LÝ BỬU LỘC

Lý Bửu Lộc: Tên thật cũng là bút hiệu
Sinh quán: Bạc Liêu, Việt Nam.
Trú quán:  Boston, MA

Cựu Học Sinh Trường Trung Học Công Lập Bạc Liêu.
Cựu Sinh Viên Sĩ Quan Trừ Bị Bộ Binh Thủ Đức Khoá 9/72..
Tốt nghiệp khóa Căn Bản Sĩ Quan Pháo Binh, Khoá 9/72 Dục Mỹ.

Cựu Thiếu Uý Tiền Sát / Tiểu Đoàn 11 Pháo Binh/ Sư Đoàn 1.
Tham dự nhiều chiến trận vùng Tây Nam & Vùng Đông Nam Huế.

Tù binh bị giam ở các trại Sơn La, Nghĩa Lộ, Yên Bái từ tháng 12,1974 – tháng 02, 1977

Vượt biên tháng 08, 1981.
Được chiến hạm Southern Cross, Hải quân Mỹ vớt trên hải phận Philippine  & đã ở trại tạm cư Singapore, Indonesia (Galang 2).

Định Cư Mỹ 1982.

Tốt Nghiệp Kỹ Sư Điện 1992
(Wentworth Institute Technology).

Làm việc cho hảng: Extech – Flir từ 1987-2020.

Đam mê thơ văn, bóng đá, bóng bàn. Yêu đời, yêu người. Yêu quê hương, yêu đời lính. Yêu gia đình, bạn bè.

Sáng tác truyện ngắn, thơ văn cho đặc san trường, đặc san quân trường, đặc san & nguyệt san trong giáo xứ đạo & phong trào Cursillo với Phêrô Lý Bửu Lộc.

Hiện là hội viên của Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại trực thuộc Miền Đông Nam Hoa Kỳ từ tháng tư năm 2018.
 
Những tác phẩm văn xuôi của tác giả Lý Bửu Lộc:
1. NHỮNG CHUYẾN HÀNH QUÂN KHÔNG NGƠI NGHỈ !
2. NHỚ NGÀY ĐẦU TIÊN ĐẾN HUẾ !
3. CHUYẾN GHE ĐỊNH MỆNH!
4. 15 Ngày Gian Kh Trên No Tìm T Do-(Phần I)
5.   BƯỚC ĐẦU VÀO QUÂN NGŨ
6. LÁ ĐƠN XIN LƯU DỤNG
7. Một Hướng Đi
8. TẾT NHỚ TẾT! Lý Bửu Lộc
Trang Thơ Lý Bửu Lộc
 CẢM NGHIỆM TÌNH CHA !

 Tôi đã khóc trong tình cha,
Vì một bài giảng thật là dễ thương.
Câu chuyện đơn giản bình thường,
Nói về đứa trẻ luôn luôn lỗi lầm.

                    *
               *.        *
Cho đến hôm phải dạy răn,
Cha đặt hình phạt dành phần thật hay.
Trên bàn ăn tối hằng ngày,
Đĩa bánh mì lạt!…để thay thịt thà.
Ít nước lạnh đựng trong ca,
Đấy là cơm tối mà cha chia phần.

Bên cạnh ấy !… thịt đầy mâm,
Trái cây, thức uống bội phần thơm ngon.
Kẻ phạm tội chẳng gì hơn,
Cúi đầu chấp nhận, lệ buồn rưng rưng.

Mùi thơm thịt cá góp phần,
Tăng thêm cơn đói, tăng phần xót xa.
Mắt nhắm kín, lệ đổ nhoà,
Ăn năn hối tội… mong tha lỗi lầm.
Sau thời kinh tối quanh mâm,
Gia đình vui vẻ ngồi ăn tâm tình.

Bé vẫn nhắm mắt lặng thinh,
Vì phần cơm tối của mình khó ăn.
Càng suy nghỉ, càng tủi thân,
Nhưng khi mở mắt…ngàn lần khác xa!
Khúc bánh mì đã hoá ra,
Miếng thịt thơm phức thiệt là…khó tin. 
 
Bé nhìn quanh quẩn bên mình,
Thì ra:…cha đã thương tình đổi cho. 
 Biết ý, cha bảo:… “Đừng lo !”,
“ phần con cha đã ăn no bụng rồi”.
Tình cha làm trẻ nghẹn lời,
Chú bé nức nở… thay lời tạ ơn!

                        *
                   *.         *
Tình cha tợ núi “Thái sơn” !
Cứng rắn, che chở…thương con suốt đời.


 LÝ BỬU LỘC

TÌNH NGHÈO

Phúc cho ai biết khó nghèo, yêu lam lũ,
Khi thật tấm lòng quý nải chuối, nồi khoai.
Thử nghỉ xem tình nghèo cũng có cái hay,
Giúp thấu hiểu những đắng cay trong cuộc sống.

Có câu chuyện nghe qua vô cùng cảm động,
Ngày “Mother-day”…Thánh lễ ở giáo-khu.
Cùng sẻ chia những hình ảnh “mẹ nhân từ”,
Của bạn kể mà nghe như là quen thuộc.

Nói về mẹ:…người đơn sơ, không chải chuốt,
Chẳng phấn son trong suốt cả cuộc đời người.
Đôi tay bận bịu hòai, chẳng chút nghĩ ngơi,
Khi nấu nướng, lúc thì thêu thùa, may vá.

Có những phiên chợ đường xa xôi, vất vả,
Nặng gánh rau tươi, chính người đã tưới trồng.
Và cố gánh gồng mua bán giữa chợ đông,
Là mong được chút đỡ đần cho cuộc sống.

                      *
* *

 Phần mẹ của bạn tôi: … nhà cao, vườn rộng,
Suốt cả cuộc đời sống trưởng giả, giàu sang.
Áo quần, phấn-son luôn tề chỉnh đường hoàng,
Nợ cơm áo chẳng vướng mang trong đời sống.

Chẳng vá may, chẳng quen gánh gồng, lao động,
Con cái trong nhà có kẻ giữ, người trông.
Chẳng bận tâm, thật thư thả ở trong lòng,
Bạn bè đến!…là vui trong sòng tam-cúc.

Ai cũng quý trọng, cũng khen bà lắm phúc,
Tiệc tùng đâu…cũng ngồi bục ở đầu mâm.
Con cái trong nhà thì ít dịp hỏi thăm,
Chuyện cơm nước, hay chuyện đầu năm nhập học.

                      *
* *


Và nhìn lại mẹ tôi:…thật là mệt nhọc,
Suốt cả ngày phải tất bật với đàn con.
Người gầy khô, da thì sạm nắng nâu dòn,
Nhìn mẹ bạn,…má trắng hồng vì: son, nhờ phấn.

                      *
* *


Tuổi ấu thơ yêu mẹ nhiều nhưng lẩn thẩn,
Phải chi là mẹ đừng thua kém người ta.
Lắm thẹn thùa mỗi khi có bạn ghé nhà,
Bắt gặp mẹ với đôi tay già lem luốt.

Lúc bấy giờ tuổi thơ nào ai hiểu được,
Chuyện mẹ hy sinh, vất vả bởi vì yêu.
Vì thương con nên mẹ vứt bỏ mọi điều,
Chấp nhận nắng sớm, mưa chiều trong cuộc sống.

Và hôm nay mẹ kính yêu đà vắng bóng,
Ngồi gẩm suy mới thấy “Tình Mẹ” mênh mông.
Cảnh sớm, khuya mẹ đã mua bán, gánh gồng,
Là ước muốn con thơ:..hồng thêm đôi má!

Ngồi ngẫm suy thấy lòng thương thương nhiều quá,
Yêu mẹ hiền đã phải vất vả vì thương.
Nhưng tuổi ấu thơ đã vô ý coi thường,
Ít quấn quýt, ít chung đường đi bên mẹ.

                      *
* *


Gà con lẻ mẹ, tẻ đường,
Đến ngày khôn lớn tiếc thương rạt rào.
Giờ yêu mủ chuối, mủ cau,
Dính trên tay mẹ…ngọt ngào thân thương !

