DIỄM CHÂU- CÁT ĐƠN SA

Tiểu sử Cát Ðơn Sa (Diễm Châu)
 
Tên thật là Nguyễn Thanh Hương, gốc Ðơn Sa, Quảng Bình.
Con gái của một Sĩ Quan Võ Bị Ðà Lạt Khoá 8. Di tản qua Hoa Kỳ tháng Tư /1975.
 
–          Từng học Regina Pacis, Sao Mai ÐN… là giọng ca chính của ca đoàn trẻ em nhà thờ chính toà Ðà Nẵng.
–          Viết văn năm 17 tuổi, trên báo Phụ Nữ Mới, Phụ Nữ Ngày Mai ở Sài Gòn.
–          Sau khi định cư, Cát Đơn Sa đã sinh hoạt ca hát, viết văn lấy tên Diễm Châu TNQG, ra mắt cuốn băng đầu tiên “Ðiệp Khúc Tình Yêu” năm 1984, từng đi show lưu diễn khắp nơi…
–          Nguyên chủ nhiệm các báo Phụ Nữ Mới, Nàng, Phụ Nữ Thời Nay Hải Ngoại…
–          1995 kết hôn với hoạ sĩ, điêu khắc gia ViVi Võ Hùng Kiệt.
–          Năm 2004, khởi nghiệp vẽ theo năng khiếu tự nhiên.
–          Ðã xuất bản 4 tập truyện dài & 2 tập truyện ngắn, qui tụ nhiều văn thi sĩ tên tuổi khắp nơi cộng tác, dưới chủ đề “Tác Giả & Tác Phẩm” từ năm 2001.
–          Thực hiện 15 CD & Cassette Tình Ca, Quê Hương, Thơ Nhạc Giao Duyên…
–          Có trên 500 truyện ngắn, rất nhiều tranh và sưu tầm các tác phẩm mỹ thuật trong đời sống, được sáng tác hàng ngày.
–          Thường xuyên đi triển lãm chung với phu quân, dưới chủ đề: “Sắc Màu Họa Sĩ Việt Nam”, đã triển lãm lần thứ 16 – 2017 tại San Jose, California.
–          Năm 2009 được chính quyền Quận Cam trao bằng khen trong lần tổ chức “Sắc Màu Họa Sĩ VN # 9” thành công, qui tụ đông đảo hoạ  sĩ & khách thưởng lãm nhất hải ngoại (39 họa sĩ) trong 34 năm qua.
–          Đang cộng tác với tuần báo VietAmerica tại miền Nam California, và nhiều báo chí cũng như các trang Web trên toàn thế giới.
–          Đã thực hiện trang Web bất vụ lợi chuyên về nghệ thuật, hội họa kể từ năm 2006 đến 2018, mang tên: www.hoasivietnam.com.
–          Mong ước được liên lạc với các bạn Họa Sĩ & Thân Hữu quen biết… email: catdonsa@yahoo.com   Facebook: Diễm Châu Nguyễn (Cát Đơn Sa)

Kính mời quý vị thưởng thức một số tác phẩm của tác giả Diễm Châu(Cát Đơn Sa)

Truyện ngắn của tác giả Diễm Châu(Cát Đơn Sa)
1. Chuyện Họa Sĩ
2. Bất Ngờ
3. Con Không Cha
4. Trôi Dạt Về Đâu
5. Thuốc Lú!
6. Hên Xui Ngày Tết
7. Bánh Chưng Ðượm Màu Xanh
CĐS 34 Thơ & Nhạc Những Con Đường Trắng
Chuyện Họa Sĩ
Diễm Châu (Cát Đơn Sa)
 
Cơ dừng tay vẽ nhìn ngắm bức tranh của mình đã thành hình. Từ lâu rồi, mộng ước vẽ tranh, có chút tên tuổi, được đi vào thế giới hội họa… luôn luôn bừng sáng trong đầu óc. 
Làm gì thì làm, Cơ cũng dành chút ít thì giờ trong những ngày cuối tuần, leo lên trên tầng lầu cao nhứt trong nhà, đó là căn gác xép nho nhỏ, ở cũng được nhưng không ai chịu sống trong căn phòng cao nầy, vì hơi hẹp hơn những phòng ở dưới, nên dùng để chứa những vật dụng cũ không còn dùng tới.
