn Thị Thanh Dương |
NHỚ SÔNG, NHỚ BIỂN Anh bây giờ như một xác tàu không, Nằm phơi mình trên bờ cùng năm tháng, Anh đếm mây trời qua đây phiêu lãng, Biết bao giờ mây dừng kiếp giang hồ? Biển và sông vẫn đang đợi tàu về, Những con sóng ngàn năm lên tiếng gọi, Xác tàu buồn nhớ một thời trôi nổi, Nhớ áng mây bay lơ lửng chiều tà. Anh bây giờ người thủy thủ đã gìa, Nhưng hồn anh vẫn một thời trai trẻ, Anh vẫn là cánh buồm căng lộng gío, Trên cột buồm vươn thẳng giữa trùng khơi. Đứng trên bờ nhớ góc biển, chân trời, Hồn anh lại là những khoang tàu ướt, Chuyến hải hành biển vào mùa gió chướng, Sóng đánh tràn vào vẫn đẹp như thơ. Và khi biển êm anh cũng mộng mơ, Màu nước biển xa bờ, màu xanh qúa, Mặt rám nắng, tóc rối bời vì gío, Hai bàn tay anh vì biển dạn dày. Khi tàu qua sông bờ cỏ gío lay, Bao thương nhớ dù sông dài hay ngắn, Anh là lính giữ bình yên sông nước, Để thuyền ai về đẹp giữa sông quê. Anh bây giờ người thủy thủ lên bờ, Bao nhiêu năm đã rời xa sông biển, Sóng ở đâu cũng thấy màu áo trắng, Sông biển nào cũng thấy kỷ niệm xưa. “Tổ quốc đại dương” lồng lộng màu cờ, Bay ngạo nghễ khi tàu, thuyền rẽ sóng, Giữa đời thường hôm nay anh đang sống, Vẫn chạnh lòng thời lính biển ngày xưa. Nguyễn Thị Thanh Dương |
Đơn Giản Đừng tặng em những kinh thành lộng lẫy Cô gái lọ lem sẽ thấy lạc loài Em không kiêu kỳ gõ nhịp giày cao Trên hè phố sang, cửa hàng đắt giả. Đừng tặng em những cuộc vui trưởng giả Tô vẽ cho mình qua lớp phấn son Em không hãnh diện đá quý kim cương Em bình thường vẫn là em giàu có. Hãy tặng em cả bầu trời anh nhé Những lúc nắng về những lúc mưa rơi Suốt bốn mùa em có những buồn vui Trong tầm tay em bao điều muốn nói. Có anh đợi sẽ là sân ga cuối Khi chuyến tàu dừng lại ở sân ga Em không cần một biển cả bao la Một nhánh sông đủ ru đời khao khát. Em thích sống với những điều đơn giản Phố nên thơ khi có bước anh về Em cần gì phù phiếm ở ngoài kia Dù chỉ có tình anh trong phố hẹp. Hoa bên đường cũng cho em lãng mạn Đâu cần anh phải tặng triệu đóa hồng Hãy tặng em những mộng ước thật gần Hãy mời em cà phê chiều thứ bảy. Em chẳng mơ điều quá tầm tay với Để suốt đời theo đuổi mãi hư vô Em vẫn tin sẽ có một sân ga Nơi em đến và anh đang chờ đợi. Nguyễn Thị Thanh Dương (August 07, 2022) |
BÁNH TRÔI TÀU ( Cảm hứng khi thấy món chè này trong you tube) Hà Nội tháng mười hai cuối năm Trời lạnh se mình lá khô cong Ghé vào ăn bánh trôi Tàu nhé Món quà Hà Nội những ngày Đông. Anh hãy ngồi xuống bên cạnh em Cửa hàng chật hẹp càng ấm thêm Người đi vội vã ngoài kia gió Trong này mình đợi món ăn quen. Bánh trôi tàu nóng đi theo mùa Trời lạnh hanh hao người tìm về Những món chè cũ hàng quán cũ Gặp lại nhau dù chẳng hẹn hò.. Thoảng thấy mùi thơm cay của gừng Nước đường cát trắng với mật ong Bột nếp dẻo bánh vo viên đẹp Nhân dừa mè đen, nhân đậu xanh. Bánh trôi tàu béo ngậy nước dừa Đậu phộng rang giã dập thơm tho Vài cọng dừa trắng tinh trên mặt Bát chè hoàn hảo một bài thơ. Bài thơ đẹp của một ngày đông Trời mưa lất phất góp thành vần Ngọt ngào miếng bánh trôi tàu nóng Nhớ nhớ thương thương như tình nhân. Mai này mùa đông trốn mất rồi Bánh trôi tàu nóng cũng vắng thôi Có ai mong khi mùa Thu tới Trời lập đông gió lạnh xuống đời ? Nguyễn Thị Thanh Dương. Bánh trôi tàu ( miền bắc) là chè trôi nước miền Nam |
