

LễTưởng Niệm Nhị Vị Trưng Nữ Vương tổ chức tại Virginia-Đào Hiếu Thảo
Mặt Trận Thủ Thừa, Long An trước ngày Viêệt Nam Cộng Hòa sụp đổ – Quốc Thái Đinh Hùng Cường |
MÓN NGON SÀI GÒN – Lão Mã Sơn |
![]() HỒNG ÂN THIÊN CHÚA Kinh nguyện an bình vượt biển khơi Rời Cha xa Mẹ bước vào đời Tình thương rộng mở vòng tay ấm Nhân đạo xứ người cảm lệ rơi Lặng về cố Quốc thở than dài Dân tộc đắm chìm bởi tại ai Gắn dạy cháu con gìn giữ lấy Non sông đất Việt khắc tâm hoài Dẫu sống ly hương bất cứ đâu Vươn lên nhịp thở nén u sầu Tương lai hướng tới cùng san sẻ Máu đỏ da vàng chung sức nhau Cảm tạ hồng ân của Chúa Trời Khổ đau quẳng gánh nhẹ nhàng rơi Thân con tro bụi Ngài ban phúc Kinh nguyện an bình vượt biển khơi Kim Oanh 30/4/2018 |
HOA SEN Kiều trang phơi phới nét thanh tao Đưa đón thời duyên mặc lý đào Nhụy một khuôn vàng gương náu bụi Cánh ba tầng ngọc tháp vươn cao Lòng kia vẫn thắng dù vương vít Huơng ấy càng xa lại ngạt ngào Biết mặt gió xuân từ mấy độ Mà hoa quân tử ý chưa trao Vũ Hoàng Chương Hoa quân tử là một tên gọi khác của hoa sen VỊNH QUÂN TỬ LAN Lan quân tử toát vẻ thanh tao Thắm sắc khoe huơng với trúc, đào Thế sự thăng trầm đành bước thấp Cuộc cờ tráo trở tránh trèo cao Ra tù cam chịu niềm cay đắng Xộ khám quên đi cảnh ngọt ngào Trải nghiệm đời nhìn ra sự thật Phải chi ước nguyện ấy đừng trao Nông gia hai lúa NJ Tháng tư đau năm 2023 Để chia sẻ nỗi đau với những bạn tù sau khi đươc phóng thích về đành phải chứng kiến cảnh gia đình đã bị tan nát . Quân Tử Lan còn có tên gọi khác là Địa Lan. Hai lúa có sưu tầm được một chậu mỗi năm ra hoa được vài ba lần |
THAN NGHÈO Chẳng lợi danh gì lại hóa hay Chẳng ai phiền lụy chẳng ai rầy Ngoài vòng cương tỏa chân cao thấp Trong thú yên hà mặt tỉnh say Liếc mắt coi chơi người lớn bé Vểnh râu bàn những chuyện xưa nay Của trời trăng gió kho vô tận Cầm hạc tiêu dao đất nước này Doanh Điền Sứ Nguyễn Công Trứ Nương vận vui TỊNH KHẨU Im mồm tịnh khẩu thế mà hay Chẳng sợ nhà tôi cứ quấy rầy Mụ quát thì làm ngơ giả tỉnh Con la cứ mặc kệ vờ say Đừng quên hình ảnh vui ngày ấy Cố nén niềm đau khổ thuở nay Chắc đến khi nao về nước Chúa Mới mong thoát được “thiện tai” này Nông gia Phê rô hai lúa NJ Good Friday April 7,2023 |
![]() Tháng Tư Mất Quê Hương Lâu lắm rồi tháng tư buồn ngày ấy Không hiểu sao tôi vẫn nhớ vẫn thương Cuối tháng Tư tôi đã mất quê hương Rồi xa mãi trong nỗi buồn biệt xứ. Miền Nam Tự Do trong cơn đột tử Triệu nén nhang buồn lịch sử sang trang Ngày Quốc Hận, cõi hồn đau vô tận Đất Mẹ buồn, phủ trắng một màu tang. Miền Nam biến thành nhà tù cộng sản Giam giữ trái tim, yêu chuộng hoà bình Bắt người yêu nước giam vào ngục tối Để văn thơ phá vỡ những nhục hình. Tù cải tạo giam toàn những nhà thơ Là đêm tối ánh sao trời rực rỡ Bài thơ thức tỉnh thế giới loài người Thoát khỏi u mê, phá vỡ đôi bờ. Bắt hết tự do giam vào ngục tối Tù nhân lương tâm, xứng đáng con người Là tình yêu biết hy sinh cống hiến Cho quê hương, lịch sử sáng ngời. AET Lê Tuấn Người lính già chưa giải ngũ Tưởng nhớ ngày 30 tháng 4, 1975 Tháng Tư Chia tay Tháng Tư về nắng hạ còn lưa thưa Khói bụi hồng cơn mưa chiều rất lạ Bóng chim hốt hoảng xa bay cuối phố Gọi nhau về theo lối cũ em qua. Tháng Tư nở muộn loài hoa tím dại Chiến tranh về để lại những thương đau Những mặt người lấp ló nơi đầu ngõ Lo sợ điều gì? Muôn vạn nỗi sầu. Lời nghẹn ngào bao điều chưa muốn nói Chia cắt từ đây, nơi đất mẹ xa vời Cho thương khóc một người đi biền biệt Gói trọn trong tim ký ức bồi hồi. Tháng Tư lại về gợi nhớ thêm buồn tủi Biển chia xa đẩy lùi bóng chim bay Ngày vĩnh biệt xa nhau là xa mãi Sài Gòn buồn tháng Tư, ngày chia tay. AET Lê Tuấn Xa Nhau Tháng Tư Xa nhau ngày đó tháng tư về Lạc mất tình xuân lỗi hẹn thề Chia cắt đôi bờ xa khuất bóng Cõi hồn thương nhớ buồn lê thê. Dấu đi góc khuất một hồn thơ Tiếng nấc chưa ngưng vẫn đợi chờ Ngôn ngữ còn tuôn đầy nỗi nhớ Lòng như chất chứa đầy trong mơ. Người yêu biển nhớ mối tình đầy Biền biệt tha phương giữa chốn này Mỏi cánh chim bay trời gió lạnh Buồn nào day dứt ngày chia tay. Cơn đau thân phận cũng qua mau Số phận chia đôi cả nỗi sầu Năm tháng vấn vương ngày ly biệt Tháng Tư, vận nước đã thay màu. Lê Tuấn Tháng Tư Lại Về Tháng Tư buồn lặng lẽ Nắng hạ còn đơn côi Sương mù giăng khắp lối Lòng xao xuyến bồi hồi Em! Một thời để nhớ Anh! Chinh chiến tơi bời Sài Gòn thời hoa mộng Lưu luyến một phương trời. Con đường lá me bay Đợi nhau mối tình đầy Sông Sài Gòn dòng chảy Cánh chim mờ chân mây. Tháng Tư về hoang mang Chiến tranh thật kinh hoàng Đoàn người đi vội vã Chia ly trong ngỡ ngàng. Tháng Tư ta mất nhau Hồn đau thấm nỗi sầu Từ nay “Tự Do” mất Chia đôi hai nhịp cầu. Thái Bình Dương xa cách Hai bên sóng vỗ bờ Sóng thay màu tang trắng Quê hương vẫn đợi chờ. Em bây giờ mong đợi Những yêu thương một thời Sài Gòn ngày xưa ấy Ta lạc nhau mất rồi. Lê Tuấn |

TÌNH YÊU Có phải một ngày anh đã yêu Nhớ em từ sáng đến tận chiều Dù em đanh đá hay giận dỗi Anh vẫn đeo theo vẫn nuông chìu. Có phải là anh quá vụng về Nên em vừa nguýt lại vừa chê Đàn ông dai nhách như đỉa đói Bám mãi người ta thật ghét ghê. Có phải là anh cũng thật đần Gặp em cứ nói chuyện dần lân Tay em để đó mà không nắm Trái tim đập mạnh mặt đỏ rần. Có phải yêu em là điên điên Hay làm những chuyện thật vô duyên Chép thơ Nguyễn Bính rồi trao tặng Đêm nằm thao thức ngủ không yên. Có phải áo em trắng như sương Để anh vừa nhớ lại vừa thương Tất cả các màu đều không đẹp. Chỉ màu áo em mặc đến trường. Có phải là em cũng chạnh lòng Khi mắt nhìn anh má đỏ hồng Môi em khẽ mỉm cười e thẹn. Là cả trời mơ em biết không? Có phải nụ hôn đầu anh trao Làm em ngây ngất tình ban đầu Là anh gã trai khờ chiến thắng Chiếm được tim em thỏa ước ao. Có phải em run đêm hợp hôn Vòng tay anh siết lịm cả hồn Tiết trinh em đã trao tất cả Môi mắt thân em thở dập dồn. Có phải bây giờ em vẫn yêu Để còn háy, nguýt làm lắm điều Cho anh mãi mãi say và đắm Bà xã của anh thật lắm chiêu. Nguyễn thị Thêm 22/5/2023 |
Tháng Tư Chiến Sĩ Về Đâu Mưa Tháng Tư lính buồn thầm nghĩ Mất quê hương tráng sĩ về đâu Sóng đời gây cảnh bể dâu Anh hùng lỡ vận nuốt đau vào lòng Nhớ chinh chiến ngược dòng gió bụi Tháng năm dài rong ruổi đao binh Tung hoành khí phách trung trinh Xông pha trận mạc quên mình hiểm nguy Từng tất đất biên thùy trấn giữ Đất Rồng Tiên lịch sử khắc ghi Mưa cuồng nắng cháy sá chi Tinh thần trách nhiệm không gì cản ngăn Quân nhân cũng ngắm trăng lãng mạn Mời Hằng Nga uống cạn rượu tình Nhờ mây với gió đi tìm Giấc mơ tao ngộ giữa nghìn vì sao Lính còn thích hoa đào mai nở Nắng chan hòa rực rỡ mùa xuân Sương chiều nghe dạ bâng khuâng Kéo dài hơi thuốc nhìn vầng khói lan Tàn cuộc chiến nhà tan nước mất Tha hương, tù, ức uất quyên sinh Trôi theo con sóng vô hình Mồ hoang cỏ phủ anh linh nghẹn ngào Mưa Tháng Tư thấm trào nước mắt Người lính già se thắt nhớ thương Mong ngày trở lại cố hương Thăm sông núi biển con đường cái quan Dương Việt-Chỉnh ![]() Nỗi Lòng Chinh Nhân Đồn xa biên giới những đêm trường Nhớ mấy cho vừa chốn hậu phương Bút rót miên man từng nét chữ Thư tràn dào dạt lắm niềm thương Chinh nhân mang cả trời tâm sự Chiến sĩ ôm đầy nỗi vấn vương Gánh trọn hai vai tình đất nước Đâu ngờ dang dở khóc quê hương Dương Việt-Chỉnh |
