LÊ MAI LĨNH

Lê Mai Lĩnh
Tên thật Lê Văn Chính- Gốc gác Quảng Điền, Triệu Phong, Quảng trị.
Còn có bút hiệu khác là SƯƠNG BIÊN THÙY, viết từ năm 1958, với nhiều thể loại.
Trước năm 1975 từng cộng tác với: Nghê Thuật, Khởi Hành, Gió Mới, Ngàn Khơi, Văn, Tiền Phong…
Cựu Sĩ Quan Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa
Sau 75 qua nhiều trại tù Cộng Sản từ Nam ra Bắc.
Hiện định cư tại thành phố Pittsburgh – Pennsylvania – Hoa Kỳ
Tiếp tục con đường văn nghệ, trong sự nghiệp đấu tranh giải thể chế độ CS.
Có mặt trên nhiều tờ báo ở Mỹ, Canada và Châu Âu

một
Kể từ khi em đến
Ngã vào lòng thi nhân
Anh không còn thi sĩ
Anh đã là thi vương.
Đời thật kỳ, em nhỉ
Tình chi mô lạ rứa
Tình thay đổi đời người
Tình phục sinh chan chứa.
Ví phỏng em biền biệt
Đời anh cằn héo khô
Ví phỏng em quay lưng
Thơ anh, mùa hạn hán.
Em, cơn mưa mùa hạ
Trên cánh đồng thơ anh
Em tưới tắm hồn anh
Thơ anh phục sinh là.
Ví phỏng em ngoảnh mặt
Thơ anh hấp hối theo
Ví phỏng em ruồng rẫy
Hồn thơ anh lao đao.
Ví phỏng em chạy trốn
Anh biết đâu mà tìm
Ví phỏng em qua đời
Anh theo chết, nơi nao?
Ví phỏng em nằm ngủ
Anh hôn lên môi em
Ví phỏng em giận dỗi
Anh quì xin tha tội
Ví phỏng em u mê
Anh lì lợm làm tới
Ví phỏng em im lặng
Anh mở cửa địa đàng.
hai
thơ làm lúc nửa đêm
Giữa đêm thao thức, tình chợt dậy
Viết vội, tặng TRĂNG, bài thơ này
Trong thơ có TRĂNG, có tình ta
Yêu biết mấy, TRĂNG, TRĂNG có hay.
Xin cô nương bình tĩnh, ta rất dịu dàng
Mỗi chuyển động của ta, tất tất đều dịu dàng
Cô nương hãy nương theo ta, mà rót mật
Mật ngọt của trời ban , ta trao nhau.
Bằng thơ và mật ngọt tiết từng hồi
Cô và tôi dựng lên một thiên đường mới.
Thi sĩ là Adam, Nàng thơ là Eva
Coi như không có Thượng Đế
Tôi đi săn kiếm mồi, cô tại nhà sinh nở
Chúng ta tặng đời một bầy thi sĩ nhí, nghe cô.
nhớ SINH NHẬT của học trò
TRĂNG đến, vừa đúng lúc, TRĂNG biết
Ta khát, giếng Thiên Thai TRĂNG ngọt lịm
Ta đói, vườn địa đàng TRĂNG, trái chín rộ
Ta lạnh, cỏ địa đàng TRĂNG là nệm êm.
TRĂNG đến, cho ta ánh sáng, khi trời và TRĂNG là thực phẩm
Đêm đêm, dưới ánh trăng ta làm thơ, TRĂNG là NÀNG THƠ
Với khi trời , mỗi sớm mai, ta vươn vai thở đều, thở đều
Thực phẩm là TRĂNG, ta mặc tình liếm láp, nhâm nhi.
TRĂNG cũng là lộc trời, lộc trời, ta chiêm bao
TRĂNG là dấu tình, mỏi mắt đời, ta chờ mong
Phải chăng TRĂNG đã lạc bước vào đời ta
Cảm ơn em đã lạc bước vào đời ta, thực hay mộng.
Em là HẰNG là NGUYỆT hay là TRĂNG
Em lạc lối hay em cố tình lạc lối
Trong vườn thơ ta tình thấp thỏm khát khao
Em là mật ngọt hay em là trái đắng?
Dù em là mật ngọt hay em là trái đắng
Đã vào vườn ta, xin cô nương cẩn trọng
Ta không hiền, không dữ, ta chỉ hơi chút khùng khùng
Một chút khùng thôi cũng đủ làm cô nghẹt thở.
Lê Mai Lĩnh
 
MỘT NGÀY
NHƯ MỌI NGÀY


Sáng, một khúc sắn nhí
Trưa, hai chén sắn lưng
Chiều, lưng hai chén sắn
Làm, tám tiếng còng lưng

Ăn, nuôi như trẻ nít
Chơi, có thì giờ đâu
Ngủ, chật như cá hộp
Làm, hối thúc như trâu

Sáng mở mắt, khẩn trương
Tối đi ngủ, khẩn trương
Giờ tập họp, khẩn trương
Khẩn trương và khẩn trương

Nuôi như thế, đành sao
Dẫu chi cũng là người
Người nuôi người như thế
Rồi cũng thành đười ươi

Nào ếch nhái, ếch ương
Nào cào cào, chẫu chuột
Nào dế đũi, dế cơm
Nướng lửa rơm ăn tuốt

Nào vỏ khoai, vỏ sắn
Nào rau diệu, rau dừa
Nào rau ôm, rau ngố
Rửa qua loa, ăn bừa

Mỗi người một cái cóng
Mỗi người một cái gô
Sau mỗi giờ lao động
Thấy lửa cứ nhào dzô

Bạn ta ăn móng chó
Cơ quan thải ba ngày
Nướng lửa rơm vội vã
Ăn được, kể cũng hay

Bạn nói bạn nhập môn
Vào làng ăn thịt cầy
Với móng chó hôi thối
Bài học này đắng cay
(Trại tù Vĩnh Phú 1979)
SẮN

Hãy cuốc xuống thật sâu, nạy lên bật gốc
Hãy dọn dẹp, vun thành đống, châm lửa đốt cho sạch
Nương rẫy đã xong, đất đai đã hoàn thành
Hãy trồng xuống
Hom sắn

Sắn đã nuôi ta sống
Sắn đã hại đời ta say
Ôi những bữa ăn đắng cay
Những sắn. Toàn sắn

Sắn sớm, sắn trưa, sắn chiều, sắn cải thiện
Sắn trao đổi áo quần, sắn trộm cắp dấu diếm
Sắn nhờ thuốc thẳng, sắn lượm lặt hàng hiên
Sắn thừa mứa chó chê,người đói nghèo nhặt nhạnh
Sắn củ ngon, sắn lớn bành ky
Sắn đuôi chuột, sắn trong đống vỏ
Sắn gì cũng không chê không bỏ
Ta cứ ăn vào đầy bao tử được là hay
Đời tù no đếm được từng ngày
Ôi hạnh phúc qua đêm, bụng không cồn cào là tốt
Hỡi sắn, mày đã nuôi ta suốt bốn mùa
Sắn tươi ngọt bột nhiều ăn ngon khoái chí
Sắn chặt khúc phơi khô, nặng mùi nắng ăn vào
khó chịu
Sắn dzui từng sợi ăn có mùi chua
Tất cả đều thua
Sắn làm bột cho bánh ăn là nhất

Hỡi sắn, lương thực quý giá vô song
Mà ông cha ta đã phụ bạc
Mầy phải được phục hồi danh dự không thể khác
Mầy phải đưọc nâng lên hàng đúng chỗ
Lá, cũng chứa nhiều chất bổ
Ôi sắn thần tiên đã đi suốt cuộc trường chinh
Với Đảng Quang Vinh mấy mươi năm sống còn

nhờ cây sắn nuôi mình
Sắn Vĩ Đại
Sắn muôn năm
Sắn đời đời ghi nhớ
Sống Mãi Trong Sự Nghiệp Của Chúng Ta

Hỡi sắn,
Có người dại khờ quên mầy nhiều chất bổ
Họ dùng sửa bột, bắp xay, gạo đỏ để nuôi gia súc
Và nhiều thứ thịt họ không thèm ăn
Đem đổ xuống Đại Dương tránh dòi bọ lân la lúc nhúc

Hỡi sắn,
Niềm tự hào của Đảng ta
Nhờ mầy,
Thế giới biết tên Việt Nam – Hồ Chí Minh
Và nhân dân có sắn ăn ngon bá thở
Ơn của người ta nhớ mãi trong mình

Hãy cuốc xuống thật sâu chôn kín lũ bạo tàn
Hãy dọn dẹp, chất thành đống, châm lửa đốt cho sạch
Trời của ta, đất của ta
Ta phải đối đầu thử thách
Diệt cho tàn loài sâu bọ dã man

(Nghĩ Hoàng Liên Sơn 1977, Làm tại Vĩnh Phú 1979)
GIAO THỪA NĂM 37 TUỔI

Ta tù nhân hề, khi nước nhà thống nhất
Khi độc lập hề, dân đói quanh năm
Ôi Đảng quang vinh hề, chỉ hay mồm mép
Mấy mươi năm rồi, nước chỗ yên nằm

Ta nay đã 37 tuổi tròn
Đầu lốm đốm với hai thứ tóc
Nhớ từ thuở còn thơ đi học
Qua đồng làng, ruộng lúa , nương khoai
Thấy những đàn trâu ăn cỏ mệt nhoài
Và những bác nông phu suốt đời vất vả
Ta thấy xót xa cõi lòng khôn tả
Mong có ngày đất ngước tiến lên
Mong có ngày cơ giới làm nền
Để giải phóng sức người lao động
Ôi tuổi thơ ta với những tháng ngày trầm thống
Ôi những ngày cuốc đất hái rau
Cơm không đủ ăn, thiếu thuốc khi đau
Phải lên rừng vào truông kiếm củi
Tuổi thơ ta với những tháng ngày lầm lũi

Khi lớn lên nhận tay đời khẩu súng
Để sửa sai người anh em khoác áo chiêu bài
Nào Độc Lập, Tự Do, Hạnh Phúc
Ôi những trò bịp bợm, quái thai.