Tách cà phê sữa nóng bốc khói, điếu thuốc lá cháy dở trên tay, trước mặt là vải bố trắng, sẵn sàng để cho “họa sĩ thực tập” vẽ… Bên cạnh đó, chiếc cửa sổ huyền thoại… Ở đây, kéo ghế tới gần bên một chút, Cơ có thể nhìn thấy cảnh vật bên ngoài, từ phía trên cao cho đến dưới mặt đường. Một khung cảnh dễ gây cảm hứng cho người họa sĩ.
Nhưng phải nói là trong một tháng đầu, Cơ chẳng vẽ được gì cho ra hồn. Cứ ngồi trầm ngâm ngắm cảnh cũng ra dáng họa sĩ, nhưng chỉ có ăn và uống, leo lên leo xuống cầu thang để kiếm đồ ăn phát mệt! Chỉ vì ngồi nghĩ hoài mà Cơ chưa biết phải vẽ cái gì? Vẽ làm sao! Chẳng lẽ cứ xịt màu trên bố, quẹt lung tung rồi bảo đó là tác phẩm nghệ thuật của mình! Ai dám phê bình thì cho rằng người đó không có đầu óc mỹ thuật! Hội họa hay vậy đó.
Sau đó, từ từ những bức tranh cũng được ra đời. Cơ chọn vẽ tranh theo lối Siêu Thực (Surrealiste). Vẽ lối nầy hay nhất, muốn quẹt sao thì quẹt, không cần ai hiểu, có khi mình không không hiểu luôn! cho nên những người bạn không mấy ai “cảm” nhận được tranh của chàng! Thêm nữa, màu sắc Cơ dùng, có vẻ không bắt mắt cho lắm… nên nếu nói tranh của Cơ được ưa thích, cho dù đó là bạn  hay thân nhân, thì không! Đến con bé Út trong nhà, mỗi lần nói đến tranh của anh Cơ, thì nó hay rùng mình:
–           Thôi, anh ấy vẽ bé thấy kỳ! Sợ lắm!
Con bé 7 tuổi không thích đã đành, vì Cơ cho là nó còn bé đâu biết gì!… Nhưng bực nhất là cô Hà, người mà Cơ cũng hơi ưng thầm trong bụng, nhưng chưa dám tỏ tình, thì lại lớn tiếng tuyên bố, khi anh Căn chọn mang một bức có vẽ ít đen tối nhất, xuống treo ở phòng ăn, mà cô nhìn thấy:
–           Eo ơi, tranh của ai mà “loạn” thế nầy?
Cơ đang phân vân, không hiểu ý của Hà đó là câu phê bình khen hay chê, thì anh Căn hỏi:
–           Loạn là sao hở Hà?
–           Tức là vẽ táo bạo! Vẽ mà không biết mình vẽ gì? khách coi càng bù trất! Màu mè lại u tối như đêm ba mươi! Tương lai của ông họa sĩ nầy coi bộ cũng có màu đen!
Thấy hai anh em nét mặt hơn tẽn tò, cũng như con bé Út ngồi gần đó bụm miệng cười, Hà hơi nghi:
–           Mà tranh ai vẽ vậy? Ở đâu anh có?
Anh Căn trốn tránh:
–           Hỏi thằng Cơ đó!
Cơ chẳng nói chẳng rằng, tháo bức tranh xuống úp mặt vào vách! Hà giật mình… “Chết rồi, không chừng tranh của Cơ vẽ… hình như Hà có nghe anh Căn nhắc một vài lần là Cơ rất thích làm họa sĩ!” Nhưng cô không nói thêm… từ từ … “biến là thượng sách”!
Vì câu phê bình vô tư đó, mà Cơ và Hà xa nhau luôn! Bởi Hà không dám trở lại nhà Cơ, mà Cơ cũng chẳng điện thoại hỏi han hay mời mọc! Thôi thì đành bái bai cuộc tình chưa bắt đầu đã chết yểu! chứ biết sao bây giờ!