Nỗi Buồn Đọng Lại Có những tình yêu trọn đời tạc mãi Thương nước Việt Nam một dãy non sông Yêu người chiến binh khắc cốt ghi lòng Tình hậu phương một dòng sông luân chảy Nỗi buồn tháng Tư muôn đời khắc khoải Biết bao giờ quên được tháng ngày đau Nhớ quê hương xót dạ luống nghẹn ngào Nơi đất khách gầy hao nhìn ngoái lại Kim Oanh |
Hoa Anh Đào Washington Hoa Anh Đào trắng nở Cánh hoa bay qua mặt hồ Gió đưa ngang thành phố Đáp nhẹ trên thềm ngôi đền Abraham Lincoln Ở nơi chốn nhìn ra tháp bút chì Hoa không nói điều gì Cho ngày lễ hội Hoa anh đào Washington. Cánh lá mỏng như hoa tuyết Nhưng nó không tan như tuyết trắng Những cánh mỏng rơi đầy trên lối đi Được gió gom lại thành đống Đợi chờ ngọn gió bay đi Hay đợi chờ bàn tay em Bốc một nắm tung lên trời Để thấy những cánh mỏng bay lên tóc Em mỉm cưới đôi môi nở hồng Thay cho cánh anh đào màu trắng. Bay lượn trong quần thể Washington Nơi ngôi đền Abraham Lincoln Ngọn tháp bút chì Nơi bức tường đá khắc tên người 58 ngàn chiến binh Hoa kỳ Nằm xuống trên chiến trường Việt Nam Nơi tưởng niệm chiến tranh Đại Hàn Ở ngôi đền Martin Luther King Còn khắc ghi hàng chữ “I have a dream” Bài diễn văn xoá bỏ nô lệ. Hơn ba trăm năm lập quốc Nước Mỹ thật vĩ đại Bao nhiêu vĩ nhân còn lưu lại Chợt ngậm ngùi thời gian là vô thường Những con người bất tử Không nói một lời nào hiện thân trong bức tượng đá lặng im trong công viên những hạt mưa đến vội vàng những hoa tuyết trắng nằm lại trên vai vài cánh hao anh đào lả lướt Những kỳ công bằng mồ hôi nước mắt Sự sáng tạo lưu truyền Trong tâm hồn nghệ sĩ Cho người lữ khách ngưỡng mộ Lặng im chết đứng Trầm trồ khen ngợi. Hàng trăm bức tượng nắm trong công viên Lặng im nhìn lá rơi. Cám ơn hoa đã vì ta nở Cám ơn cơn gió thoảng nhẹ bay Cánh hoa mỏng màu trong trắng Thay cho hoa tuyết nhẹ nhẹ rơi. Xin tạ ơn người tạ ơn đời Lê Tuấn Viết cho một lần đến thăm Washington trong mùa lễ hội hoa anh đào. |
Lời Của Đá Ta nghe hồn đá nỉ non Theo dòng sông chảy bên cồn nước xuôi Ngàn năm chỉ một dòng thôi Nghe sông kể chuyện một đời hợp tan Bên đời Nhật Nguyệt mây ngàn Theo mây đùa gió lang thang cuối trời Đá mang theo trái tim người Ngày sau sỏi đá một đời bên nhau. Vòng tay ôm mối thương đau Xót xa tiễng biệt mai sau nhớ lời Tình là tơ sợi rối bời Cho nhau nỗi nhớ một thời mê say. Rót đầy thêm chén rượu cay Tưới lên tảng đá chúc ngày hợp duyên Ta và đá cùng lời nguyền Ngàn năm hồn đá trinh nguyên một lòng. Ta hỏi đá có hồn không? Mặc khải đá nói hồn trong tim người Thế của đá điểm sáng ngời Vân của đá là hồn trời ban cho. Ta hỏi em có buồn lo Qua sông người lại giục đò muốn sang Em về kể chuyện đá vàng Chuyện dòng sông chảy với ngàn tích xưa. Vỗ trên mặt đá hạt mưa Đê mê từng lúc gió lùa hương hoa Hồn đá ôm mối thiết tha Lời của đá nói hạt sa nồng nàn. Tế Luân Thổi chút hồn người vào tảng đá 04-28-23 |
Ca khúc: Quê Hương Ơi Ta Nhớ Thơ: phamphanlang Nhạc: Mộc Thiêng Ca sĩ: Thụy Long Hòa âm: Giang Đông https://www.youtube.com/watch?v=qqXPZ4b7ejw&list=PL-PjETWb5itwzpWTWnOicR1HKioQPztvb&index=14 Quê hương ơi ta nhớ Quê hương xa diệu vợi Đắm chìm trong màn đêm Lòng đau mắt rơi lệ Nhìn nước nhà ngả nghiêng Biển ơi có còn rộng Chuyên chở cả vầng trăng? Mẹ cha giờ vắng bóng Nấm mồ còn ven sông? Ngày về là ảo vọng Mơ ước chết lưng đồi Tiếng cười vang vỡ vụn Ôi đớn đau phận người Soi gương nhìn tóc bạc Mệt mỏi chốn phong trần Bôn ba đời lẻ bóng Quê nhà trong mù sương Ngày về mơ ước mãi Vẫn chỉ là trong mơ Biết bao giờ trở lại Cứ chờ đợi dại khờ? Quê hương ơi ta nhớ Dù trôi nổi dòng đời Dù có là cổ tích Vẫn nhớ hoài không thôi… phamphanlang |
LẼ ĐẠO Đạo dạy điều gì hỡi các ông? Tàn binh đồng tuyến có thương không. Thói xài ích kỷ xơi trơn máng, Chẳng giúp tật tàn khổ trống mông. Nhân nghĩa chẳng hề từng biết đến, Luật Trời nhân quả mãi chưa thông. Mãn đời thấy thiếu, không rơi chút, Thương giúp cố cùng góp đức công. Đồ Quảng (April 2023) |
ANH ĐÀO NỞ RỒI EM (Cảm đề mùa hoa Anh Đào 2023 tại Maryland & Washington DC. Ảnh tác giả chụp tại Brookside Garden & Olney Swimming Pool) Anh Đào đã nở rồi em Được Trời ban tặng ta thêm xuân tình Muốn ôn lại chuyện chúng mình Mời em viếng cảnh ta tim hoa xuân Trời không mưa ai cũng mừng Mây trắng vê đậu nữa chừng không gian Anh Đào cành rũ lướt ngang Nhập vào khung ảnh lại càng thêm duyên Nụ cưới khuôn mặt trái xoan Cao niên thanh tú “chẳng toan về già” Ngày xưa trẻ, ví Hằng Nga Ngày nay nhiếp ảnh tạo bà Tiên thôi Chỉnh ánh sáng, tan đồi mồi Em lùn, thợ sửa thế ngồi thành cao Ảnh đẹp giống tựa Ngôi Sao (Đ.A.) Nhìn đẹp tôi thấy “lao xao” trong lòng Ngày xưa giống cá “lòng tong” Anh Đào, hoa ghép hoá long, hoá rồng. Hỏi em: Anh Đào đẹp không? Em cười duyên dáng: “Phải lòng anh thôi” Thương Việt Nhân LTK Maryland 31/3/2023 Tặng bà X. của tôi và bạn hữu xa gần có cùng đồng cảm. |
NẾU TÌNH CỜ GẶP LẠI. Tôi đứng ôm cặp sách nơi đầu đường con hẻm lớn, mặt hướng về ngã năm chờ đợi chuyến xe, không để ý phía bên phải tôi tiệm Minh Ký Trà Gia đang khách vào ra liên tục: – Cô bé đi đâu anh cho quá giang? Một tiếng nói phía sau, tôi quay lại ngỡ ngàng và từ chối: – Em đi học xa lắm, mãi Quang Trung. Người lính trẻ tuổi bên chiếc xe Honda hỏi tôi, anh tự giải thích: – Anh thấy cô bé đứng đây từ lúc anh vào tiệm Minh Ký Trà Gia. Ăn tô mì và uống ly cà phê xong thấy em vẫn còn đứng đây. Tôi làm bộ bận rộn tiếp tục nhìn về hướng ngã năm để chấm dứt nói chuyện. Anh chưa chịu đi, thắc mắc hỏi: – Sao không đi xe lam? nãy giờ lỡ mấy chuyến xe rồi. Tôi ngượng ngùng khi phải nói: – Em đợi xe đò vì…vì… giá xe đò rẻ hơn xe lam. – Vậy hả..thôi anh đi nhé. Mong xe đò mau tới kẻo em trễ giờ học. Anh đi về hướng ngã năm mà tôi đang dõi theo chờ xe nên phải nhìn anh cho đến khi hình bóng người xa lạ khuất vào đám đông xe cộ. tôi cảm thấy thoải mái nhẹ nhỏm cả lòng. ….. Chập tối tôi đang mơ màng sắp chìm vào giấc ngủ chợt choàng thức tỉnh với những âm thanh khủng khiếp, tiếng la hét từ bên ngoài và cả trong nhà mình: – Cháy nhà…cháy nhà…các con ơi chạy ra ngoài… Cha mẹ tôi đang mang đồ đạc và bồng bế dắt díu các em tôi lao ra phía cửa, tôi chạy đến bên kệ sách chộp mấy cuốn truyện, mẹ tôi la lên: – Giờ này mà còn lo mấy cuốn truyện hả …mau mau ra ngoài sân. Khi tôi ra tới ngoài sân đã trông thấy một vòm lửa đỏ sau nhà mình, ngọn lửa khổng lồ như con quái vật nuốt chửng những căn nhà. Thấy căn nhà của mình xụp đổ tôi bật khóc nức nở và thương xót những cuốn truyện mà tôi yêu thích chưa