Người Mỹ Với Chiến Tranh Việt Nam Khi tôi chạm tay vào bức tường đá đen, Tim tôi nhói đau chạm vào qúa khứ, Tôi đọc thấy những họ tên xa lạ, Những người Mỹ gục ngã ở Việt Nam. Chuyến tàu Mỹ vào cảng Đà Nẵng 1965, Đã mang theo những chàng lính trẻ, Các anh xuống tàu nhiệt tình hăm hở, Đâu biết cuộc chiến khốc liệt đang chờ. Chiến tranh, tuổi trẻ hoài bão ước mơ, Đã đưa chúng ta vào vòng sinh tử, Bảo vệ miền Nam hòa bình dân chủ, Đất nước Việt Nam chia cắt hai miền, Đông Hà, Cam Lộ, A Shau, Khe Sanh, Gio Linh, Pleiku, Đắc Tô, Bình Gỉa…. Chiến tranh leo thang, những vùng trận địa, Bắc quân không ngừng xâm chiếm miền Nam. Lính Mỹ từng ngày sống với chiến tranh, Xa tuổi đôi mươi quê nhà êm ả Bao nhiêu hiểm nguy quê người nghiệt ngã Có xác đồng đội chết trước mặt mình. Lính Mỹ và những người bạn đồng minh, Đi cùng miền Nam Việt Nam lửa đạn, Hơn 58 ngàn lính Mỹ đã nằm xuống, Bao người bị thương thể xác lẫn tâm hồn. Lính Việt Nam Cộng Hoà hi sinh trên quê hương, Lính Mỹ mất mát trên quê người xứ lạ, Cùng chiến đấu, cùng chia nhau gian khổ, Tổn thương nào cũng đau đớn như nhau. Người Mỹ không ngờ cuộc chiến dài lâu, Tiêu hao vũ khí bạc tiền nhân mạng, Ai may mắn được trở về nguyên vẹn, Ai thương binh, ai xác phủ quốc kỳ.?! Cuối cùng lính Mỹ cũng đã trở về, Với quê hương và người thân của họ, Cho dù anh về trên bức tường bia đá, Kỷ niệm buồn của cuộc chiến Việt Nam. Nguyễn Thị Thanh Dương |
MÂM CỖ ĐẦU NĂM. Em mời anh vào mâm cỗ đầu năm, Một mâm cỗ đầy với mười hai món, Em nấu buồn vui của mười hai tháng, Nếm lại cuộc đời suốt một năm qua. Món tháng mười hai vừa mới đi xa, Nỗi buồn cuối năm vẫn còn ở lại, Em nêm gia vị gió mùa xuân tới, Anh nếm giùm em giây phút chạnh lòng. Món tháng mười một ngây ngất Thu Đông Mùi nước hoa thơm nồng nàn quyến rũ Của hoa hồng nhung, phong lan tình tự, Anh nếm em trên áo một mùi hương. Món tháng mười mùa Thu thật dễ thương, Những trái cây ngon đi cùng mùa lá, Vườn lá rụng táo trên cành chín đỏ, Anh nếm đi mùi hương táo hẹn hò. Món tháng chín em chép một bài thơ, Thay mùi vị của mùa hè nóng bỏng, Em thả vào thơ chút tình lãng mạn, Anh nếm đi những khoảnh khắc ngọt ngào. Món tháng tám em hái cả trăng sao, Gom ước mơ vào đêm rằm mở hội, Trăng đã tàn, sao rơi vào đêm tối, Anh nếm phôi phai ảo vọng hôm nào. Món tháng bảy trời đất thấm mưa Ngâu, Những khoảng cách đôi bờ chưa nối được, Gia vị nhớ thương em cho nhiều lắm, Anh nếm đi anh sẽ nhớ thương đầy. Món tháng sáu mùa hè đang về