Y Thy – Võ Phú

Tiểu Sử
Bút hiệu: Võ Phú (văn) & Y Thy/i (thơ).
Võ Phú sinh ngày 10 tháng 11. Sinh quán Nha Trang – Việt Nam; định cư tại Virginia, Mỹ tháng 9 năm 1994. Tốt nghiệp cử nhân Hóa và làm việc tại Virginia Commonwealth University.

• Chủ nhiệm và chủ bút tạp chí Kết Ðoàn 2002-2008.
• Ðiều hành nhà xuất bản Kết Ðoàn 2002-2004.
• Góp mặt trong các báo, đặc san, tạp chí, thi đàn, như: Suối Nguồn, Hồn Quê, Văn Học Nghệ Thuật Liên Mạng, Kỷ Nguyên Mới, Văn Hữu, Cỏ Thơm, Ngôn Ngữ…
• Góp mặt trong các tuyển tập thơ Cụm Hoa Tình Yêu, Tình Thơ Mùa Xuân, Tình Thơ Mùa Thu, Tình Thơ Quê Hương, 44 Năm Văn Học Việt Nam Hải Ngoại (1975-2019)…
Sách đã in:
Văn:
 – Xóm Chài – Lotus Media – 2022
 – Nước Mỹ: Những Mảnh Ghép Rời – Nhân Ảnh – 2020
 – Vấn Vương (viết chung với Mai Ngọc Lan) – Kết Ðoàn – 2004
 – Tưởng Như Ðã Mất – Suối Nguồn – 2003
Thơ:
 – Lạc Vào Cõi Thu – Nhân Ảnh – 2021
 – Ngày Tháng Có Nhau – Văn Học Mới – 2018
 – Những Phương Trời Nhớ (thơ 10 tác giả) – Kết Ðoàn – 2004
 – Ðời Chia Trăm Nhánh Sông (thơ 6 tác giả) – Suối Nguồn – 2002
 – Rằng Ta Ðang Yêu – Suối Nguồn – 2001
 – Cung Ngữ (thơ 10 tác giả) – Suối Nguồn – 2001
Giải thưởng văn học:
 – Giải Viết Về Nước Mỹ: 2021, 2019, 2017, 2005
 – Giải nhất thơ văn – University of Maryland – 2001
Y Thy Võ Phú

https://www.facebook.com/ythy.phuvo
phuvophotography@gmail.com
                                  
Các tác phẩm đã phát hành:
Trang Thơ Văn của tác giả Y Thy Võ Phú

Sự Tích Hoa Thủy Tiên
 
Chuyện rằng nhà nọ bốn con
Người cha đau yếu chỉ còn chút hơi
Trước khi nhắm mắt lìa đời
Các con hãy nhớ lấy lời của cha
 
Tiền tài của cải chia ra
Bốn phần đều đặn mới là con ngoan
Tuy nhiên chôn cất vừa tròn
Ba người anh lớn dành hơn phần nhiều
 
Chừa em mảnh đất tiêu điều
Khô cằn nứt nẻ rất nhiều cỏ hoang
Em buồn lệ rớt hai hàng
Bổng đâu xuất hiện một nàng tiên xinh
 
Bảo rằng mảnh đất nhà mình
Một kho tàn quý ẩn mình dưới sâu
Khi Xuân đến, sẽ trổ màu
Ðem hoa bán lấy làm giàu khó chi!
 Y Thy
Bốn đóa hoa Thủy Tiên quanh nhà – 021523
 


Xuân Bên Vườn Hoa Lewis Ginter
 
Trời xanh màu nắng thiên thanh
Trong vườn dạo bước độc hành tìm vui
Bên chân hoa cỏ mỉm cười
Thủy Tiên vẫy gọi vui tươi đón chào
 
Ô kìa Xuân đến rồi sao
Cây khô tỉnh giấc vươn cao trẩy mầm
Dưới lòng đất, dế gọi thầm
Tỏ lời tình tự ái ân xoay vòng
 
Bây chừ chưa hết mùa Ðông
Xuân nay đến sớm trong vườn muôn hoa
Hương nồng ủ kín Ðông qua
Từ dòng đất lạnh thở ra với đời
 