LÝ BỬU LỘC

(Nhân ngày lễ mother day)

HỌC CHỮ TÌNH CHA


Tôi là đứa con trai gần kề út,
Anh em đông… chẵn chục có đầu đuôi.
Gia đình nghèo nhưng hạnh phúc vui tươi,
Cha nghề giáo, người rất thương con cái.

Luôn được ưu tiên đứa ốm đau, khờ dại,
Được chăm lo, ưu đãi đủ mọi điều.
Càng nhắc nhiều càng thương nhớ bấy nhiêu,
Sao quên được những thương yêu, đầm ấm.

Quanh mâm cơm đơn sơ… nhưng đượm thắm,
Tình gia đình! Ôi sao quá thân thương.
Miếng cá ngon phần đứa út được thường,
Chén sữa nóng nhường phần ai bệnh yếu.

Tuổi ấu thơ, nhưng tình cha tôi hiểu,
Nên thích “ấm đầu” để được nuông chìu.
có lắm lần bệnh hoạn chẳng bao nhiêu,
Nhưng rất được cha thương yêu: bồng, cõng.

Và hôm nay: “father day” đánh động,
Trong lòng tôi gợi lại bóng cha yêu.
Hiền lành, khoan dung… đủ hết mọi điều,
Luôn dạy dỗ, luôn thương yêu con cái.

Tôi nhớ mãi lời cha thường khuyên dạy,
“Hãy nhớ làm những việc thích người làm!”.
“Phải cân đo dù chuyện đó thích ham.”
“Rách cho sạch… chớ tham lam trộm cắp.”

Tuổi ấu thơ trong tình cha tôi gặp,
Đã in sâu vào tim óc từ lâu.
Việc làm chi dù bé lớn đến đâu,
Luôn tự hỏi trong đầu: sai hay đúng?

Và hôm nay đem tình cha ứng dụng,
Cũng thương yêu con cái giống như cha.
Cũng trông lo: khi con cái xa nhà,
Cũng hạnh phúc: con bình an, đoàn tựu.
LÝ BỬU LỘC
ĐƯỜNG  EM  VỀ !


Đường em về:… Trà kha” hay “Cầu sập”,
Lộ vẫn lắm  sình,  nước ngập ngày mưa ?
Bót  “Đồng Điều” với chiếc  cổng thuở xưa,
Như chào đón mỗi trưa em đi học.



Đường em về:… “Xóm làng” hay “Lò gạch”,
Có hàng me già trút lá dưới cơn giông.
Đại lộ chiều nghe nhung nhớ trong lòng,
Giờ tan học, áo bay theo gió lộng .



Đường em về:… “Trà văn” hay “Xóm đạo”,
Hay em về ngang qua “Miếu Tiên Sư” ?
Đếm dùm anh… có bao nhiêu cây cầu nhỏ,
Bắt qua kênh dòng nước đỏ hiền từ.



Đường em về có ghé qua “Tu muối”,
Hay lại về “Rạch Ông Bổn”, “Vỉnh Châu”?
Con đường quê lộ đá trãi “nhựa màu”!
Màu “bùn đất”!…mưa lấm lem quần áo.



Đường em về chạy dài ra “Biển nhản”,
Ruộng muối còn ướp mặn chí dân Nam ?
Vườn chim còn rộn rịp mỗi chiều tàn,
Chim về tổ,…xếp hàng như đi học.


Đường em về,… nơi nao và mãi mãi,
Có tình quê nhẹ trãi áng tơ hồng.
Có mẹ già mãi tựa cửa đợi trông!
Đã tan học, sao em chưa về tới ?


Đường em về:…là quê huơng tôi đó,
Có ruộng vườn, có rừng, biển thân thương.
Có trăng thanh soi sáng vạn nẻo đường,
MÙI CỎ RẠ VẤN VƯƠNG THEO CUỘC SỐNG!


LÝ BỬU LỘC
Suy Nim Mùa Chay

Cuộc sống bắt nguồn từ tro bụi,
Bá tước, công hầu cũng bụi tro.
Giữ mình nhẹ sạch âu lo,
Lối về sẽ bớt quanh co gập ghềnh.
Đường danh lợi bao người say đắm,
Nẻo công danh lắm kẻ miệt mài.
Dù danh với lợi nặng vai,
Cũng nên suy niệm: trắng tay lúc về.
Trần gian có lắm thứ đam mê,
Che khuất tình Cha, lạc lối về.
Lễ tro nhắc nhở: đời không thật,
Xác tợ con thuyền trong bến mê.
Qua sông, khách bỏ lại thuyền,
Của trần phải trả lại miền trần ai.
Lợi danh thoáng đó trắng tay,
Có chăng là chỉ tình Ngài mang theo.
Ra đi không luận nghèo, giàu…
Không luận đẹp, xấu… chỉ theo phước phần.
Cuộc đời là chuỗi phù vân,
Ai ai cũng phải một lần ra đi.
Dặn lòng chẳng luyến tiếc chi,
Dầu, đèn sẵn đó đốt đi theo Ngài.
Tình Ngài rực sáng trời mai,
Đường về rộn rã trong bài Tình Cha.

Lý Bửu Lộc
Người đã đi ri

Người đã đi rồi… tôi ở lại,
Viết thêm trang cuối của bài thơ.
Cho dù: “mực đã khô thương nhớ”,
Tình đã phủ trong lớp bụi mờ.
Người đã đi rồi,… tôi ở lại,
Nghe: “mưa rơi nhẹ…phủ trời mơ”.
Ngắm trăng ngã bóng…mà: nhung nhớ,
Nghe gió xóay cao…nổi đợi chờ.
Người đã đi rồi,… tôi ở lại,
Đã học được thêm tiếng thở dài.
Đã quen cuộc sống đầy ngang trái,
Đã hiểu cuộc đời lắm đổi thay.
Người đã đi rồi,…xa tôi rồi,
Tôi còn ở lại,… một mình thôi.
Mưa khuya, ngỏ vắng …tìm: “nhung nhớ,”
Đếm bước đường đêm,… dạ: “rối bời.”
Người đã đi rồi!…thiệt xa rồi,
Tôi còn ở lại…mãi buồn thôi!.
Mãi yêu: tình lở,…không: bờ-đổ,
Mãi để lòng mơ “cái hững hờ!”
Người đã đi rồi,… tôi ở lại,
Viết thêm trang cuối của bài thơ.
Cho dù:”mực đã khô thương nhớ,”
Tôi vẫn làm thơ với chữ: “Chờ”!


Lý Bửu Lộc
HAI HÌNH ẢNH MỘT MẸ HIỀN

Mẹ tôi khổ cực quê mùa,
Thơ văn chẳng tỏ, nắng mưa sõi sành.
Đôi tay lam lũ đã đành,
Miếng ngon, vật lạ… cũng dành cho con.

Trong ngoài mọi sự lo toan,
Giãi dầu mưa nắng vì con mọi bề.
Việc mọn, việc khó chẳng nề,
Miễn sao no ấm mang về cho con.

Thuở xưa khi mẹ còn son,
Nghe đâu đài các, lầu son khuê phòng.
Và ngày xuất giá theo chồng,
Gia đình hộ đối, môn đăng thật giàu.

Nhưng rồi vạn sự đổi mau,
Hưng thịnh xoay chiều, giàu có trắng tay.
Thời gian ngày lại qua ngày,
Khổ cực thân xác miệt mài vì con.

Thế mà chẳng tiếng oán hờn,
Cũng chẳng sầu nhớ vàng son thuở nào.
Vì con chịu đựng gian lao,
Thâm tình mẫu tử thanh cao khôn lường.

Nhìn hai hình ảnh xót thương,
Tiểu thơ thuở trẻ, nắng sương xế chiều!
Đời người vui được bao nhiêu?
Khổ cực trăm chiều trong cuộc bể dâu.

Dí dầu đời hỏi một câu,
Đổi lấy sang giàu… quên mẹ gian lao?
Chẳng phải vướng bận chút nào,
Con chọn: mẹ!… bởi gian lao vì mình.