đây, Nắng rực rỡ như chưa từng rực rỡ, Mùa hè ngọt qúa không cần gia vị, Anh nếm đi khao khát những tình hè. Món tháng năm, tháng tư và tháng ba, Có bao loài hoa cùng nhau đua nở, Làm rạo rực gió nhẹ rung chuông gió, Anh nếm đi tình tri kỷ của lòng . Món tháng giêng hai như chuyện hoang đường, Mộng và đời còn làm mình ngơ ngẩn, Năm hết tết đến cho mùa xuân thắm, Anh nếm cùng em một mùa xuân ngon. Chúng ta khai vị mâm cỗ đầu năm, Sau những mặn nồng chua cay năm cũ, Mồng một tết nâng ly mừng nhau nhé, Chúc nhau đời là giấc mộng đêm Xuân. Nguyễn Thị Thanh Dương. ( Jan. 05, 2017). |
HẬU PHƯƠNG THỜI CHINH CHIẾN. Tôi chưa bao giờ có người yêu là lính, Một thời tuổi trẻ, một thời chiến tranh, Nhưng tôi đã đi bên cạnh các anh, Những ngày miền Nam Việt Nam khói lửa. Nhà tôi ở một vùng ven thành phố, Gần phi trường nghe cả tiếng máy bay, Tuổi mộng mơ tôi không chỉ gío mây, Đêm hỏa châu rơi vọng về tiếng súng. Là những đêm tôi giật mình thao thức, Có phải hỏa châu từ hướng Lái Thiêu? Đơn vị nào đang trực chiến canh thâu? Thôn xóm, vườn cây đêm về bí ẩn. Hay từ vùng An Phú Đông hẻo lánh? Tiếng súng trong đêm dọ dẫm, nghi ngờ, Người lính nào đã bắn tiếng súng kia? Cầu mong anh được bình yên may mắn. Tôi là hậu phương anh không quen biết, Cũng như tôi chưa được gặp mặt anh, Nhưng chúng ta cùng sống giữa chiến tranh, Cùng khát vọng, buồn vui, cùng tuổi trẻ. Như bao người dân sống trong thành phố, Tôi góp tấm lòng bé nhỏ hậu phương, Cho những người đi vui với gío sương, (Những người đi, có khi không trở lại.) Tôi theo chân anh về miền gío núi, Lạnh đêm về, ngày nắng cháy khô da, Rừng hoang vu hay thôn xóm không nhà, Vùng lửa đạn bao người dân di tản. Tôi theo tàu anh biển khơi dậy sóng, Nước biển mặn như nước mắt mẹ hiền, Theo tàu anh nghỉ phép ghé đất liền, Phố phường đẹp đón anh về dạo phố. Tôi theo anh bay giữa ngàn mây gío, Là cánh chim anh gìn giữ bầu trời, Hỗ trợ những vùng chiến tuyến xa xôi, Tiếng máy bay thét gào trong khói lửa Bên các anh có người yêu, người vợ, Có mẹ cha hay bè bạn, người thân, Và có tôi người em gái không tên, Chia với anh nụ cười và nước mắt. Bao người bình yên, bao người nằm xuống, Bao người trở về tàn phế, bị thương, Và bao tâm tình thầm lặng hậu phương, Đi cùng anh đến cuối mùa chinh chiến. Nguyễn Thị Thanh Dương. |
HÀNG TRAI NĂM XƯA. ( Kính gởi hương hồn anh NĐX August 31,2020) Anh bây giờ ông già hơn tám mươi tuổi trên giường bệnh, Thân thể gầy gò yếu ớt Đôi mắt lạc hồn Anh đã đi qua bao chặng đời vui buồn. Chàng trai năm xua Bắt đầu từ tuổi hai mươi Anh sinh viên con nhà nghèo Mẹ tảo tần nuôi anh ăn học. Đất nước chiến tranh Dang dở chuyện học hành Anh vào quân ngũ Người lính từng đóng quân Củ Chi, Hậu Nghĩa Đến Quảng Trị, Khe Sanh… Mẹ nhớ thương anh. Bao giờ con về thăm? 30 tháng Tư 1975 Anh đi tù Từ nam ra bắc Mẹ lại nhớ thương anh Mỏi mòn chờ mong Bao giờ con trở lại? Anh đến Mỹ ở