Người thứ hai Cơ quen là Hồng. Để tránh cảnh ngộ có thể xảy ra như lần trước, thì Cơ nói toạc ra là Cơ vẽ. Lại còn dẫn Hồng lên gác cho coi những tác phẩm của Cơ.
Cuộc tình nầy bền lâu hơn lần trước, vì sau đó Cơ và Hồng vẫn gặp nhau, có điều Cơ hơi bất mãn trong lòng, là khi chỉ cho Hồng coi những bức tranh mình vẽ, đang hứng khởi dẫn giải cho nàng hiểu thêm về bức tranh, thì Cơ chẳng nghe Hồng ừ hử gì, thì ra cô nàng đang nghểnh cổ nhìn đôi chim rỉa cánh cho nhau trên cành cây ở bên ngoài cửa sổ, coi bộ thú vị hơn là nghe một đề tài lạt nhách, mà người nói lại không đẹp trai gì cho lắm!
–           Hai con chim nó dễ thương quá… Hôm nào vẽ cảnh nầy cho tươi đời hơn đi anh!
Chỉ câu nói đó, làm cho Cơ hiểu ra là chẳng ai thích tranh của mình! Nhưng… trên đời nầy “Bá Nha” chỉ cần một “Tử Kỳ” thôi! Cơ nhất quyết tìm cho được một người yêu mình, yêu tranh mình mới nghe! Hồng bây giờ thì dẹp qua một bên, coi như bạn!
Ở trong nhà, mẹ Cơ là dễ thương nhất. Biết Cơ thích vẽ, bà hay khuyến khích Cơ, bà nói những câu chuyện cho Cơ nghe về những họa sĩ có khi còn sống vẽ chẳng ai ưng, vậy mà khi chết tranh mắc mỏ cả triệu đô la! Cơ dư biết điều đó, vì Cơ là người có ăn học đàng hoàng, hay đọc báo chí tin tức… nhưng ai mà chẳng thích tranh mình được ngưỡng mộ!
–           Tại con chưa gặp trúng người đó thôi.
Mẹ thương con, nên an ủi cho Cơ vui. Những lúc thấy người ta triển lãm hay bán tranh, Cơ cũng nôn nao, muốn góp mặt với đời, nhưng chưa có đủ can đảm.
Số tranh Cơ vẽ ngày càng thấy rậm rạp trong căn phòng hơn. Bạn của anh Căn, của bố mẹ đến nhà chơi, ai nấy nhìn và khen lấy lệ khi nghe giới thiệu là do Cơ vẽ… nhưng cũng làm Cơ sung sướng hơn nhiều, vì nghĩ tranh của mình cũng có người thích!
Một lần Phát, bạn của anh Căn đến chơi. Nhìn tranh Cơ thật lâu, anh Phát kể cho Cơ nghe câu chuyện người họa sĩ phải đặt cái hồn vào bức vẽ… Hay anh thấy tranh của Cơ không có hồn? Cơ ngồi im nghe anh kể:
“ Có một ông họa sĩ từ lâu ôm ấp ước mơ để lại cho hậu thế một tuyệt tác. Và rồi một ngày kia ông ta bắt tay vào việc. Để tránh sự ồn ào náo nhiệt của cuộc sống thường nhật, ông dựng một khung vẽ rộng 30 mét vuông trên sân thượng một tòa nhà cao tầng lộng gió. Người họa sĩ làm việc miệt mài suốt hơn 1 năm. Ông ta say mê bức họa tới mức quên ăn quên ngủ. Khi bức tranh hoàn thành, nó sẽ đưa tên tuổi của ông sống mãi với thời gian.
Một buổi sáng nọ, như thường lệ, ông họa sĩ tiếp tục hoàn chỉnh những nét cọ trước sự trầm trồ của hàng chục du khách tham quan. Tuy nhiên sự có mặt của đám đông không hề ảnh hưởng tới họa sĩ. Chìm đắm trong cơn say mê điên dại, ông ngây người nhìn ngắm thành quả lao động sáng tạo của mình… Cứ thế, ông ta từ từ lùi ra xa để chiêm ngưỡng bức tranh mà không biết rằng mình đang tiến tới mép sân thượng.