Ngắm nhìn cảm nhận người ơi
Vàng ươm cánh mỏng tuyệt vời vẫy tay
Sương hôn má phấn hây hây
Hoa cười e ấp ngất ngây lòng người.
 Y Thy
Lewis Ginter Botanical Garden 021323
Quyển Sách Bỏ Quên
 
VÕ PHÚ
Hắn mê Nhất Linh, tác giả của nhiều tập truyện trong nhóm Tự Lực Văn Đoàn, như cá mê nước. Hắn mê và tôn thờ Nhất Linh như một vị anh hùng, thần tượng đời hắn. Mỗi lần đến tiệm sách, hắn đều tìm những quyển sách của Nhất Linh hay những sách nào có liên quan đến ông, để mua.
Từ Mỹ hắn bay về Việt Nam, vào những tiệm sách cũ như Hồ Huấn Nghiệp trên đường Đồng Khởi và Hai Bà Trưng, Hiệu Sách Cũ ở đường Võ Thị Sao, Nhà Sách 28 Đồng Khởi, 250B Trần Hưng Đạo, những tiệm sách trên đường Nguyễn Chí Thanh…. để tìm cho bằng được những quyển sách xưa của Nhất Linh, những quyển sách mà ông viết trong cuộc đời văn nghiệp của ông.
Hắn có hầu hết những quyển sách của Nhất Linh, nhưng hắn chê. Hắn bảo sách mới, in đẹp, bìa màu, nhưng những quyển ấy đều tái bản tại Hải Ngoại. Những quyển sách hắn muốn là những quyển xuất bản lần đầu, trong thời gian Nhất Linh còn sống.
Cả tháng trời hắn đi từ Sài Gòn ra Hà Nội, lùng sục khắp nơi để tìm mua những bản gốc của Người Quay Tơ, Xóm Cầu Mới, Lan Rừng, Nghèo, Đoạn Tuyệt… Hắn chỉ còn thiếu bộ trường thiên tiểu thuyết “Giòng Sông Thanh Thủy” nữa, nên hắn cố tìm cho bằng được trước khi trở về Mỹ.
Một buổi nọ, trong một tiệm sách cũ, hắn được sự giới thiệu của người chủ quán một người tên Linh Nhất. Theo như sự giới thiệu thì ông Linh Nhất nào đó có máu đam mê sưu tầm sách cũ và cũng thích Nhất Linh, nên tự gọi mình là Linh Nhất. Hắn lần theo địa chỉ của người chủ quán đưa và đến nhà người ấy để tìm sách. Cả ngày trời hắn tìm kiếm, rốt cuộc cũng đạt được mục đích.
Nhà của Linh Nhất ở trên đồi cao. Trước khi đến, hắn phải vượt qua hai con suối và đi qua rất nhiều con đường nhỏ khác. Nếu không nhờ hai đứa mục đồng dẫn đường thì có lẽ hắn không thể nào tìm ra được.
Sau khi dẫn hắn tới trước cửa nhà, hai đứa mục đồng lấy tiền dẫn đường rồi quay về. Hắn đang suy nghĩ, tìm cách nào để người chủ nhà cho hắn vào và cho hắn xem sách.
Trước nhà của Linh Nhất trồng rất nhiều hoa lan, có loại như con chuồn chuồn, loại như mặt người, loại như con bướm, loại như phượng hoàng, đủ loại đủ màu sắc, và có cả những loại mà hắn chưa bao giờ thấy, rất kỳ quái. Hắn có đọc qua tiểu sử của Nhất Linh, hắn biết ông ấy rất thích hoa lan và đã trồng, ghép, được rất nhiều loại hoa lan quý và hiếm. Đang loay hoay trước một chậu hoa lan lạ, hắn định đưa mũi vào ngửi, hắn chợt nghe tiếng:
– Không được ngửi!
Hắn quay lại, thấy người thiếu nữ trẻ, độ chừng hai sáu, hai bảy tuổi. Cô ta đội nón, che khăn mặt và đeo găng tay làm vườn. Hắn định lên tiếng. Cô gái nói:
– Hoa đó không được ngửi. Hên là tôi tới kịp, bằng không chậu hoa không còn nữa.
– Tôi không phải là ăn trộm, thưa cô.
Hắn giải thích.
– Vâng, xin ông đừng hiểu lầm ý tôi. Tôi không nói ông lấy chậu hoa này, nhưng nếu ông mà ngửi vào thì ngày mai nó sẽ vàng và bảy ngày sau thì nó sẽ chết.
– Ồ…
– Mà ông đến mua Lan à?
– Không, thưa cô. Tôi đến để tìm ông Linh Nhất.
– Ông ấy qua đời hơn ba năm nay rồi. Mà ông tìm ông ấy có chi không?
– Tiếc quá! Xin lỗi cô là gì của ông ấy?
– Ông ấy là gia gia của tôi.