kịp mang theo. Xe cứu hỏa dập tắt đám cháy. Tổng cộng hơn 20 căn nhà đã thành tro bụi. Buổi sáng hàng xóm bắt đầu tìm về nền nhà của mình xem có gì còn sót lại không, tôi cũng thế, chỉ tìm thấy những đồng tiền xu mà tôi vẫn để dành đi học trả tiền xe đò đã cháy xám đen. Khi tôi từ trong đám tro tàn bước ra, mặt mày phờ phạc vì cả đêm không ngủ, vì sợ hãi, vì đau buồn thì gặp anh đang đứng trong đám đông người hiếu kỳ nhìn cảnh hoang tàn sau trận cháy, là anh chàng cách đây một tuần gặp tôi ở đầu đường khi tôi đứng chờ xe đi học, vẫn là chiếc xe Honda ấy hôm anh đi ăn mì Minh Ký Trà Gia . Anh cũng ngạc nhiên và vội đến bên tôi: – Lại tình cờ gặp cô bé. Nhà em cũng bị cháy hả? – Vâng, em vừa chui từ nền nhà đổ nát ra. Nhà em đó. Anh nhìn tôi có vẻ thương cảm: – Sáng nay anh đến Minh Ký Trà Gia ăn mì, nghe người ta bàn tán về đám cháy tối qua ngay con đường trong xóm này nên anh tò mò quẹo vào xem cho biết. Không ngờ gặp cô bé trong hoàn cảnh này. Tôi ngại ngùng quay mặt đi, giấu hai bàn tay đầy vết nhọ của than củi sau vạt áo và tự hỏi không biết mặt mình có dính nhọ đen thùi lùi không? Anh hiểu ý và chào tôi: – Anh đi làm nhé. Để đáp lễ anh đã hỏi thăm mình, tôi hỏi thăm anh: – Anh làm xa không? – Làm gần đây thì anh mới ăn mì Minh Ký Trà Gia nơi đầu đường xóm em chứ. Anh là lính của trường hành chính tài chính ở ngã năm. – Thế thì em biết rồi, trường hành chính tài chính em vẫn thường đi qua. Từ đấy mỗi lần đi qua ngã năm tôi đều nhìn khu trường hành chính tài chính với nhiều thiện cảm vì có “người quen” đang làm việc trong đó. …….. Quán cà phê nhà tôi đông khách nhộn nhịp nhất vào buổi sáng. Trước cửa quán là hàng bánh cuốn và hàng cơm tấm rất ngon, những lính tráng và nhân viên của các trại lính quân cụ, quân nhu, truyền tin…. quanh đây thường đến ăn điểm tâm uống cà phê trước khi vào làm việc. Sáng nào tôi cũng phụ giúp mẹ, khi thì vào quầy pha cà phê khi thì bưng bê cho khách hàng. Khi tôi mang một ly cà phê sữa và một ly cà phê đen ra bàn số 8 thì…lại gặp anh. Anh “hành chính tài chính” và một cô gái trẻ đẹp đang ngồi bên hai đĩa cơm tấm sườn bì chả vừa được mang đến. Anh nhìn tôi rất ngỡ ngàng vì bất ngờ. Tôi cũng bất ngờ, run run đặt hai ly cà phê trước mặt khách và quay đi ngay để phục vụ những khách hàng khác và để dấu cảm xúc của mình. Lát sau anh và cô gái rời khỏi quán, tiền trả cà phê để bên cạnh ly cà phê. Rõ ràng anh muốn tránh mặt tôi . Nhưng một tiếng sau anh quay lại, chắc anh đợi giờ quán đã vắng khách. Tôi đang đứng trong quầy, anh đến bên tôi: – Cho anh ly cà phê đen như lúc nãy. Tôi vụng về hỏi: – Cà phê ngon nên anh quay lại uống ly thứ hai? – Cà phê nhà em làm anh đắng môi và đắng cả lòng, nhưng em cứ bán cho anh cái mùi vị đau thương ấy đi. Tôi pha cho anh ly cà phê đen nóng và gượng mỉm cười: – Em mời anh ly cà phê này… Anh cầm ly cà phê cho vào một thìa đường nhỏ và đứng tại quầy nhâm nhi để tôi phải tiếp chuyện anh: – Anh đã tình cờ gặp em hai lần và tưởng là không còn dịp nào gặp nữa vì anh thường ghé Minh Ký Trà Gia ăn mì buổi sáng, cố tình cùng giờ em đón xe đò đi học mà chẳng thấy em đâu, đi vào xóm em, anh mong là căn nhà em cháy sẽ được xây dựng lại và anh sẽ gặp em. Nhưng hình như nhà đã đổi chủ? – Vâng, cha mẹ em đã bán mảnh đất nhà cháy và mua căn nhà nơi mặt đường gần những trại lính này mở cửa hàng bán cà phê, thế nên sau vụ cháy nhà em đổi sang học buổi chiều, buổi sáng em phụ mẹ bán cà phê. Anh thẫn thờ: – Thì ra thế. Bỗng dưng em biến mất như một giấc mơ ngắn ngủi. Và anh thở dài: – Đã một năm, hôm nay lần thứ ba anh lại tình cờ gặp em mà ngậm ngùi không nói nên lời. Anh vừa có người yêu, là hôn thê của anh, cô ấy làm thư ký kế toán trong thành quân cụ, hôm nay anh cao hứng đưa nàng đi làm và ghé ăn điểm tâm cà phê… nhà em. Anh để ly cà phê đen còn dở dang lên quầy: – Chúng mình có duyên gặp gỡ nhưng duyên quá mỏng manh. Tôi im lặng mà nghe những xót xa trong lòng mình đang lên tiếng thở than. Anh giã từ: – Cám ơn em ly cà phê buồn. Tôi ngẩn ngơ nhìn theo dáng anh đi ra cửa, cầm ly cà phê của anh lên vẫn còn hơi ấm, không biết hơi ấm của cà phê còn lại hay hơi ấm từ bàn tay anh?. Anh uống ly cà phê buồn và người pha ly cà phê này cũng buồn như anh. Tôi, cô bé 17 tuổi lần đầu tiên trong đời chợt cảm thấy bâng khuâng. Người lính hành chính tài chính ấy đã đánh thức trái tim mộng mơ của tôi. Tôi chưa biết tên anh và có lẽ anh cũng chưa biết tên tôi, cả 3 lần tình cờ gặp gỡ đều ngắn ngủi vội vàng chẳng ai hỏi tên nhau. Ngày ấy tôi đã ước mong biết được tên anh để ghi vào trang nhật ký gặp anh từ tuổi 16 đến tuổi 17, để ghi vào tim nhớ nhớ thương thương và giận hờn trách móc. Đầu con đường trong xóm dẫn ra con lộ lớn bên này anh vẫn thường ngồi tiệm Minh Ký Trà Gia ăn mì, cuối con đường trong xóm dẫn ra con lộ lớn bên kia có quán cà phê nhà em, anh đã đi từ đầu đường trở lại nơi căn nhà cháy, giá mà anh đi nốt nửa con đường còn lại là đã gặp quán cà phê, là gặp em rồi, nửa đoạn đưởng chỉ vài trăm mét mà đã xa xôi chúng ta. …… Qua rồi bao nhiêu mùa trăng của tuổi 16- 17. Anh đã đi theo ngã rẽ đời anh, không hề gặp lại tôi cho tới biến cố 1975 thì đường đời xa càng thêm mịt mùng xa. Bây giờ thỉnh thoảng nhớ về qúa khứ với người lính hành chính tài chính mà tôi đã tình cờ 3 lần gặp gỡ thì tôi chẳng mong cầu biết tên anh làm gì, nhưng nếu định mệnh cho chúng ta tình cờ gặp lại nhau lần nữa, lần thứ tư trong cuộc đời, dù tôi và anh bao nhiêu tuổi, dù gặp anh trong hội cựu chiến binh, trong hội người già hay trong viện dưỡng lão, chỉ để chào nhau, hỏi thăm nhau như hai người bạn cũ cũng đủ trả nợ cho nhau những cảm tình mới chớm nở đã vội tàn phai của thuở ban đầu. Nguyễn Thị Thanh Dương ( Jan.15, 2023) NGƯỜI ANH TÌNH CỜ. Gặp lại nhau bất ngờ Khi lòng không mong đợi Nhật ký em viết về Người anh không tên tuổi. Tên của anh là gì Để em khe khẽ gọi Mấy lần gặp tình cờ Chúng mình chưa kịp hỏi. Chắc rằng anh cũng thế Chưa hề biết tên em Gọi em là cô bé Như đã từng thân quen. Cứ tưởng là tình thơ Anh và em dệt vần Hóa ra là tình khờ Mộng chỉ là phù vân. Tình chưa kịp hẹn hò Nghẹn ngào khi gặp mặt Cuộc đời đã chia lìa Trò đùa của số phận. Rồi anh đi lấy vợ Rồi em đi lấy chồng Chúng mình thành xa lạ Như muôn triệu người dưng. Hỡi anh người lỡ làng Vào đời em không lối Nhật ký đã sang trang Năm em mười bảy tuổi. Hỡi anh người tình cờ Phút giây đầu tiên ấy Để rồi hai chúng ta Đôi bờ. Sông vẫn chảy. Nguyễn Thị Thanh Dương. ( Jan 20,, 2023) |