Hôm nay gởi chút tâm tình,
Nhân ngày Lễ Mẹ hiển vinh lên trời.
Mẹ Maria, Mẹ Maria ơi
Khẩn cầu Mẹ nhận đôi lời nguyện xin,
Trong ngày Lễ Mẹ Hiển Vinh,
Kính xin Mẹ nhớ thương tình mẹ con.”
“Kính xin Mẹ nhớ thương tình mẹ con”.

LÝ BỬU LỘC

LÍNH NGHĨ GÌ ?


Từ ấy!…tôi thành “anh lính trẻ!”,
Quên nghề tài xế “lái vỏng-xe!”.
Còn cô bạn nhỏ! nhà bên cạnh,
Quên mất vụ tiền “bông trái me”.
*
*. *

Mỗi dạo.tôi về dăm hôm phép,
Em hay nũng nịu bảo:ghé nhà.
Cô bé dỗi hờn nên duyên lạ,
Mềm lòng “chú lính trận” phương xa.

Nhà em, tôi đến…vui như tết,
Mẹ đã bày cơm: đãi lính rừng.
Em thì giả bộ…”Y như hệt!”,
“Chú lính” đến thăm chẳng chút mừng.

Lúc ấy:…môi cười xinh như mộng!
Bước sáo tung tăng giữa cuộc đời.
Năm, ba ngày phép trôi nhanh quá,
Ngậm ngùi em tiển dấu lệ rơi.

Tôi trở lại rừng…bên chiến trận,
Em mài kinh sử đợi khoa thi.
Hậu phương, tiền tuyến… xa xôi quá!
Thư đến, thư đi phải hạn kỳ.

Rồi lại vui vầy khi có phép,
Rồi buồn man mác lúc chia ly.
Quê hương ngày ấy mây bàng-bạc,
Chẳng biết lúc nào khóc biệt ly.

Tình em!…tôi gói trong tình lính,
Nợ nước chửa xong lính nghỉ gì ?
Bây giờ vận nước buồn ly biệt,
Nửa quả địa cầu một chuyến đi.

Hơn nửa cuộc đời còn lang bạt,
Tóc đã điểm sương, lính nghỉ gì ?
Nợ nước, tình nhà chưa trọn vẹn,
Lòng sầu!…mơ lại áo “Trây-di”.

LÝ BỬU LỘC
CHUYỆN TẾT XỨ NGƯỜI !

Còn vài hôm nữa là tháng hai rồi nhỉ!
Tiết lạnh mùa Đông của xứ Mỹ nặng nề.
Năm nay lại gặp chuyện “Đại Dich” thật ghê,
“CÔ – 19” đã giết người vô số kể.

Tết gần kề, không khí im lìm như thế,
Như buộc tay, trói chân… tù túng mọi bề.
Cô “Vũ Hán – 19” nầy thiệt là ghê,
Nam nữ, trẻ già cô ta đều không nể.
Gần tết  xứ người năm nay… là như thế!

                         *
                  *             *

Còn vài hôm nữa là tháng hai rồi nhỉ,
Tiết lạnh của mùa đông xứ Mỹ đã về.
Ngày vắn, đêm dài rét lạnh thích ghê,
Đời người sao lắm cái say mê kỳ lạ.

Tết ta sắp đến rồi… vui lên cái đã,
Gát chuyện âu lo đón “Tân Sữu” bước vào.
Con “trâu mới’ vào nhà,… mọi sự đổi mau,
Năm châu, bốn bể sẽ đón chào hạnh phúc!

Xuân Tân Sửu!… với vạn lời ta xin chúc,
Chúc hết sầu lo, đuổi dịch “Vũ Hán” rời xa.
Chúc An- Vui, chúc Hạnh – Phúc đến mọi nhà,
Chúc vui vẻ, nâng ly  xuân này xin chúc !

                          *
                   *            *

Còn vài hôm nữa là tháng hai rồi nhỉ,
Tiết lạnh mùa Đông của xứ Mỹ đã về,
Mùa lạnh xứ người đón tết ta đẹp ghê,
Lấy “bông tuyết” thế cho mai vàng luôn thể.

Ly rượu mừng,uống một mình ta đâu dễ,
Tự rót, tự mời…. tự uống hết mình ta.
Nợ tang bồng ta bốn bể chính là nhà,
Thêm năm nữa: ĐÓN TẾT TA…. TRỜI LẠNH QUÁ!



LÝ BỬU LỘC
CHUYỆN TẾT XỨ NGƯỜI
Còn vài hôm nữa là tháng hai rồi nhỉ!
Tiết lạnh mùa Đông của xứ Mỹ nặng nề.
Năm nay lại gặp chuyện “Đại Dich” thật ghê,
“CÔ – 19” đã giết người vô số kể.

Tết gần kề, không khí im lìm như thế,
Như buộc tay, trói chân… tù túng mọi bề.
Cô “Vũ Hán – 19” nầy thiệt là ghê,
Nam nữ, trẻ già cô ta đều không nể.
Gần tết  xứ người năm nay… là như thế!

                         *
                  *             *

Còn vài hôm nữa là tháng hai rồi nhỉ,
Tiết lạnh của mùa đông xứ Mỹ đã về.
Ngày vắn, đêm dài rét lạnh thích ghê,
Đời người sao lắm cái say mê kỳ lạ.

Tết ta sắp đến rồi… vui lên cái đã,
Gát chuyện âu lo đón “Tân Sữu” bước vào.
Con “trâu mới’ vào nhà,… mọi sự đổi mau,
Năm châu, bốn bể sẽ đón chào hạnh phúc!

Xuân Tân Sữu!… với vạn lời ta xin chúc,
Chúc hết sầu lo, đuổi dịch “Vũ Hán” rời xa.
Chúc An- Vui, chúc Hạnh – Phúc đến mọi nhà,
Chúc vui vẻ, nâng ly  xuân này xin chúc !

                          *
                   *            *

Còn vài hôm nữa là tháng hai rồi nhỉ,
Tiết lạnh mùa Đông của xứ Mỹ đã về,
Mùa lạnh xứ người đón tết ta đẹp ghê,
Lấy “bông tuyết” thế cho mai vàng luôn thể.

Ly rượu mừng,uống một mình ta đâu dễ,
Tự rót, tự mời…. tự uống hết mình ta.
Nợ tang bồng ta bốn bể chính là nhà,
Thêm năm nữa: ĐÓN TẾT TA…. TRỜI LẠNH QUÁ!

                                                                   LÝ BỬU LỘC
MÙA CHAY TRONG TÌNH CHÚA

Đời người như dòng nước,
Theo năm tháng chảy hoài.
Qua bao nhiêu ghềnh thác,
Nước nhuốm đục nào hay.

Mùa chay xin dừng lại,
Ẩn náu trong tình Ngài.
Cho cõi lòng thanh thản,
Cho nhẹ bớt đôi vai.

Bằng hãm mình cầu nguyện,
Bằng bác ái hằng ngày.
Vui trong tình chay lạt,
Vác thập giá theo Ngài.

Mùa chay trong Tình Chúa,
Là sám hối sửa mình.
Là hy sinh giúp đỡ,
Là thứ tha tội tình.

            *
       *        *

Đời người như dòng nước,
Theo năm tháng chảy hoài.
Qua bao nhiêu ghềnh thác,
Nước nhuốm đục nào hay.

Mùa chay xin dừng lại,
Vui sống trong tình Ngài.
Tạm gác bao gánh nặng,
Dù đời còn khó khăn.

Mùa chay trong Tình Chúa
Là giữ gìn giới răn.
Là cầu nguyện chuyên cần,
Là giúp đỡ tha nhân.

LÝ BỬU LỘC
XA QUÊ BẠC LIÊU !
 
Bạn hỡi có về ngang Bạc Liêu,
Chuyển dùm lời nói: “NHỚ THƯƠNG NHIỀU!”.
 
                     *
                *.        *
Quê tôi:… bể cả ôm làng nhỏ,
Sông nước phù sa chở sớm chiều.
Thôn nhỏ bốn mùa xanh lúa mạ,
Thương rừng, nhớ bể,…kẻ đi xa.
 