Trong số hàng chục người khách tham quan đang bị bức tranh hút hồn, chỉ có vài người phát hiện ra mối nguy hiểm đang chờ đón người họa sĩ… chỉ lùi một bước nữa là ông sẽ rơi tõm xuống khoảng trống mênh mông cao cả trăm mét.
Tuy nhiên, không ai có can đảm lên tiếng vì biết rằng một lời cảnh báo có thể sẽ khiến người họa sĩ giật mình ngã xuống vực thẳm. Một sự im lặng khủng khiếp ngự trị trong không gian.
Bất chợt một người đàn ông tiến tới giá vẽ. Anh ta chộp lấy một cây cọ nhúng nó vào hộp màu và bôi nguệch ngoạc lên bức tranh. Một sự hoàn mỹ tuyệt vời đã bị phá hủy. Người họa sĩ nổi giận, ông ta gầm lên đùng đùng lao tới bức vẽ, giật cây cọ từ tay người đàn ông nọ.
Chưa hả giận, ông họa sĩ vung tay định đập cho người đàn ông một trận. Tuy nhiên, hàng chục người xung quanh cũng đã kịp lao tới, giữ lấy ông hoạ sĩ và giải thích cho ông ta hiểu tình thế.
Rồi có một vị khách đến bên ông họa sĩ và nhẹ nhàng nói: “Trong cuộc đời, chúng ta thường mải mê phác ra những bức tranh vẽ tương lai. Tuy rằng bức tranh đó có thể rất đẹp, rất quyến rũ nhưng chính sự quyến rũ, mê hoặc về những điều sắp tới đó thường khiến chúng ta không để ý tới những mối hiểm họa gần kề, thậm chí là ngay dưới chân mình”.
Vậy nên, nếu như có ai đó bôi bẩn, làm hỏng bức tranh về tương lai mà bạn đã dày công tô vẽ, xin bạn chớ nóng vội mà oán giận. Trước tiên hãy xem lại hoàn cảnh thực tại của chính mình. Biết đâu một vực thẳm đang há miệng chờ đón ngay dưới chân bạn. (*)
Câu chuyện của anh Phát kể đã lâu mà Cơ như vẫn đắm chìm vào trong cốt truyện! Thật đúng là như vậy! Lâu nay, vì lòng hờn giận, vì muốn người ta khen tranh mình mà Cơ đã coi như mất nhiều người bạn, nhất là cô Hà, người mà Cơ thích nhất!
Cô Hà mới lấy một anh kỹ sư giàu xụ lại đẹp trai hơn Cơ nhiều! Thôi, chắc số cô thuộc loại sướng, không dám nhắc đến nữa! Cơ có phần hơi quá đáng trong vấn đề không dự tiệc cưới, cũng không thèm điện thoại chúc mừng!
Hình như nghe nói mấy ông họa sĩ thì tâm hồn phải phóng khoáng? Không biết chuyện đó có thật sự xảy ra như vậy không? Hay tại Cơ chưa phải là họa sĩ thực thụ cho nên tâm hồn chưa phóng khoáng! Anh Căn nghe Cơ  thắc mắc chuyện nầy, cũng góp ý:
–           Nói chung, người nghệ sĩ thì nên sống cho rộng rãi, bất cần mọi thứ, khen chê mặc ai! Thế mới là nghệ sĩ!
–           Anh làm như mấy ông bà họa sĩ là tiên không bằng! Cũng không hẳn như thế đâu!
–           Họ cũng có đấm nhau, nhưng không phải lúc nào cũng đấm!
–           Em chưa biết đấy thôi… Có nhiều người sống bất cần đời, bất cần vật chất, họ chỉ biết say mê trong vẽ và vẽ…
–           Vì thế nên nhiều khi cần tiền, họ phải bán tác phẩm để sống… mà người ta lại không mua mới đau!
–           Em thấy họa sĩ nghèo quá à! Cuộc sống của họ làm khổ gia đình! Anh đừng làm họa sĩ nghe anh Cơ, chỉ vẽ cho vui thôi!
Con bé Út tí tẹo cũng lý luận hay đáo để! Anh Căn tiếp:
–           Có người đổi tranh chỉ lấy một cái bánh mì mà cũng không được!