– Gia gia?
– Là Nội tôi ấy mà. Mà ông tìm Gia Gia tôi có chuyện gì không?
– Chẳng giấu gì cô, tôi đến đây là vì có người giới thiệu nội của cô có nhiều sách cũ, và có thể có sách tôi muốn tìm.
– Vâng, nội tôi có rất nhiều sách cũ, nhưng không biết ông muốn tìm quyển nào? Của ai?
– Cuốn “Giòng Sông Thanh Thủy” của Nhất Linh.
– À…Tôi nghĩ chắc có, nhưng không chắc lắm. Phải đợi Gia tôi về rồi ông hỏi.
– Xin lỗi cô… Khi nãy cô nói…
– Nãy tôi nói chi mô?
– Cô nói Gia Gia cô mất ba năm rồi… Còn Gia?
– Ồ! Gia Gia là nội của tôi. Còn Gia là cha, là bố của tôi đó.
– Vâng!  Xin lỗi cô.  Tôi hiểu sai…. Vậy chừng nào ông ấy về?
– Tôi cũng không biết chắc, có thể chiều nay, cũng có thể vài ngày, nửa tháng.
– Ồ! Chẳng giấu gì cô, tôi ở tận bên Mỹ về đây. Tôi không thể chờ được lâu như vậy. Hay là cô vào tìm hộ xem Gia Gia cô có những quyển sách tôi muốn không?
– Ừa, cũng được. Để tôi hỏi Ma tôi thử sao.
Cô gái bỏ đi vào trong. Lát sau, cô trở ra với một người phụ nữ khác. Bà ta độ chừng bốn chín, năm mươi tuổi. Chắc có lẽ là mẹ cô gái vì hai người giống nhau như khuôn đúc.  Vả lại, cô ấy gọi bà là Ma. Có lẽ, Gia Gia là ông Nội, Gia là Cha, và Ma nghĩa là Mẹ? Hắn nghĩ vậy!
Người phụ nữ tới bên hắn và tự giới thiệu:
– Tôi là con dâu ông Linh Nhất, ông muốn tìm sách à?
– Dạ vâng, thưa chị.
– Nhưng chồng tôi không có ở nhà. Mọi sự trong nhà đều do ông ấy lo liệu, nhưng ông đây không có thời gian đợi chồng tôi về.
Người đàn bà do dự vài giây rồi tiếp:
– Thôi thì, tôi để cho ông vào tìm, nhưng muốn gì thì cũng đợi chồng tôi về, ông ấy sẽ quyết định.
– Vâng, thưa chị, cám ơn chị và cô nhiều lắm.
Ba người vào nhà. Người đàn bà nói với con gái:
– Lan à, con kêu thằng Hoàng, dắt chú ấy lên gác để cho chú ấy xem sách. Nhớ cầm theo đèn pin để thấy đường mở cửa sổ cho sáng nhé. Đem đèn hột vịt lên đó lỡ ngã, cháy là khổ.
Rồi bà quay qua hắn, bà nói:
– Từ ngày ba chồng tôi mất, chúng tôi không lên gác thường. Chỉ có thằng con trai, lâu lâu nghịch ngợm, trốn lên đó đọc sách.
Lan trở lại với người con trai to, cao, trẻ khoảng chừng mười tám, mười chín tuổi. Chắc có lẽ tên cậu ta là Hoàng. Hắn đang suy nghĩ. Lan nói:
– Hoàng, dẫn chú này lên gác, xem có quyển sách gì đó không?
– Dạ.
Cầu thang lên gác làm bằng gỗ, mỗi bước đi, hắn có thể nghe tiếng răn rắc. Hắn run trong lòng, nhưng tự nói với mình là chắc không sao, không sợ!
Trên gác, bụi bám đầy. Căn phòng tối ôm, chỉ vài chấm sáng lờ mờ chui vào từ khe hở của cửa sổ. Hoàng bấm đèn pin, đi đến các cửa sổ và mở tung chúng ra. Ánh sáng được dịp chạy vào, căn phòng bật lên sáng hẳn. Hắn nhìn quanh căn phòng. Phía ngoài, cạnh cửa ra vào, là những vật dụng lĩnh kĩnh, thúng, nia, khung gỗ, thùng giấy carton để bừa bộn không thứ tự. Nhưng, bên trong của một góc phòng, là những kệ sách được bày rất gọn, theo thứ tự, ngăn nắp. Dưới sàn, có vô số sách báo, tranh ảnh được chất lên thành đống. Hắn đi vội lại bên kệ sách và xem những quyển sách cũ. Có rất nhiều quyển rất xưa viết bằng chữ Hán, có quyển viết bằng chữ Nôm. Có cả từ điển Hán Việt, từ điển Pháp Nôm, và nhiều quyển sách khác từ thời Pháp Thuộc. Hắn thích sách, nhưng không chuộng những loại sách này. Hắn chỉ ghé mắt sơ qua, để rồi cũng tìm thấy được