Nhớ Đước thẳng băng như đũa cắm,
Cá tôm “kẹo nước” mỗi đêm rằm.
Nhớ muối mặn nồng tình dân tộc,
Nhãn thơm, ngọt lịm ủ tình thâm.
 
Nhớ ngày mưa, nắng nuôi vườn ruộng,
Nhớ mảnh trăng thanh rọi nẻo đường.
Nhớ sóng biển đêm ru giấc ngủ,
Nhớ “diều” trổi nhạc mỗi chiều thu.
 
Nơi đây!… tôi lớn theo ngày tháng,
Cơm gạo “Nàng Hương” nở nức nồi.
Cá rô kho tộ, canh cơm mẻ,
Bóng kèo kho lạt mật thắm môi.
Nhớ gió biển khơi mang hơi muối,
Ướp tình dân tộc mãi không phôi.
 
                      *
                *.          *
Bạc Liêu:…nắng bụi, mưa sình,
Mà sao nơi ấy nặng tình QUÊ- HƯƠNG!
 
LÝ BỬU LỘC

 
TÂM TÌNH NGƯỜI ĐẾN MUỘN

Anh là người làm vườn nho từ buổi sáng,
Tôi cũng làm vườn nhưng đến muộn chiều nay.
Chúa trả công cho anh và tôi cũng chỉ một ngày,
Đừng so sánh tị hiềm, mất đi hạnh phúc.

Anh là người làm vườn nho từ buổi sáng,
Tuy nhọc nhằn nhưng diễm phúc cạnh Cha.
Tuy nhọc nhằn nhưng nơi đó chính la nhà,
Là hạnh phúc trong vòng tay Cha mở rộng.

Còn phần tôi, người làm vườn nho đến trễ,
Được trả công như người đến tự sớm mai.
Rõ ràng đời tôi đã được đặc ân Ngài,
Vì Ngài hiểu nỗi khổ sầu người đến trễ.

Anh sáng sớm đã trong cảnh vườn tươi mát,
Được ngắm nhìn bao cây trái đẹp xinh tươi.
Được chở che trong tình nhân ái của Người,
Được yêu mến, dạy răn nghìn điều cao quý.

Tôi lúc ấy giữa chợ đời… trong lối bí,
Chưa tìm ra được chân lý sống ở đời.
Trên nẻo về nghe như lạc lõng chơi vơi,
Như thiếu vắng sự bình yên trong cuộc sống.

Đời lúc ấy: trên dầu sôi, trên lửa bỏng,
Dễ đốt thiêu hạnh phúc của gia đình.
Dễ làm mờ đi ánh sáng của tâm linh,
Dễ bán rẻ linh hồn này cho quỷ dữ.

Đường ngã rẽ không phân nẻo lành, lối dữ,
Không ai dắt dìu khi đường ấy gai chông.
Còn phần anh thì đã có Chúa ẵm bồng,
Nấn tay Chúa là anh an bình mọi sự.

Sung sướng, hạnh phúc đã bên anh thật sự,
Khi xác trần vừa mở mắt khóc chào đời.
Đã được nhận vào vườn nho đẹp thắm tươi,
Hưởng bóng mát của tình yêu Kitô hữu.

Tôi chúc mừng anh đã vào từ sáng sớm,
Tôi chúc mừng người đến trễ giống như tôi.
Bây giờ chúng ta như anh em cả rồi,
Hãy tô điểm vườn nho ngày thêm màu mỡ.

LÝ BỬU LỘC
TÌNH HOÁ NGHĨA !

Tình đầu:… là bầu trời thơ mộng,
Tình cuối:… là tình ” vợ – chồng” cao trọng trăm năm.

Thương nếp nhăn, quí nếp phong trần,
Buồn vui, vinh nhục hồng trần xẻ chia.

Thương mái tóc đã ngã màu sương tuyết,
Thương làn da héo úa bởi thời gian.
Cùng trải qua bao ngày tháng gian nan,
Tình hoá nghĩa nên ngàn vàng không đổi.

          *
    *.            *
Tình đầu:… là trăng sao mơ mộng,
Tình cuối:… nên nghĩa vợ chồng
giấc mộng trăm năm.
Thương quá đi cái lẩm cẩm,
Ghiền quá đi cái lằn nhằn…
Xa nhau thì nhớ, ở gần:… mệt tai.


Cũng thấy thương thương cái nhớ, cái quên mỗi ngày,
Thương ánh mắt lem hem đêm ngày luôn lo lắng.

Thương giọng nói:… yếu khàn bởi gió bụi thời gian ban tặng,
Đã cùng ta vượt thác, băng ngàn.
Đồng cam cộng khổ,
Vui buồn, vinh nhục, hạnh phúc, gian nan.

Trời đã thương nên đã cho ta nhận thấy rõ ràng,
TÌNH HOÁ NGHĨA !… nên VÔ VÀN TRÂN QUÍ.

LÝ BỬU LỘC
MỘNG BÌNH THƯỜNG

Xưa nghe ai:…”mộng bình thường !”
Thương dùm người ấy: hết đường tiến thân.
Nhưng thời gian cứ xoay dần,
Thuận buồm, ngược gió…thế trần đẩy đưa.

Bây giờ lòng thật xin thưa,
“Mộng bình thương” ấy!…thật chưa gì bằng.
“Mộng bình thường” cho xác thân,
Cơm no, áo ấm, người thân bên mình.

Ngày ngày hai buổi cầu kinh,
Sống trong Ân-Chúa!…gia đình an-vui.
“Mộng bình thường” đến với đời,
Xin luôn có được nụ cười hân hoan.

Cùng với cô bác xóm làng,
Yêu thương, hòa thuận…thiên đàng là đây!
Xẻ chia: vui, khó từng ngày,
Lá lành đùm rách!…trần ai gởi nhờ.

Vì đời tợ thể giấc mơ,
Tóc xanh mới đó, bây giờ điểm sương.
Nếm qua bể khổ thế thường,
Lắng lòng thấy rõ “bình thường” cao sâu !

“Bình thường !”:…đơn giản, khó cầu,
“Bình thường !”:…là chuyện hàng đầu cầu xin.
Hôm nay gởi chút tâm tình,
Cùng nhau suy gẩm: ” mộng bình thường” thôi.

Có nhiều giấc mộng ở đời,
Quyền uy, danh giá, tuyệt vời, cao sang.
Bất chấp: phải, trái, rõ-ràng,
Chủ tâm là thỏa chử “tham” ở lòng.

Được thì:…vui sướng nức lòng,
Chẳng được:…luôn mãi nằm trong bể sầu!
Được thì vẫn cứ: “lo âu!”,
Sợ lỡ bị mất :…bể sầu vương mang.

Giờ nghe ai: “mộng bình thường”,
Mừng thay!…người ấy “tỏ tường ý Cha”.
Cuộc đời nhẹ bớt phong ba,
Cám dổ, dục vọng…đã xa tâm hồn.
Chẳng ganh!…vì: có người hơn,
Chẳng thấy buồn chán!…khi còn khó khăn.

Biết thấy đủ ở thế trần,
An bình hồn, xác…mặc, ăn: no, lành.
Con cái: khỏe mạnh, hoc hành,
Công việc làm lụng…Trời dành: nuôi thân.

Những khi gặp cảnh khó khăn,
Gánh nặng, đau khổ!…nghìn lần gánh mang.
Cũng nên ý thức rõ ràng,
Mộng lòng xin Chúa:…bình an, bình thường !
LÝ BỬU LỘC
MAY,… MAI CÒN CHÚT GÌ ĐỂ NHỚ!
May,… mai còn chút gì để nhớ,
Đời ngược xuôi tợ mớ tơ vò.
Dăm niềm vui, vạn nỗi âu lo,
Thời gian chực cài then, khoá ngõ.

                *

          *.              *
May là còn chút gì để nhớ,
May là có chút gì để quên.
Mấy vạn ngày,… đời mãi lênh đênh,
Thuyền nhân thế:… vượt ghềnh, lướt thác.

Trải bao gian khó theo thời gian,
Mái tóc xanh giờ đây đã bạc.
Chợt nhớ, quên… nên chợt âu lo,
Mãi,… sợ quên cái tuổi học trò…
Sân trường cũ, “Ngựa Hoang” quên ngõ.