Cơ chủ quan:
–           Nhưng cũng có người tranh bán được cả mấy chục ngàn một bức…
Mẹ chen vào:
–           Tại số thôi… theo mẹ thấy thì thích cứ làm. Nếu vẽ cho ta sự vui vẻ, sảng khoái trong đời sống thì cứ vẽ… có sao đâu!
Anh Căn:
–           Tranh của Cơ bây giờ chất đầy gác rồi đấy…
Hồng xúi:
–           Làm triễn lãm đi Cơ.
Cơ lắc đầu, nhớ đến lời phê bình của Hà, tim chợt nhói lên:
–           Thôi! Cơ chưa có ý định đó.
Để cho căn gác thoáng bớt, Cơ đem những tấm tranh ít màu sắc của mình xuống kho nhà xe bỏ vào đấy. Rồi mỗi cuối tuần lại vẽ.
Thời gian trôi qua cũng nhanh. Dù biết ít người cảm tranh của mình, nhưng Cơ vẫn chịu khó đi vận động coi có ai mua hay thích coi tranh của mình không, vẫn chịu khó nhắc nhở đến những bức tranh “tội nghiệp” đang nằm một góc, chưa lần ra mắt ai hết.
Sau nhiều thử nghiệm với bạn bè thân thuộc, cứ cho coi vài tấm tranh là hầu như bọn họ lãng ra, hay lại tụ vào nói chuyện khác, để mặc Cơ đứng chơ vơ với những bức tranh nằm bẻn lẽn một góc, chưa có cơ hội nhấc lên cho người ta coi. Cơ đã quen với cảnh nầy, nên cũng tảng lờ để nhập bọn nói dóc với các bạn, dù trong lòng cũng thương cho số phận mấy bức tranh, nhất là “phận mình”!
Biết là người đồng hương không thích tranh “lập dị” của đồng hương, nên Cơ tính nước cờ khác, giới thiệu tranh với tụi bạn Mỹ trong sở, hy vọng tụi Mỹ thích những cái khác thường, có thể có người khoái tranh của chàng.
Cho dù biết là thiên hạ không khoái lối vẽ của mình, dù biết rằng màu sắc mình dùng không ai thích, nhất là mấy cô… nhưng Cơ vẫn tự tin với những tấm tranh đã vẽ ra. Họa sĩ ai không cho tranh mình là nhất! Cơ dứt khoát không thể đổi tông màu những khi cầm cọ vẽ! Cứ cái màu u u tối tối mà quẹt! khiến con bé Út lâu lâu có chạy lên căn phòng trên gác, là lại rùng mình trông rất là “cute”!
–           Con bé nầy cù lần, cóc biết gì là nghệ thuật cả!
Ở sở làm, Cơ chỉ huy năm thằng kỹ sư khác, nên dù sao tụi nó cũng nể nang “xếp nhỏ”. Lần đầu treo tranh của mình trong phòng mình, tụi nó nhìn thấy đều khen. Cả năm thằng khen, nhưng đứa khen nhiều, kẻ khen ít.
Thằng Kenan mới vào làm vài tháng nay là có vẻ nhiệt tình nhất, hắn còn gạ Cơ mang thêm vài bức cùng đề tài vào sở làm cho hắn coi. “Không biết có phải hắn lấy lòng mình không?” Cơ tự hỏi, và nhủ thầm: “Thôi, mai cứ mang vào cho hắn coi, có mất mát gì đâu! Chỉ mất công một chút cũng không sao”.
Cơ không mất công chạy lên chạy xuống cầu thang, vì mấy tấm tranh để dưới ga ra, loạt tranh mà Cơ vẽ đợt đầu. Cơ nghĩ mấy tấm nầy tuy Việt Nam không thích, nhưng Mỹ thì chắc là hợp hơn.
Thằng Kenan khi thấy thêm tranh của Cơ thì sáng mắt lên, hắn nói:
– Ông anh của tôi là một đạo diễn, ổng đang làm phim cho mấy trường dạy điện ảnh, nghe nói cần một số tranh để trang trí cho một phim sinh viên đóng… để tôi hỏi ảnh coi có chịu mấy tấm nầy không?
Rồi hắn lấy của Cơ ba tấm mang về nhà cho anh hắn xem, hẹn trong vòng 1 tuần sẽ trả lời.