Nào ngờ đâu trong cơn mặc cả
Của lũ người mua bán chiến tranh
Chúng trao ta vào tay đối nghịch
Ôm hận tù đày, tội phạm chiến tranh

Ta được người mệnh danh giải phóng
Đưa xuống tàu từ giã miền Nam
Ra tới đây núi rừng Việt Bắc
Tù khổ sai, không được than van

Nhờ ra đây ta còn thấy lại
Những chiếc cày và mấy con trâu
Những cụ già còng lưng cày cấy
Trên ruộng đồng nước lũ thật sâu

Và những em thơ chân đất đến trường
Như ta đã ba mươi năm về trước
Ôi em thơ ngây áo quần tơi tước
Đất nước thống nhất rồi, em có hay

Nhớ một lần đi gánh gạo Bằng- La
Ta thấy lại cảnh đời năm cũ
Mẹ 60 cày sâu ruộng lũ
Mắt sáng ngời khi bắt được con cá to bằng ngón tay

Và những em nhỏ mặt mày đen đúa
Thơ ngây đâu, tuổi trẻ cũng không còn
Sao Đảng nói các em là những
Đã làm người, Ông chủ tí hon
Bác đã cho các em rất nhiều bánh
Vẽ trên giấy tha hồ mà ăn

Nầy em nhỏ cầm đá ném vào đầu ta
Trên đoạn đường gần ga Hà Nội
Nếu không nhanh tay ta đã u đầu
Chắc em buồn lòng không thơi thới

Đôi lúc các em cũng thành công
Nói cho để các em mừng
Bạn ta có đã năm, mười đứa
Đã sưng đầu chảy máu đầy lưng
Này cô gái chu miệng chưởi rủa mẹ cha ta
Trên đoạn đường gần ga Yên Bái
Chắc cô vui vì ta đã nghe
Chắc cô buồn vì ta đã cười

Dẫu thế nào ta vẫn khôn hơn cô
Này cô bé, sao không về đi cày
Ai bắt cô đứng đây giờ đó
Để diễn trò căm phẩn, lạ thay

Giao Thừa đến rồi, ban giám đốc đốt pháo
Bác Tôn chúc thư, trại đã mở đài
Bánh chưng bóc rồi, ta ăn một nửa
Từ từ thôi để hạnh phúc còn dài

Đã ba năm rồi ăn Tết trong tù
Vợ con ta ơi, bốn phương lưu lạc
Thôi đành xin lỗi vợ con
Đón Giao Thừa hề, ta ôm chiếc bánh
Nhân thịt ngón tay hề, ôi chiếc bánh chưng

Đã lâu lắm, ta thèm miếng thịt
Nay Tết đến rồi nhà nước mới cho
Ôi miếng thịt này sao ngon đáo để
Chẳng biết trâu hay ngựa hay bò.

Mặt trời mọc rồi ở Phương Đông
Chẳng thể phương nào khác như chúng muốn
Chiều nay lặn ở Phương Tây
Điều chắc chúng sẽ buồn

Ta thấy rồi TỰ DO mở rộng
Song sắt nào khóa nổi hồn ta
Đón Giao Thừa trong nhà giam lạnh
Nhưng ấm lòng ta, niềm tin quê nhà
Trại tù Lào Kai 1978
Lê Mai Lĩnh
MỘT CHIỀU MƯA

Anh không thể không nói lời cảm ơn em
Vì anh luôn nhớ kẻ trồng cây khi ăn trái
Anh không thể không nói lời cảm ơn em
Vì chính em đã giúp anh hiểu thế nào là sự sống

Em đến thăm anh một chiều mưa
Không quên hôn xuống nỗi cô đơn một thời lận đận
Nếu còn nước mắt chắc anh đã khóc
Nhưng than ôi,nước mắt đã không còn

Khi em về trời vân còn mưa
Hay trời khóc giùm anh, cảm ơn em, nụ hôn dịu ngọt
Nụ hôn em hay lượng trời ban xuống
Mà trong anh cuộc phục sinh rất đỗi ngoan cường

Em đi rồi, anh ngồi lại một mình
Ngồi lại. Một mình, anh thấy đời lạ hoắc
Em đi rồi,  anh ngồi lại một mình
Ngồi lại. Một mình, anh thấy đời đời đổi khác

Anh không thể không nói lời cảm ơn em
Người tình mưộn cuối đời anh phải sống
Anh phải nói lời cảm ơn em
Người tình dấu yêu cuối đời, anh phải chết.
Lê Mai Lĩnh
BÀI THƠ THỨ MƯỜI

Đốt trái tim, cúi đầu, chào người trong ảnh
Không gọi em là tiên, ta vẫn biết em trần tục
Để được thấy rằng em rất gần gũi
Như chính linh hồn ta

Nhớ một thời cắp sách đến trường
Áo trắng, nữ sinh Đồng Khánh
Cầu Trường Tiền, những chiều gió lộng
Tà áo em bay như một dáng liêu trai.

Nhớ một thời guốc son qua phố
Cặp sách đen, phượng vĩ đỏ, em như tuyết
Ước gì ta có được bàn tay của trời
Vẽ lên trái tim ta,chân dung em, diễm tuyệt.

Nhớ một thời, trong cặp,dấu trái me chua
Tưởng tượng thôi, em đã làm ta khát bỏng
Nhớ một thời trong vở, em chép thơ tình
Tưởng tượng thôi, em đã làm ta muốm trở thành thi sĩ.

Nhớ một thời, nhớ một thời, nhớ một thời
Vàng son, vàng son, phai nhạt
Nhớ một thời, nhớ một thời, nhớ một thời
Thôi quên đi, hỡi em, tình nầy đã đủ.
Lê Mai Lĩnh

CHẢI LẠI ĐỜI MÌNH
 
Đã đến lúc anh phải chải lại đời mình
Bờm xờm quá, lôi thôi hoài, không được
Em thấy không, anh yêu đời trở lại
Nghe xôn xao như chim hót trong lòng
 
Anh biết rồi, hạnh phúc là điều có thật
Như anh đang có em để đợi chờ
Như sáng mai này nghĩ về một người lên Đà Lạt
Lòng muốn gởi theo chút ấm làm quà
 
Sáng mai này có một người đi xa
Trong lòng ta có một chút gì đọng lại
Nhẹ nhàng,nhẹ nhàng, nhẹ nhàng
Ta nâng niu, nâng niu, suốt buổi
 
Chải lại đời mình, em chợt đến
Mười ngón tay, chiếc lược thần kỳ diệu
Giúp anh, em hãy chải đi
Em có chải không, em có chải không nào.
 Lê Mai Lĩnh
THẦY DẶN TRÒ TRƯỚC NGÀY VỀ VIỆT NAM
Thầy biết trò đang chuẩn bị về Việt Nam
Lòng đang rối bời, lo trăm nỗi
Thầy chúc trò, bình tĩnh, bình yên
Rồi mọi điều sẽ tốt đẹp với trò thôi.
 
Thấy mong trò lên đường bình thản
Chân kim cương, đá bùn, mềm
Đi đến nơi, về mau với thầy
Nơi này, mỗi ngày, thầy dài cổ, trông ngóng.
 
Khi về Việt Nam
Nếu gặp lúc đồng bào mình biểu tình chống độc tài
Trò nhớ mua bánh mì, nước uống, tiếp tế cho bà con
Đừng vô cảm trước nỗi đau dân mình.
 
Nếu có thể, trò mua những bông hồng tươi
Tặng cho những chú công an, bộ đội
Chẳng qua họ cũng là nạn nhân của thế thời
Vì thiếu hiểu biết và vì cơm áo
Họ đã vô tình làm tay sai cho bạo quyền.
 
Nhờ những cành hoa của trò và lòng nhân hậu của trò
Và,cũng nhờ nhan sắc diễm tuyệt của trò
Biết đâu họ sẽ nhẹ tay hơn khi đánh đập bà con mình.
Đó là lúc, chính trò cũng đã tham gia cuộc chiến đấu
 
Nếu thời gian này không có biểu tình
Trò nhớ mua vài bao gạo
Tặng cho những quán cơm bình dân giá 2000 đồng tiền Hồ
Đó là lúc trò thể hiện tình thương lá lành đùm lá rách
 
Những ngày quê nhà
Thầy mong trò có nhiều niềm vui
Khi gặp thân nhân, bạn hữu
Nhưng nhớ cẩn thận khi đi, đứng
Nhìn trước, ngó sau
Tránh tai nạn giao thông và quân gian rình rập.
 
Trò nên tới những nơi nào cần tới
Và ra đường những lúc không thể không ra
Đừng ham vui mà đi đứng lung tung
Quê hương mình giờ đây nhiều điều bất trắc
 
Mỗi ngày, mỗi đêm thầy cầu nguyện cho trò
Thầy đọc thần chú và mật chú:
Úm ba la, úm ba la, về mau trò Trăng
Vì thầy chưa muốn cùng trò đồi thông hai mộ.
 
 
DẤU YÊU
Em hãy mở kho thơ ra
Xem xem còn bài nào sót lại
Cho em đọc vào giờ cà phê sáng mai
Nếu không còn là anh có lỗi
Hãy tha thứ cho anh.
 
Dấu Yêu,
Em hãy mở lòng em ra
Xem xem có lòng anh trong đó
Để sưởi ấm lòng nhau, đêm đông
Nếu không, anh là người thiếu bổn phận
Hãy tha thứ cho anh.
 