May là còn chút gì để nhớ,
May cũng còn chút gì để quên.
Theo thời gian,… nắng xế bên thềm
Mai,… sợ quên chuỗi ngày sương gió.

Kỷ niệm xưa!… khi mờ, lúc toả,
Áo nhà binh khoác tuổi học trò.
Hỏa châu sáng… rừng đêm rực lửa,
Chiến trận tàn dăm đứa ra đi.
(Chút giọt rượu nồng còn xót lại),
“Bình toong” chuyền tay chẳng cần ly…
Cũng đủ ấm tình người chiến sĩ.

May là còn chút gì để nhớ,
May cũng có chút gì sợ quên.
Bước thời gian lặng lẽ êm đềm,
Sợ cuốn mất dòng sông kỷ niệm.

“Diều tuổi thơ” bay theo gió lộng,
Cánh đồng quê lúa mới đơm bông.
Xa xa!… đỏ ối đám “lòng ròng”’
Cá lóc mẹ quanh đây táp móng.
Bầy cò ma đôi chân lỏng thỏng,
Đang loanh quanh đất hậu tìm mồi.

                        *

                *.                *

Tình:… đời, lính, tình quê thế thôi,
May, mai còn chút gì để nhớ!
LÝ BỬU LỘC
MÙI NẮNG SỚM
Ta đã đang nghe được mùi nắng sớm,
Mùi của sương mai vừa chớm hoá thân.
Mùi lộc non vừa nhú rộ trên cành,
Mùi:.. bông, cỏ dại đua tranh ngày mới.

Ta đã đang nghe được mùi hạnh phúc,
Mùi dứt khổ đau,… đến lúc an vui.
Mùi sỏi đá biết mặc lấy tình người,
Mùi oán hận được tiếng cười hoá giải.

Ta đã nghe tình yêu vang vọng lại,
Từ khởi nguyên và cho mãi nghìn sau.
Tình “Phục Sinh”,…tình cao trọng vẹn màu,
Đã bừng sáng trong tim ta mãi mãi.

Ta nghe được mùi vãi băng cuộn lại,
Bỏ đêm đen của quá khứ tối tăm.
Bước rời xa mồ chôn kín lỗi lầm,
Phá thành lũy “cái TA” trong cuộc sống.

Ta đã nghe tiếng thác reo đều đặn,
Rời xa nguồn,… kết hợp đổ về sông.
Bước ngao du sẽ tìm đến biển đông,
Nơi cùng đích chuyến “ trăm năm cuộc sống “!
                              *

                        *.            *

Ta đã đang nghe được mùi nắng sớm,
Mùi gió Xuân,…xoá khí lạnh mùa Đông.
Mùi Phục Sinh Tình Chúa đến với lòng,
Mùi yêu mến, bình an và hạnh phúc./.
LÝ BỬU LỘC
MỚI THOÁNG ĐÓ !

Mới thoáng đó mà bảy mươi năm rồi nhỉ,
Cuộc nhân sinh ngồi tính kỹ chẳng còn lâu.
Sương gió phong trần đường nét đã đậm sâu,
Theo ngày tháng,… tuyết phủ màu lên sợi tóc.

                    *

              *.            *
Giờ chân thấm mỏi chuyện đi ngang về dọc,
Chí tang bồng đã phủ lấp bụi thời gian.
Niềm vui dễ đến và cũng dễ ra đi…
Tợ gió heo may mơn nhẹ chiếc lá vàng.
Tợ cái bong bóng nước trong cơn mưa chiều,
Đẹp, mỏng manh nhưng rất dễ vỡ tan…
Trôi trên vỉa hè,… mà tuổi thơ ta gặp.

Mới thoáng đó tuổi đã bảy mươi rồi nhỉ,
Thôi thì “Nhân sinh thất thập cổ lai hi!”.
Cười cho đã,… ta tự chúc mừng ta đi,
Mừng “bô lão”… ta mừng ta là “bô lão”!

Chút lắng tâm,… cho dòng đời vơi chao đảo,
Hầu nhận ra cuộc nhân thế có là bao.
Ngày tháng rong chơi trần thế,… tạm vẹn màu,
Thôi thì thu xếp hành lý: nhẹ, gọn, mau…
Trả lại trái đất vui, trả hết nợ nần,
Chuyến tàu cuối,… vui tiễn chân ta
bạn nhé!

                            *

                  *.                *
Mới thoáng đó mà bẩy mươi năm rồi nhỉ,
Cuộc nhân suy ngắm  kỷ chẳng dài lâu.
Mới đó: tóc xanh,… giờ đã bạc mái đầu,
Mới “bô trai” đó,… giờ bắt đầu: “bô lão”.
LÝ BỬU LỘC
CASTLE  ISLAND & TA!

Sáng nay trời buồn,… chuyển mưa!
Bãi biển vắng thưa gió nhẹ sang mùa.
“Castle island” một ngày yên lắng,
Phút vui, nhàn… chờ ngắm “cảnh ngày mưa”.
                    *

            *.              *
Nhìn đàn Hải Âu buồn thiu,
Trên bờ đá dài rong rêu… ngủ gật.
Từng ngọn sóng nhỏ trườn bờ,
Rồi tự tan biến mất với thời gian.

Lững lơ mây xám lang thang,
Bay về kết tụ nên màng lệ mưa.
“Castle island” di tích có thừa,
“Đồn xưa” tường đá nắng mưa dãi dầu.

Bức tượng đá… đứng từ lâu,
Hình anh lính trận!… thấm sâu chữ tình.
Ta nhìn anh, ta thương mình,
Máu xương cùng đổ vì tình quê hương.
                      *

                *.            *
Sáng nay trời đẹp,… trong xanh,
Gió Xuân thổi nhẹ lay cành lộc non.
“Castle island” rộn tiếng cười dòn,
Bộ hành thưởng ngoạn… đường mòn dấu chân.

Hải Âu tung lượn trời xanh,
Gọi đàn vang dội kết thành nốt thơ.
“Tượng anh lính!”… đẹp như mơ,
Bao hình lưu niệm,… anh chờ đợi ai?

Bước phong trần,… vẫn bước Hoài,
Một, hai, ba, bốn… đếm hoài không thôi.
Tôi thương anh, tôi thương tôi,
TÌNH NGƯỜI LÍNH CHIẾN TRỌN ĐỜI VẬY THÔI!
LÝ BỬU LỘC
NGẬM NGÙI

Vành nón anh nghiêng nghiêng,
Dường như che luôn cho trường sơn hùng vĩ.
Đôi “giày-sô” bê bết bùn,
Với chiếc áo trận bạc màu,
Anh đã ủ kỷ cả tình quê.

  *

*        *

Anh ra đi đây là mang trọn một nguyện thề.
Anh vì đất Mẹ !
Vì quê hương,
Vì non sông gấm vóc.

Anh vì Mẹ Việt Nam!
Vì nước Việt mến yêu đã đau khổ quá nhiều,
Bởi bom đạn gây nên nhiều thương đau, tang tóc.

Anh vì non sông,
Vì con kênh,
Vì khúc lạch thân yêu.
Mà ở đây có những buổi chiều,
Có dáng cô thôn nữ buông lỏng mái chèo,
Cho chiếc thuyền nhỏ, nhẹ trôi xuôi theo …dòng nước.

Anh vì trường sơn,
Vì núi rừng,
Mà ở đây,… ôi chao sao nhiều nuối tiếc.
Bởi bóng dáng giặc thù đỏ kéo về,
Đã giết chết  những ngày tháng  yên vui.

                            *

                    *.              *


Thế nên anh luôn chắc với niềm tin,
Gắng hết sức mình, bảo vệ Tự Do chân lý.

Nhưng rồi, ngày 30 tháng 4 nghe tin…

ANH BẬT KHÓC !
LÝ BỬU LỘC
XIN THIÊN CHÚA CHÚC LÀNH

54, 75 !… ông cha ta di tản,
Thương Việt Nam nhỏ nghèo, hoạn nạn triền miên.
Thương con dân Việt chịu gian khổ, muộn phiền,
Bao cánh chim nhỏ đã đôi phen dời tổ.