Thêm một tuần chờ đợi, nhưng chỉ vài ngày sau đó, thì Kenan đã cho Cơ hay tin mừng là anh của hắn đã coi qua tranh, và rất chịu mấy tấm tranh đó, coi như cầm chắc 99% trong tay. Tuy nhiên, anh hắn chưa trả lời vội vì còn vài việc khác phải làm trước. Chuẩn bị đãi tiệc ăn mừng là vừa…
Cơ vội báo tin cho mẹ biết để sửa soạn nhà cửa, mời vài người bạn thân, mở tiệc bất ngờ đãi cả nhà, và sẽ tuyên bố tin vui! Dễ gì mà được Mỹ mua tranh như vậy! Cơ “order” đồ ăn chiến ở nhà hàng đem về cho mẹ khỏi vất vả nấu, và thức ăn nhà hàng ngon hơn.
Rồi ngày trọng đại mà Cơ chờ đợi cũng đến…  Kenan cho hay với loại tranh như vậy rất “ma quái”, hợp với đề tài mà anh hắn đang cần…
–           Khi giới thiệu về anh, tôi nói với ảnh anh là họa sĩ nổi tiếng của Việt Nam, chuyên vẽ những bức tranh có vẽ “dã thú – fauviste”, xen lẫn nét ma quái, nhất là về màu sắc… ảnh xem rồi thích lắm, muốn coi vì ảnh đang quay một phim ma, nên cần khoảng ba mươi bức như vậy.
–           Cần ba mưới bức?
–           Đúng, anh có đủ số không?
–           Dư sức, mà sao họ cần nhiều vậy?
–           Vì chuyện phim nói về một xưỡng vẽ có ma hay sao đó… Tôi không rõ lắm. Hôm nào anh gặp anh tôi rồi hỏi ảnh xem.
–           Tôi có đủ số cho anh của anh. Mà anh biết họ trả bao nhiêu cho một bức không?
–           Mỗi bức nghe nói họ trả một ngàn đồng, anh thấy sao!
Cơ há hốc miệng tưởng mình nghe lầm! Cơ cứ nghĩ chắc là mỗi bức tranh sẽ bán được cao lắm là hai trăm đô! Ba chục ngàn đô la cho 30 bức tranh! Số tiền nầy đối với Cơ dù không lớn lao gì, vì lương Cơ làm cũng cao… nhưng đó là số tiền bán tranh! Những tấm tranh đầu đời bị chê bỏ lăn lóc trong nhà kho của mình!
Thấy Cơ im lặng , Kenan tưởng Cơ chê it, nên nói thêm:
–           Tùy anh thôi, anh cứ suy nghĩ rồi gọi. Đây là số phôn để liên lạc với ảnh.
Trước khi về, Kenan còn dặn:
– Nhớ nghe, gọi cho ảnh càng sớm càng tốt, vì số tiền mua tranh họ mới nhận được ủng hộ, cho nên cần có tranh gấp để cuối tuần bắt đầu quay cho sớm! Nói đúng ra là anh hên, vì có thằng họa sĩ Mỹ vẽ cũng khá, nhưng tranh hắn đòi giá ba ngàn 1 bức, lại dùng màu tươi hơn màu của anh, nên không được chấp thuận!
Buổi chiều, mẹ thấy Cơ bước vào nhà, tay xách nách mang. Con bé Út cũng phụ ôm hộp bánh lớn, ra chiều thích thú:
–           Anh Cơ hôm nay cho cả nhà ăn sang quá!
Mẹ cũng cười tươi:
–           Có việc gì mà con đãi tiệc xôm tụ vậy? Chắc là mới quen cô nào, sắp lấy vợ rồi phải không?
Cơ ra vẻ bí mật:
–           Mẹ đợi một tí con tuyên bố ngay, con biết là mẹ sẽ vui lắm!
Nghe Cơ nói, bà cũng vui lòng chờ. Chắc nó quen con nào thật! Dọn thức ăn, bánh trái  ra đĩa, bày lên bàn vừa xong thì cả nhà đã về đầy đủ, và người khách thứ nhất là Hồng cũng vừa bước vào:
–           Chào hai bác, chào cả nhà… hôm nay đãi tiệc gì vậy anh Cơ?