lứa tuổi trung niên Cuộc sống bình yên Bên mái gia đình nhỏ Người lính trẻ dọc ngang năm xưa giờ đây già nua tàn tạ Nay ốm mai đau Và lặng lẽ từ giã cỏi đời không một lời trăng trối. Nhưng tôi hiểu Người lính trong anh chưa bao giờ chết Mộng sông hồ chưa bao giờ khô cạn Tình yêu quê hương vẫn còn đầy Vĩnh biệt kiếp này. Nếu có kiếp sau Anh vẫn là chàng sinh viên con nhà nghèo Lại bắt đầu từ tuổi hai mươi… Nguyễn Thị Thanh Dương ( June. 06- 2022) |
TÌNH EM MÙA THU Cầm thỏi son môi mùa Thu về, Anh muốn em sẽ chọn màu gì? Cho em chọn son màu quế nhé, Một chút sắc thu một chút hè. Cầm thỏi son môi lại ngập ngừng, Màu son nào anh sẽ vui lòng ? Cho em chọn son màu đỏ thẫm, Khi gió lạnh về giữa thu đông. Màu son của mùa Thu rong chơi, Theo em để làm đẹp cuộc đời, Màu son em nói điều gì nhỉ, Là giữa đám đông nhớ một người. Mở tủ ra tìm áo khoác thêm, Màu áo nào sẽ đẹp lòng anh, Cho em chọn một màu tím nhé, Em nhớ anh tím cả hoàng hôn Chiếc áo này em sắm đã lâu, Bâng khuâng em sợ áo đổi màu, Rừng trăm năm là bay về cội , Tình trăm năm chúng mình về đâu ? Ngoài chợ bán nhiều loại hoa thơm, Em muốn mua tất cả mùi hương, Mùa Thu không bán mây và gió, Mà gió mây trời ở bốn phương Sắc màu mùa Thu là tình em, Những màu hoa, màu áo, màu son, Điều đơn giản là điều tha thiết, Em yêu mùa Thu và yêu anh. Nguyễn Thị Thanh Dương. ( October 31, 2017) |
HẸN GẶP NHAU Ở TRÊN SÂN GA Hẹn gặp nhau ở trên sân ga, Anh sẽ về sáng sớm tinh mơ ? Em đến khi sân ga còn vắng, Tàu đưa anh về trong sương mờ. Em nắm thật lâu bàn tay anh, Sợ phút giây tao ngộ qua nhanh, Thương qúa bàn tay còn hơi lạnh, Của người về từ chốn xa xăm. Hẹn gặp nhau ở trên sân ga, Anh sẽ về bằng chuyến tàu trưa? Em đến khi sân ga đầy nắng, Nắng cũng như em nắng đợi chờ. Ở giữa sân ga, giữa đám đông, Nhưng em chỉ thấy một mình anh, Anh ơi tháng năm dài xa cách, Người trở về tình qúa mênh mông. Hẹn gặp nhau ở trên sân ga, Anh sẽ về khi buổi chiều tà ? Phút đợi chờ sao mà lâu thế ! Chiều có anh nên chiều thiết tha. Khi anh vừa bước chân xuống tàu, Đã thấy cuộc đời là của nhau, Kề vai đi nhé ! Hoàng hôn xuống, Tình cũ mà như mới bắt đầu. Hẹn gặp nhau ở trên sân ga, Anh sẽ về bằng chuyến tàu khuya ? Dù đêm trăng sáng hay đêm tối, Đêm vẫn là đêm của hẹn hò. Chuyến tàu này chắc sẽ thưa người ? Sau một ngày bận rộn ngược xuôi, Anh về trên một chuyến tàu cuối, Vẫn kịp cho đêm tình chơi vơi. Hẹn gặp nhau ở trên sân ga, Em đã thao thức từ hôm qua, Xin tàu đưa anh đừng lỡ hẹn, Anh lại gần như chẳng hề xa. Nguyễn Thị Thanh Dương. ( Oct. 11- 2011) |