Đời lang bạt đi tìm: TỰ DO bến đỗ,
Mưa gió xứ người mong có chỗ nương thân.
Như cánh chim kia bị ná đã nhiều lần,
Luôn nơm nớp lo sợ cành cong, nhánh đổ.

Năm nay “Dịch Vũ Hán” gây nhiều cơ khổ,
Gieo tang thương, khó tìm thấy chỗ bình an.
Thiên tai, bão lụt… sạt lở đất kinh hoàng,
Thế giới đối diện cảnh hoang tàn, đổ vỡ.

Nhìn “Đường Tơ Lụa” mộng bá quyền đáng sợ,
Cộng thêm “lưỡi bò” , đang liếm vớ biển Đông.
Thế giới có cùng nỗi lo lắng trong lòng,
Hàng  ngày thời sự luôn luôn là nóng bỏng.

Nhớ 54, 75  hai lần phân ranh Quốc – Cộng,
Luôn  khắc ghi, luôn trĩu nặng ở trong lòng.
Đang phiêu bạt xứ người,… một kiếp lưu vong,
Cầu Thiên Chúa ban ơn lành trong kiếp nạn.

                          *
                  *              *

54, 75  ông cha ta di tản,
Thương nước Việt nhỏ nghèo, kiếp nạn triền miên.
Thương dân Việt Nam luôn gian khổ, muộn phiền.
Bao cánh chim nhỏ đã bao phen dời tổ.

Nhờ Trời thương, xứ người chim đà xây tổ,
Trú gió mưa, bớt vất vả những ngày qua.
Chim ngàn có tổ, chồn cũng có hang nhà,
Nơi ngả lưng tạm trong những buổi chiều tà…
Nên quyết giữ “tổ – hang” Trời cao ban tặng.

Quyết là vậy, nhưng sức người thì có hạn,
Là gì đâu, thân chùm gửi chẳng bám sâu.
Cũng công dân, cũng mang nghĩa vụ đi bầu,
Làm hết sức, còn cái kết quả ước cầu…
Thôi thì: “Tận nhân lực để tri thiên mệnh!”..

                               *
                       *               *

54, 75 ông cha ta di tản,
Hai lần đi,… phải là định số bởi Trời xanh?

Từng sợi tóc rơi là mệnh số Trời dành,
Kính xin Thiên Chúa  luôn thương yêu ban tặng…
Muôn ơn thiết cần trong năm TÂN SỬU này,
Cho quê hương, cho thân nhân, cho bè bạn,.


LÝ BỬU LỘC
PHỤC SINH CHÚA ĐẾN VỚI LÒNG

Bức tường cong, nhác lòng nên không sửa,
Cố trét tô, cố bào chữa hộ cho lòng.
“Chẳng đến đổi nào, xí xóa chút là xong,”
Rồi để vậy nhưng ra vào lòng không ổn.

Đến một hôm lôi hết: bào, cưa, đục đốm,
Quyết chữa cho xong cái thấp thỏm ở lòng.
Gỡ hết vách ra gọt đẻo lại bên trong,
Thật vất vả, nhưng được căn phòng xinh đẹp.

Nhờ vậy nghĩ đến lòng: “Những nơi chật hẹp”,
Quyết mở toang để sửa chữa cho đẹp bên trong.
Mặc dù khó khăn nhưng an ổn ở lòng,
Phục sinh đến!… là phải sống vui đời mới.

Thoát đam mê, lòng tìm bình an mà tới,
Biết sẻ chia và không thủ lợi riêng mình.
Sống với tình yêu, lớn mạnh với niềm tin,
Vì thấy rõ Chúa Phục Sinh trong mình đó.

                      *
                *          *

Phục Sinh đến! vui thử làm vài việc nhỏ,
Thương giúp kẻ khổ đau để tỏ tấm lòng.
An ủi, khuyên răn, chia sẻ với cảm thông,
Những khốn khó cảnh đời đang trong giông bão.

Chúa Phục Sinh!… Đổi hoang đàng nên hiếu thảo,
Vứt bỏ nhỏ nhen, tạo bác ái tràn đầy.
Nhìn cuộc đời luôn có Tình Chúa dựng xây,
Mắt đã sáng và tim yêu đang mở cửa.

Chúa Phục Sinh!… Khơi niềm tin thêm rực lửa,
Bằng chứng rõ ràng: “Đã mở cửa tâm hồn.”
Các Thánh Tông Đồ chẳng lo sợ thiệt hơn,
Đã mạnh dạn làm chứng nhân cho Tình Chúa.

Phục Sinh đến!…xin mở rộng lòng hơn nữa,
Quyết mời Ngài vào để ngự giữa tâm hồn
Để mọi việc làm thêm tốt đẹp thêm hơn,
Sống có Chúa sẽ tốt hơn trên mọi sự.

Năm nay Phục Sinh, kính xin Ngài đến ngự
Ở trong con và tâm sự mãi với con.
Để luôn luôn Tình Yêu Chúa được vuông tròn,
Dù gánh nặng hồng trần vẫn còn vương nặng.

LÝ BỬU LỘC
NGHIỆP NHÀ  BINH !

Thương câu “Chiến hữu vai huynh  đệ”,
Cuộc sống chẳng nề chữ tử sinh.
Anh đến chiến trường làm pháo thủ,
Tôi yêu đời lính:… nghiệp nhà binh.

              *

       *.            *

Tôi đã quen đường bay đạn pháo,
Anh thuộc lòng tọa độ địch quân.
Chiến trường, máu lửa vui tình bạn,
Thơ vẫn hồn nhiên kể chuyện tình.


Nhớ khi hoả pháo thay trăng sáng,
Thương buổi mưa chiều phủ đạn bom.
Anh vẫn tiếng cười vang trên máy,
Tuyến lửa!…bên nhau  bạn xóm chòm.

Mưa bom, lửa đạn quanh hầm nhỏ,
Áo trận,…phong-sương tuổi học trò.
Tao-mầy!…thân quá trong tình lính,
Lên máy vài câu quên lửa binh.

Băng tầng liên lạc “SANG SÔNG NGẮN”,
Tán gẩu vài câu… Huế lắm tình.
O nhỏ dể thương “CHÈ CỒN HẾN”,
Xôi gà buổi sáng, chợ ĐÔNG-BA.

Chiều hôm THƯƠNG BẠC vui trăng sáng,
GIA HỘI !…quán nghèo “TA với TA”.
Nâng chén “THIÊN-TƯỜNG” quên mưa bụi,
Cạn cóc “ĐÔNG-HIÊN”,…lính xa nhà.
            *

       *.        *

BÂY GIỜ VẠN NẺO, ĐỜI MUÔN NGÃ,
BIẾT ĐẾN BAO GIỜ TA GẶP TA? 
LÝ BỬU LỘC 
(Tặng các bạn ĐỀ-LÔ của TĐ11PB/SĐ1).
TRỔ MÃ HÓA “20”!
“Cô 19” quấy rầy lâu nay buồn quá,
Giờ nghe đâu “Cô” trổ mã hoá “20”.
Nhanh nhẹn, dữ dằn… rợn danh khắp đất trời,
Năm châu bốn bể không mời,…“Cô” cũng tới.

                 *
           *.           *

Nghe đâu hổm rày “Cô” quấy rầy quá đổi,
Khiến dân Việt nghèo giờ lắm nỗi thương đau.
Bệnh hoạn, tóc tang… kế sinh nhai, áo cơm,
Tất cả đã trở thành ác mộng vướng mang.
Phần công nhân, sống đô thị cũng chẳng đặng, 
Mà trở về quê thì:… rào ngăn lối cản.

Nghe đâu đây “Cô-19” đổi tên sửa dạng,
Mỹ-Tây gọi: “Delta”, mình bảo: “đeo- ta”.
Trốn “Cổ” đeo ta … thì nhớ giản cách xa,
Bằng ngược lại thì cuộc đời nầy “KHÓ THỞ!”.
                   *
            *.            *

“Cô-19” sau năm dài, nay biến dạng,
Dữ dằn hơn xưa… gieo tang tóc như mưa.
Á sang Âu, nghe tên chẳng phải dạng vừa,
Thứ lì lợm, chẳng mời “Cô-2” cứ ở.