Dấu Yêu,
Em hãy mở ngõ trái tim em ra
Xem xem, trong đó, trái tim anh có hiện hữu
Nếu có hoặc không, điều này chưa biết ai có lỗi
Hãy tha thứ cho nhau
 
Dấu Yêu,
Em hãy ngó xuống vườn địa đàng
Xem xem, có hoa cỏ tươi vui, mượt mà
Giếng nước có trong trẻo, lịm ngọt
Hương có thơm mùi dạ lý, dạ hương
Để mỗi đêm, anh gục đầu, chết khỏe
 
Dấu Yêu,
Phải chăng em là bùa mê anh vướng vào
Phải chăng em là thuốc tiên để anh say mê
Phải chăng em là hố thẳm để anh chôn đời
Bắt xá là gì em đi nữa
Em, canh bạc đời anh chơi hết số phận.
 
Thời đại
HỒ CHÍ MINH


Thời buổi gì muối cũng không đủ ăn
Và có lúc thấy ngọt như đường
Thời buổi chi mà lạ lùng thế rứa
Mở mắt ra toàn nói chuyện ăn

Nầy bọn Tư Bản bốc lột kia ơi
Sao mầy toàn nói chuyện ăn chơi
Hãy xem đây Việt Nam Xã Hội Chủ Nghĩa
Suối tháng, quanh năn, làm cả đời

Thời buổi gì trông cũng lạ lùng
Toàn nói chuyện ăn chơi mà giàu
Còn ta, thường xuyên thi đua lao động
Mấy chục năm qua dân vẫn đói nghèo

Nói Độc Lập, nước nhà thống nhất
Để mở ra thời kỳ vàng son
Cũng là lúc cầu bơ cầu bất
Dân đói ăn, khố áo chỉ còn

Trông lên thấy cở đỏ chói chang
Biểu ngữ, huy chương nghĩa chữ làng chàng
Ngó xuống thấy dân đời điêu đứng
Máu đổ, thây phơi hàng nối hàng
(Trại tù Thanh Phong 1980)
LỜI TẠ LỖI
VỚI QUÊ HƯƠNG


Dẫu thế nào tôi cũng phải đi
Đành đoạn ra đi
Thà chọn cho mình một kiếp lưu đày
Hơn bị lưu đày trên chính quê hương
Hãy thông cảm và tha thứ cho tôi
Nguyễn Hoàng ơi, Việt Nam ơi, Việt Nam ơi
Xin đừng gọi tôi là tên đào ngủ
Dù ở nơi nào trên mặt đất này
Tôi không quên, tôi, một NHÀ THƠ CHIẾN SĨ
Mãi mãi chiến đấu cho QUÊ HƯƠNG VÀ TỰ DO

Tôi ra đi mang theo nửa trái tim
Nửa còn lại giữ giùm tôi nhé
Tôi ra đi mang theo cả quê hương
Vãn chưa đủ ấm lòng tôi đó
Nguyễn Hoàng ơi, Quảng Trị ơi, Việt Nam ơi
Làm sao tôi có thể quên

Làm sao tôi có thể quên những người mẹ Quảng Trị
Phơi tấm thân gầy trên ruộng đồng
Dưới cái nắng chang chang cơn gió Lào rát mặt
Chắt chiu từng hạt lúa củ khoai
Nuôi cho con ăn học
Con được vào trường Nguyễn Hoàng
là niềm tự hào của mẹ

Làm sao tôi co thể quên những người cha Quảng Trị
Tất bật ngược xuôi cuối bãi đầu ghềnh
Nhặt nhạnh từng gánh than gánh củi
Đổi thành gạo thành tiền,thành cơm, thành áo
Mong cho con nên người
Dưới mái trường Nguyễn Hoàng Quảng Tri thương yêu

Làm sao tôi có thể quên các thầy các cô
Đã suốt đời hy sinh tận tụy
Dạy cho tôi những kiến thức làm người
Và những bài đạo lý vỡ lòng tôi nhớ mãi
“Tiên học lễ, hậu học văn”

Làm sao tôi có thể quên những bạn bè dưới mái trường xưa
Thương nhau như ruột thịt
Tôi nhớ cả sân trường, cột cờ, tiếng trống giờ chơi
Nhớ từng viên sỏi, ngọn cỏ lấp lánh sương mai
Nhớ buổi tan trường như đàn ong vỡ tổ
Màu trắng học trò và màu phượng vĩ đỏ
Là bức tranh diệu kỳ vẽ trên nền trời biếc xanh
Nguyễn Hoàng ơi, Quảng Trị ơi

Vâng tôi nhớ mãi Quảng Trị
Thành phố nhỏ như một bàn tay
Mà năm ngón là những đại lộ
Và phố xá, đường làng, ngõ quê, xóm vắng
Là những đường chỉ tay đan kết vào nhau
Nhớ như in từng địa chỉ ngôi nhà
Từng khung cửa sổ, ngọn đèn học thi
Nhớ từng khuôn mặt, từng dáng đi
Từng mái tóc vờn bay trong gió
Từng tà áo thướt tha đầu ngõ
Vành nó lá nghiêng nghiêng

Những con đường bờ sông phượng đỏ một trời
Con đường đêm đêm mở ra một thế giới thần tiên
Ở đó có nàng Công Chúa ngủ quên
Chờ Hoàng Tử thức dậy
Ở đó có những thảm cỏ xanh, gốc cây
Và bóng tối thật dễ chịu
Chúng không can dự vào những nụ hôn, lời thầm thì
Của những đôi tình nhân yêu nhau, yêu nhau
Ở đó có một dòng trăng chạy dài
từ cầu ga đến chùa Tỉnh Hội
Đêm đêm dập dìu những dáng liêu trai
Làm sao tôi có thể quên

Và cả em nửa, làm sao tôi không nhớ
Chính em đó, làm sao tôi có thể quên
Những đêm Nguyễn Hoàng đầy trăng
Tôi đi bộ hàng mấy cây số đường làng
Qua những lũy tre bời dậu đến nhà ông Lê Chí Khiêm
Hái trộm những cành hoa dạ lý hương
Về cắm lên cửa sổ nhà em trọ học
Đó là mùa hè năm  1962
Và cũng từ đó tôi mất em vì nỗi ngu ngơ
dại khờ của tôi
Và cũng từ đó tôi ra đi
Chia tay Nguyễn Hoàng Quảng Trị
Buổi lên đường, trong trái tim tôi em là kỷ niệm
Em là kỷ niệm đẹp nhất thời thơ ấu của tôi
Cảm ơn em, Cảm ơn em, Cảm ơn em.
Em ở đâu, giờ này tôi biết
Tôi cầu mong em hạnh phúc
Và được yêu như tôi đã yêu em
 
Làm sao tôi có thể quên
Làm sao tôi không nhớ
Nguyễn Hoàng, Quảng Trị, Việt Nam chiến tranh
Những cha con, chồng vợ, cháu chắt, ông bà
Bồng bế, gồng gánh, chân đất đầu trần
Đói khát khóc la và gào thét
Đi trên mìn chông, đi trong đạn lạc
Đi giữa bom napal, đi cùng tiếng đại bác
Đi suốt con đường khổ nạn, trầm luân
Bên thây người lăn lóc
Bên thây người thối rữa
Bên thây người tanh hôi
Và những em thơ gào la bên xác mẹ
không còn giọt sửa
Đại lộ Kinh Hoàng
Quảng Trị quê tôi trong ngút trời lửa đạn
Những La Vang, Nhan Biều
Trí Bưu, Cổ Thành, Chợ Sải
Trần Hưng Đạo, Quang Trung, bờ sông Thạch Hãn
Cửa nát nhà tan, ruộng đồng cháy đỏ
Xác người đỏ
Quê hương thành bình địa
Dưới bom chiêu bài, đạn chủ nghĩa
Của lũ người hiếu chiến, bọn người phi nhân
Bởi người Marxist, Leninist Việt Nam
Làm sao tôi có thể quên

Bài thơ này như một quà tặng trước giờ lên đường
Con xin gởi lại thầy cô và bè bạn
Anh gởi lại cho em
Như nửa trái tim lưu luyến
Cùng với nỗi xót xa
“Trường đã mất và tên trường cũng không còn” (*)
Nguyễn Hoàng ơi lẽ nào như thế mãi
Và vấn đề hôm nay
Đâu là sứ mệnh của chúng ta

(*) Lời thầy Thái Mộng Hùng
 
CÓ THỂ NÀO

Có thể nào anh đành đoạn
Ném lòng em, viên sỏi, mặt hồ thu
Những lăn tăn, lăn tăn,biết đâu là giông bão
Có thể nào anh chịu thấu phải không?

Có thể nào anh đành đoạn
Trao đi rồi giật lại chiếc thuyền còm
Khi chơi vơi giữa dòng em ngụp lặn
Có thể nào anh đùa như thế được?

Có thể nào anh đành đoạn
Trao em chiếc bánh rồi đòi lui
Khi đang thoi thóp lòng em đói
Có thể nào không xấu hổ là anh?

Có thể nào anh đành đoạn
Lúc em khát anh hẹp hòi
Khư giữ trong lòng bát nước
Có thể nào anh chịu được chăng?

Có thể nào đây là một bài thơ?
– Không, đây là những điều ẩn dụ
Viết tiếp theo Kinh Thánh
Vì em cũng có thể là anh
Lê Mai Lĩnh
BÀI THƠ THỨ NHẤT

Đang dọn mình chải lại đời anh
Đêm xuống với cơn mưa đầu mùa,
những ngày chờ đợi
Anh đến với em, hành trang mang theo những gì
Em dấu yêu, lòng phân vân anh tự hỏi.

Có thể nào với đôi tay trống trơn
Của một thời khan hiếm thực phẩm
Vật giá leo thang mỗi ngày đến điên đầu nhức nhối
Toan tính nghĩ suy chuyện cơm áo đời thường
Ôi cuốc đời, tự khoanh vùng cho mỗi khối óc.