GIÁNG SINH NGỌT NGÀO Đón với em mùa giáng sinh này, Gió lạnh nhiều cuối tháng mười hai, Hôm qua tuyết rơi không ngừng nghỉ, Thành mùa giáng sinh trắng tinh khôi. Lạnh thì lạnh mấy nẻo phố phường, Áo khoác ơi che ấm người thương, Đêm nay gió đi về đâu nhỉ, Ngọn gió mùa đông lạc giữa đường. Trước thềm nhà em đón giáng sinh, Giải ruy băng đỏ, lá thông xanh, Lòng em rực rỡ vòng nguyệt quế, Treo trước cửa nhà thương nhớ anh. Những chậu hoa dọc theo lối vào, Được giăng mắc những ngọn đèn màu, Đêm giáng sinh đèn hoa thắp sáng, Lấp lánh niềm vui mình yêu nhau. Ước nguyện diệu kỳ một đêm đông, Điều tốt đẹp cho khắp thế gian, Em thắp ngọn nến mùa lễ vọng, Ngọn nến nào thắp mùa nhân duyên. Đón với em mùa giáng sinh vui, Chiếc bánh xinh đẹp hình khúc cây, Chiếc kẹo bạc hà cay thi vị, Một ly rượu đỏ để mà say. Bài thánh ca hát từ giáo đường, Bài tình ca hát từ trái tim, Lắng nghe khúc nhạc du dương ấy, Vui hường ngọt ngào đêm giáng sinh. Nguyễn Thị Thanh Dương. |
THƯA ANH… Anh và tôi thành phố rất gần Thỉnh thoảng anh vẫn ghé đến thăm Dù anh có đến hay không đến Tôi vẫn yêu đời lắm…thưa anh. Cuộc sống đi về chỉ mình tôi Đèn khuya một bóng ánh đèn soi Nhạc khuya ru hồn vào giấc ngủ Tôi đã quen đời cảnh lẻ loi. Tôi từng có một bầu trời xanh Tưởng đời là giấc mộng đêm Xuân Trái tim bị thương đã nguội lạnh Chẳng dám yêu ai nữa…thưa anh. Anh là bạn thân bấy lâu nay Chia sẻ những ưu tư vơi đầy Anh đừng buộc gió vào tim nhé Đừng mộng mơ nhiều kẻo gió bay. Nhất định tôi ,,,thề không đổi thay Tôi sẽ mình tôi trên đường dài Anh đừng buộc nắng vào tim nhé Đừng gởi trao gì nắng sẽ phai. Thế mà chỉ có một buổi chiều Anh ghé thăm và ngỏ lời yêu Uống trà với anh mà…thấm thía Chẳng mưa chẳng gió chẳng vì sao. Tôi thấy lòng mình lạnh gió mưa Cần anh hơi ấm đang gần kề Bức tường thành trong tôi xụp đổ Thưa anh…thưa anh…em đã thua. Nguyễn Thị Thanh Dương. ( March 20, 2022) |
QUỲNH THÁNG NĂM. Đêm qua hoa Quỳnh nở Lúc nào tôi không hay Quỳnh âm thầm rực rỡ Bước vào cõi trần ai. Kiêu sa trong bóng đêm Một lần sống và chết Quyến rũ một mùi hương Cho lòng tôi mê mệt. Sáng nay tôi thức dậy Cứ tưởng còn ngủ mơ Ra vườn sau chợt thấy Đóa Quỳnh nở bao giờ. Tôi trách tôi vô tình Để cho hoa bỡ ngỡ Đêm qua Quỳnh một mình Có lạnh không vì gió? Tôi trách Quỳnh nữa đó Sao không hẹn với tôi Một đêm khuya tình tự Tôi và Quỳnh chơi vơi. Hỡi đóa Quỳnh tháng Năm Tinh khôi màu hoa trắng Tôi mơ một tình Xuân Dẫu là phù du lắm. Hôm nay Quỳnh héo tàn Hương thơm bay đâu mất Tháng Năm này vẫn còn Tình Xuân chưa vơi hết. Nguyễn Thị Thanh Dương ( May 04- 2022) |
Quá Khứ Người ta có thể đi ngược dòng sông Ngược dòng thời gian thì xa xôi lắm Một giây phút qua đã là khoảng cách Tôi tìm hoài quá khứ giữa hư vô. Ước gì quá khứ là cánh đồng kia Tôi có thể đến dạo chơi lần nữa Hay căn nhà cũ tôi vào mở cửa Phủi bụi thời gian của những ngày qua. Quá khứ ở đâu? Mà sao rất xa Không thể tìm dù bước chân vạn dặm Không thể tìm dù chắp thêm đôi cánh Ngày hôm qua tôi chìm khuất nơi nào? Tôi ước gì được đi ngược dòng đời Nếm lại những ngọt ngào và cay đắng Đi ngược lại một thời bao lối mộng Dẫu trăm lần lầm lỡ, vạn lần thua. Quá khứ xa vời như ánh sao khuya Thăm thẳm trời đêm tôi không chạm được Tôi mơ màng của vầng trăng đêm trước Đêm nay trăng cổ tích ấy đâu rồi? Tôi vẫn yêu từng quá khứ buồn vui Từng khoảnh khắc cuộc đời tôi đã sống Ai bán cho tôi thời gian lắng đọng Ai mua giùm tôi tuổi xanh đã già? Tôi không thể nào quay lại hôm qua Ngày hôm nay cũng sẽ thành quá khứ Cám ơn người quen, người không quen nhé Đã đi vào kỷ niệm của đời tôi. Nguyễn Thị Thanh Dương ( April, 11, 2022) |