những quyển sách mà Hắn muốn tìm. Những quyển sách rất cũ của Tự Lực Văn Đoàn, để một kệ riêng. Hắn chăm chú nhìn tựa đề từng quyển. Sau khi lấy xong bộ sách Giòng Sông Thanh Thủy để qua một bên, hắn tiếp tục đọc các tựa còn lại. Quyển nào hắn cũng thấy quen và cũng đã đọc qua. Đến ngăn cuối của kệ sách là một quyển tập viết tay, trên đó viết: “Lan Đêm-Truyện Nhất Linh”. Hắn tò mò, cầm quyển tập trên tay. Lớp bụi bám đầy trên quyển tập, hắn phủi và thổi bớt lớp bụi trên ấy. Đám bụi bay đầy, hắn ho sặc sụa. Hắn nhẹ nhàng, lật trang tập đầu tiên. Trang đầu là hình vẽ của một đóa hoa Lan hình con bướm. Dưới hình vẽ có ghi chính tên của nhà văn hiện đại Nhất Linh-Nguyễn Trường Tam và hàng chữ: “Viết cho những ngày sống tại vườn Lan-Đà Lạt năm 1957.”
Hắn cầm quyển tập và ngồi bệt xuống sàn nhà, say sưa đọc.
“Lan Đêm” câu chuyện nói về một anh chiến sĩ yêu nước. Tuy anh là một người chiến sĩ, nhưng tâm hồn anh rất nghệ sĩ. Anh yêu thiên nhiên, cây cỏ, nhất là yêu hoa lan say đắm. Mỗi lần đi hành quân, đến nơi nào có hoa lan, anh đều ghi xuống những chi tiết về cây lan ấy. Ví như những đặc điểm, màu sắc, thân cây, địa điểm và thời gian phát hiện. Anh viết những chi tiết ấy xuống với hi vọng rằng mai sau, khi đất nước thanh bình, anh sẽ đến tìm chúng và rước chúng về trong trong vườn nhà anh.
Có một lần chàng chiến sĩ lãng mạn ấy cùng đoàn quân đi qua một khu rừng. Lúc đó, mặt trời đã lặn, mọi người đều mệt mỏi và họ quyến định dựng lều ngủ qua đêm tại đây. Giữa khuya, anh thức giấc, ngửi được một mùi thơm rất dịu dàng và quyến rũ. Anh lần theo mùi thơm ấy và phát hiện ra mùi thơm đó thoát ra trên một nhành hoa lan.
Đêm đó, trăng mồng một, lờ mờ. Anh không thể thấy hình dáng của cánh hoa. Anh chỉ ngửi được mùi thơm dịu thoát ra trên một thân cây cổ thụ. Càng ngửi, anh càng say mê và thiếp đi lúc nào không hay.
Sáng thức dậy, anh mới biết đoàn quân đã rời khỏi từ lúc nào. Anh hối hả nối bước theo đoàn quân. Nhưng, đi được chừng vài phút, anh nghe nhiều tiếng nổ vang dội phía trước. Và, anh phát hiện ra rằng mọi người trong đoàn hành quân đều hi sinh. Anh quay trở lại tìm loài hoa lan nọ.  Nhưng tìm hoài, anh vẫn không tìm ra gốc lan ấy. Anh mệt và ngất đi, cho đến khi các chiến sĩ khác đến cứu anh.
Khi đất nước thanh bình, anh trở về mua một mảnh đất bên con suối mơ và bắt đầu thực hiện ước mơ trồng hoa lan của mình. Anh đi từ Nam đến Bắc để tìm lại các giống lan mà mình đã gặp khi xưa. Duy chỉ có một loài anh không bao giờ tìm được đó là hoa lan đã cứu anh trong đêm hành quân ấy. Và anh, chưa bao giờ thấy được cánh hoa lan ấy nở như thế nào. Anh đã nuôi dưỡng và ghép không biết bao nhiêu giống lan.  Nhưng không thể nào gây được giống lan nào có mùi thơm giống vậy. Đến gần cuối đời, một người con gái Ekrê, người dân tộc thiểu số sống trong rừng lân cận, đến tặng anh một giò lan có mùi thơm năm xưa. Anh ngửi xong, anh ngủ. Anh ngủ và không bao giờ tỉnh dậy, ngủ giấc ngàn thu!
Hắn đọc xong tập truyện và thiếp đi lúc nào không hay. Khi tỉnh dậy thấy mình nằm trên giường, xung quanh là bốn bức tường trắng. Hắn đưa mắt nhìn quanh và dừng lại ở một góc phòng. Trên bàn đặt một giò lan. Giò lan mà hắn thấy trong trang đầu của quyển tập “Lan Đêm”.