Có thể nào với đôi chân khập khễnh
Lê gót mỗi ngày để còn đứng thẳng
Trên mặt đất này để còn làm người
Để còn đôi mắt nhìn thẳng sự thật
Nhìn anh nhìn em, để còn nhận diện
Khuôn mặt quê hương, khuôn mặt bạn bè
Và tình yêu của em, lộc trời vừa tới
Em biết không, anh nâng niu biết mấy.

Có thể nào với trái tim thấp thỏm
Tìm kiếm hoài sao chẳng chút bình yên
Cho thể nào với trái tim phập phồng lo sợ
Sao thấy được em, khuôn mặt dịu hiền.

Có thể nào, có thể nào, có thể nào
Thừa can đảm để làm một nhà thơ
Nhưng lại rụt rè qua một đoạn đường
Đến nhà em sao vẫn thấy khó khăn.

Có thể nào anh không đến
Có thể nào em chẳng đợi trông
Có thể nào chờ đến ngày tận thế
Hùi hụi, anh tiếc trong lòng
Hùi hụi, anh tiếc trong lòng.
Lê Mai Lĩnh
BÀI THƠ THỨ HAI

Vì đã có bài thơ thứ nhất
Nên phải có bài thứ hai
Rồi bài thơ thứ một ngàn lẻ một
Có gì đâu, rất đổi bình thường

Bình thường như lòng em mở
Bình thường anh cố lách vào
Bình thường nếu em khép lại
Bình thường anh chết, thế thôi

Em yêu, muốn gì nói đi nào
Đây trái tim anh, cầm mà chơi
Đây cuộc đồ anh, xài thoải mái
Có gì đâu em, cũng lại bình thường

Bình thường như anh yêu em
Bình thường, nếu em chối bỏ
Bình thường nếu anh đau khổ
Bình thường,nếu nữa, lần yêu

Yêu mãi, yêu hoài, yêu không mệt mỏi
Em yêu, cố mà giữ lấy
Nếu muốn, anh làm nai tơ
Bằng không, anh làm cọp đói

Làm nai, làm cọp cũng lại bình thường
Em muốn, bằng không, cũng lại bình thường
Cũng lại bình thường, nếu có ngày anh nói
Yêu em, anh muốn chết cho rồi.
 Lê Mai Lĩnh
ANH HỨA
 
Anh hứa sẽ không tiêu của em một đồng xu nào
Những đồng nhọc nhằn, chắt chiu, góp gom
Nhưng anh sẽ rộng rãi tiêu đời em
Như đời anh, cho em phóng tay thỏa thích
 
Anh hứa, anh sẽ không cầm tay em bao giờ
Sợ chạm phải điều linh thiêng, kỳ diệu
Nhưng anh sẽ bóp nát trái tim của em
Vì anh nghĩ, anh có quyền làm như vậy
 
Anh hứa, sẽ không chạm vào thịt da của em
Sợ tan biến, vỡ vụn, khói sương
Nhưng anh sẽ dẫm nát cõi lòng em
Vì anh nghĩ, anh không thể làm khác được
 
Anh hứa, sẽ nổi gió cho dều em lên cao
Cho tài năng, nhan sắc em lên cao
Nhưng hãy ở lại mặt đất cùng anh nghe em
Trái tim nồng, hỡi người yêu dấu.
Lê Mai Lĩnh
Trước Giờ Bình Minh

Này là bài thơ anh viết lúc bình minh
Mới đầu ngày, giờ em uống cà phê sáng
Bài thơ như một dấu chứng tình yêu
Anh tặng em như một điều mật ước.

Bài thơ, mỗi sáng mai chất chứa tình anh
Tặng em, mối tình đầu trời trao ban
Em, báu vật, trái tim anh là nơi em ngự tọa
Trái tim anh,là bệ thờ Nàng Thơ, em.

Em, vô thủy vô chung là tình yêu thi sĩ
Em xưa, em nay, em sau, cũng một em
Trước, sau, trong anh, em là một
Em là một, trước sau, là Nàng Thơ.

Em đang uống ly cà phê thứ mấy
Có giọt nào dành cho thi sĩ
Anh, gã tình sĩ làm thơ tình hết sẩy
Dành tặng em, mối tình thi ca.

Em, cứ tiếp tục uống cà phê
Anh, cứ tiếp tục làm thơ tặng em
Như giữa chúng ta có điều mật ước
Anh làm thơ, em uống cà phê.

4/5/2014
Lê Mai Lĩnh
ĐÊM TRĂNG MẬT 
Cần gì phải là một tuần, mỗi trăng mật
Sao không là, một đêm, cũng đủ MẬT TRĂNG
Cảm ơn em đã đến Denver
Đêm hội ngộ NGUYỄN HOÀNG/QUẢNG TRỊ
Hội ngộ tình quê, cũng là hội ngộ tình ta.
 
Biền biệt tháng năm xa, tình ngăn cách
Đêm Colorado, chúng mình chào hàng nhau
Em thấy gì nơi anh, điều cần, cho em mặc cả
Anh thấy gì nơi em, anh ngả giá cả phận người .
 
Một, hai nụ hôn, không ảnh hưởng
lên nền hòa bình thế giới
Một, hai vòng ôm, chẳng đủ làm nên chiến tranh
Nhưng nếu sớn sác chạm vào vùng cấm địa
Tình nổ tanh bành, mà anh cũng tanh bành xác theo
 
Thôi thì , đành vậy nghe em
Đêm TRĂNG MẬT, nhưng mình cứ COCACOLA
Đêm áp sát thịt da, nhưng mình cứ như người còn trinh tiết
Em trinh, anh trinh, chúng mình NÀNG THƠ
và THI SĨ còn trinh
Ai cấm chúng ta không cho phép mình còn trinh .
 
Hoàng hôn Denver, em đến như một tia chớp
Bình mình Denver, em đi, như một ánh sao băng
Đêm Denver, hồn anh chới với
Em, NÀNG THƠ hay Em, CON MA TRƠI.
 
Lê Mai Lĩnh
BÊN NÀY BÊN KIA 
NÚI CHỨA CHAN


Bên kia núi Chứa Chan, anh có em
Em có anh bên này núi Chứa Chan
Qua trái núi ngăn cách tình chan chứa
Đã chán chưa trái núi cách ngăn

Bên này Chứa Chan anh còn trái tim
Anh còn tình yêu, anh còn cuộc đời
Còn em một trời chói chang hạnh phúc
Bóng núi kia đâu khuất nổi dáng người

Núi còn đó với rêu phong tháng năm
Trời cón lúc khói sương màn bông
Nhưng trong ta tình còn chói lọi
Ấp ủ tim yêu một ngọn lửa hồng

Qua trái núi anh nhớ em và con
Không vì thế ngày tháng mỏi mòn
Dậy trong ta một lòng son sắt
Tình yêu em như yêu nước non

Dưới chân núi là sân ga nhỏ
Mà con tàu thét gọi hằng đêm
Tiếng còi nghe lòng mình buốt nhói
Đã trể rồi qua mấy bận tàu qua

Lạ nhỉ, tiếng còi tàu mỗi đêm
Nghe như réo gọi, giục giã, lần khân
Rồi giận hờn, trách móc, tức tối
Tàu bỏ đi, còi xa, mất dần

Bao nhiêu rồi tàu đến, tàu đi
Đã bao nhiêu chiến hữu lên đường
Đã bao nhiêu tàu về Phục-Quốc
Sao còn đây ta trong buổi nhiểu nhương

Núi thì đứng, mà tàu thì đi
Em là núi hay em là tàu
Anh là tàu hay anh là núi
Giỏi theo nhau cùng một vầng trăng

Bên kia núi Chứa Chan anh có em
Em có anh bên này núi chứa chan
Qua trái núi ngăn cách tình Chan Chứa
Đã chán chưa trái núi cách ngăn
(Trại tù Gia Rai 1981)
CHUYẾN TÀU CUỐI NĂM

(Trại tù Gia Rai 1-1-81)

Về quê hương vào những ngày cuối năm
Trên con tàu chở đầy xiềng xích
Xin vĩnh biệt chào vương quốc lừa dối
Trả lại Người những đói rét hờn căm

Mai ta đi từ bóng tối mù tăm
Nơi ta về quê miền Nam yêu dấu
Hãy ở lại những đói nghèo đau thương ẩn náu
Chia tay nghe, vĩnh biệt yên nằm

Chào không chút xót thương núi rừng Việt Bắc
Hoàng Liên Sơn, Yên Bái, Lào Kai
Chào Vĩnh Phú, Thanh Phong, Thanh Hóa
Còn trong ta cơn ác mộng chưa phai

Chào bo bo, chào sắn khoai, bắp xay bắp hột
Vĩnh biệt nghe nước muối đại dương
Chào rau tàu bay, lá rừng chua xót
Khi nghĩ về lạnh buốt khớp xương

Mai ta đi chào những ngôi giáo đường
Đứng lạnh lùng giữa hoang tàn cỏ dại
Hãy ở lại nghe những nghiêng chùa đổ chái
Áo rêu phong khép kín niềm thương

Chào con phố nào ta đã có lần qua
Dẫu không biết tên để gọi
Nhưng trong lòng ta thầm nói
Đó là phố Sinh Từ
Để nhớ Trần Dần và nhóm Nhân Văn
Để ngợi ca những thi sĩ, nhà văn
Đã dũng cảm đấu tranh cho Sự Thật
Ngậm ngùi trong lòng ta tưởng nhớ Phan Khôi
Nhớ ông Bình Vôi bất hủ
Nơi miền quê nào ông đã yên nằm ấp ủ
Nhưng trong lòng tôi ông sống mãi
Ông sống mãi rồi ông Phan Khôi ơi
Nhớ về ông tôi nghĩ tới Kim Tự Tháp của ông Hồ
Mai cuộc vuông tròn đời còn tính sổ