Thêm tác phẩm của văn thi sĩ Nguyễn Thị Thanh Dương trong trang website VB VĐBHK![]() Vui lòng bấm vào hàng chữ này |
YÊU LÍNH. Lớn lên trong thời buổi chiến tranh 16 tuổi mộng mơ tôi và Bích Hợp là hai đứa bạn thân cùng xóm, cùng say mê nghe nhạc lính đến nỗi yêu lính và ao ước được là người yêu của lính. Nhưng biết tìm đâu ra chàng lính chiến để mà yêu? Trong xóm có vài anh đi lính mà tôi không quen, chỉ quen anh Phượng gần nhà, anh cũng vừa đi lính, anh ấy có bao giờ để ý đến tôi đâu và mẹ anh thì khó tính quá nên tôi chỉ dám mơ thầm.. Bích Hợp hát hay, nó thường hát cho tôi nghe bài “Hành trang tạ từ” và “Một người đi”. Hai đứa cùng bồi hồi thổn thức, chỉ mong có người yêu là lính để được…chia tay tiễn anh như lời trong bài hát “Đây gói hành trang xếp lại cho tròn để anh đi nhé…”.Hay là“Tôi tiễn anh lên đường trời hôm nay mưa nhiều lắm…” Có những buổi chiều…buồn ( chẳng biết lý do buồn cái gì nữa?) tôi và Bích Hợp rủ nhau đạp xe đi…hái trộm xoài tại vườn nhà ông Trịnh Đình Thảo. Khu vườn xoài rộng lớn có ngôi biệt thự luôn kín cổng cao tường, chúng tôi biết thế mà vẫn cứ mơ có ngày vào được bên trong để hái trộm xoài. Không hái được xoài thì chúng tôi đứng ngoài cổng song sắt phóng tầm mắt vào ngắm những quả xoài xanh non treo lủng lẳng trên cành cũng thích lắm và tưởng tượng món xoài xanh chấm muối ớt. Chiều nay cũng thế, ngắm vườn xoài xong tôi rủ Bích Hợp vào…nghĩa trang chơi. Nghĩa trang quân đội Gò Vấp nằm đối diện gần vườn xoài của ông luật sư Trinh Đình Thảo. Lần đầu tiên vào nghĩa trang cả hai đứa chúng tôi đều thích vì cảnh đẹp vắng lặng êm đềm với những con đường trải sỏi giữa những dãy mộ thẳng hàng. Tôi và Bích Hợp đã đi qua từng dãy mộ, tò mò đọc tên, đọc nguyên quán, đọc ngày sinh ngày tử và nhìn hình ảnh từng tử sĩ. Hai trái tim khờ của chúng tôi đều chạnh lòng thương cảm. Bỗng Bích Hợp sáng kiến: – Chúng mình có người yêu là lính đây rồi, những anh hùng đã hi sinh vì tổ quốc, mỗi đứa chọn một anh đi, có hình ảnh, có tên tuổi để mà…thương. Thỉnh thoảng chúng mình sẽ đến đây thăm các anh. Tôi thấy cuộc chơi này cũng thú vị nên hí hửng nghe theo Bích Hợp. Hai đứa vừa mới chạnh buồn lại vui vẻ ngay, ríu rít đi tìm “người yêu” cho mình. Tôi chọn anh Nghiêm văn Hải 21 tuổi, bằng tuổi anh Phượng và có nét mặt hiền hiền giống anh Phượng. Hình ảnh bán thân của anh Hải trong quân phục trên bia mộ thật hiên ngang và đẹp trai. Bích Hợp chọn anh Nguyễn văn Tùng vì thích mái tóc bồng bềnh của anh ấy. Cả hai