Đường Hoa Nở Mọi thứ trên đời được gặp nhau là một cái duyên. Tôi biết ngôi Chùa Đức Sơn mấy chục năm nay cũng là cái duyên lớn. Ngôi Chùa nuôi trẻ mồ côi này tọa lạc ở thôn Cư Chánh, xã Thủy Bằng, thị xã Hương Thủy, Thừa Thiên, Huế. Được biết Ni trưởng Minh Đức và Ni trưởng Minh Tú đảm nhiệm từ năm 1964 điều hành việc xuất gia học đạo. Theo quan điểm tu học, với lời Phật dạy thì “Phụng sự chúng sanh tức cúng dường Tam Bảo”. Hàng chục chư Ni đã chung tay cùng Thầy góp phần xoa dịu bớt nỗi đau của thế gian, đó là lý do khiến Chùa Đức Sơn không quản ngại khó khăn, dang đôi tay đón nhận những trẻ thơ vô thừa nhận thường bị quăng trước cổng Chùa hay bỏ thí trong bệnh viện, hoặc hoàn cảnh nghèo cực không nuôi nỗi những trẻ khuyết tật, các em đã được đón nhận hơn 35 năm qua. Theo lời kể của Sư Cô Liên Bình, người trực tiếp chăm lo các em. Trong chặng đường dài đó, Chùa đã cưu mang hơn 450 em nhỏ, nhất là trường hợp các em bị bại liệt, động kinh phải cần tới hai người chăm một em rất vất vả. Từ những ngày đầu, đời sống chư Ni đang còn thiếu thốn, cuốc bẩm trồng khoai sắn dùng qua ngày, việc xin cháo sữa và bảo đảm sức khỏe cho khoảng 15, 20 em không dễ dàng. Tới năm 1999 có tới 200 em, rồi đại dịch Covid -19 bùng phát lại càng khó khăn hơn cho 110 em lúc mùa đông, thời tiết lạnh giá hay mắc bệnh với những chi phí ngoài bảo hiểm lúc đem đến bệnh viện. Công việc chăm sóc được 20 Sư cô và 5 bảo mẫu chung tay phụ giúp. Sư bà Minh Tú rất quan tâm về vấn đề “trí dục”, bước đầu còn bảo trợ, mở thêm 120 cơ sở Mầm non nơi các vùng Hương Trà, Hương Thủy (Thừa Thiên, Huế). Về sau đã thay đổi cơ cấu, chuyển giao lại cho cơ sở giáo dục, các cháu được học tập nhiều cấp. Với các em khuyết tật Chùa tạo điều kiện cho học nghề vì không thể học văn hoá. Sư Bà còn mở quán cơm chay Tịnh Tâm giúp các em có việc làm, nhưng vì Covid -19 nay đã dời về khuôn viên Chùa. Về đề tài “Đức dục” rất được quý Sư quan tâm, dạy các em biết lễ nghi, ứng dụng giá trị đạo đức. Với Phật Tổ, các em được quy y Tam Bảo, hằng ngày giữ pháp niệm Phật, nhớ ơn Phật, tán dương Phật. Trước 9 giờ tối quý Sư hướng dẫn thỉnh chuông và có thời tụng kinh ngắn 15 phút. Cuối tuần được các anh huynh trưởng gia đình Phật tử dạy thêm khi sinh hoạt, chủ nhật các em lớn được về chùa Bảo Quốc tham dự lớp Phật Học Ứng Dụng, tham gia lớp võ Karatedo giúp nâng cao thể lực. Đền bù lại những áp lực trong chặng đường nuôi trẻ em. Chùa nay có hơn 300 em đã trưởng thành, có trình độ ổn định công việc. Một số thành viên quay lại phụ giúp quý sư chăm sóc các em. Số lập gia đình được Sư Bà như một người thầy, người cha, người mẹ đứng ra làm chủ hôn. Bên cạnh đó cũng có số chí nguyện theo Tam Bảo, hiện tại đã có 25 vị xuất gia. Lắm thầy cô khoảng 45, 46 tuổi nhận vai trò trụ trì hướng dẫn đạo tràng tu học. Nhiều chư Ni tốt nghiệp Cử nhân, Tiến sĩ Phật học. Tất cả quá trình dài tốt đẹp như vậy đều do sự chung tay của quý Sư cô, của các nhà hảo tâm xa gần và trên nữa là vai trò lãnh đạo của Ni trưởng Thích Nữ Minh Tú trụ trì chùa Đức Sơn. Với chủ trương tu trong công việc theo lời dạy của Sư Bà, quý Thầy Cô đã sử dụng 3 phần lý thuyết, 7 phần thực hành để giúp các cháu học bài thay vì lên Chùa cầu nguyện cho chúng sanh. Thật là môn pháp thiết thực, hy sinh cao cả của các bậc tu hành. Thỉnh thoảng tôi được hầu chuyện cùng Sư Bà qua phone, và đặc biệt với Sư cô Liên Bình hiện này đã giúp đỡ Sư Bà cai quản Chùa, chăm sóc các em và những công tác thiện nguyện. Sư cô Liên Bình có nét mặt sáng ngời thông minh, nụ cười rất tươi và nhân ái. Cô đã đến hội người khiếm thị phát quà và tiền giúp nhóm chúng tôi mỗi năm, nên tôi thường gần gũi với Cô. Có lần thấy hình Cô tốt nghiệp ra trường 4 năm trên Facebook, tôi chúc mừng nhân tiện hỏi nguyên nhân vì sao Cô xuất gia. Cô tâm tình: “Liên Bình sinh ra và lớn lên ở vùng quê. Năm 1999, LB chứng kiến cơn lũ Đại Hồng Thủy đã cướp đi nhiều sinh mạng của bà con. Nhận thấy cuộc đời thật là vô thường, mạng sống con người quá mong manh. Đồng thời trong cơn lũ lụt này, gia đình LB cùng bà con nghèo khó trong lúc bị hoạn nạn vì thiên tai, đã đón nhận được sự giúp đỡ của quý Sư chùa Đức Sơn, cùng sự hỗ trợ của quý mạnh thường quân gần xa. Điều này khiến LB rất cảm động trước nghĩa cử cao đẹp của quý Sư cô, nên đã có mầm mống muốn xuất gia. Nhưng cha mẹ thấy LB còn nhỏ tuổi, lo âu về sự kham khổ của cuộc sống già lam. Đến năm 2002 sau khi tốt nghiệp phổ thông trung học cha mẹ mới đồng ý cho LB xuất gia, làm người con Phật, tu học dưới mái Chùa Đức Sơn, dưới sự hướng dẫn của thầy Bổn Sư là cố Sư trưởng Thích Nữ Minh Đức, và Sư trưởng Thích Nữ Minh Tú. Bên cạnh việc tu học ở Chùa, tham gia các công tác thiện nguyện, LB thấy việc học tập trau dồi kiến thức rất cần thiết, nhất là môn Sinh ngữ. Và LB được quý ân nhân cũng như sư phụ hỗ trợ, đủ duyên tham gia các lớp học ngoại ngữ, nghiên cứu giáo lý đạo Phật. Hiện tại LB đã tốt nghiệp lớp cử nhân Phật Học, cử nhân đại học ngoại ngữ và hiện tại đang theo học lớp Y Học Cổ Truyền năm thứ 2 tại trường Cao Đẳng Y Tế Huế. LB sẽ cố gắng tu tập, học tập sống sao để lợi đạo, ích đời.” Gần gũi với những bậc chân tu như vậy, tôi cảm thấy như có lực an lạc chuyền qua mình. Tâm hồn được tắm gội suối từ bi chứa tình thương rộng lớn bao la. Khám phá sự cao quý của những chân tu có đời sống thiểu dục, sống cho người hơn là cho bản thân mình. Đạo được đem ra đời xoa dịu cảnh địa ngục trần gian, và cũng đem đời vào đạo làm mái ấm che chở những mảnh đời bất hạnh. Riêng tôi xin kể lại cái duyên đến từ lúc nào… Một mùa xuân lâu lắm, mồng một tôi lên Chùa gặp số bạn bè thân quen. Lúc thọ trai bạn bè chia sẻ những điều mình nghĩ – Đi Chùa đầu năm, xin bình yên lợi lạc cho cả năm, đơn giản dễ dàng vậy sao – Tên cướp vừa giết người chạy trốn vào Chùa cầu xin Phật che chở, Phật có đáp yêu cầu không? – Tại sao chỉ biết xin mà không cho? Mỗi người nói một câu, tôi lên tiếng – Cầu xin là thói quen, là muốn nương tựa bóng mát của đức Từ Phụ để được an ổn thân tâm, thì chúng ta cũng nên gieo điều tốt thực tế song song với sự cầu nguyện chứ. Các bạn hoan hô tán thành, tôi được nghe về ngôi chùa Đức Sơn (người chị kể) – Đem bánh kẹo lên thăm Chùa và phát kẹo cho các em, quý Sư Cô dạy sao mà cả rổ kẹo, mỗi em chỉ lấy đúng một cái …không tham. Nhìn rất nhiều em nhỏ đang bò hoặc đi lẫm đẫm cũng cúi đầu chào lễ phép “A Di Đà Phật” Tôi ứa nước mắt xin địa chỉ của Chùa. Ban đầu có hai địa chỉ Chùa nuôi cô nhi. Bạn bè giao tôi công việc chuyển tiền, tôi gởi về Chùa ở Sài Gòn và Huế mỗi năm 2 lần. Dần dần kinh tế khó khăn, bà con bị thất nghiệp, tôi biết nỗi khó khăn nên không dám nhắc nhở, chỉ thông báo vào mỗi đầu xuân. Một bạn đạo về VN xin tôi địa chỉ Chùa ở Sài Gòn để ghé thăm, chụp nhiều hình ảnh về ngôi Chùa cho tôi xem. Qua lời kể của bạn đạo thì các em đã lớn, được chuyển đi đâu hết. Tôi thấy ngôi Chùa khang trang lòng hoan hỷ theo. Thời gian sau Thầy gửi thư báo tin sẽ lên Kon- Tum xây cất ngôi Chùa theo sơ đồ rất lớn. “A di Đà Phật” việc nào cũng tốt, nhưng trước mắt phải lo cứu đói là vấn đề thực tế, nhất là những trẻ cô nhi nào biết xoay xở kiếm miếng ăn như người lớn, nên từ đó tôi dồn hết về chùa Đức