Mai ta đi chào những gia đình bị chỉ định cư trú
Vách đất mái tranh không đủ ấm mùa Đông
Nương sắn đồi khoai không đắp đổi qua ngày
Phải lặn lội rừng sâu năm năm một lần đổi chỗ
Thương cụ già tám mươi tất bật ngược xuôi
Mấy chục năm rồi đói khổ
Nhìn đàn con cháu điêu linh
Không dám đứng lâu để bày tỏ sự tình
Sợ thằng công an gó nhìn quở mắng

Chào em bé ném đá ta ngày mới tới
Và cô bé chu miệng chưởi rủa mẹ cha ta ngày mới ra
Giờ thì biết em đã biết ta
Không phải là quân ăn thịt người
Nên đã có em mang sắn đến cho ta

Từ con tàu qua khỏi bờ Nam
Kinh hoàng lòng ta rợn người muốn khóc
Đã sau lưng rồi xứ sờ đau thương
Ta đã thoát hang hùm khó nhọc

Trên những cánh đồng miền Trung tàu qua
Ta chỉ thấy đàn bà em nhỏ
Thanh niên đâu, đi lính hay tù
Đã mấy năm rồi quê hương thế đó

Này cô gái thanh niên xung phong
Khi con tàu qua khỏi hầm đèo
Sao cô cầm đá ném vào đầu công an
Rồi hai tay chống nạnh nhìn theo

Này các em ở sân ga Đà Nẵng
Có bao lăm lời lỗ thế nào
Mà em ném cho ta bao thuốc tặng
Nhỡ công thấy được làm sao

Này các em nhỏ ở sân ga Nha Trang
Em hát những gì nghe sao ngộ nhĩnh
Em giận đời chăng rằng em bị phỉnh
“Như có Bác Hồ trong thùng phuy đậy nắp
Mở nắp ra nghe cái cốc trên đầu”
Em hát lạ lùng giữa một đám đông
Đứng vẫy tay chào các anh trở lại
Trong lòng ta từ nay sống mãi
Tình quê hương lòng đồng bào miền Nam
Trong nỗi đau quân cướp Đỏ bạo tàn

Này cái vẫy tay vụng trộm đón chào
Này con mắt nhìn dấu yêu thầm lặng
Này nụ cười trao gởi niềm tin
Đã hiểu rồi ta nhất định thắng

Chúng không giết được chúng ta sau ngày 30 tháng 4
Chúng không giết được ta trong BÓNG TỐI
ĐÓI RÉT và SỰ LÃNG QUÊN
Nơi rừng núi âm u Việt Bắc
Ta đã ra ánh sánh ta đã về đất sống
Nhất định chúng ta phải thắng
Nhất định chúng  ta phải thắng

Nhất định chúng ta phải thắng
Thép đã tôi lưỡi gươm này phải sắc
Phải rắn phải chắc phải bền lòng dũng cảm
Đường gươm đi phải đẹp
Phải làm lại từ đầu với cái giá đã mua
Phải làm lại từ đầu đừng để lòng già nua
Tóc dẫu bạc nhưng lòng thanh niên trẻ lại
Trên bước đường đi, trong trái tim đời thoải mái
Ta hiên ngang chững chạc đàng hoàng
Ta đã về khi quân cướp hoang mang
Ta đã về với niềm tin tất thắng

Về quê hương vào những ngày cuối năm
Dẫu trong tay xích xiềng còn trói chặt
Nhưng trong lòng ta bao nỗi hân hoan
Khi thấy dấu bạo tàn sắp tắt

TRƯỜNG CA CHO HUẾ

1.
Hãy tưởng tượng mỗi lần nói đến Huế
những người mẹ Việt Nam áo lam
ăn chay trường trai
đi lễ chùa 15 hay mồng 1
và gặp nhau chắp cánh bái xá
nói điều “Mô Phật”

Hãy tưởng tượng mỗi lần nói đến Huế
những lòng nữ sinh Đồng Khánh
đi xe đạp đến trường
áo trắng, cặp da đen
dấu trong sách bức thư tình vừa mới nhận
mang vào lớp học
chuyền trong tay quà mọn ăn khi cô giáo giảng bài
cười khúc khích nghe bình thơ Hồ Xuân Hương đỏ mặt

Hãy tưởng tượng mỗi lần nói đến Huế
về chiếc nón bài thơ
như thanh gươm người nữ trinh chống đỡ như thành trì
che nửa vành môi, nửa con mắt, nửa nụ cười, nửa tâm hồn, nửa cuộc đời thực tại, vào cơn mộng mị thiên thần
ôi chiếc nón bài thơ chăn giữ khu vườn của nàng những vùng bí mật, kỳ diệu thay cho kẻ thám du cuộc đời tìm vào đất hứa những hân hoan chất ngất không cùng mới lạ trong lòng nàng

Hãy tưởng tượng mỗi lần nói đến Huế
về một mùa rực rỡ, những hồ sen
những hồ sen đẹp ngụy lắm
hoa chi mà nở trắng hồng tím cả mặt hồ
những đỏ phượng, trắng áo, xanh mây trời, vàng con nắng hạ, đen nhung cỏ biếc hoa viên và não nùng cũng đen mầu tóc con gái
amen

Hãy tưởng tượng mỗi lần nói đến Huế
về những căn nhà ma
ngỏ vào hai bên là hai hàng cây kiểng
tường những rêu phong
đẹp như tranh tĩnh vật
đời như cỏ cây đời sống mịn màng
ôi mịn màng
ôi mịn màng
những con đường
đêm bóng tối che khuất từng mảng
người đi thấp thoáng liêu trai
trong cổ tích
bóng ai kia vật vờ
con đóm sáng

Hãy tưởng tượng mỗi lần nói đến huế
về một mùa đông những ngày dài chi lạ
về một cơn mưa dầm dề dài chi lạ
về một nường gió cuốn suốt lòng con lộ vắng buồn chi lạ
cơn mưa nường gió, vâng, chính chúng đã cầm chân người nữ
em ở lại nhà em không đến chốn hẹn
anh đứng chờ em trong mưa, em trùm em trong chăn, em tưởng anh, và đọc lại những bưc thư tình chúng ta dạo nào đẹp chi lạ, phải không anh, anh yêu dấu .

Hãy tưởng tượng mỗi lần nói đến Huế
về một cây cầu
Trường Tiền
cầu mang linh hồn người
ngủ suốt mùa đông, những thân co rúm
ôi cơn mưa tàn nhẫn chảy xối xả vào mặt chàng
đó là lúc cầu cam thân chịu đựng cơn quất mặt tứ tung của gió
cầu mùa đông mưa đọng thành cầu
mưa rửa mặt chàng chàng lạnh lùng biết ngần nào
phải không chàng ngủ suốt mùa đông
phải không chàng ngủ suốt mùa đông và sống lại mùa hạ
đó là lúc chàng vươn vai trở mình chào đón mọi người và phục sinh
đúng là chàng đang phục sinh
trong hội vui rực rỡ mùa hạ
những cánh phượng đỏ đậu trên thân chàng
trắng những con bướm khổng lồ thiếu nữ trong áo trắng
những chiếc nón bài thơ trắng
và dưới lòng chàng, dòng sông trắng
chàng hóa thân nàng bạch tuyết
phượng là chiếc nơ đỏ
trên ngực người thiếu nữ

2.
một phút mặc niệm dành cho Huế bắt đầu

Hãy tưởng tượng
những người chết đầu năm Mậu Thân
chết tức tửi
nụ tầm xuân đang cắn

Hãy tưởng tượng
những ngôi mộ trong vườn còn mới, mới những vòng hoa, mới những khăn tang, mới như ngày đầu năm đồng tiền mừng tuổi
những lời chúc hạnh phúc đầu mùa, mới như nụ hôn đầu đời tình nghĩa
mới như hôm nào
giữa cha mẹ anh em vợ chồng con cái
còn kia nụ cười, cơn hạnh ngộ
còn kia hơi thở, người thân yêu
còn kia cõi biếc thắm tươi,
sao bay vút

Hãy tưởng tượng
tóc thề nữ sinh ngày nào biến thành rừng cỏ khô bay tứ chiến trên thân người tình gã thanh niên
nằm chết co quắp
óng ánh những mỡ cháy khét lẹt,
những chiếc nón bài thơ ngày nào biến thành chiếc quan tài liệm thân người ruột thịt, chiếc khăn tay biến thành miếng băng vết thương trào máu có vòi trên tim người tình đầu đời thiếu nữ,
những chiếc áo trắng đến trường hôm nào biến thành những tấm vải che mặt thi thể người cha người mẹ người anh em ruột gan chia cắt
mới hôm nào còn ăn còn thở còn nói năng những lời tình tự
mới hôm nào,

Hãy tưởng tượng
đường trắng, nhà trắng, vườn trắng, phố trắng, cây trắng, sông trắng, núi trắng
cả một rừng trắng, cả một trời trắng đang phủ xuống non nước Huế
của khăn tang, tâm hồn tang
Amen

3.
Thế nào cũng có ngày Huế phục sinh
phải không em em yêu dấu
anh sẽ đưa em về
anh sẽ đưa em về
thế nào anh cũng đưa em về,
Với Huế
Amen

 Lê Mai Lĩnh
(thơ miền nam thời chiến – tr 628)

BÀI THƠ CHO
NGƯỜI TÌNH PHỤ

 
Sau mười năm nghe lại giọng ca Thái Thanh
Trời Sài Gòn, cơn mưa đầu mùa mát rượi
Ly cà phê sữa đá, điếu apsara rất sịn
Tất cả, tất cả
Trút nghẹ vai ta gánh nặng một ngày
Tất bật, ngược xuôi, thế thời, cơm áo
 
Nghe có chút gì như thể bình yên
Trong lòng ta, dẫu đang ngấm dần chất độc
Từ mũi tên em buông thả bắn vào
Trái tim ta giữa một trời lao đao
 