======
Thằng Mất Gốc
 
Ông Toán sững sờ đứng lặng người khi nghe thằng Tony, con trai ông, nói như thét:
 
– Mấy người lúc nào cũng nói muốn cám ơn nước Mỹ mà cứ lợi dụng kẽ hở để moi tiền nước Mỹ. Ơn gì mà ơn… Ơn tiền thì có.
Nói xong, Tony mở cửa đi thẳng ra sau vườn. Cậu đóng rầm cánh cửa…
 
Cơn gió nhẹ thổi qua. Hơi mát của những ngày cuối xuân vẫn còn quanh quẩn đâu đây, nhưng nỗi bực dọc trong người Tony vẫn chưa nguôi. Câu nói của đứa em gái còn văng vẳng bên tai về việc đi làm rồi mà vẫn còn xin thêm tiền trợ cấp thất nghiệp.
 
Ở trong nhà, ông Toán mặt ông phừng phừng cơn giận.  Ông muốn chạy ra ngoài vườn đá cho cái thằng con mất gốc này một cái. Nếu ông còn ở Việt Nam, dám có thể ông cầm rựa chém nó một phát vì cái tội hỗn hào, không coi ông  ra gì.
 
Nghe ồn, bà Tâm, vợ ông từ trên cầu thang đi xuống, hỏi:
 
– Chuyện gì mà cha con ông rần rần dưới này?
 
Nghe vợ hỏi, ông  như người đuối nước vớ được phải phao, nói liền một mạch:
 
– Thì thằng con của bà kìa nó nói tui lợi dụng nước Mỹ để lấy tiền.  Mà tui có lấy cũng lấy tiền của Mỹ chớ có lấy tiền của ông cố nội nó đâu mà nó làm ầm lên.  Bà coi có được không?  Cái đồ mất gốc.
 
– Mà chuyện gì mới được?  Ông nói không đầu không đuôi tui có biết chi mà lần.
 
Ông Toán dịu giọng kể lễ cho vợ nghe:
 
– Thì hôm trước tui với bà nói với nó là tuần tới vợ chồng mình dìa lại với con Thủy để giữ con cho tụi nó đi làm vì tiệm nails của hai vợ chồng nó sắp mở cửa trở lại.  Cái thằng đó nó đồng ý xong hết, nhưng khi nãy nghe tui nói chuyện với con Thủy, tự nhiên nó nổi khùng la tui với con Thủy một trận.  Con Thủy lật đật cúp máy. Đúng là thằng mất gốc mà.
 