Sơn. Bạn Phương Chi về VN thăm mẹ qua kể – Khu Tạo Tác gần ngã Cầu Đất có tổ hợp làm tăm của người mù. Mình lên thăm đứng nhìn họ cầm dao chẻ tre “phập phập” muốn đứng tim vì sợ đụng nhầm tay, nước mắt chảy ròng gởi biếu chung $100 đô. Ra về lòng buồn vô hạn vì không có thêm tiền để cho. Đồng thời tôi nghe chị Giang kể ngày nào cũng có nhiều người tới từng nhà bán tăm và đũa tre, lòng tôi xốn xang dặn chị “Lúc nào họ tới cứ mua, mua hết đi dù không dùng bao nhiêu” Thời gian kế tôi nhờ lên thăm tổ hợp và giao tiền, nhưng chị G cho biết tổ hợp đã giải tán không biết đi đâu. Tôi vẫn thúc giục chị hỏi thăm nhiều nơi…Cho đến năm sau chị G gọi điện báo tin đã tìm ra văn phòng người mù do ông tổ trưởng điều hành. Người khiếm thị ai về nhà nấy, khi nào có ân nhân phát tiền quà thì ông thông báo đến tập trung nhận. Ông tổ trưởng kể thêm “tăm đũa đũa ế ẩm phải dẹp tổ hợp, nhiều người bán vé số bị lường gạt, người mua giả trúng số bảo có tiền đưa sẵn, họ chỉ nhận 8 và cho 2, để người bán đi lãnh sau. Hoặc khách bảo đưa xấp vé cho họ xé mua 2 tờ, nhưng rồi họ xé thành 5 tờ. Người khiếm thị về nhờ tổ trưởng xem lại mới hay bị lường gạt, từ đó tổ trưởng bắt dẹp nghề bán vé số, khuyến khích học nghề đấm bóp. Lần đầu tiên bạn bè góp tiền nhờ tôi chuyển. Nghĩ trường hợp các em cô nhi cần giúp đỡ hơn, nên tôi nhờ quý Sư trích 1/3 số tiền đến giao người khiếm thị, nhưng quý Sư đã tự động chia đều ngang nhau. Điều này làm tôi vô cùng quý mến tấm lòng Bồ Tát, hạnh nguyện từ bi cứu khổ cứu nạn chúng sanh, không kể phần mình. Đó là niềm tin tốt đẹp đối với các bậc chân tu. Từ đó mỗi đầu năm đã thành thông lệ đối với cô nhi chùa Đức Sơn và hội người mù. Đặc biệt các cô em chồng và chị dâu tôi luôn yểm trợ tối đa, bạn bè người gởi tiền trước sợ quên, kẻ gọi nhắc làm tôi thấy niềm vui sướng cứ lan tỏa mãi và hăng hái thêm. Chưa hết, 2 bà hiệu trưởng trường Đồng Khánh và Thành Nội xưa phối hợp kêu gọi các cựu nữ sinh đừng quên các anh Thương Phế Binh, nên mỗi năm luôn có chiến dịch vận động gởi về. Cựu nữ sinh bên VN đưa tận nơi cùng cách làm việc rất sáng tỏ là chụp hình các anh nhận tiền của ai, ghi rõ số nhà, số điện thoại. Những khi bão lụt chuyển về Sư Bà Thích Nữ Như Minh của chùa Tây Linh hoặc Thầy Pháp Trí Chùa Tiên Quang. Chú Tiểu Thiện Tài Nguyễn Huy Điền (do thầy Thích Tánh Tuệ giới thiệu) có cả hệ thống gồm nhiều bà Phước ở khắp các tỉnh đi giao, cũng có lối làm việc như các cựu nữ sinh Đồng Khánh & Thành Nội, giao tới đâu đều có hình ảnh rất rõ ràng minh bạch từ TPB, bệnh viện ung bướu, quán cơm $15 ngàn/1 dĩa giúp người nghèo. Cha Hiền của hội “Nụ Cười Thân Ái” ở bên Phi Châu, sống chung quanh các em nhỏ ốm o so bại, các Cha đã làm công việc hy sinh cao cả theo lời Chúa dạỵ, xông pha đến những nơi khổ cực san sẻ tình thương. Thầy Thích Tánh Tuệ cúng Trai Tăng , phát lương thực, xây giếng nước tình thương cho nhiêu dân làng nghèo khó bên Ấn Độ. Bác sĩ Đặng Nga, nhóm đan len cựu nữ sinh Thành Nội, Dạ Lê luôn âm thầm vun xới mảnh vườn hoa khô héo trong cuộc đời Hội Bạn Người Cùi dưới Nam Cali từng có những nhóm người về VN xăn quần lội bùn, đi sâu vào rừng xây nhà, phát lương thực cho người cùi. Tại Mỹ, người Homeless (người vô gia cư) cũng đầy đường nằm quấn mền nơi các bụi cây, góc xó, nhất là đến mùa đông lạnh cóng đã chết rất nhiều. Biết bao nhiêu tấm lòng nhân hậu vẫn thường tổ chức phát thức ăn, mùng mền, tiền bạc ngoài công viên. Điển hình như hội “Mõ Thân Ái” do ông Lê văn Hải tổ chức, và hội Huế vào mùa Lễ Tạ Ơn, lễ Giáng Sinh cũng đến nơi tập họp người vô gia cư, thuê nhân viên nấu các món thích hợp người bản xứ, đãi ăn và phát quà. Đó là những nơi mình biết chắc chắn không sợ bị lường gạt, yên tâm gởi gấm tình thương từ đồng tiền mồ hôi nước mắt tiêu pha dè xẻn, trao đến những hoàn cảnh đáng thương. Xem ti vi chiếu cảnh những góc phố Sài Gòn. Tủ bánh mì, tủ thuốc đau đầu, đau cảm. Mấy thùng nước đá chanh. Em nhỏ ngồi vá giày v…v… tất cả đều miễn phí giúp những bác đạp xích lô, những người nghèo khổ. “Hãy chia cơm bánh của ngươi cho kẻ đói ăn và nếu ngươi gặp một kẻ trần truồng thì hãy cho họ áo mặc, và như thế sự sáng của ngươi tỏ rạng như hừng đông. Và ánh sáng sẽ bùng lên trong bóng tối, và bóng tối sẽ trở thành giữa ban ngày” (lời Chúa phán). Nơi đâu cũng cho tôi nhìn những cảnh cảm động nói lên tình người cao quý. Những con người hiền từ, có tấm lòng nhân ái, đem tình thương đến với tha nhân. Đó là Chân, Thiện, Mỹ của cuộc đời, làm đẹp cho đời. Chúng ta sẽ chuyền lửa cho nhau xua dần những tăm tối vây quanh, thì trên đường đi hoa sẽ mọc đầy đủ sắc màu cho ta thưởng thức và được ngửi mùi thơm của hương từ bi dưới ánh hào quang của Đức Phật soi tuệ đuốc chúng ta vậy. Đường Hoa Nở Học hạnh từ bi cứu giúp người Hoa trồng mỗi bước nở xinh tươi Trì kinh nhất trí năng siêng tập Niệm Phật chuyên tâm chớ nhác lười Biến diệt dòng sinh lìa cõi thế Vô thường thác cuộn nhắm con ngươi Ra đi vẫn chỉ bàn tay trắng Nối kết yêu thương tạo tiếng cười Minh Thúy Thành Nội Tháng 3/2023 |
CÁM ƠN NƯỚC MỸ Không phải đợi đến bây giờ tôi mới cám ơn nước Mỹ. Tôi cám ơn nước Mỹ từ khi tôi quyết định đi Mỹ định cư. Thật lòng mà nói lúc ấy tôi rất phân vân không biết có nên bỏ tất cả để ra đi không? Tôi yêu căn nhà và mảnh vườn này lắm vì đó là kỷ niệm, là công sức và mồ hôi. Từng viên gạch, từng chút xi măng vợ chồng tôi tiết kiệm để xây dựng nên. Những đêm trời có trăng chúng tôi hì hục khiêng đất đắp nền. Căn nhà do hai vợ chồng tôi thiết kế. Thợ, vật liệu xây dựng do nông trường cung cấp và thầu đứng ra thực hiện. Đó là chương trình xây nhà cấp bốn cho công nhân. Chúng tôi trả thêm tiền thợ và mua thêm vật tư để làm theo bảng vẽ của mình. Tôi xin ba tôi một cây sắt dài để giữ độ cân bằng chắc chắn khi làm thêm một tầng gác cho con. Tôi xin được một cây cao su già thanh lý, mướn thợ xẻ ra, tẩm dầu pha nhớt mấy dạo để giữ cho gỗ không bị mọt dùng để làm sàn gác. Từng chút, từng chút như con chim tha rác về xây tổ, chúng tôi tạo một tổ ấm cho các con. Bao nhiêu năm mất sạch vì chiến tranh, vợ chồng ly tán, con cái đói khổ, chúng tôi khao khát có một mái nhà và một mảnh vườn riêng. Ngoài đất nhà do nông trường cấp, tôi mua thêm một ít đất ruộng tư nhân sát đó dự định sẽ trồng dừa, sầu riêng và chôm chôm để tạo lập một mảnh vườn. Tôi đã bỏ hết thời gian miệt mài trên từng luống rau, tấc đất. Cũng may nhờ mấy năm gian khổ ở hợp tác xã nông nghiệp Hải Lăng- Quảng Trị tôi đã biết chút ít về trồng trọt. Hai bàn tay chai cứng khô cằn đã giúp tôi miệt mài lao động mà không sợ xấu, sợ dơ. Tôi đã từng cương quyết sẽ không làm hồ sơ đi Mỹ. Tôi ở lại VN để lo cho mẹ vì má tôi chỉ có mình tôi là con gái. Bây giờ má tôi đã mất, tôi có đủ điều kiện mà mọi người mơ ước tại sao tôi lại không ra đi. Dưới sự bưng bít thông tin vào thời bao cấp của CS, tôi hoàn toàn