–           Anh Cơ sắp lấy vợ!
Con bé Út vọt miệng. Hồng tròn mắt:
–           Lấy ai?
Bé Út ấp úng, nó nghe mẹ hỏi anh lúc nãy, lại tưởng lầm ra như thế. Lần nầy nó trả lời càng sai hơn:
–           Lấy chị!
Hồng sửng sốt! Nhưng mẹ Cơ vội nói:
–           Nói tầm bậy… Không biết hôm nay Cơ có gì vui mà nó đãi tiệc, chút nữa sẽ tuyên bố lý do.
–           Chắc được lên lương. Bé Út nói tầm bậy làm chị hết hồn!
Hồng nói câu đó là sự thật! Bởi nàng vừa nghĩ ai mà làm vợ Cơ, suốt ngày chắc sẽ bị nhìn thấy mấy bức tranh ma quái ghê gớm… ám ảnh suốt đời!
Khi bàn ăn sẵn sàng, và vài người bạn tới đã đầy đủ, Cơ trịnh trọng đứng lên, hãnh diện mở lời:
–           Thưa cả nhà, thưa các bạn… từ lâu rồi, tôi cũng có vẽ vời cho vui…
Cơ cố tìm những chữ thật nhũn nhặn để gây thêm cảm tình với tất cả, dù những người có mặt trong bàn tiệc hôm nay đều thương và thông cảm với Cơ từ lâu.
–           Tôi biết cả nhà và các bạn chắc không thích tranh của tôi mấy… vì thế nên tôi phải đưa tranh của mình vào xã hội Mỹ… cho nên hôm nay, tôi xin báo tin mừng cho quí vị biết là tôi được một công ty điện ảnh của Mỹ mua 30 bức tranh một lúc…
Cả nhà xôn xao náo nhiệt hẳn lên, mỗi người hỏi một câu… nói chung ai cũng mừng cho Cơ có số hên! Đợi cho các câu hỏi lắng xuống, Cơ nói tiếp:
–           Những bức tranh bán được lại là những bức tôi thấy vẽ không đạt mấy… tôi đã quên lãng chúng cả gần hai năm nay…
Mẹ thắc mắc:
–           Những bức nào vậy Cơ?
–           Mấy bức mà con bỏ trong ga ra đó mẹ…
Mẹ thoảng thốt kêu lên:
–           Hả! Thôi chết tôi rồi!
–           Sao vậy mẹ? Chết cái gì?
Giọng mẹ mếu máo, lạc hẳn đi:
–           Cơ ơi… thì cách đây hơn 1 tuần, mẹ thấy tranh và đồ đạc nhiều quá trong ga ra, mẹ gọi thằng Mễ hay đổ rác đi ngang đây cho nó, ba ngày trước nó dọn sạch chở đi hết rồi con ơi!!!
–           Trời đất! Sao mẹ lại cho tranh của con!
Cơ thẫn thờ ngồi xuống ghế! Thấy trời đất như quay cuồng trước mặt… Cả nhà cũng cùng chung tâm trạng như Cơ!
 (* truyện sưu tầm)
Diễm Châu (Cát Đơn Sa)
Trang Thơ Nhạc Diễm Châu Cát Đơn Sa
Thơ & Nhạc Những Con Đường Trắng – CĐS 34
Thơ Nhac Giao Duyên Cát Đơn Sa 28 Thiên Thai
Cát Đơn Sa # 22 Thơ Nhạc Giao Duyên: Chân Quê
Cat Don Sa # 24 Đò Chiều

Thơ Hai Cô Thiếu Nữ- Thơ tiền chiến Nguyễn Thị Manh Manh- Diễn đọc họa sĩ Vi Vi và ca sĩ Cát Son Sơn Ca Diễm Châu

Ngõ Trúc ̣Đào Thơ T.T.Kh – Bài Thơ Đan Áo – Hoa Si Cát Đơn Sa 
Quảng Đà quê tôi – Cát Đơn Sa # 30
Danh họa ViVi mừng 25 năm Anniversary & sinh nhật thời Cúm Tàu… 2020