NGUYỄN VĂN NI(Chú Chín Cali)


Tiểu sử

 
-Bút  hiệu Chú Chín Cali. Sinh trưởng ở miền quê sông nước  tỉnh Bến Tre, năm 1945.
-Kỹ sư Nông nghiệp Sài Gòn. 
-Khoá  6/70 Sĩ quan Thủ Đức.
-Đi Mỹ năm 1973 và ở lại cho đến ngày nay
-MS Colorado State University.
 
Việc Làm
 
-Giảng Viên trường  Cao Đẳng Nông Nghiệp (Cần Thơ),  
-Customer Engineer ( IBM), 
-Water Resource Engineer (Arizona Water Resources Dept, State of Arizona).
-Chuyên gia  USAID ( US Agency for International Development), nhiệm  sở ở Phi châu, Jamaica. 
-Staff member of  LSU International Programs (Louisiana State University).
 
Tác  phẩm:
 
Bắt đầu tập  viết truyện ngắn năm 70 tuổi để dự thi chương trình Viết Về Nước Mỹ, đươc giải Danh dự và giải Tác phẩm , còn gọi là Á Khôi.
Ngoài 31 truyện ngắn được được đăng trên tờ Việt Báo có thể  tìm đọc qua mạng  Vietbao.com, VVNM, còn  nhiều tác phẩm khác tìm thấy trên Blog “Chuchincali.blogspot.com”. Đọc giả Google search “Chú Chín Cali” ( có dấu) cũng  tìm được chuyện ngắn của Chú Chín Cali
 
Tiếng Quê Hương


Thuyền câu
Tôi đến công viên nầy cốt ý là để nhìn đám bồ câu quen thuộc, nhất là những con bồ câu trống gật gù múa may quay cuồng  ve vản các chị bồ câu mái. Tiếng gù và dáng điệu đặc thù của loài bồ câu làm tôi nhớ lại những kỷ niệm thời thơ ấu. Có ông chú ở xa đến thăm ba tôi mang cho một cặp bồ câu ra ràng để làm mồi anh em nhậu. Thấy chúng dễ thương, anh em tôi xin được giữ lại để nuôi. Và từ đấy, nhà tôi đầy bồ câu đậu ngang dọc trên mái nhà, đợi được vảy cho nắm lúa là xà xuống tranh ăn. Mỗi lần nhìn thấy bồ câu tôi lại thấy nhớ nhà.
Còn bao nhiêu âm thanh và hình ảnh quê hương quen thuộc khác làm người ta thương nhớ. Tôi sinh trưởng ở vùng quê  nên quê hương đối với tôi là hình ảnh ruộng rẩy quê mùa. Làm sao tôi quên được tiếng “nghé ngọ” và dáng đi lửng thửngcủa đàn trâu về chuồng sau một ngày làm việc vất vả. Trước sân nhà tôi có cây mận xum xuê nơi đàn chim sẻ tụ tập về mỗi buổi chiều để nhiều chuyện với nhau om sòm trước khi đi ngủ. Sau vài trận mưa đầu mùa, khi trời vừa xập tối là ếch nhái kêu vang rền trên cánh đồng xâm xấp nước sau nhà. Tôi thích nghe tiếng mưa rơi lộp độp trên mái nhà lúc nửa đêm. Những đêm trăng thanh gió mát, văng vẳng theo gió nghe tiếng chày giả gạo chày đôi chày ba, hay tiếng quết bánh phòng xập xình những ngày gần Tết. Còn gì thú vị hơn khi được nằm nướng trên giường lắng nghe tiếng chim Chìa vôi chimChào mào tranh nhau hót cùng với tiếng gà gáy đón bình minh. Có con giọng gáy lảnh lót thanh tao, có con giọng khàn khàn, có chú gà tơ đang tập gáy, giọng rè rè, cụt ngủn. Đêm về tĩnh mịch, như nghe được tiếng thì thầm của các loại côn trùng và tiếng thở của các loài cây cỏ. Thỉnh  thoảng không gian bị phá vở bởi tiếng cú đêm hay tiếng chim vạt gọi đàn. Côn trùng rỉ rả thâu đêm, ru vạn vật vào giấc ngủ êm đềm, trả lại cho không gian sự yên bình trong tĩnh lặng cố hữu của nó.
Những âm thanh thân thương nầy đã ghi sâu vào ký ức của tôi, gắn liền với đời sống như tiếng ru của mẹ gắn liền với đứa bé từ khi mới sinh ra; tuy nghe hằng ngày nhưng nó không bao giờ thấy chán, không thể ngủ yên khi thiếu vắng. Nó đã trở thành tiếng của quê hương.
“Tôi yêu tiếng nước tôi, từ khi mới ra đời, người ơi. Mẹ hiền ru những câu xa vời. À … ơi! Tiếng ru muôn đời” *
 