– Mà ông với con Thủy nói chuyện gì mới được.
 
– Thì con Thủy nó gọi cho tui nó hỏi chừng nào ba má dìa? Tui nói để cuối tuần. Nó hối tui với bà dìa sớm để nó chuẩn bị đi ra tiệm nails phụ chủ lau chùi, bắt kiếng chắn, sửa soạn để thứ Hai đi làm.  Rồi nó kể chuyện bà chủ tiệm của nó chịu trả tiền mặt thêm mấy tuần để nó ăn tiền thất nghiệp. Tự nhiên nghe tới đó, thằng Tôn nó nổi khùng rồi nói tui với con Thủy là tham lam lợi dụng để bòn rút tiền của nước Mỹ. Bà nghĩ coi có tức không chứ?
 
– Cũng tại ông thôi…
 
– Tại tui?  Sao lại tại tui? Tui chưa có đi làm mà sao tại tui?
 
– Ai biểu ông nói chuyện điện thoại lúc nào cũng oang oang rồi còn mở loa cho lớn.  Mở lớn chi cho nó nghe rồi nó la ùm lên?
– Đụng tới quý tử của bà là bà binh chầm chập. Tui nói thiệt với bà chứ hên là nó ở đây chứ như hồi còn ở Việt Nam là tui dzớt nó vài đá rồi.  Cái đồ mất gốc.
 
– Mà chuyện tiền thất nghiệp gì mà nó đùng đùng vậy?
 
– Thì từ lúc dịch con Covid 19 này nè, vợ chồng con Thủy nghỉ ở nhà xin tiền thất nghiệp. Tui cũng có apply và nhận mỗi tuần mà tui có nói với bà đó. Mỗi một tuần vợ chồng con Thủy, mỗi đứa tụi nó nhận được một ngàn mấy, trừ thuế ra cũng hơn chín trăm, nhiều hơn đi làm rất nhiều. Nghỉ ở nhà còn được nhiều tiền hơn, nên khi chánh phủ thông báo mở cửa để mọi người đi làm lại tụi nó không muốn đi làm liền.  Tụi nó mới nói với chủ tiệm trả tiền mặt cho để xin thêm tiền thất nghiệp cho đến khi bị cắt thì trả lại check như bình thường. Nghe tới đó là thằng Tôn nó khùng lên. Nó nói tui là mang ơn, nợ nước Mỹ này nọ mà lợi dụng để trục lợi. Chỉ có cái thằng mất gốc đó mới nói vậy thôi chứ tui thấy ai cũng làm vậy hà rầm. Mình không lấy thì người khác cũng lấy. Mà mình nộp đơn đàng hoàng, chứ có phi pháp đâu mà nó làm ùm.  Nước Mỹ này giàu và nhiều tiền mà. Năm bảy ngàn có thấm béo gì đâu. Mùa dịch này bọn Mỹ lời chán vì số người già chết quá nhiều. Mỹ khỏi cần phải trả tiền Social. Tui nói vậy bà thấy có đúng không?
 
–  Nói như ông vậy mà nghe được? Thằng Tôn nó nói cũng phải mà ông…
 
– Bà lại bênh nó nữa. Đúng là con hư tại mẹ mà…
 
– Ông với con Thủy mới hư đó.  Mình mới vừa lãnh một người một ngày hai mà.  Nước Mỹ đâu có bỏ đói mình đâu mà vợ chồng con Thủy còn bòn rút nữa. Với lại ông phải thông cảm cho thằng Tôn chứ. Nó qua đây từ nhỏ, nên tánh nó dậy thôi.  Ông phải từ từ nói cho nó nghe, dạy biểu nó.
 
– Dạy gì được với cái thằng mất gốc đó.  Thôi bà lên trên chuẩn bị quần áo, tui chở bà dìa ở với vợ chồng con Thủy.  Tui không đợi cuối tuần gì hết nữa.
 