anh đều độc thân chưa vợ con, do cha mẹ lập mộ. Thế là nỗi buồn không tên của buổi chiều nay đã trở thành ý nghĩa, cả hai đứa đều vui và hãnh diện vì đã có người yêu là lính. Hai đứa bàn bạc từ nay nếu có dịp thì cứ khoe ra cho oai và dĩ nhiên phải nói là người yêu đang bận chiến chinh đâu đó, xa lắm, mai mốt anh mới về thăm. 16 tuổi nhưng tôi vẫn còn nhiệm vụ trông em, trông đứa em 3 tuổi cho mẹ tôi bán hàng. Tôi thương em lắm, em cũng bám theo tôi không rời nhưng thỉnh thoảng tôi vẫn…lừa nó ở nhà để đi chơi riêng với Bích Hợp. Chủ nhật tuần sau tôi và Bích Hợp sẽ đi thăm “người yêu”. Tôi dọa em tôi : – Chị đến chỗ này có nhiều ma lắm, em đừng đi theo chị . Lần này đến nghĩa trang có chủ đích, có hương hoa đàng hoàng. Đi ngang qua chợ Hạnh Thông Tây chúng tôi ghé vào mua bó hoa Vạn Thọ ( cho rẻ tiền) và một bó nhang. Đạp xe qua khỏi chợ một hồi, chúng tôi chằng màng tới vườn xoài bên kia nữa mà quẹo thẳng vào nghĩa trang quân đội, chia hoa và thắp nhang cho hai mộ anh Nghiêm Văn Hải và anh Nguyễn văn Tùng như đã thân thiết với các anh từ lâu lắm rồi. Một hôm anh Phượng về phép thăm nhà, anh đi ngang qua nhà tôi thấy tôi đứng ngoài sân liền dừng chân hỏi thăm: – Em Bông khỏe không? Thấy “thần tượng” người lính bằng xương bằng thịt mà mình thầm mơ tôi bối rối vụng về không biết nói năng chi, liền vay mượn những câu trong bài hát “Trên bốn vùng chiến thuật” của Trúc Phương để hỏi anh : – Chào anh Phượng. Anh thường đi đó đây trên bốn vùng chiến thuật, chắc anh đang đóng quân ở Pleime gió mưa mù hay Tây Ninh nắng nung người hay Đồng Tháp vắng bóng hồng phải không.? Chẳng biết anh khen hay anh mỉa mai: – Trật lất, đơn vị anh ở Phú Giáo Bình Dương. Coi bộ em thuộc nhạc lính ghê nhỉ. Anh bây giờ là người lính, tác phong người lính rắn rỏi phong sương, không là anh Phượng thư sinh nữa càng làm tôi mến mộ. Tôi vừa muốn khoe vừa muốn thử lòng anh Phượng xem anh có “đau khổ” tí nào không: – Em có người yêu là lính rồi. Anh không lộ vẻ gì buồn cả mà ngạc nhiên: – Ủa, lạ quá ta. Nãy anh gặp Bích Hợp và hỏi thăm, cô nàng cũng tự động khoe có người yêu là lính rồi. Không lẽ con gái xóm mình yêu lính dữ vậy? Rồi anh bỏ đi không ý kiến gì thêm làm tôi tức cành hông. Anh Phượng trở về đơn vị để lại lòng tôi bâng khuâng nhung nhớ. Tôi và Bích Hợp vẫn cùng nhau nghe những bài nhạc lính và vẫn thỉnh thoảng buổi chiều đến nghĩa trang quân đội Gò Vấp thăm “người yêu” trong những buổi chiều buồn vu vơ. Không biết gia đình anh Nghiêm Văn Hải ở đâu? có khi nào ghé thăm mộ anh không? Hay chỉ có tôi với những bông hoa Vạn Thọ và vài nén nhang đến thăm anh, một “người yêu” mà anh không biết mặt, chẳng biết tên. Anh Hải ơi vì quê hương chinh chiến anh đã hi sinh và yên nghỉ nơi nghĩa trang xóm em nên em mới “có duyên” gặp gỡ anh trong cảnh ngộ này. Chiến sự càng ngày càng khốc liệt, những chuyến xe tang mang xác tử sĩ từ chiến