Quê hương nào cũng có tiếng ru của nó. 
Tiếng ru của quê tôi là âm thanh của miền Nam sông nước, mưa nắng hai mùa, là tiếng lao xao của cánh đồng lúa chín, hay tiếng rì rào của rặng dừa soi bóng nước; có lúc rộn rã như tiếng mưa rào rơi trên mái lá, hay vang vang như tiếng ve sầu những trưa hè nắng đổ; có lúc thì thào như tiếng gió chướng thổi lao xao trên bụi chuối hàng cây, còn thoang thoảng đâu đây mùi thơm của hoa cau hoa bưởi.
Tôi là cậu bé nhà quê, lớn lên nhờ dòng sữa mẹ và tiếng ru của quê hương, như cây bần xanh mọc hoang ven sông, vương cao nhờ nguồn nước phù sa và tiếng thì thầm của dòng sông lộng gió. Gió mát trăng thanh ấp ủ tâm tư. Nắng sớm mưa chiều làm xạm da xanh tóc. Hương đồng cỏ nội đã ung đúc tâm hồn cậu bé chân quê có tâm hồn mộc mạc rộng mở như bầu trời bao la của cánh đồng lúa mênh mông, thơm mùi lúa trổ đồng đồng hay mùi gốc rạ vừa mới cắt. Căn nhà tranhmái lá là nơi tôi cất tiếng khóc chào đời, bập bẹ tiếng nói đầu tiên, gọi cha gọi mẹ. Dòng sông trước nhà là nhân chứnglịch sử, nơi ghi chép những kỷ niệm của một thời thơ ấu, nơi tôi lặn hụp vui chơi, chèo ghe, tắm mát, câu cá, bắt cua. 
Chân đất lấm bùn, lưng trần xạm nắng, tóc khét mùi phèn, tôi lớn lên với những người dân ruộng rẩy quê, nghe quen giọng nói ngọng nghịu vì không phát âm được vần R, V, G,  Tr, Th như: đi “dìa”, con cá “gô” ở “chong” “gổ” nhảy “gồ gồ”.
Với trí nhớ thô thiển của trẻ con, thuở xưa, đời sống sao mà yên vui, thanh  bình và hạnh phúc quá. Lần đầu tiên, người dân được thật sự nếm mùi độc lập tự do sau gần một thế kỷ bị Tây đô hộ, giặc giã triền miên. Họ vô cùng hồ hỡi đón nhận đời sống mới với cả tấm lòng. Họ chí thú làm ăn. Bà con lối xóm đối xử nhau thân tình, không đố kỵ, không ganh ghét, không hận thù. Nhà không cần đóng cửa. Rào không cần đóng cổng. Nhà mới mọc lên ven sông. Trường học, nhà thương, chợ búa khoe màu ngói mới. Trên đường xe cộ dập dìu, dưới sông ghe thuyền tấp nập. Đời sống sao mà vui quá.
Nhưng tiếc thay, hương vị thanh bình người dân được hưởng chỉ trong 9 năm ngắn ngủi trong thời Đệ nhất Cộng hòa (1954-1965) và giai đoạn đầu của 10 năm của thời Đệ Nnhị Cộng Hoà (1965-1975), chấm dứt khi thôn xóm xuất hiện những bóng ma đêm, mang đến lá cờ máu, gieo rắc sự sợ hải, chết chóc và hận thù nơi thôn xóm an bình. Họ về đây với chiêu bài “cách mạng” và hô hào “giải phóng”, tuy không biết họ cách mạng cái gì, giải phóng cho ai, trong khi người dânđang sống trong thanh bình ấm no hạnh phúc. Đời sống ở nông thôn bắt đầu bị xáo trộn từ độ ấy. Có xác người trôi sông, tay chân bị trói, hay xác chết vất giữa chợ, trên lưng cấm bản án tử hình. Tiếng chó sủa đêm làm người ta ớn lạnh, rùngmình. Tử thần lảng vảng đâu đây. Nhà nhà cửa đóng im lìm, then cài cẩn thận khi trời sập tối. Sự sợ hải ăn sâu vào tim nảo không sao xoá được. Người ta run sợ khi nghe tiếng súng nổ xa xa, tiếng rì rì của máy bay thám thính, tiếng đạn pháonổ đì đùng. Quân giải phóng về vây đồn, bắn sẻ, pháo kích, gài mìn, đấp mô chận xe rồi biến mất để lại thôn xóm hứng chịu những hậu quả vì sự phẫn nộ của lính quốc gia trả đủa. Không thấy giặc nào chết mà chi thấy toàn dân lành lảnh đủ. Dân chúng lần lượt tản cư về khu an ninh sinh sống, để lại xóm làng hoang vắng tiêu điều.
Từ đấy quê hương ta xác xơ trong loạn lạc. Cây mọc trên sa mạc trở thành cằn cổi góc gai. Người sống với chiến tranh trở thành vô tâm vô cảm. Giới trẻ được nuôi dưỡng với sắc máu hận thù. Lớn lên trong chiến tranh, tâm hồn trong trắng ngây thơ của trẻ con bị vẩn đục với các hình ảnh đau thương, tan tóc, chết chóc, hận thù. Chúng biết thế nào là kinh sợ khi tai nghe tiếng rít dài của đạn đại bác bay ngang đầu, hãi hùng với những tiếng nổ kinh hồn làm vở tan những trái tim bé nhỏ. Những gương mặt ngây thơ nay biết đăm chiêu. Những tiếng cười hồn nhiên thay thế bằng tiếng khóc tức tưởi nghẹn ngào. Miền Nam khóc ngày quốc hận. Huế khóc Tết mậu thân. Quảng Trị khóc đại lộ kinh hoàng, Mỹ Lai khóc làng bị tàn sát. Thuyền nhân khóc cảnh tử biệt sinh ly. Cha mẹ khóc con. Vợ khóc chồng. Con khóc cha. Quê hương ta khóc ngất từ độ ấy. Tiếng khóc thật não nùng, thấu tận trời xanh.
Sau biến cố năm 1975, người miền Nam không khóc nữa, hay đúng hơn không ai dám khóc. Họ chỉ nhìn nhau với đôi mắt đỏ hoe, đôi môi miếm chặt. Sống trong địa ngục trần gian họ quá bận lo kiếm ăn nên đâu có thời gian để khóc. Hàng trăm ngàn tù nhân trong các trại tù trong rừng sâu núi thẩm đâu còn nước mắt để khóc. 
Người dân câm nín nhưng vẫn không được để yên với tiếng loa phóng thanh inh ỏi chỉa thẳng vào tai bắt phải nghe từ khi mặt trời chưa mọc. Nó hành hạ tinh thần kẻ chiến bại còn tàn nhẫn hơn là sự đói khổ hay ngục tù. Loa phóng thanh càngto, nguời dân càng câm nín. Họ giao tiếp nhau bằng những ánh mắt lo âu, ngao ngán, bằng tiếng thở dài hay cái lắc đầu tuyệt vọng.
Rồi họ âm thầm rủ nhau vượt biên, ra đi tìm sự sống trong cỏi chết. Hành trang mang theo là một nửa trái tim rướm máu, ngổn ngang hình ảnh quê hương tan tác và thất vọng não nề. Một nửa trái tim còn để lại với quê hương.
Quê hương trong tôi tắt tiếng luôn từ dạo ấy.
***
Ai xa cha mẹ mà không thấy thiếu tình thương, ai xa quê hương mà không thấy nhớ nhà, nhiều khi nhỏ lệ:          
“Chiều chiều ra đứng ngỏ sau. Trông về quê mẹ ruột đau chín chiều”.
 