Lạy đất trời xin cho tình duyên trắc trở,
Để đừng lụy vương, đừng để “Cổ” đeo ta.
“Cô 2” ơi!… xin hãy buông thả phận già,
Hết xí quách mà còn gặp “CÔ ĐEO TA”…
THỬ HỎI: … CÒN HƠI ĐÂU THÂN GIÀ NẦY THỞ ?


LÝ BỬU LỘC
MUỐI ĐỜI
Hạt muối đời!
Anh vớt tự trùng khơi,
Giữa phong ba, bão tố của cuộc đời .
Thời gian khổ,
Mồ hôi đổ…
Đã đắng mình nên muối mặn.
         *

     *.      *
Hạt muối đời!
Đậm đà, 
sắc son …tình nặng.
Dành cho quê hương,
Và dành cho cả những người thương.
Để cùng vui,
Trên những nẻo đường vui,
Hay để xẻ chia trên những nẻo đoạn trường.
Để cùng vấn vương,
Cùng sánh vai…
Trên những quảng đường dài gánh nặng.
                *

            *.       *

Hạt muối mặn!
Được lắng đọng từ đau thương,
Nên mặn mà ẩn trong tình nặng.
Ròng rã từng ngày,
Âm thầm tan rã chẳng chút vấn vương.

Dòng đời vẫn nhạt nhẽo,
Muối vẫn trân mình tan rã bình thường.
Tình của Muối là vậy,
Và khi vướng mang tình Đời là vậy.

                 *

           *.        *

Hạt muối đời !
Ta đã vướt tự trùng khơi.
Thời gian khổ,
Mồ hôi đỗ … đã đắng mình nên muối mặn.

LÝ BỬU LỘC
ĐẤT KHÁCH GẶP BẠN GIÀ

Hơn 40 năm đất khách bôn ba,
Mấy bửa rày có một “thằng bạn già”,
Từ vùng trời Houston Texas bay qua…
Thiệt tình mấy ngày rồi vui quá xá!
Rượu tình,
Rượu đời…có dịp “say hết ga”.

                     *
               *.         *
Suôl à !
Thoáng mắt một cái,
Tao, mầy, Tuấn mập… cả ba đứa đã già.
Già thì già,
Nhưng còn chút hơi là…
Còn cùng nhau vui ca.

Già thì kệ già,
Nhưng còn chút hơi là…
Cùng kể lại chuyện xưa xa,
Sao thấy lòng vui lạ.
Thấy lại một khung trời tươi như hoa,
Ở cái lứa tuổi thiệt xưa xa.
Rồi tiệc vui nào cũng qua!

Sáng sớm hôm nay,
Mầy lên máy bay.. . về Houston Texas.
Tạm biệt ông bạn già…
không biết tới chừng nào mầy mới trở qua ?

               *
           *.       *

Hơn 40 năm đất khách bôn ba,
Mầy không quản ngại đường xa…
Ghé Boston thăm lại nhóm bạn già.

Và rồi mầy đã trở về Houston Taxes,
Tuy mầy xa… đường xa !
Nhưng Boston nầy còn vang mãi tiếng mầy ca.

BÀI: “TÌNH EM BÁN SỮA ĐẬU NÀNH”
“Và EM ĐẠP CHIẾC XE MÀU XANH !”

Tụi tao ở lại Boston… nhớ mầy đã đành,
Giờ lại nhớ thêm cô em bán sữa đậu nành…
Và nhớ luôn chiếc xe đạp màu xanh!

LÝ BỬU LỘC
NHƯ CƠN GIÓ THOẢNG!

Thế nào cũng có một ngày,
Chuyến tàu đời ta dừng ngay ga cuối.
Cát bụi trả về cát bụi,
Buông bỏ buồn vui lại cõi ta bà.

Níu sao được!… như cơn gió thoảng,
Đến từ đâu, bay mất về đâu?
“Có= không, không=có” thật thâm sâu,
Tàu đỗ bến!… chi đâu nuối tiếc?
Anh mới đó, đa đoan mọi việc,
Chị hôm qua tha thiết bên con.
Thế hôm nay từ bỏ chẳng còn,
Như gió thoảng đầu non… rồi mất.
Vậy mà đời vẫn nhiều tất bật,
Lắm âu lo cái mặc cái ăn.
Buồn-vui, thương-ghét nhọc nhằn,
“Sóng bể khổ cỏi hồng trần” là vậy.
              *

      *.            *
Thế nào cũng có một ngày,
Chuyến tàu đời ta dừng ngay ga cuối.
Cát bụi trả về cát bụi,
Sẵn sàng hay chưa khăn gói rời tàu?

Nán sao được!… cửa tàu phải đóng,
Bác phu kia khoá cổng rời ga.
Là thân tạm gởi cỏi ta bà,
Như cơn gió thoảng qua,… rồi mất.
Xin lòng ta:… ngộ điều thiết thực,
Tìm buồn vui chẳng mất đâu xa.
Hạnh phúc không?… bởi ở lòng ta,
Giản đơn thôi, chẳng hạn như là,
Lòng vui đủ… chính là hạnh phúc.
                      *

              *.            *

Thế nào rồi cũng đến ngày,
Chuyến tàu đời ta dừng ngay ga cuối.
Cát bụi trở về cát bụi,
Trả lại buồn vui cho cỏi ta bà.
Trăm năm!… chớp mắt đã qua,
Như cơn gió thoảng vuột xa mất rồi.
Bèo hợp tan lẽ thường thôi,

“SỐNG SAO TRỌN ĐẸP MỘT ĐỜI MÌNH ƠI!”.
LÝ BỬU LỘC
HẠT BỤI
Thêm mùa hè trôi qua,
Tuổi mỗi ngày một già .
Nhìn cây rừng thay lá,
Cảnh xế chiều không xa.
               *
         *.          *

Đâu có chi là lạ,
Ai ai cũng vậy mà .
Tuổi gần kề thất thập,
“Cổ lai hy” …đợi ta.

Tóc giờ đã trắng xoá
Mắt không kiếng,… thấy nhoà.
Chưa dầm mưa đã lạnh,
“Lực bất tòng tâm” ta.

Thôi cái gì …thì cái,
Quá khứ đã trôi xa.
Tương lai thì mai tới,
Bận tâm chi tuổi già.

Thôi cái gì …thì cái,
Cười cho vui trước đã.
Dù gối mỏi chẳng sao,
Tai có lãng cũng kệ,
Câu nệ chi tuổi già.

Thôi cái gì …thì cái,
Hôm nay, vui hôm nay.
Ngày mai, để mai tính,
Kiếp nhân sinh chẳng dài .

Thôi cái gì … thì cái,
Cười cho vui trước đã.
Đã cái đời phong ba,
Cuối cùng thì cũng già.
             *
       *.          *
Thôi cái gì … thì cái,
Cười “đứt hơi”…mới đã.
Đã một đời phong ba!

Cuối cùng thì cũng già,
HẠT BỤI ! … HOÁ THÂN TA
LÝ BỬU LỘC
THEO DÒNG ĐỜI !

Chuyện:…”dâu -bể” buồn vui lẫn lộn,
Theo dòng đời pha trộn với thời gian.

Chút ngọt bùi, chút đắng cay,
Cứ bồi đắp thêm sau mỗi chặng đàng.
Chừng ngoảnh lại thật bàng hoàng,
Cuộc chơi dương gian… rõ ràng như mộng.

Chút công danh chốn bụi hồng,
Trôi qua, trôi qua vô cùng nhanh chóng.
Tuổi đời chiều,
Giờ như lạc lõng giữa “chợ thời gian”.

Lực bất tòng tâm !
Bánh xe lăn như khựng lại giữa đàng.
Tiến cùng dòng chảy chẳng kham,
Thoái lùi lại cũng rõ ràng… mất lối.

Thôi thì nép lại bên lề,
An vui với những gì có thể.
Mặc cuộc đời dâu bể cứ tuôn trôi,
Để thế hệ sau tiếp nối với đời.