mù tịt về một nước Mỹ tự do và quyền lợi của người di dân tị nạn Cộng Sản. Tôi luôn lo lắng “Mình lớn tuổi rồi, mẹ già con dại ở xứ người làm sao để sống”. Nhưng nhìn chồng mất phương hướng, nhìn con với lý lịch ngụy to tổ bố chận đứng tương lai, nhìn lại mình không giống ai trong xã hội đặt đường lối chính trị làm đầu mà mình thì quyết định không bao giờ làm một đảng viên CS. Thú thật ngày còn đi học tôi rất ghét Mỹ. Lý do là có một lần ở Biên Hòa đi học thêm Pháp văn ở nhà thầy Thạc, trên đường đi về tôi đã bị một tên Mỹ đen say rượu từ trong quán bar đi ra rượt tôi chạy có cờ, kẹp tóc văng mất tiêu tôi cũng không dám quay lại lượm. Trong xóm tôi ở trọ có bà mẹ bỏ bê con, đi làm sở Mỹ ăn mặc diêm dúa về nhà lên mặt coi thường chồng. Đứa con gái mới lớn lên đã bị mẹ trang điểm lòe loẹt đem vào sở Mỹ để làm tiền. Đồng tiền đô xanh đỏ đã khiến xã hội suy đồi. Đã khiến những cô gái chân quê thay đổi con người lẫn tính nết đi bán bar, làm điếm, làm gái bao của Mỹ. Cho nên dưới mắt tôi lúc ấy lính Mỹ là nguyên nhân để Việt Cộng tuyên truyền lôi kéo dân chúng, khiến người dân ở ba gọng kìm Việt Cộng, Quốc Gia và Lính Mỹ. Rồi cũng chính Mỹ đã bỏ rơi Việt Nam Cộng Hòa để Cộng Sản chiếm trọn miền Nam một cách uất ức. Chính Mỹ đã khiến mọi người dân miền Nam sống dở, chết dở với chính sách cai trị của CS: Đổi tiền, cướp nhà, quản lý hộ khẩu, ngăn sông cấm chợ, tem phiếu, đày đọa khủng bố tinh thần thể xác tù cải tạo. Như vậy qua Mỹ mình làm gì để sống, Người Mỹ, chính quyền Mỹ tốt hay xấu, họ có giúp mình xây dựng lại cuộc sống tự do không? Đó là câu hỏi luôn hiện lên trong đầu tôi một cách ngu xuẩn. Con nhỏ bạn thân từ hồi còn tắm mưa giờ làm giám đốc nông trường nó kéo tôi vào văn phòng: – Đi Mỹ làm gì? Tuổi này qua Mỹ làm gì để sống. Tao không ký đơn, mày ở lại với tao đừng đi đâu hết. Anh chàng đảng viên chủ tịch Đoàn Thanh Niên CS HCM nông Trường lại kéo tôi ra sau nói nhỏ: – Chị đủ điều kiện thì hãy đi đi, đừng nghe lời ai hết. Chị đừng rút đơn lại. Hãy đi cho tương lai các cháu. Xung quanh tôi giấc mộng đi Mỹ là ước mơ tối thượng của mọi người dân VN. Người ta liều chết để vượt biên. Mình đủ điều kiện sao lại lo lắng chi những gì chưa tới. Chồng tôi, con tôi cần một chân trời mới để thở và được sống tự do. Viết bài này, tôi lục lại giấy tờ còn lưu trữ đã cất hơn 32 năm. Giấy tờ úa vàng đã rách vì giấy lúc đó rất xấu. Hình ảnh tôi, chồng và các con ốm đói hốc hác không giống tôi bây giờ chút nào. Các giấy tờ với mẫu in sẵn các mộc đỏ lòm còn giữ lại: – Bảng khai xin đi nước ngoài (Lý lịch cá nhân, gia đình ba đời) – Hộ khẩu – Khai sinh cá nhân, chồng, con – Giấy hôn thú – Quyết định nghỉ việc nông trường – Giấy xác nhận không thiếu nợ ngân hàng. -Giấy chứng nhận không còn liên quan đến nhà đất – Giấy ra trại cải tạo của chồng và tất cả các giấy tờ liên quan đến lý lịch của chồng, mẹ chồng và các con …. Tội nghiệp con gái tôi, từ bé đến giờ vẫn nghĩ tôi là mẹ ruột, bây giờ kinh tế gia đình khó khăn, chúng tôi không đủ tiền để nộp đơn theo hồ sơ HO. Chúng tôi đành phải chọn đi theo dạng con lai để được sự giúp đỡ của Mỹ trong thủ tục xuất ngoại. Tôi không hề biết cha ruột của con tôi họ tên gì , thuộc binh chủng nào nên đành phải đem giấy cho con của mẹ ruột cháu làm bằng chứng trong con nuôi. Ôm đứa con gái đã 23 tuổi vào lòng, tôi nói thật với con, xin lỗi nó và đón nhận những giọt nước mắt tủi thân lẫn cám ơn của con bé. Đây là lúc con tôi báo hiếu cho cha mẹ. Hồ sơ đi Mỹ của gia đình tôi được phái đoàn chấp thuận nhanh chóng nhờ tờ giấy ra tù Cộng Sản của chồng và khai sinh con gái nuôi “tàn dư đế quốc”. Đây là lần đầu tiên tôi tiếp xúc với nhân viên của cơ quan nhà nước Mỹ. Một ông Mỹ đẹp trai, hiền hậu, vui vẻ nói tiếng VN rành rẽ. Ông không hỏi gì nhiều, bắt tay chồng tôi, hai thằng nhóc và nói lời chúc mừng hồ sơ đã được chấp thuận. Cả nhà 7 người đều được đi hết kể cả mẹ chồng. Nhưng với hồ sơ này, gia đình tôi không được trực tiếp đến Hoa Kỳ mà phải qua Phi Luật Tân 6 tháng để học cách hội nhập vào nước Mỹ. Mọi chi phí đều do chính phủ Hoa Kỳ đài thọ. Chúng tôi chỉ phải trả tiền máy bay từ VN qua Hoa Kỳ, trả dần trong vòng 10 năm (nếu tôi nhớ không lầm) Ngày giỗ đầu của má tôi là ngày tôi nhận được giấy báo lịch trình bay. Đó cũng là ngày em trai tôi lần đầu tiên về nước sau 16 năm di tản ra xứ người. Còn con heo cuối cùng trong chuồng, tôi cho làm thịt để đãi em, chia tay gia đình, bạn bè và mừng mình sắp xuất ngoại. Trong khi chờ đợi chuyến bay, phái đoàn Mỹ sắp xếp cho gia đình tôi tạm trú tại trung tâm Đầm Sen mười ngày. Tại đây có xe đưa rước để chúng tôi hoàn tất mọi thủ tục hành chánh cũng như khám sức khỏe theo quy định. Gia đình tôi được ở trong một căn phòng khang trang, có giường ngủ chăn êm nệm ấm, ăn ngày ba bữa với cơm trắng phục vụ tận tình. Khi đi khám bệnh hay làm giấy tờ cần thiết, các nhân viên rất lịch sự, nhẫn nại, giúp đỡ hết lòng với một nụ cười thông cảm. Khác với nhà nước ta phải đút lót cán bộ và nhận những câu nói hách dịch, dọa dẫm như xuất ngoại theo chính sách là tội ác ngập đầu. Những mũi kim chích ngừa của Mỹ nhỏ xíu ít đau, chích xong quăng ngay vào thùng rác chứ không như ở bệnh xá một mũi kim dùng cho bao nhiêu người mà còn phải mài lại mới có thể chích được. Căn nhà vườn tược tôi phải sang tên cho gia đình một công nhân khác theo đúng quy chế nhà nước để nhận một số tiền ít ỏi chi dụng ở Phi. Hành trang đem theo chỉ là quần áo, mỗi người một túi xách cá nhân. Tất cả đồ đạc đều bỏ lại VN như bỏ lại tất cả những gì mình yêu thương và trân quý. Lên tới phi trường cô nhân viên hải quan trề môi khinh bỉ: “Vậy mà cũng đi Mỹ!” khi nhìn thùng hành lý gửi đi toàn là mì gói và ít vật dụng làm bếp. Nhìn lại mình chúng tôi đúng là dân tị nạn trắng tay. Rất sợ sự trấn lột của hải quan VN, tôi chia mỗi người giữ một chỉ vàng, em tôi có cho chị 100 dollars, tôi dấu dưới vớ của thằng út. Đó là tài sản của 7 mạng người khi sống 6 tháng ở trại Bataan Phi luật Tân. Máy bay lên cao rời khỏi Việt Nam để bay qua Manila, tôi rưng rưng nước mắt, nghìn trùng xa cách không biết mình có còn cơ hội trở về thăm. Lòng lo sợ không biết mình qua Mỹ không tiền, không một nghề chuyên môn làm gì để sống với mẹ già con dại, tuổi đời đã quá 40. Ở trại Bataan mọi người đều được đi học theo số tuổi và khả năng Anh Ngữ của mình. 6 tháng học về văn hóa và đời sống Mỹ chúng tôi dần dần hiểu được quyền lợi được hưởng, những văn minh trong cuộc sống mới tại Hoa Kỳ. Các con tôi sẽ được đến trường mà không tốn một đồng nào. Chúng tôi sẽ được giúp đỡ những bước đầu để hội nhập và sinh sống. Chính phủ Hoa Kỳ đã bỏ rất nhiều tiền để xây dựng cơ sở vật chất này với nhà cửa, bệnh viện, đội ngũ giáo viên, bác sĩ, y tá, thức ăn và nhiều nhu cầu thiết yếu khác. Tất cả đều làm việc hết sức lịch sự, nhã nhặn, tôn trọng tự do, bình