Có một thời gian tôi làm việc ở Phi Châu; nơi đây gần như không có người Việt Nam để nói chuyện. Nhiều khi mấy tháng trường tôi không nói tiếng Việt Nam nên thấy nhớ, cái nhớ lạ lùng, cũng như lâu zngày không ăn cơm Việt Nam thấy thèmcanh chua cá kho tộ. Tôi chỉ nói chuyện với con vẹt Congo đuôi đỏ mà tôi nuôi trong nhà làm bầu bạn. Nơi đây, trênnhững cánh đồng, lác đác có những đàn cò trắng lom khom đi kiếm ăn, khung cảnh giống y như cảnh đồng ruộng ở Việt Nam. Nghe động, đàn cò vụt bay đi, miệng kêu “cò, cò, cò” làm tôi giựt mình. Tiếng kêu “cò, cò, cò” nghe sao quen thuộc quá, thân thương quá, nghe như có cái gì vừa chạm đến trái tim. Thì ra tôi vừa chợt nghe tiếng nói của quê hương, âm thanh mà tôi từng nghe hằng ngày trên cánh đồng lúa trước nhà lúc tôi còn bé. Mỗi buỗi chiều khi mặt trời xuống thấp núp sau rặng dừa bên sông, gió mát thổi hây hây, mấy 
anh em tôi hay ngồi trên ngạch cửa nhìn những đàn cò bay là đà về tổ, có hàng ngũ chỉnh tề, trông thật thanh bình nhàn hạ thảnh thơi. Tôi chợt tỉnh, bàng hoàng. Đây rồi, tôi vừa nghe tiếng nói của quê hương tuy cách xa nghìn dặm.
Cây có cội, nước có nguồn. Chim cò còn có tổ để bay về đoàn tụ. Con người sao để mất quê hương, xa cội mất nguồn! 
Tôi bổng thấy tủi thân,  nhớ nhà. 