TA XIN GÁT KIẾM, RỬA TAY,
TÌM AN LẠC TRONG NHỮNG NGÀY CÒN LẠI !
LÝ BỬU LỘC
XIN  ĐƯỢC TRỞ VỀ!

Đời Ta là “dòng sông mê”,
Êm đềm theo nguồn trôi về “bể khổ”!
Ngập chìm sóng ái, mưa ân,
Được thua, buồn vui… tợ làn sóng vỗ.
Đời Ta là “ dòng sông mê”,
Êm đềm theo nguồn trôi về “bể khổ”!
Nhục vinh phủ trải đôi bờ,
Đắp bồi nghiệp duyên: tham, sân, ái, nộ.
Dần dà xa cội quên nguồn,
Bão tố, phong ba… mịt mờ bến đỗ.
                *
        *.              *
Đời Ta là “dòng sông mê”,
Miệt mài đêm ngày trôi về “bể khổ”.
Quá nữa đường,… giờ mới ngộ,
Danh tợ phù vân, tiền như phấn thổ.
Quyết trả lại chuyện đam mê,
Xin ơn trên một lối rẽ quay về.
Xin trút ngược “dòng sông mê”,
Cho linh hồn ta trôi về “bờ giác”.
Xin có một ngày an lạc,
Nơi ấy:…Tình Yêu, Bụi Cát Nên Người!
                    *
            *.              *
Đời Ta là “dòng sông mê”,
Xin chảy ngược dòng, không về “bể khổ”.
Mong thấy nguồn ơn cứu độ,
Mạch nước sạch trong… sơn cùng, thủy tận.
Đấy là điểm của khởi nguyên,
Đấy là đích điểm của chuyện trở về!
LÝ BỬU LỘC
BỜ GIÁC
Gác lại lo toan cho tâm hồn thanh thản,
Đổ bớt đam mê để nhẹ gánh quay về.
Trời chiều, đường đời… dài: “vạn dặm sơn khê”,
Lòng ta hỡi!… thôi hãy hướng về bờ giác.

Nhẹ danh lợi, cột trói buồn vui trôi dạt,
Cắt bớt cái “TÔI”… đỡ nặng vác đường dài.
Trăm năm trôi dạt, phiêu bạt cỏi trần ai,
Sớm hay muộn cũng có một ngày trở lại.
                        *

                *.              *
Gác lại lo toan cho tâm hồn thanh thản,
Thoáng nghĩ kiếp nhân sinh kỳ hạn chẳng dài.
Cởi bớt tham, sân cho nhẹ khỏe đôi vai,
Để u tối nhường cho an vui trở lại.

Đường Ta đi có lắm hoa tươi cỏ dại,
Cũng dẫy đầy biết bao ghềnh thác chông gai.
Lữ khách đường xa cứ nhẹ bước từng ngày,
Buồn vui, vinh nhục…. đến hoài theo cuộc sống.

Như thoáng đó giờ đã bước vào mùa Vọng,
Giáng Sinh năm nay ta nguyện sống trong Ngài.
Mơ thành hang “BêLem”… để ấp ủ Chúa hoài,
Quên đi gánh nặng hằng ngày trong cuộc sống.

                            *

                    *.              *

Gác lại lo toan cho tâm hồn thanh thản,
Giữ trọn điều răn… mạnh dạn bước theo Ngài.
Giáng Sinh năm nay ta xin được nắm tay,
Thân bằng, bạn hữu để cùng Ngài Vui bước.

LÝ BỬU LỘC
THỜI KHẮC BIỂU MỚI


Sau hơn 33 năm làm lụng vất vả quên giờ giấc ở xứ người , cuối cùng thì thành quả cũng đến!

Tiền lương hưu tháng đầu tiên từ cơ quan tài chính Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ đã trực tiếp chuyển đến trương mục ngân hàng của Lý… tuy số ngân khoản rất khiêm tốn nhưng cũng tạm đủ để chi tiêu vào cái ở, cái ăn, cái mặc cho cuộc sống hằng ngày, món tiền hưu này đã giúp Lý khỏi phải lo toan ở tuổi về chiều.
Đây  là niềm vui và cũng là sự hãnh diện của một công dân tị nạn chính trị ở xứ người như Lý đây,… đã sống tốt và đã làm tròn nhiệm vụ như bao người công dân bản xứ này là: CÙNG CHĂM CHỈ LÀM VIỆC LÚC TUỔI TRẺ & VUI HƯỞNG QUYỀN LỢI HƯU TRÍ KHI VỀ GIÀ.
Cuộc sống là như vậy, biết lo lắng tích lũy khi thanh xuân thì lúc tuổi xế chiều của mình sẽ không phải là một gánh nặng cho con cái, cho gia đình và xã hội.

Số tiền hưu bổng này cũng đã được trừ tiền mua bảo hiểm để lo cho sức khỏe và thuốc men khi cần. Phần còn lại với con số thiệt khiêm tốn, Lý cũng phải lo chi trả cho tiền thuế đất và tiền mua bảo hiểm nhà cửa, cộng thêm tiền bảo hiểm cho một chiếc xe để di chuyển làm chân … v.v.
Nói tóm lại: “ tri túc, tiện túc đãi túc hà thời túc… tri nhàn, tiện nhàn đãi nhàn hà thời nhàn!” là vậy thôi.

Lý tự suy ngẫm: …
“Ở cái tuổi già này rồi thì cái ăn, cái mặc … chẳng bận tâm mấy, miễn ăn  có đủ no và mặc có đủ ấm là được, còn tối hôm thì có chỗ để ngả lưng ( như chim có tổ, chồn có hang) thế là đủ an vui rồi”.
“Ở cái tuổi này ai ai cũng đều công nhận sức khỏe và tinh thần mới là điều quan trọng. Bởi từ cái kinh nghiệm trong bao nhiêu năm tháng dài bươn chải trong cuộc sống thì tất cả đều nhận ra rằng: vật chất, tiền bạc còn có thể tìm thấy được bởi sự giúp đỡ hay mượn vay từ gia đình, từ thân nhân, hoặc là bè bạn, nhưng sự “vui- khỏe” thì không thể nào vay mượn ai được. Bởi thế cho nên Lý đã phải tự đặt vấn đề này lên sự quan trọng hàng đầu cho chính mình.

Lý tự đặt cá nhân mình vào một thời khắc biểu mới:
Thời khắc biểu này không lệ thuộc lắm vào chiếc đồng hồ treo trên tường cũng như tấm lịch ngày tháng của từng năm.

Thời khắc biểu mới với mục tiêu: VUI – KHỎE!
1/- Cố gắng: “ngủ sớm và thức dậy sớm mỗi ngày”.
2/- Cố gắng: “ăn uống đúng giờ giấc và đúng độ lượng”.
3/- Cố gắng: “tìm và duy trì những nụ cười vui cho cuộc sống “.
4/- Cố gắng: “nhớ những điều tốt đẹp và quên bớt những chuyện lo âu phiền muộn để dễ tìm thấy được những giấc ngủ an lành”.

Từng giây, từng phút yêu quý cái hiện tại mà mình đang có và luôn trao dồi, đổi sửa để không phải hối tiếc mai sau. Thời khắc biểu mới là như vậy đó, không ghi rõ ngủ hay thức bắt buộc lúc mấy giờ… miễn sao “SỚM” là được.

Thế là Lý đã không cần lo chỉnh đổi chiếc đồng hồ reo, không cần lo hôm nay là ngày thứ mấy trong tuần, miễn nhớ chữ “CỐ GẮNG” để luôn “VUI -KHỎE” là đủ.
Đơn giản cuộc sống ở cái tuổi về hưu của Lý là như vậy, cho nên thời khắc biểu mới của Lý cũng giản đơn theo như vậy. Vì những con số về giờ giấc từ chiếc đồng hồ, từ tấm lịch treo trên tường… giờ đã lu mờ hết rồi và đã được thay thế vào đó một hàng chữ: “CỐ GẮNG ĐỂ LUÔN VUI- KHỎE !”.
Đấy là “THỜI KHẮC BIỂU MỚI KHÔNG SỐ”  của Lý.

LÝ BỬU LỘC