trường về nghĩa trang quân đội Gò Vấp càng nhiều. Tôi và Bích Hợp đã một lần chứng kiến cảnh thê lương cùng với gia đình một người lính chết trận tại nhà quàn trong nghĩa trang. Hình ảnh thi thể bó gọn trong tấm poncho bốc mùi tử khí, mẹ anh và vợ anh ngất xỉu, hai đứa trẻ thơ ngơ ngác, tiếng khóc của thân nhân thảm thiết. Hai đứa tôi sợ lắm đứng co rúm vào nhau nhưng vẫn tò mò muốn xem, Chưa có buổi chiều nào u ám đến thế. Tôi và Bích Hợp ở lại nghĩa trang đến chiều dần tàn mới vội vàng đạp xe về nhà mà tưởng như những tiếng khóc từ nghĩa trang vẫn còn đuổi theo. Hôm sau tôi bị cảm sốt nặng, nằm thiêm thiếp. Chắc vì chiều qua nghĩa trang nhiều gió và vì hơi lạnh tử khí ám vào người tôi. Mẹ tôi tra hỏi Bích Hợp chiều qua hai đứa đi đâu mà về muộn, Bích Hợp khai ra hết, mẹ la mắng cả hai đứa và cấm chỉ từ giờ không được đến nghĩa trang nữa kẻo ma…bắt hồn chúng tôi. Không được “đùa cợt” với người đã khuất, hãy để linh hồn họ yên nghỉ. Sau vụ chứng kiến đám tang ấy chúng tôi đã bị ám ảnh trong nỗi sợ và nỗi buồn, khỏi cần mẹ cấm hai đứa cũng từ bỏ luôn. Cuối năm anh Phượng về thăm nhà, gặp tôi đầu ngõ anh cười cười hỏi thăm: – Sao, “người yêu của lính” khỏe không? Tôi ỉu xìu: – Em không còn là người yêu của lính nữa. – Biết rồi, mẹ em kể cho mẹ anh nghe hết rồi, chuyện em và Bích Hợp “yêu lính”, yêu người tình thiên thu tại nghĩa trang quân đội Gò Vấp đã hạ màn sau một trận ốm kịch liệt. Tôi quê quá vội bước đi, anh Phượng nói với theo: – Cô bé 17 tuổi kia ơi, có bằng lòng làm người yêu của lính với…anh không? Cho dù anh có nói đùa, cho dù anh “ trêu chọc” tôi, thì tim tôi vẫn đập loạn xạ, rộn ràng sung sướng. Nhưng tôi chợt… khựng lại không dám mừng vui nữa và tự hỏi anh Phượng có nói câu này với Bích Hợp không và giữa hai đứa chúng tôi, anh…yêu ai? Nguyễn Thị Thanh Dương ( June 09- 2022) CHÀNG TRAI NĂM XƯA. ( Kính gởi hương hồn anh NĐX August 31,2020) Anh bây giờ ông già hơn tám mươi tuổi trên giường bệnh, Thân thể gầy gò yếu ớt Đôi mắt lạc hồn Anh đã đi qua bao chặng đời vui buồn. Chàng trai năm xua Bắt đầu từ tuổi hai mươi Anh sinh viên con nhà nghèo Mẹ tảo tần nuôi anh ăn học. Đất nước chiến tranh Dang dở chuyện học hành Anh vào quân ngũ Người lính từng đóng quân Củ Chi, Hậu Nghĩa Đến Quảng Trị, Khe Sanh… Mẹ nhớ thương anh. Bao giờ con về thăm? 30 tháng Tư 1975 Anh đi tù Từ nam ra bắc Mẹ lại nhớ thương anh Mỏi mòn chờ mong Bao giờ con trở lại? Anh đến Mỹ ở lứa tuổi trung niên Cuộc sống bình yên Bên mái gia đình nhỏ Người lính trẻ dọc ngang năm xưa giờ đây già nua tàn tạ Nay ốm mai đau Và lặng lẽ từ giã cỏi đời không một lời trăng trối. Nhưng tôi hiểu Người lính trong anh chưa bao giờ chết Mộng sông hồ chưa bao giờ khô cạn Tình yêu quê hương vẫn còn đầy Vĩnh biệt kiếp này. Nếu có kiếp sau Anh vẫn là chàng sinh viên con nhà nghèo Lại bắt đầu từ tuổi hai mươi… Nguyễn Thị Thanh Dương ( June. 06- 2022) |