đẳng để mọi người dễ dàng hội nhập với đời sống mới ở Mỹ. Điều đặc biệt và bất trắc trong thời gian chúng tôi ở Phi là cơn bão kéo về đúng lúc núi lửa Pinatubo phun trào. Lần đầu tiên tôi biết thế nào là động đất và bão cát. Trời ban trưa mà tối sầm như đêm đen, gió thổi, cát bay, nhà rung lắc. Bảy người chúng tôi nằm ôm nhau trên chiếc phản gỗ nhắm mắt chờ chết. Bão tan, cả trại tị nạn bao trùm toàn cát. Cây ngã hàng loạt, những cây xoài lâu năm ngã rạp, tét nhánh nằm vắt trên mái tôn. Mọi người trèo lên nóc nhà cào cát xuống, thu dọn cây cối và dọn dẹp nhà cửa. Nước không có nên trại phải chở nước đến cho mọi người dùng. Phải một thời gian dài mọi việc mới ổn định lại, cũng là lúc chúng tôi hoàn tất khóa học, chuẩn bị mọi thủ tục cần thiết để ra trại và đi Mỹ. Tôi rời VN vào tháng 3/1991. Tháng 9 chúng tôi hoàn tất các khóa học, khám sức khỏe tốt và được lên danh sách chuyến bay đến Mỹ. Máy bay rời khỏi Manila đến Honolulu Hawaii. Tại đây gia đình tôi chính thức làm giấy tờ nhập cảnh. Con gái lớn tôi vì đã 23 tuổi được tách ra một form riêng độc lập. Mẹ chồng tôi cũng một form riêng. Vợ chồng tôi và ba con nhỏ được xếp vào gia đình có con nhỏ dưới 18 tuổi được trợ cấp theo tiêu chuẩn tị nạn. Tại phi trường Hawaii chúng tôi được chụp hình, lăn tay để làm thẻ An Sinh Xã Hội ( Social security). Thẻ sẽ gửi về địa chỉ nhà em tôi đã mướn dùm Sau khi thủ tục nhập cảnh hoàn tất, chúng tôi lên chuyến bay thứ nhì về phi trường John Wayne ở Santa Ana, California. Tại đây em trai tôi đã chờ sẵn để đón gia đình chị. Trước khi về nhà, chúng tôi đi ăn tối tại tiệm Mỹ Nguyên, một nhà hàng VN quen thuộc ở Orange County. Tại đây bất ngờ tôi gặp được một người quen gần nhà đã đi Mỹ trước tôi vài tháng. Mừng quá là mừng gặp nhau ngay ngày đầu tiên tới Mỹ. Xe trên đường về Riverside trời đã tối, những cầu xa lộ, phố xá hai bên với ánh đèn điện sáng choang lấp lánh làm gia đình tôi trố mắt nhìn ngưỡng mộ. Khâm phục vì đẹp và văn minh quá chưa bao giờ thấy trong đời. Căn nhà em tôi mướn dùm gồm 4 phòng ngủ rất khang trang sạch sẽ, thơm lừng. Giá thuê là 750$ nhưng nếu trả tiền nhà trước ngày 5 tây hàng tháng, ông chủ nhà sẽ bớt 25$. (Khi tôi có lịch bay em tôi đã mướn căn nhà này vì rất gần trường tiểu học và trung học cho các con tôi). Giường, nệm các phòng đều tinh tươm sạch sẽ. Một số đồ đạc em tôi và hội bảo trợ đã chuẩn bị sẵn. Lần đầu trong đời tôi ngủ không giăng mùng mà không có một con muỗi nào bay đến vo ve. Quá mệt mỏi trong suốt chuyến bay, cả nhà tôi ngủ một giấc thật ngon đêm đầu tiên ở Mỹ. Ngày hôm sau, em tôi chở gia đình tôi đi làm các thủ tục phải có. Làm thẻ xanh cho người lớn, làm giấy tờ nhập học cho trẻ con, các hồ sơ cần thiết để được hưởng trợ cấp ban đầu… Đến lúc này tôi thật sự an tâm, cám ơn người dân Mỹ, nước Mỹ tận đáy lòng. Tôi không còn sợ chết đói, sợ sống không nhà vô gia cư, sợ con cái thất học. Nước Mỹ đã cho gia đình tôi một cuộc sống ổn định và an toàn. Con tôi đến trường bình đẵng như mọi đứa trẻ tóc vàng mắt xanh da trắng ở xứ sở này. Mẹ chồng tôi ở Mỹ vài tháng là đủ 65 tuổi, bà được hưởng quyền lợi người già mà tôi không thể tưởng tượng được bà sẽ có. Con gái tôi được hưởng trợ cấp mấy tháng theo quy định để tìm việc làm. Hai vợ chồng tôi có con nhỏ nên được hưởng trợ cấp con nhỏ và nhận thêm foodstamp để mua thức ăn. Cứ mỗi lần đi chợ là tôi lại xé tiền trong tập phiếu thực phẩm để trả cho người thu ngân. Hai vợ chồng ghi tên học ESL và được nhận thẻ đi xe bus miễn phí. Tiền trợ cấp chỉ đủ trả tiền nhà và chi tiêu lặt vặt. Foodstamp cũng chỉ đủ ăn nên chưa bao giờ tôi dám mua tôm hay thịt bò. Cứ mua thịt gà hết kho lại rim mặn. Rau lúc đó cũng không rẻ nên thường là ăn bắp cải, cà rốt và khoai lang tây. Mì tại chợ Mỹ 1 đồng 10 gói vừa ngon, vừa rẻ nên tôi ăn thường xuyên đến nỗi mập đến không ngờ. Bà bác sĩ gia đình bảo phải ngưng ăn vì có quá nhiều tinh bột. Lúc đó tôi không có khái niệm nhiều về ăn uống, chỉ cần rẻ là tốt. Tuy vậy chưa có khi nào chúng tôi sống vui như thế. Buổi tối gia đình đoàn viên ăn cơm sum họp rồi cùng ngồi học bài với nhau. Một người quen của em trai tôi cho một cái TV và một đầu máy đã cũ. Thế là cứ cuối tuần là vợ chồng, con cái lên xe bus đi thư viện mượn sách và DVD về xem. Bộ phim đám cưới cổ tích của công nương Diana chúng tôi coi không biết bao nhiêu lần. Các con tôi được xem các phim hoạt hình sau giờ học. Những ngày con cái còn nhỏ là những ngày hạnh phúc nhất trong gia đình tôi. Thời gian trôi qua, các con tôi đều đã lên đại học, con gái lớn có chồng, có con. Chúng tôi đã già và mẹ chồng tôi sống những ngày cuối đời bình an trên đất Mỹ. Nước Mỹ đã cho chúng tôi nhiều thứ mà đất nước tôi khước từ. Sự tự do, bình đẳng và tôn trọng nhân phẩm con người. Chúng tôi đến Mỹ muộn màng không đóng góp được gì nhiều để đền ơn đáp nghĩa. Các con tôi đã thay cha mẹ làm những người lính để phục vụ đất nước này. Mỗi năm nước Mỹ có ngày lễ Thanksgiving, tôi thường đùa nói với các con tôi: ” Người Mỹ là những người từng vượt biên như VN ta. Họ là những boat people đầu tiên hiện diện trên đất nước non trẻ này” Cho nên những người VN “Ô Đi Ghe” chỉ là tái hiện lại một hành trình đi tìm đất sống như họ. Người Mỹ tổ chức lễ Thanksgiving cám ơn những người thổ dân đã giúp họ những ngày đầu tiên lập quốc. Người VN mình cũng phải biết cám ơn người Mỹ vì đã đưa bàn tay cứu vớt những người tị nạn lưu vong. Nước Mỹ là một nước hợp chủng quốc, có đủ mọi sắc dân, nói đủ thứ tiếng và ban đầu người di dân nào mới đến cũng dùng động từ “To Quơ” để nói chuyện. Mỗi sắc dân đến đây mang theo phong tục tập quán riêng. Theo thời gian họ cộng hưởng nền văn minh của Mỹ để hoàn thiện một nền văn minh mới, vừa không phản bội cha ông vừa làm giàu làm đẹp bản sắc dân tộc mình. Người Việt mình đến đây nhiều nhất sau 1975 khi nước Việt Nam thay đổi màu cờ. Những ngày đầu người Việt chưa đông như bây giờ. Có những thức ăn người VN rất thích mà người Mỹ lại chê. Thí dụ như lòng gà, lòng vịt, lòng heo, chân gà, móng heo… Bây giờ mấy thứ đó lại khá mắc vì đó là những món ăn khoái khẩu dùng để …nhậu. Như ngày xưa làm gì có bán giá, rau muống, nước mắm, mắm nêm, mắm ruốc, huyết heo và …ôi thôi những món mà bây giờ Mỹ không chê mà Mễ rất mê. Hiện tại tiệm phở, tiệm bánh mì, bánh ngọt, bánh ướt, bún bò Huế, bò bảy món, lẩu đồ biển của người Việt có mặt trên khắp các tiểu bang của nước Mỹ. Thật lòng người VN mình cũng góp phần không nhỏ trong văn hóa ẩm thực lẫn đời sống của người Mỹ và các nước trên thế giới. Miền Nam Cali, khu vực Little Sài Gòn số lượng người Việt lấn áp người bản xứ. Con cái người Việt đều được cha mẹ cho vào đại học và có công ăn việc làm đời sống ổn định. Số người VN giàu có và trung lưu đã tăng lên thấy rõ. Tất cả sự thay đổi đó phần lớn là do sự giáo dục từ gia đình. Không có người