Mẹ tôi
Và mỗi lần thấy nhớ nhà tôi lại nhớ đến mẹ tôi. Mẹ già là hình ảnh ấn tượng nhất của quê hương, là mái ấm gia đình, là tình thương ấm áp. Mất quê hương có khác gì mất mẹ. 
Chiều chiều chim vịt kêu chiều. Bâng khuâng nhớ mẹ chín chiều ruột đau.
Chú Chín Cali
Viết cho những kẻ tha phương còn vấn vương với quê hương đất mẹ. 
Nhớ Mùa Gió Chướng
Chú Chín Cali


Giữa tháng mười âm lịch, sau vài đám mưa cuối mùa, thường là những trận mưa giông dữ dội, bà con Nam bộ đón gió Chướng về.
Bà nội đầu choàng khăn kín mít vì lạnh, ngồi bó gối trên cái chỏng tre trước nhà, lọ mọ vừa ngoái trầu vừa vểnh tai lắng nghe tiếng gió thổi xào xạc ngoài vườn. Gió đùa quanh sân nhà, vờn sóng trên sông, đong đưa những tàu dừa nghiêng ngả. Bà tặc lưỡi:
–        Chà…gió Chướng đã về rồi,… thổi mạnh dữ ha!
Gió về như con bướm đầu Xuân xuất hiện, báo hiệu mùa mưa lê thê chấm dứt thay thế bởi mùa Xuân với nhiều hứa hẹn những ngày vui Tết đã cận kề. Gió mang theo nguồn sinh khí mới làm lòng người cũng thấy rộn rã nôn nao theo từng cơn gió thổi:
Một năm là mấy tháng Xuân
Ăn chơi cho thỏa phong trần ai ơi!
Gió Chướng chính là ngọn gió mùa Đông Bắc, một trong hai ngọn gió chính ở Việt Nam, khi thổi qua miền Bắc được gọi là gió Bấc mang theo mưa phùn giá buốt của mùa Đông, nhưng khi thổi qua vùng đồng bằng châu thổ sông Cửu Long lại là ngọn gió khô mát mẽ được bà con miền Nam gọi là gió Tết. Gió Tết nhắc nhở người dân Nam bộ dù có bôn ba xuôi ngược nơi đâu cũng phải chuẩn bị về nhà ăn Tết:
Dù ai buôn bán nơi đâu
Nhớ đến ngày Tết rủ nhau mà về.
Từ nghìn xưa ngọn gió Đông Bắc ảnh hưởng sâu đậm đến đời sống của người dân Việt. Tính chất khắc nghiệt của ngọn gió Bấc miền Bắc và sự lãng mạn trữ tình của ngọn gió Chướng miền Nam đã làm đề tài sáng tác cho bao nhiêu tác phẩm văn chương để đời trong kho tàng văn học Việt Nam.
Tôi sinh trưởng ở miệt vườn, nước ngọt quanh năm, cây trái xum xuê, dừa cao bóng mát che kín cả mặt trời nên tầm nhìn bị hạn hẹp. Lần đầu tiên được theo ba đi ghe thu lúa ruộng ở vùng sông nước mênh mông, trời cao đất rộng, đồng ruộng trãi dài mút mắt làm tôi cãm thấy mình bé nhỏ nên thích thú vô cùng. Ghe đi trên sông lớn trống trải nên gió Chướng thổi giật từng cơn mát rượi. Ba cố giữ vững tay chèo cho ghe vượt sóng nhấp nhô, áo quần bay phần phật trong gió. Những lượng sóng to nhỏ dồn dập kéo nhau vào bờ theo con nước lớn nước ròng, làm lao chao đám lục bình đang mùa trổ bông tím nhạt, màu tím quê hương gợi nhiều nỗi nhớ:
 Em nhận ra dòng sông quen thuộc quá
 Hương phù sa châu thổ của quê mình
 Mùa gió Chướng hoa lục bình nở rộ
 Chuyến đò chiều chở tím cả hoàng hôn
(Trích từ phim “Chương trinhký ức miền Tây”)