Liệu còn gì đển nói với nhau
Liệu còn gì mà trách móc
Hãy trả cho nhau còn lại môt mình
Ta suốt đời trái tim cô độc
Hoan hô nỗi cô độc của thi sĩ
Muôn năm nỗi cô dộc của thi sĩ
Đáng đời, nỗi cô độc của thi sĩ
Nhân danh cha và con và thánh thần
Amen.
Lê Mai Lĩnh

Kính mời thưởng thức thêm các tác phẩm của thi sĩ Lê Mai Lĩnh:
1. Khùng thi sĩ, tên cowboy một ngón- Phóng bút
2. Diễn Văn Từ Chối Nhận Giải Nobel Văn Chương
3. THƠ TÌNH CỦA TÔI, NGƯỜI TÌNH CỦA TÔI
ĐỌC THƠ TÌNH CỦA MỘT ÔNG GIÀ 72 TUỔI
Nhà văn TRƯƠNG VẤN
Lê Mai Lĩnh viết nhiều. Đủ thể loại. Văn, thơ, tùy bút, phóng bút, loạn . . . bút, tiểu luận. Đủ đề tài trong mọi lãnh vực: Chính trị, văn chương . . .
Nhưng riêng tôi, tôi chỉ thích thơ Lê Mai Lĩnh . Nhất là thơ tình.
Mà thơ tình viết khi ông trên 70 tuổi mới phản ánh đầy đủ tính cách con người Lê Mai Lĩnh. Một ngoại lệ : bài thơ Sắn , tuy không phải thơ tình, nhưng lại là bài thơ dẫn tôi vào thế giới văn chương và con người Lê Mai Lĩnh.
Cũng dễ hiểu. Năm xưa ( mấy chục năm xưa ) ở tù chung với nhau, tôi không biết anh chàng dong dỏng cao, đẹp trai ( hồi đó) nói giọng Quảng Trị réo rắt như chim hót Lê Văn Chính là tên thật của Sương Biên Thùy, một nhà thơ miền Trung quen thuộc với các tạp chí văn học miền Nam trước 1975. Anh thực sự lôi cuốn tôi với bài thơ Sắn và giọng đọc sang sảng trong các buổi văn nghệ tù khúc cuối tuần.
Bài thơ Sắn cũng là bài thơ duy nhất sánh vai chung với các ca khúc (nhạc ) viết trong tù được lưu trữ và giới thiệu trên chuyên mục Tù Khúc của trang T.Vấn & Bạn Hữu.
Bằng bài thơ Sắn, cánh cửa văn chương của Lê Văn Chính, tức Lê Mai Lĩnh mở ra cho tôi bước vào.
Thế nên tôi mang ơn bài thơ Sắn. Thế nên tôi yêu bài thơ Sắn. Nhờ nó, tôi khám phá ra một Lê Mai Lĩnh đầy tính cách ngược ngạo, kể cả trong thơ tình.
Đọc thơ tình của Lê Mai Lĩnh, tôi như nhìn ra vẻ bối rối, sững sờ, sợ hãi, thích thú của những người nữ mà ông yêu, ông say mê, ông đắm đuối, ông tôn thờ, ông . . . hành hạ.
Những người nữ này , chắc phải khổ lắm , rầu lắm, và cũng sướng tê lắm khi có một người theo đuổi mang đầy đủ tính cách ngược ngạo, liều mạng, lì lợm, bất cần đời, bất cần ai như anh chàng Lê Mai Lĩnh. Kể cả khi những người nữ này đã bước qua bao chìm nổi trong đời (riêng), giờ đây khi “ chẳng may” đối diện với anh chàng “mê mình” năm xưa, chắc cảm giác khổ, rầu, tê tê ngày nào vẫn cứ đeo đuổi, không chịu buông tha. Khổ hơn nữa, rầu hơn nữa, tê hơn nữa là mãi đến bây giờ, anh chàng liều mạng ấy vẫn chưa hết “ mê mình”
Tôi nhìn ra được những tính cách này là nhờ đọc những bài thơ tình của một ông già 72 tuổi, khi ký tên Sương Biên Thùy, khi ký tên Lê Mai Lĩnh, khi ký tên Lê Mai Nổ. Tôi sẽ không ngạc nhiên nếu có lúc ông ký tên dưới những bài thơ ấy là Lê Liều Mạng.
Sở dĩ tôi viết như thế vì chính tôi là người đọc những bài thơ ấy dưới dạng bản thảo ông gởi ngay sau khi vừa viết xong, còn nóng hơi ấm của một trái tim già đang thổn thức, ghen tuông, hờn giận. . . Và vì nhà thơ vẫn còn đang trong trạng thái lên đồng với chữ, với thơ, với cả người(nữ) trong thơ khi ngồi máy nhấn nút gởi đi đến cho người trách nhiệm bài vở của trang T.Vấn & Bạn Hữu ( là tôi) , cũng là một người bạn tù, nên ông già 72 tuổi làm thơ tình chẳng cần e dè, giữ ý, cứ thế bộc lộ trọn vẹn con người mình. Cũng vì thế, thơ tình của ông càng mang một dáng vẻ rất riêng, không lẫn với bất cứ ai. Nhưng, khi đưa thơ ông ra với công chúng, để giữ tính cách đồng nhất trong việc giới thiệu tác phẩm các thân hữu, tôi chỉ dùng một bút danh quen thuộc của ông : Lê Mai Lĩnh.
Người đọc thơ Lê Mai Lĩnh, thực ra cũng chẳng cần những cái tên đầy “ hình tượng “ như Lê Mai Nổ, Lê Liều Mạng, để nhìn thấy tính cách rất riêng của nhà thơ 72 tuổi. Ở tuổi này, còn làm thơ tình được, đã là một ân sủng rất đáng bị . . . ganh tị.
Nhớ năm xưa, ông “xồn xồn “ Phạm Duy, để tìm cảm hứng viết những bản nhạc tình tuyệt vời, ông đã phải chính mình lao vào những cuộc tình “ không lối thoát “, để từ đó ra đời những tuyệt tác như “ Nghìn trùng xa cách “ hay “ Nha Trang ngày về “chẳng hạn, như chính nhạc sĩ đã tự thú trong Hồi Ký của mình.
Nhắc đến chi tiết này, để thấy một điều, muốn làm thơ tình cho hay, cho có hồn, cho có hơi ấm đúng nghĩa của tình yêu, nhà thi sĩ phải “ đang yêu “ cái đã. Không đang mê đắm, đang tương tư, đang nhớ nhung sầu khổ, làm sao diễn tả cho thật được những cảm giác ấy trong những câu thơ của mình.
Nhưng những cảm giác như “ mê đắm, tương tư, nhớ nhung, sầu khổ” trong tâm hồn của một ông già 72 tuổi vẫn khác, phải khác với cũng những cảm giác quen thuộc ấy trong tâm hồn một chàng trai 20 tuổi, 30 tuổi.
Ở ông già 72 tuổi, nét từng trải, cam chịu, thực tế sau một quãng đời dài bươn chải là tất nhiên. Nếu không thế, thì ông già chỉ “ yêu xạo”. Mà “ yêu xạo “ thì làm sao che mắt được thế nhân.Mà thế nhân ấy lại là những người nữ đã từng “ bươn chải “ không kém, có khi còn lăn lộn với đời hơn nữa . Mặt khác, những nếp nhăn trên con tim già nua luôn tìm dịp để chứng tỏ sự hiện hữu của mình. Nhất là khi con tim ấy đòi được đập nhanh hơn, mạnh hơn, điên cuồng hơn.Dù sau đó nó biết rằng nó có thể chết vì . . . đứt hơi. Cũng chẳng sao. Chết vì tình là mơ ước của tất cả những gã nòi tình trên mặt đất này, huống gì Lê Mai Lĩnh !
Thơ tình . . . già của Lê Mai Lĩnh thể hiện đủ những thứ ấy. Hơi ấm thoát ra từ mỗi câu thơ , mỗi bài thơ, cho thấy không phải nhà thơ đang “ yêu xạo”.
Hãy thử đọc vài đoạn, trong vài bài thơ tình tiêu biểu của “lão già dịch“ 72 tuổi ấy xem sao :
“ Này cô láng giềng
Rồi cũng có ngày sau hơn 60 năm
Cô và tôi gặp lại nhau
Tôi được chiêm ngưỡng nhan sắc cô
Vẫn như thuở nào.
Đẹp hết sẩy
Dầu đã hơi bị tra
Nhưng nếu được phép lựa chọn
Tôi chọn cô, không chọn những cô gái 30, 40
Chẳng phải vì tôi thích sưu tầm đồ cổ
Như những nhà tỷ phú thích sưu tầm đồ cổ
Mà tôi là một gã làm thơ
Suốt đời đi tìm cái đẹp
Mà cô thì đã quá đẹp trong mắt tôi
. . . . .
Nếu phải lựa chọn giữa cô và một tỷ dollar
Tôi chọn cô là điều chắc nui
Với cô, 120 pounds, tôi có thể bồng
Nhưng với một tỷ dollar
Tôi không thể mang hay xách
Với cô, tôi có niềm ấm áp để hâm nóng tuổi già
Với một tỷ dollar lạnh lùng, e tôi chết sớm.”
( Đôi Điều Xin Được Phép Nói Thêm Với Cô Láng Giềng )
“ Tìm tình như thế tìm trầm
Rừng thăm thẳm, núi cheo leo
Vì tình chống gậy cố trèo
Tình ơi, tình ơi, tình ơi.
Tìm tính, chống gậy tìm tình
Một mai gậy mòn, gối mỏi
Ta lê, ta lết, ta bò
Tình ơi, tình ơi, tình ơi.”
( Chống gậy tìm tình)
. . “ . Này có láng giềng của tôi ơi,
Tôi yêu cô năm tôi 12, cô 17
Hai năm sau, cô 19, đi lấy chồng
Tôi 14 đầu còn non còn nớt
Chưa biết chi mô
Nhưng tôi đã chân đạp đất, miệng kêu trời khóc lóc khiếu nại, van xin
Nhưng trời khuyên tôi nên đợi chờ, kiên nhẫn.
Từ đó tôi mất cô, tạm thời thua cuộc, đầu hàng.
Tôi lầm lũi trong đời, cầm súng và cầm viết xông pha vào trận mạc.
Nhưng trong trái tim tôi luôn có một chỗ cô an tọa
Cũng có lúc là bệ thờ cho cô, cô láng giềng BÀ TIÊN thời ấu thơ.
Và, đúng như Thượng Đế đã AN BÀI
Tôi gặp lại cô sau 60 năm tại San Jose
Tôi, một nhà thơ bà chạy, tự cho phép mình là gã đàn ông độc thân
Cô, một thiếu phụ đã khoác cho mình đôi cánh tự do.”
( Kẻo gió cuốn mây trôi)
. . “. Chẳng phải tại bà, cũng chẳng phải tại ông
Mà là tại cả ông lẫn bà đều nghĩ mình đang độ muộn hồi xuân
Mới gặp nhau ngày đầu
Bà nói vì đôi mắt ông làm bà khó ngủ
Ông nói vì đôi trái ngực bà phập phồng làm ông bỏ cơm”
( lý lịch tình yêu )
Không biết ông già 72 tuổi còn làm thơ tình được bao lâu nữa. Tôi tin ông sẽ không bao giờ ngừng làm thơ tình. Có lẽ cả khi ông nằm liệt trên giường, miễn đôi tay còn ngọ nguậy được, là chúng ta lại có những bài thơ tình mang dấu ấn rất đậm nét Lê Mai Lĩnh.
Nếu không thế thì cái tên Lê Mai Lĩnh sẽ chẳng có gì khác người.
TRƯƠNG VẤN