VN nào qua đây mà không mong ước cho con học tới nơi tới chốn. Người Mỹ nuôi con tới 18 tuổi thì “Mặc kệ bây” nhưng người Việt ta làm hai ba job để cho con tốt nghiệp đại học, tạo cơ hội cho con phát triển sự nghiệp. Khi con đã ổn định có gia đình cha mẹ sẵn sàng chở dùm cháu đi học hay ở nhà giữ cháu cho con đỡ tốn tiền gửi trẻ. Cuối tháng 3/1975 Đà Nẵng trong cơn sốt. Tôi đã chứng kiến một Đà Nẵng mất mát, xe “Phe thắng trận” tiến vào thành phố. Tháng 3/1991 tôi rời VN lên máy bay đi tị nạn CS. Máy bay đáp xuống Phi Luật Tân và tôi lưu vong từ lúc đó. Hôm nay cũng cuối tháng ba, tôi ngồi trước máy computer viết bài này. Ngoài trời mưa vẫn rơi không dứt. Mưa suốt 3 ngày đêm cho miền Nam Cali no nước. Tôi đã bước qua tuổi 75 có còn gì để mất hay còn. 48 năm miền Nam VN đã thay cờ đổi chính thể. Một quê hương xa nửa vòng trái đất để tôi thương nhớ và mất mát. Có ai trong chúng ta không hoài niệm quê nhà, cha mẹ, anh em. Trong tôi ngập tràn nỗi nhớ, càng già càng nhớ nhiều để đêm mưa trăn trở không ngủ được. Đã 32 năm tôi chọn nước Mỹ làm quê hương. Mẹ chồng tôi đã mất, tro cốt được đem về an táng tại quê bà. Chồng tôi chọn theo gió và nhờ sóng biển đi khắp muôn nơi. Tôi cũng vậy, cuộc sống vô thường, mạng sống nhỏ nhoi này nguyện một ngày cũng theo gió về với hư không. Tôi cám ơn nước Mỹ đã cưu mang gia đình tôi. Hệ thống chăm sóc y tế giúp tôi tuổi đời vui vẻ ít bệnh tật. Đời sống văn minh khiến tôi lạc quan có nhiều bạn bè, tận hưởng tuổi vàng an vui yêu đời. Mỗi ngày đi bộ một vòng trong xóm tôi thấy được cái đẹp bình yên của xứ sở này. Tôi thấy mình được nhiều phước báo và tôi cầu nguyện cho mọi người trên thế giới đều bình yên no đủ, được an lạc hít thở không khí tự do. Nguyễn thị Thêm 23/ 3/2023 |
Nguồn gốc của lễ Phục Sinh Lễ Phục Sinh có nguồn gốc từ ngoại giáo nhưng tất nhiên cũng có nguồn gốc Kitô giáo. Ta hãy nghiên cứu về lịch sử của lễ Phục Sinh- Nguồn gốc của lễ Phục Sinh theo ngoại giáo Đối với người ngoại giáo, lễ Phục Sinh trước đây là lễ hội mùa xuân, sự trở lại của ánh sáng, sự ấm áp, sự tái sinh của cây cối sau những tháng mùa đông dài. Người ngoại giáo tin tuyệt đối vào các thiên thể . Họ tin rằng vị thần của thiên nhiên mỗi năm được sinh ra và chết đi, và rằng vào mỗi lần được sinh ra, cuộc đời của vị thần ấy hiện hữu rải rác trong cây cỏ và hạt ngũ cốc làm thực phẩm cho thần. Trời và đất, giống như quả nho chui ra khỏi mặt đất, và nước biến thành rượu. Đây là nét đặc biệt của niềm tin ngoại giáo. Nguồn gốc của lễ Phục Sinh theo Thiên Chúa giáo Người theo Thiên Chúa giáo cử hành kỷ niệm sự phục sinh của Chúa Giêsu Kitô. Lễ Phục Sinh được tổ chức vào Chủ nhật đầu tiên sau khi trăng tròn, vào mùa Xuân. Từ Phục sinh của các Kitô hữu có nghĩa là “vượt qua” theo nghĩa là “Chúa Giêsu bị đóng đinh đã sống lại.” Lễ Phục sinh của Thiên Chúa giáo có liên quan đến Lễ Vượt Qua của người Do Thái. Đối với người Do Thái, đó là cuộc vượt qua Biển Đỏ của họ từ Ai Cập và đối với các Kitô hữu, từ cái chết đến sự sống , mời gọi sự sống vĩnh cửu. Lễ Vượt Qua của người Do Thái được tổ chức hàng năm vào khoảng cuối tháng Ba / đầu tháng Tư. Nó cũng được gọi là “Lễ Vượt Qua“. Người Do Thái kỷ niệm cuộc di cư của người Hê-bơ-rơ (Hebreus) từ Ai Cập đến vùng đất hứa. Đây cũng là thời điểm bắt đầu thu hoạch lúa mạch kéo dài 8 ngày, sau đó là nhiều nghi thức và lễ hội theo phong tục. Điều gì xảy ra vào lễ Phục sinh? Nhiều truyền thống và thánh lễ được cử hành trong Tuần Thánh, nhưng cũng được thực hiện trước và trong Mùa Chay khi các Kitô hữu được mời cầu nguyện, ăn chay và chia sẻ. Người Kitô hữu nói “ Thiên Chúa là người chăn chiên của chúng ta” và họ là con chiên. Họ muốn làm theo lời của Ngài, nhưng đó không chỉ là vấn đề đức tin. Đó là một cách sống dạy họ phải giúp đỡ người khác, lắng nghe họ và chỉ đường cho họ. Lễ Phục Sinh thời nay Ngày nay, các Kitô hữu vẫn ăn mừng lễ Phục Sinh. Ngay cả khi họ ít thường xuyên đi nhà thờ hơn, các Kitô hữu vẫn hội họp với nhau nhân các nghi lễ lớn này. Phần đông các gia đình vẫn theo truyền thống, nhưng không còn nhịn ăn vào Thứ Sáu Tuần Thánh. (tùy theo mỗi gia đình) Thứ Sáu Tuần Thánh là lễ kỷ niệm tôn giáo được các Kitô hữu tổ chức vào thứ Sáu trước Chủ nhật Phục sinh. Đó là ngày kính nhớ Chúa Giêsu Kitô bị đóng đinh và cái chết của Ngài. Việc này một phần của Lễ Phục sinh Triduum (ba ngày phải tuân thủ), kéo dài từ Thứ Năm Thánh (kỷ niệm Bữa ăn tối cuối cùng của Chúa Kitô với các môn đồ của mình) đến kinh chiều tối Lễ Phục Sinh vào Chủ nhật. Theo truyền thống Chính Thống giáo, ngày ấy được gọi là “Thứ Sáu Vĩ Đại ” hoặc “Thứ Sáu Thánh và Vĩ Đại”. Quả trứng, một biểu tượng của sự hoàn hảo, được tổ chức vào mùa xuân vì nó có liên quan đến cuộc sống và khả năng sinh sản mới: nó xuất hiện trong nhiều truyền thuyết về nguồn gốc của thế giới. Vào thời điểm này, trong các chuồng trại chăn nuôi, có rất nhiều trứng, nên trứng được biểu dương vào thời điểm Phục sinh, cũng như một số loài động vật được biết đến về khả năng sinh sản của chúng: gà, cá, thỏ rừng. Con cừu cũng là một biểu tượng trong Kinh thánh về sự phát triển của đàn cừu. Vào buổi sáng Phục Sinh, trong các khu vườn, trẻ em tìm thấy trứng làm bằng sô cô la hoặc đường , cũng như các món ăn khác có hình chuông, gà, thỏ, cừu, cá … và các con chiên thường cho rằng trứng được những chiếc chuông trở về từ Rome hoặc thỏ rừng Phục sinh bí mật đặt trong đêm. Những đồ ngọt này đã thay thế trứng nhuộm hoặc trứng gà, biểu tượng của sự sống và sự vĩnh cửu trên thế giới. Thứ Hai Phục Sinh, một ngày lễ ở Pháp, là biểu hiện của ngày thứ tám (trong toàn bộ lễ tám ngày) kéo dài từ ngày lễ cho đến Chủ nhật Quasimodo. Chủ nhật Quasimodo là Chủ nhật đầu tiên sau lễ Phục Sinh. Trong lịch phụng vụ, Chủ nhật này, “tiếp theo niềm vui về sự phục sinh của Đấng Christ,” được ghi nhận là “Chủ nhật thứ hai của lễ Phục sinh.” Tên Quasimodo được lấy từ chữ đầu tiên của lời cầu nguyện phần mở đầu về Thánh lễ trong ngày, phần giới thiệu: Quasimodo geniti infante (giống như những trẻ sơ sinh). Chủ nhật này còn được gọi là “Lễ Phục sinh khép kín”, “Lễ Phục Sinh nhỏ” hoặc “Pâquettes- Tiny Easter “ Chuông Phục sinh ![]() Vào thời điểm lễ Phục sinh, ngày nay chuông vẫn đóng một vài trò quan trọng trên khắp nước Pháp. Sau bài thánh ca Gloria vào Thánh lễ Thứ Năm Tuần Thánh, đêm trước cái chết của Chúa Giêsu Kitô trên thập tự giá, tiếng chuông im lặng như một dấu hiệu của sự thương tiếc, để tang, cho đến Gloria của Lễ Canh Thức Phục sinh. Theo truyền thống, chúng được cho là đến Rome để được ban phước và đi tìm những quả trứng, sau đó chúng sẽ rãi trứng cùng khắp khi trở về khu vườn. Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Arnold Van Gennep tin rằng niềm tin này xuất hiện vào cuối thế kỷ thứ Mười Hai, và La Mã đã cấm không cho rung chuông bằng kim loại. |