Hoa Lục Binh

Gió Chướng về làm làm lau sậy trổ bông, cờ lau trắng xóa ngoài đồng oằn oại theo từng con gió thổi.

Cờ Lau trổ bông trắng
Rau muống dại trổ hoa kèn tim tím dọc bờ sông, trên nương rẩy, dưới đầm, trên sân nhà ai hoang vắng cheo leo giữa đồng không mông hoạnh.
                     Chờ anh em hết sức chờ
                     Chờ cho rau muống lên bờ trổ bông.

Hoa rau Muống
Gió Chướng gắn liền với mùa So Đủa trổ bông trắng xóa, hoa đậu Rồng tim tím ấp ủ tình ong bướm mặn nồng. Lúc nầy là cuối mùa cá Linh nên vừa to vừa mập, lại là mùa cá Bông Lau, mùa tôm đất nhảy long chong khi bị bắt lên khỏi mặt nước. Canh chua tôm đất nấu với bông So Đủa, cá Bông Lau kho tộ chắm với đậu Rồng non vừa hái trên giàn là đặc sản của miền Nam, nghe nói đến là đã thấy thòm thèm hương vị quê hương.

Hoa So Đủa
Ngọn gió Chướng thổi vi vu và khí trời se se lạnh là thời tiết lý tưởng để dân làm “rẩy” trồng các hoa màu bán Tết trên đất “giồng” là những vùng đất cao nước ngọt quanh năm. Những cánh đồng lúa vàng chỉ trong một thời gian ngắn đã biến thành những cánh đồng xanh trồng dưa hấu, dưa gang, bí đao, bí rợ, hay những luống rau, luống cải hoặc giàn dưa leo, mướp đắng (khổ qua). Dưa hường, dưa ngọn, đọt bầu, bông bí là những phó sản dư thừa được nông dân bày bán dọc đường, ngoài chợ để kiếm thêm chút tiền lẻ. Lúc ấy món canh dưa hường quen thuộc không thể thiếu sót trong mỗi bữa cơm dân dã hằng ngày:
Má mong gả thiếp về vườn
Ăn bông bí luộc, dưa hường nấu canh”
(Theo Đan Nguyên “Đặc Sản” mùa gió chướng)
Quê tôi lại là xứ chuyên trồng hoa Tết cung cấp cho các thanh phố lớn. Khi mùa mưa vừa dứt hột là mùa hoa kiểng bắt đầu. Màu sắc tươi vui của hoa kiểng trang điểm cho nàng Xuân thêm phần duyên dáng khiến lòng người càng háo hức mong chờ.