– Ông nói cuối tuần thì để cuối tuần chứ ông đòi dìa giờ thì ai coi tụi nhỏ cho vợ chồng nó?.
 
– Không cuối tuần gì hết trọi. Bà khéo lo… Hồi trước khi dịch, không có tui với bà, nó cũng lo được.
 
– Nhưng…
 
– Không nhưng nhị gì hết…
 
– Ông thiệt là… Có muốn gì thì cũng chờ con vợ nó dìa để vợ chồng nó tìm chỗ gởi mấy đứa nhỏ chớ.
 
– Bà muốn ở lại thì một mình bà ở.  Còn tui… Tui dìa.  Tui không muốn thấy cái bản mặt thằng mất gốc đó nữa.
 
– Thôi được rồi.  Mà thằng Tôn đâu?
 
– Nó dộng cửa cái rầm rồi ra sau vườn…
 
Bà Tâm đi ra sau vườn tìm con. Bà thấy Tony ngồi trên chiếc ghế đu, cạnh hồ cá. Có lẽ Tony đang nhìn mấy con cá koi đang bơi lội trong hồ.  Bà nhớ hồi còn nhỏ, mỗi lần có chuyện buồn là nó hay ra ngoài lu để ngắm cá. Bà đi đến sau lưng Tony, nhẹ nhàng gọi:
 
– Tôn…
 
Tony quay lại, nhìn bà:
 
– Dạ… Má…
 
Bà Tâm nhìn con, bà không biết bắt đầu từ đâu.  Người đàn ông trước mặt bà không còn là thằng Tôn mười hai tuổi của ba mươi năm về trước.  Mà là cậu thanh niên chững chạc, tóc đã điểm vài sợi bạc.  Một người thân nhưng cũng xa lạ đối với bà… Bà Tâm ấp úng…
 
– Má…
 
– Má có chuyện gì nói với con?
 
– Ừa… Chuyện mày với ba mày khi nãy… Giờ ổng muốn dọn về nhà con Thủy liền thay vì cuối tuần…
 
– Dạ… Vậy thì má đi với ổng đi…
 
– Còn mấy đứa nhỏ?
 
– Không sao đâu má.  Con với vợ con sẽ gọi vô sở nói họ đổi ca hay vợ chồng con xin nghỉ vài ngày để coi tụi nhỏ chờ lúc daycare mở cửa rồi tụi con đem gởi…
 
– Má… Má… không biết nói sao… Nhưng…
 
– Con không hiểu được ba với con Thủy nghĩ gì.  Vợ chồng con Thủy đâu có nghèo. Tụi nó cũng dư ăn dư để, vậy mà còn tính bòn rút của nước Mỹ.  Còn ba nữa. Ba nghe nó nói ba cũng không khuyên còn nghe theo nó tiếp tục xin thêm tiền thất nghiệp…
 
– Thì ổng thất nghiệp thiệt mà…
 
– Con biết, nhưng đi làm lại rồi mà còn muốn lấy thêm… Vậy mà cứ nói là yêu nước Mỹ.  Nhớ ơn nước Mỹ cưu mang này kia nọ.  Con nghe phát bực.
 
– Tại con sống ở đây từ nhỏ nên không biết chứ người mình nghèo nên khi có tiền thì…
 
– Nghèo là hồi còn ở Việt Nam kìa má.  Giờ mình ở Mỹ rồi đâu có nghèo. Không có tiền thất nghiệp tụi nó cũng không có đói. Bòn rút thêm chi khi nước Mỹ gồng mình trong cơn đại dịch này…  Nhưng mà thôi…
 
Ngưng một chút, rồi Tony tiếp:
 
– Má lo thu xếp dọn đồ về trên đó với vợ chồng con Thủy đi chứ không khéo ba lại la má.
 
– Ừa… Vậy má thu dọn xong, chờ con Tina về rồi ba má đi.
 
– Dạ.
 
Bà Tâm trở vô nhà rồi đi lên phòng. Lúc vào phòng, bà thấy ông Toán đang nằm trên giường coi điện thoại. Mắt không rời khỏi cái phôn, ông hỏi:
 
– Bà nói chuyện với nó xong rồi hả?
 
– Ừa. Xong rồi.
 
– Rồi nó có nói gì không?
 