Le Mai Linh
: DIỄN VĂN TỪ CHỐI NHẬN GIẢI NOBEL VĂN CHƯƠNG
Của thi sĩ, nhà văn Việt Nam , Lê Mai Lĩnh .
Đôi điều xin thưa,
Đây là một bài nói chuyện ứng khẩu ( sau nầy tôi viết thành văn bản ) tại một buổi họp mặt văn chương , tại tư gia của nhà thơ HÙNG VĨNH PHƯỚC, tại SAN JOSE , năm 2015 , trong lần tôi qua giới thiệu TUYỂN TẬP LÊ MAI LĨNH .
Để thêm hào hứng , khác lạ tôi dã “ phóc , nhảy “ đứng trên bàn tiệc như một sân khấu mọt bẹ gỗ dành cho diễn giả . Mọi người cười vui , hào hứng .
( tôi có phong thái của một kịch sĩ mà ) .
Bài nói chuyện và không gian , là giả tưởng , nhưng NỘI DUNG CỦA NÓ LÀ THẬT .
Qua bài nói chuyện , hẳn quý vị cũng đồng ý những điều tôi đặt ra, cho thực trạng văn học VN , nhược tiểu và sự biến dạng của giá trị giải NOBEL
Qua bài nầy , có thể có người cho rằng, tôi “ NỔ “ ..
Điều này không sai . Vì răng , trong văn hữu , đã có người đặt cho tôi cái tên LÊ MAI NỔ.
Thường thì những ai hay “nổ”, người ta nói “ SINH GẦN KHO ĐẠN “
Huống gì tôi, sinh ra giữa “ trung tâm kho đạn “, mà là “ trung tâm kho đạn của thế giới là cổ thành Quảng trị , mùa hè năm 1972 .
Tôi không “ nổ “ mới là lạ .
Cho đăng lại bài nầy , vì vừa mới dây thôi , trong bài viết về nhà thơ LUÂN HOÁN , MỌT NHÀ THƠ SIÊU TO , KHỔNG LỒ . Tôi có đưa ra gợi ý về một niềm hy vọng , là sẽ có ngày , nhà thơ “ siêu to khổng lồ” của chúng ta sẽ “ chạm “ vào cái Nobel văn chương .
Thưa quý vị ,
Sau khi Tuyển tập Lê Mai Lĩnh gởi vào cuộc đời, tôi đã nhận được Bằng Ngợi Khen, có ký tên đóng dấu của 121 thi sĩ, nhà văn, họa sĩ và những luật sư, trí thức hàng đầu của văn học Việt Nam lưu vong trên toàn thế giới.
Nhà văn thứ nhất là Võ Phiến. Ông gởi cho tôi một lá thư với nội dung như sau :
Kinh gởi Anh Lê Mai Lĩnh,
Anh nhắc lại những kỷ niệm xưa hồi ở Việt Nam, làm tôi thật bồi hồi.
Anh sinh ra tại Cổ Thành Quảng tri, năm anh 13 tuổi vợ chồng tới đã ở ngay nơi đó nửa năm. Tôi làm công chức ……(ty thông tin)…, nhà tôi ngày ngày ra bờ sông Thạch Hãn giặt giũ. Chẳng bao lâu sau đó, tôi vào Sài Gon viết lách, thì anh cũng đã viết lách tại Sài Gòn. Cùng viết trên các tờ Văn, Khởi Hành.
Ngày nay gặp lại nhau, thì tôi đã 75 tuổi. Sụm rồi, phế thải rồi anh ơi. Tôi bệnh quá, già quá rồi. Chỉ còn sức độc qoa loa thiên hạ thôi, chẳng còn sức nhận định chi nữa.
ĐỌC, THÌ ĐOC ANH RẤT KHOÁI: ANH LÀ NGƯỜI KHÍ PHÁCH , VIẾT DỎNG DẠC. ĐỌC KHOÁI. CHẮC LÀ KHI VIẾT CŨNG RẤT KHOÁI.
XIN MỪNG ANH. VÀ CHÚC ANH CỨ THẾ PHON PHON tiến tới.
Võ Phiến, Nam California
Nhà văn thứ 121, vừa mới hôm 4/10/2015 tại Washington D.C. là Nguyễn Lân, con của nhà văn Hoàng Đạo:
Trong bài nhận định về tác phẩm và tác giả, nhà văn NGUYỄN LÂN nói: LÊ MAI LĨNH là nhà văn hiếm hoi, độc đáo của văn học Việt Nam 40 năm lưu vong.
Về thơ, thì quá trẻ trung, tâm hồn và trái tim như mới đôi mươi.
Những cái đặc sắc nhất ở ngòi bút của LÊ MÃI LĨNH là phần viết TIỂU LUẬN. ĐỘC ĐÁO. SÂU SẮC, NHƯ NHỮNG NHÁT DAO CHÉM THẮNG VẤN ĐỀ. CHỦ ĐỀ. KHÔNG KHOAN NHƯỢNG với NGUYỄN HƯNG QUỐC, TRẦN ĐỘ, TRẦN BẠCH ĐẰNG.
Giữa hai con số 1 và 121 là những nhà văn, nhà thơ TRƯƠNG ANH THỤY: “Thơ tình LÊ MAI LĨNH mở dầu cho một kỷ nguyên mới của thơ tình Việt Nam hải ngoại.” Là nhà văn NGUYỄN THỊ NGỌC DUNG:” LÊ MAI LĨNH sáng suốt thông mình khi xuất bản tuyển tập này. Qua tuyển tập, người đọc sẽ thấy một LML ngang tàng, dũng cảm và can đảm”. Là nhà văn NGUYỄN THỊ THANH BÌNH: ” Bài thơ nào của LML cũng hay. Nhưng em thích nhất vẫn là NHỮNG BÀI THƠ LÀM TRONG NHÀ TÙ CÔNG SẢN, bởi hai lý do: THƠ HAY và TÁC GIẢ CAN ĐẢM, đã làm thơ đấu tranh ngay trong nhà tù Cộng Sản.”
Rồi Luật sư LÂM LỄ TRINH, luật sư PHẠM NAM SÁCH, luật sư NGUYỄN VĂN CHỨC
Rồi là nhà văn HỒ MINH DŨNG, LÂM CHƯƠNG, KINH DƯƠNG VƯƠNG..
Với những BẰNG KHEN, LỜI NGỢI CA của những người như thế, đủ cho tôi tin tưởng rằng:
DÙ SỚM HAY MUỘN, KHÔNG THỂ KỶ NÀY THÌ THẾ KỶ SAU, KHÔNG KIẾP NÀY THÌ KIẾP TỚI, TÔI CŨNG CHẮC NỤI, CUỖM ĐƯỢC CÁI NOBEL VĂN CHƯƠNG.
Vì lẽ đó, đêm 9/5, đêm trước ngày 10/5/2015 tôi GIỚI THIỆU TUYỂN TẬP LẼ MAI LĨNH tại San Jose, tại HỘI TRƯỜNG KHÁCH SẠN NGÀN SAO của hai vợ chồng Hùng Vĩnh Phước, tôi đã ỨNG KHẨU ĐỌC BÀI DIỄN VĂN TỪ CHỐI NHẬN GIẢI NOBEL VĂN CHƯƠNG.
Những DIÊN NGHỊ, SONG NHỊ, NGỌC BÍCH, LÊ ĐÌNH CAI, LÊ ĐÌNH BÌ, HOÀNG THƯỞNG, và nhiều ca sĩ vùng vịnh.Tất cả cười thích thú, thán phục nhà thơ quá cỡ thợ mộc: vừa dí đỏm, vừa sâu sắc, vừa vui nhộn vừa cay đắng.
Nay, tôi viết lại thành văn bản để :
phổ biến cho mọi người cùng cười vui.
Sau đây là nội dung bài diễn văn: ứng khẩu đó .
/////////////////////////////////////////////////////////////////////////
Kính thưa loài người trên toàn Thế Giới không phân biệt gái, trai, già, trẻ, quốc tịch, tôn giáo hay màu da.
Không phân biệt cao, thấp, nặng, nhẹ, còn chồng, còn vợ hay góa vợ goá chồng.
Nhưng với những tên độc tài Công Sản dù đã chết hãy còn sống, thì hãy biến ngay tức khắc, không được lắng tai nghe những lời ngọt ngào tôi sẽ nói, tôi sẽ phát.
Kính thưa NGÀI chủ tịch hội đồng giám khảo và quí phu nhân xinh đẹp, duyên dáng và ngọt ngào như mía lau