Mùa hoa tết
Chim Cu say cảnh động tình kéo nhau về xây tổ gáy rân trong vườn:
Cu kêu ba tiếng cu kêu
Kêu mau đến Tết, dựng nêu ăn chè
Chim Cưởng cũng trong mùa sinh sản cải cọ om sòm trên ngọn cây Dông (cây ngô đồng) cao vút đứng lẻ loi ngoài bờ sông đang nở bông đỏ chói. Tết là mùa vú sữa, mùa xoài đơm bông kết trái, mùa Mai vàng kết nụ nở hoa.
***
Ở Mỹ người ta cũng ăn Tết như ở Việt Nam. Cũng bàn thờ hương khói trang nghiêm, cũng lỉnh kỉnh chưng bày bánh trái hoa quả, cũng ăn nhậu tiệc Tùng. Tiệc tùng rần rộ rồi cũng tan. Khách khứa con cháu ai về nhà nấy, trả lại sự yên tỉnh cố hữu của căn nhà nhỏ và sự tĩnh mịch của tâm hồn. Ngồi một mình, khi tâm hồn lắng động, tôi tự hỏi: “tôi vừa ăn Tết đó sao”? Một cái Tết nhạt nhẽo không hồn!
Đối với tôi, hoa Mai, hoa Đào, hoa Cúc có chưng đầy nhà cũng không làm Tết đến. Tiệc tùng ăn nhậu linh đình cũng không mang đến hương vị mùa Xuân. Tôi ăn Tết nhưng niềm vui không trọn vẹn, cảm thấy có điều gì thiếu thốn bên trong, một nỗi nhớ bâng quơ nặng trĩu trong lòng.
Ăn Tết xứ người chỉ gợi thêm nhiều nỗi nhớ. Tôi nhớ quê nhà. Ngày xưa ăn Tết rất nghèo nhưng thật vui. Tôi nhớ ba tôi chèo ghe chở đàn con lóc nhóc đi sắm Tết. Tôi nhớ má tôi ngồi xắt thịt làm lạp xưởng, nhớ bà con lối xóm ngồi trên bộ vạt tre gói bánh tét cười nói huyên thuyên. Bên hàng xóm tiếng chày kêu “bùm bụp” nhà ai đang quết bánh phòng. Ngày Tết là ngày gia đình đoàn tụ. Tôi trông ngóng tiếng còi tầu văng vẳng của chiếc đò máy ở tỉnh về để chạy ù ra tận bờ sông đón mấy anh chị đi học xa về. Tôi nhớ cảnh tát đìa bắt cá, bắt tôm, rượt vịt, đuổi gà. Sáng sớm trời lành lạnh, khi sương mai còn rơi lộp độp trên những tàu lá chuối im lìm, mấy anh em tôi đi quơ củi đốt lửa cho ba nướng bánh tráng bánh phòng ăn sáng, đồng thời ngồi hơ những bàn tay lạnh ngắt. Đêm về trời tối đen như mực nhớ cảnh ngồi bên ánh lửa hồng canh nồi bánh tét, nướng khoai lang, khoai mì, lùi hột mít. Ăn Tết thật đơn sơ nhưng hương vị thật đậm đà.
Tôi nhớ làm tiếng gió Chướng thổi xạc xào cây cỏ, tiếng chim Cu gáy rộ trong vườn. Tôi nhớ hàng So Đủa nở bông trắng xóa quanh nhà và Mai vàng nở rộ ngoài sân. Lúc ấy Tết mới thật sự về, mới làm hoa Tết trong lòng người nở rộ. Khi tâm hồn có hao hức đón Xuân thì hương vị của ngày Tết mới thật sự đậm đà.
Lại thêm một cái Tết xa nhà. Không lẽ suốt đời ta sống kiếp tha hương?
Chú Chín CalI

Vui lòng bấm vào các tựa đề và blog của Chú Chín Cali để thưởng thức thêm các tác phẩm của Chú Chín Cali
1. Chim Rời Tổ Mẹ
2. Săn Heo Rừng ở Phi Châui
3. Nhớ Mùa Gió Chướng
4. Tiếng Quê Hương
***Chuchincali.blogspot.com.