– Không. Nó kêu tui lo thu xếp rồi đi theo ông dìa.  Tụi nhỏ vợ chồng nó lo được.
 
– Đó, tui nói với bà có sai không.  Nó đâu cần mình.
 
Bà Tâm vừa xếp áo quần vừa nghĩ đến Tony.
 
***
 
Ba mươi năm trước…
 
Thằng Tôn của bà chỉ là cậu bé mười hai tuổi. Bà còn nhớ rõ, năm đó vào dịp hè, bà cho con ở lại nhà cô Lan để cậu bé vui chơi cùng thằng Hải, đứa em cô cậu, ở thành phố biển Nha Trang. Trong một chuyến vượt biển, cô Lan đã dắt theo thằng con trai của bà. Đùng một cái bà mất con cho đến hai mươi năm sau mẹ con mới được gặp lại mặt nhau. Lúc gặp nhau thằng Tôn của bà không còn là thằng bé thuở nào mà đã là một cậu thanh niên với cái tên rất Mỹ, Tony. Tony giờ đã học thành tài. Một dược sĩ với mức lương ngất ngưỡng và chuẩn bị lấy vợ. 
 
Thằng Tôn của bà nghe theo lời cô dượng nó, cũng là cha mẹ nuôi trên giấy tờ, nên đã làm giấy tờ bảo lãnh cả gia đình ông bà qua Mỹ trước rồi mới làm đám cưới sau.
 
Trong ngày cưới của con trai có đầy đủ cả gia đình ông bà.  Có cô Lan dượng Trung và còn có vợ chồng cô em gái của Tony.  Lễ cưới của con trai mà bà cứ tưởng của người ngoài vì mọi chuyện đều do cô Lan lo hết. Ông bà có mặt cũng chỉ làm “hình nền” thêm cho đầy đủ màu sắc trong ngày trọng đại của con.  Bà buồn lòng, nhưng không nói ra.  Còn ông Toán thì lại trách cô em gái đã qua mặt qua quyền, nên từ đó đã giận luôn cô em.  Ông không thèm qua lại với gia đình em gái.
 
Thời gian trôi qua bà Tâm đã sống ở đất nước này hơn mười năm.  Sống mười năm, vậy mà bà chưa từng đi làm ở bất cứ nơi đâu, ngoài việc chăm lo cho chồng, cho con, cho cháu.  Mỗi tháng, con trai, con gái cho bà vài trăm đô để dành dưỡng già. Mấy tháng trước khi dịch cúm vi khuẩn Corona bùng phát, chính phủ đã trợ giúp cho mỗi người một nghìn hai trăm đô la. Gia đình bà trừ con trai và con dâu (vì chúng làm vượt qua mức lương quy định để nhận được sự trợ giúp) thì ai cũng nhận được tiền.  Bà thầm nghĩ, nước Mỹ này quá tử tế đối với một người như bà.  Bà chẳng làm gì, nhưng vẫn được tiền trợ giúp.  Số tiền đó, bà trích ra phần lớn gởi về cho thân nhân bên Việt Nam, phần còn lại bà cất dành.
 
Bà Tâm nhớ lại trong những buổi tiệc, lễ lộc, chung vui của gia đình, nhất là ngày Thanksgiving, bà luôn nói với các con là gia đình bà rất biết ơn nước Mỹ đã cưu mang đùm bọc cả gia đình. Bà nói với các con hãy cố gắng hết sức mình để làm việc và đền ơn nước Mỹ, đất nước đã giúp đỡ mình.  Chắc có lẽ vì vậy mà Tony nghe và nhớ những lời căn dặn của bà?  Thành thử khi nghe em gái và cha bàn chuyện đi làm nhận tiền mặt để xin thêm tiền thất nghiệp, nên nó mới giận cha và em. Nghĩ tới đây bà chợt mỉm cười. Bà nghĩ thầm: “Thôi kệ, thằng Tôn mất gốc, nhưng nó vẫn còn nhớ tới những lời nói của mình.  Và, hơn hết, tuy nó mất gốc, nhưng không mất nhân cách làm người.  Còn cái gốc như cha con ông Toán cũng chỉ là đồ bỏ .”
Y Thy Võ Phú
Richmond, Virginia