Kính thưa qúi vị trong hội đồng giám khảo và quí phu nhân cũng vậy, xinh đẹp. duyên dáng và ngọt ngào như chuối cau.,
Kính thưa tất cả qúi vị còn lại trong hội trường uy nghi, diễm lệ, hơn hẳn ngôi nhà thi sĩ đang cư trú tại thành phố Pittsburgh của nước Mỹ còn gọi là Hoa Kỳ.
Vâng, tôi là LÊ MAI LĨNH, một thi sĩ, nhà văn thứ thiệt với 56 năm cầm bút và đúng 20 tác phẩm đã “ném” vào cuộc đời cùng với đúng 40 năm luu vong từ sau ngày CÔNG SẢN BẮC VIỆT cưỡng chiếm miền NAM vào ngày 30/4/1975.
Tôi xin thành thật, hiên ngang, hùng dũng, cao ngạo để thông báo cũng quị vi rằng:
TÔI ĐẾN ĐÂY ĐỂ XÁC NHẬN RẰNG, TÔI TỪ CHỐI NHẬN GIẢI THƯỞNG NOBEL VĂN CHƯƠNG, chứ không phải ĐỂ NHẬN GIẢI THƯỞNG VĂN CHƯƠNG NOBEL.
Kính thưa toàn thể quí vị,
Sau đây là HAI LÝ DO để tôi TỪ CHỐI NHẬN GIẢI.
Lý đó thứ nhất
QUÍ VỊ QUÁ MUỘN MÀNG KHI QUYẾT ĐỊNH TRAO GIẢI CHO MỘT NHÀ VĂN VIỆT NAM
Lý đó thứ hai:
TÔI KHÔNG XỨNG ĐÁNG LÀ MỘT NGƯỜI CẦM BÚT VIỆT NAM ĐỂ NHẬN GIẢI.
Kính thưa toàn thể quí vị,
Tôi xin được phép nói rõ, nói dài những điều tôi muốn nói.
Thời kỳ phát triển và lớn mạnh, là đỉnh cao của văn học miền nam VIỆT NAM là vào cuối thập niên 1959 kéo dài tới cuối tháng 4 , ngày 30 năm 1975 .
Trong khoảng thời gian đó, nhờ chế độ chính trị TỰ DO, DÂN CHỦ, nhờ XÃ
HỘI THỊNH VƯỢNG, AN BÌNH, nên nền văn học miền NAM đã PHÁT TRIỂN
VỚI NHỮNG ĐỈNH CAO MỚI, LẠ và SUNG MÃN.
Chính vào thời gian đó, VĂN CHƯƠNG miền NAM VIỆT NAM đã xuất hiện NHỮNG NHÀ VĂN, NHÀ THƠ LỚN, với NHỮNG TÁC PHẨM MANG TẠM THỜI ĐẠI, NGANG BẰNG VỚI THẾ GIỚI.
Những VÕ PHIẾN, MAI THẢO. THANH TÂM TUYỀN, DOÃN QUỐC SỸ, VŨ KHẮC KHOAN, NGHIÊM XUÂN HỒNG, TÔ THUỲ YÊN, DƯƠNG NGHIỄM MẬU, QUÁCH THOẠI, NGUYÊN SA…là NHỮNG NHÀ VĂN VIỆT NAM KHÔNG THUA GÌ NHỮNG NHÀ VĂN THẾ GIỚI MÀ QUÍ NGÀI ĐÃ TRAO GIÃI.
Những ĐÊM GIÃ TỪ HÀ NỘI, THÁNG GIÊNG CỎ NON, CĂN NHÀ VÙNG NƯỚC MẶN, BẢN CHÚC THƯ TRÊN NGỌN ĐỈNH TRỜI, NGƯỜI ĐÀN BÀ TRONG VÀNH ĐAI TRẮNG….. (Mai Thảo)
Những NGƯỜI VIỄN KHÁCH THỨ MƯỜI (Nghiêm Xuân Hồng). Những THÀNH CÁT TỪ HẢN (Vũ Khắc Khoan). Những CÁT LẦY, TÔI KHÔNG CÒN CÔ ĐỘC..(Thanh Tâm Tuyền). Những GIA TÀI CỦA MẸ, ĐẦY TUỔI TÔI (Dương Nghiễm Mậu). Những THƠ QUÁCH THOẠI, THƠ NGUYÊN SA, THƠ TÔ THUỲ YÊN…
Những tác giả đó, những tác phẩm đó của thời kỳ văn học rực rỡ đó của miền NAM VIỆT NĂM sao các ngài KHÔNG NGHE THẤY, KHÔNG NHÌN THẤY, KHÔNG NGỬI ĐƯỢC, KHÔNG CHẠM VÀO ĐƯỢC?
Tôi biết và tôi đang nguyền rủa quí vị.
Hẳn là quí vị XEM THƯỜNG VĂN CHƯƠNG NHƯỢC TIỂU nói chung và văn chương Việ Nam nói riêng.
Rằng thì là quí vị xem văn chương chúng tôi là HÈN MỌN, LÁ THƯ BỎ ĐI, LÀ THƯ ĐỨNG BÊN LÊ VĂN CHƯƠNG THẾ GIỚI.
LÊ MAI LĨNH tôi xin thông báo cũng quí vị và xác quyết một điều là:
Có thể và chắc chắn là về QUÂN SƯ, Y KHOA, KINH TẾ, chúng tôi thua các nước tiên tiến, các nước có sự phát triển hơn nhưng trong lãnh vực VĂN CHƯƠNG, CHƯA BIẾT MÈO NÀO CẮN MIU NAO.
Việt Nam chúng tôi, văn chương KHÔNG THUA thế Giới.
Có một điều hắn quí vị KHÔNG THỂ CHỐI CẢI, đó là:
Có nhiều năm, vì áp lực chính tri, kinh tế hay tôn giáo, quị vì đã TRAO NHỮNG GIẢI THƯỜNG NĂM NGOÀI TIÊU CHUẨN VĂN CHƯƠNG.
Chính vì điều đó, nên có những tác giả, tác phẩm được trao giải, CHỊ MỘT THỜI GIAN NGẮN SAU, ĐỘC GIẢ KHÔNG CÒN NHỚ TỚI, ĐÃ ĐI VÀO QUÊN LÃNG.
Thử hỏi, trong ngần ấy năm trao giải đến nay có được BAO NHIỀU TÁC GIẢ, TÁC PHẨM TỒN TẠI?
Điều đó đủ nói lên sự HẠN HẸP, SAI LẦM trong sự QUYẾT ĐỊNH CỦA QUÍ NGÀI.
Mãi tới giờ nầy , quí vị mới trao giải NOBEL VĂN CHƯƠNG cho thị sĩ/nhà văn LẼ MAI LĨNH đại diện cho văn giới VIỆT NAM, các ngài đã phạm hai sai lẩm:
MUỘN MÀNG về thời gian và CHỌN KHÔNG ĐÚNG NGƯỜI.
Lý đó thứ hai tôi từ chối:
Xét rằng, trước tôi, vào thế kỷ văn chương VIỆT NAM rực rỡ, đỉnh cao chói lọi với những VÕ PHIẾN, MAI THẢO, THANH TÂM TUYỀN, VŨ KHẮC KHOAN, NGHIÊM XUÂN HỒNG, DƯƠNG NGHIỄM MẬU, ĐOÀN QUỐC SỸ, TÔ THÙY YÊN … là những THI SĨ/NHÀ VĂN xứng đáng hơn tôi.
Nay cũng vậy, sau lưu vong 40 năm, văn chương VIỆT NAM cũng còn tồn tại những cây viết, so với tổi, họ vẫn là đàn anh, bậc thầy nên tôi xin dành giải thưởng này cho những tác giả đò, tuy các ngài thẩm định, ngoài tôi ra
Một đề nghị, nếu có thể, xin quí ngài hãy TRUY TẶNG GIẢI THƯỞNG CHO NHỮNG NHÀ VĂN VIỆT NAM ĐÃ CHẾT, XÉT THẤY LÀ XỨNG ĐÁNG.
Nếu cho tôi cái quyền được đề nghị, tôi xin đề nghị 3 người: VÕ PHIẾN/ MAI THẢO/THANH TÂM TUYỀN.
Kính thưa toàn thể quí vị,
Đêm đã khuya, nhiều người đã ngủ gà ngủ vịt.
Tôi xin ngừng nói, ngừng phán .
Kính chúc toàn thể quí ngái và quí phu nhân một đêm MÁT TRỜI ÔNG ĐỊA
Ngày mai tôi sẽ rời nơi đây. Nếu vì những điều nói thẳng nói thật của tôi, mà quí ngài thu hồi vé máy bay, tôi sẽ bơi qua 4 biển và đi bộ qua 5 châu để về với các chiến hữu và đồng bào tôi để tiếp tục cuộc chiến đấu GIẢI TRỪ CHẾ ĐỘ CÔNG SẢN VIỆT NAM.
Trân trọng kính chào toàn thể loài người trên thế giới.
Trân trọng kính chào quý vị ,
LÊ MAI LĨNH
Vườn Địa Đàng Em -Thơ: Lê Mai Lĩnh/Nhạc: Cung Minh Huân/Ca sĩ:Quốc Phú/Hoà âm:Khắc Nhẫn/MV:Ngọc Duy
Chuyến tàu cuối năm, thơ Lê Mai Lĩnh do chính tác giả đọc